Thủ tục rút gọn trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) là một “thủ tục đặc biệt” của tố tụng hình sự, là sự thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp, được thể hiện trong các Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp là: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục tố tụng rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng”. Tiếp đến Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã có chỉ đạo là: “xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”.
BLTTHS năm 2003 quy định Thủ tục rút gọn tại Chương XXXIV với 7 điều luật (từ Điều 318 đến Điều 324). Đến BLTTHS năm 2015, trên cơ sở kế thừa những quy định về thủ tục rút gọn của pháp luật hình sự trước đó và tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật, BLTTHS năm 2015 cũng quy định thành 01 Chương riêng (Chương XXXI) gồm 11 điều luật, tăng thêm 4 điều so với BLTTHS năm 2003 (từ Điều 455 đến Điều 465). BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thủ tục rút gọn như:
* Khi vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 456 của BLTTHS, Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Tòa án (CQĐT - VKS - TA) phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Như vậy, đã có sự thay đổi cơ bản so với Điều 320 của BLTTHS năm 2003: Xác định rõ trách nhiệm của CQĐT - VKS - TA là phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi thấy vụ án có đủ điều kiện áp dụng. Sự thay đổi này nhằm khắc phục tình trạng tùy nghi khi áp dụng thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2003 là VKS có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện.
* Thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn quy định thuộc về cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng chứ không quy định chỉ có VKS có thẩm quyền áp dụng như trước đây. BLTTHS năm 2015 còn mở rộng quy định áp dụng thủ tục rút gọn cả ở giai đoạn sơ thẩm và cả khi xét xử phúc thẩm. Quy định này tạo ra sự chủ động và linh hoạt trong áp dụng và tăng cường trách nhiệm của CQĐT - VKS - TA, tùy theo từng vụ án cụ thể và từng giai đoạn tố tụng để ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện.
* Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử được kéo dài thành 42 ngày để phù hợp với thực tiễn (BLTTHS năm 2003 quy định tất cả thời hạn chỉ có 23 ngày). Tổng thời hạn tạm giam cũng kéo dài hơn, từ 30 ngày theo BLTTHS năm 2003, quy định mới là 42 ngày theo BLTTHS năm 2015. BLTTHS còn quy định cả thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là không quá 22 ngày.
* Xét xử theo thủ tục rút gọn quy định trong BLTTHS năm 2015 quy định thành phần của phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm gọn hơn, chỉ do một Thẩm phán tiến hành (không có Hội thẩm tham gia). Đây là sự thay đổi cơ bản, có tính đột phá, cụ thể hóa Nghị quyết 49/NQ-TW và cũng là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Phiên tòa theo thủ tục rút gọn cũng không có phần nghị án. Quy định này khác hẳn quy định của BLTTHS năm 2003 ở Điều 324 là: Việc điều tra, truy tố thì theo thủ tục rút gọn, nhưng khi xét xử sơ thẩm thì lại được tiến hành theo thủ tục chung.
Việc tăng thời hạn giải quyết vụ án và thời hạn tạm giam ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử trong thủ tục rút gọn của BLTTHS năm 2015, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án, đảm bảo đủ thời gian giải quyết vụ án một cách chính xác, phù hợp với thực tế, nhưng vẫn rút ngắn thời gian giải quyết vụ án so với thủ tục chung. Khi đó, CQĐT - VKS - TA sẽ tích cực áp dụng thủ tục rút gọn trong thực tiễn, làm tăng hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời vẫn đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân.
Điều 456 BLTTHS năm 2015 quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
- Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
- Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
- Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng;
Điều 457 BLTTHS năm 2015 về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn quy định: Trong thời hạn 24h, kể từ khi vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, CQĐT - VKS - TA phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Như vậy, việc áp dụng thủ tục rút gọn là bắt buộc và cả 3 cơ quan đều có thẩm quyền ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ án có đủ điều kiện ở giai đoạn tố tụng của mình, chứ không phải chỉ ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, CQĐT đề nghị và VKS ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn như quy định cũ.
Khi áp dụng thủ tục rút gọn, thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sẽ nhanh hơn, tổng thời gian chỉ trong vòng 42 ngày kể từ ngày khởi tố vụ án. Tuy nhiên, quy định pháp luật là vậy, nhưng thực tiễn cho thấy, hiệu quả của chế định này chưa được như kỳ vọng của các nhà làm luật. Theo số liệu thống kê của ngành Kiểm sát Hà Nội, kể từ khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn như sau: năm 2018: 22 vụ, năm 2019: 29 vụ, 6 tháng đầu năm 2020: CQĐT có 12 vụ/29 bị can, VKS có 9 vụ/15 bị can, TA có 10 vụ/24 bị can.
Qua số liệu trên ta thấy, số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều. Vậy nguyên nhân tại sao số vụ án hình sự trong thời gian qua được giải quyết theo thủ tục rút gọn không nhiều so với tổng số vụ án hình sự?
Thực tiễn cho thấy, trong 4 điều kiện theo quy định tại Điều 456 để áp dụng thủ tục rút gọn, thì các điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú và Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng là khá rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện. Còn 2 điều kiện: “Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”; thì trong thực tiễn áp dụng pháp luật để điều tra, truy tố xét xử vụ án còn đang có nhận thức và cách áp dụng khác nhau trong một số trường hợp, dẫn đến, ở những vụ án nội dung tính chất tương tự nhau, nhưng có nơi áp dụng và có nơi thì không áp dụng để giải quyết theo thủ tục rút gọn.
Ví dụ: Trong các vụ án có ít bị can phạm tội quả tang, có nơi cư trú rõ ràng, chứng cứ rõ ràng, là tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng căn cước lai lịch, nhân thân bị can thì đã có tiền án, cần phải xác minh thu thập tài liệu để xác định Bị can đó thuộc trường hợp tái phạm hay không tái phạm. Hoặc như, trong các vụ án phạm tội quả tang, án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, nhưng vụ án đó lại có nhiều bị can trong vụ án.
Với các vụ án thuộc loại này, thời gian tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh thu thập chứng cứ, nhân thân lai lịch… sẽ mất khá nhiều thời gian. Vậy thì các vụ án thuộc loại này có phải là trường hợp: Phạm tội đơn giản - lý lịch rõ ràng hay không? Có làm án rút gọn được không?
Thông thường, để giải quyết một vụ án theo thủ tục rút gọn, trước hết bắt đầu từ CQĐT, sau đó áp dụng tiếp theo để giải quyết ở giai đoạn truy tố của VKS rồi mới đến giai đoạn xét xử của TA. Tuy nhiên, với những quy định mới đã được bổ sung, sửa đổi về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2015, thì một vụ án có thể không áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn điều tra, do cần nhiều thời gian để thu thập chứng cứ về nhân thân, lai lịch… nhưng vụ án đó sau đó lại có thể áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn truy tố hoặc xét xử, nếu như đáp ứng đủ điều kiện của Điều 456 BLTTHS. Vì vậy, cần có sự nhận thức thống nhất và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để áp dụng thủ tục đặc biệt này sao cho phù hợp và hiệu quả, để khi có vụ án đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn là phải được thực hiện theo thủ tục này.
Quy định pháp luật là vậy, thế nhưng số án được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn không nhiều. Từ thực tiễn công tác, chúng tôi nhận thấy do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, hiện còn tâm lý “ngại” áp dụng thủ tục rút gọn vì thời gian ít, muốn giải quyết vụ án theo thủ tục chung để có thời gian dài hơn. Trong khi áp lực công việc thì ngày càng nhiều, số lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hiện nay thì mỏng, mà có hàng loạt việc phải làm, phải thực hiện. Hơn nữa, giải quyết các vụ này lại đan xen trong các vụ án khác, cần phải sắp xếp sao cho hợp lý, để giải quyết cho phù hợp.
Hoặc như vụ án đó đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, nhưng lại xảy ra vào các dịp như nghỉ Tết, nghỉ lễ dài ngày, có khi mất tới 9 ngày. Trong khi tổng thời gian điều tra, truy tố, xét xử tối đa theo thủ tục rút gọn chỉ có 42 ngày (điều tra 20 ngày - truy tố 5 ngày - xét xử 17 ngày).
Thứ hai, mặc dù thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam đã được tăng thêm 8 ngày, lên đến 20 ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều tra thu thập chứng cứ ở một số vụ án gặp khó khăn, mất nhiều thời gian để thu thập tài liệu cần thiết như: Để có kết quả định giá tài sản thì nhanh nhất cũng một tuần, có khi kéo dài cả tháng, hoặc như việc xác minh tiền án, tiền sự của bị can, nếu là người trong địa bàn thì còn nhanh, nhưng nếu là người địa phương khác thì mất cả tháng hoặc hơn, nếu vụ án có nhiều bị can thì thời gian giải quyết còn bị tăng lên hơn nữa.
Một nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận là, các cơ quan tố tụng “sợ” bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Vì việc điều tra, truy tố, xét xử án theo thủ tục rút gọn thời gian ngắn hơn thì dể xảy ra sai sót hơn.
Thứ ba, nhiều cán bộ của CQĐT - VKS - TA vẫn chưa nắm bắt, chưa nhận thức được những thay đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 về thủ tục rút gọn nên vẫn cho rằng việc áp dụng thủ tục rút gọn phải từ giai đoạn điều tra, bắt đầu từ CQĐT, còn việc truy tố, xét xử là sự áp dụng tiếp theo. Chính vì vậy, đối với một số vụ án gặp khó khăn, trở ngại nhất định (như đã nêu Ví dụ ở phần trên) thì khi các khó khăn, trở ngại đó đã được giải quyết xong, có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết nhưng VKS hoặc TA không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Để thực hiện có hiệu quả các quy định về thủ tục rút gọn trong BLTTHS năm 2015, khắc phục các hạn chế nêu trên, tăng số vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn trong thời gian tới, đề nghị:
* Đối với Bộ luật TTHS - Đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng:
Bổ sung thêm điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn với người đầu thú: Sửa điểm a khoản 1 Điều 456 thành “Người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó đầu thú, tự thú”. Bổ sung đối tượng là người đầu thú vào luật, để áp dụng thủ tục rút gọn cho những trường hợp, người phạm tội đầu thú và đáp ứng đủ các điều kiện còn lại của Điều 456. Thực tế cho thấy, có khá nhiều trường hợp đối tượng phạm tội ra đầu thú và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Điều 456, nhưng lại không giải quyết vụ án theo hướng rút gọn được vì không đủ điều kiện của điểm a khoản 1 Điều 456.
Quy định rõ hơn về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Đề nghị sửa khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 rõ hơn, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn theo hướng: Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (cho cả 3 giai đoạn), hoặc áp dụng ở giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện của Điều 456.
Khi đó sẽ khắc phục được những trường hợp: Trong giai đoạn điều tra, do có những vướng mắc về thời điểm (xảy ra vào dịp nghỉ Tết, nghỉ lễ dài…), hoặc cần thời gian cho việc giám định, định giá hoặc cần xác minh về nhân thân, trích lục tiền án tiền sự, nơi cư trú hoặc lý lịch… dẫn đến khó đáp ứng về thời gian để áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra. Nhưng sang giai đoạn truy tố, xét xử sơ thẩm thì vụ án đã đáp ứng đầy đủ điều kiện và thời gian để áp dụng thủ tục rút gọn, thì phải quyết định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
* Đối với liên ngành cơ quan tư pháp:
Cần đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt, nâng cao nhận thức của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự; cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của từng ngành về các hoạt động cụ thể trong điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn, nhằm làm thay đổi cả về nhận thức và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là phải áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ điều kiện, không được né tránh, tùy nghi khi áp dụng.
Cơ quan tiến hành tố tụng địa phương có thể ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết án rút gọn, trong đó quy định chi tiết, cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện và thủ tục áp dụng thủ tục rút gọn. Đưa việc áp dụng thủ tục rút gọn vào hệ thống chỉ tiêu cơ bản của từng ngành, để xếp loại thi đua đối với tập thể, cá nhân trong việc xét khen thưởng hàng năm. Trong quá trình triển khai thi hành đề nghị lưu ý một số vấn đề sau:
Tiến hành rà soát BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhằm xác định cụ thể các loại tội phạm có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Thống nhất quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ án, trong một số trường hợp cụ thể, để áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử, từ đó có kế hoạch tổ chức, phân công tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục này cho phù hợp.
Việc áp dụng thủ tục rút gọn sẽ gắn liền với các quy định của BLTTHS năm 2015 về việc tham gia của người bào chữa. Vì vậy, đối với các vụ án được tiến hành theo thủ tục rút gọn, ngay khi có quyết định tạm giữ người phạm tội quả tang hoặc người phạm tội tự thú, CQĐT phải thực hiện ngay các quy định của pháp luật liên quan đến người bào chữa để vừa đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo vừa đảm bảo thời gian giải quyết vụ án./.