CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tỉnh Quảng Ninh nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thông qua ứng dụng "số hóa hồ sơ án" với công tác đào tạo cán bộ

11/09/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Thời gian qua, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã vận dụng linh hoạt, kết hợp sử dụng 03 phương pháp là "cử cán bộ giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa" kết hợp với "số hóa hồ sơ" và "tổ chức tham dự rút kinh nghiệm phiên tòa" nhằm tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo cán bộ của đơn vị.

Trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp cũng như trong công tác xây dựng Ngành, VKSND tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng tới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là công tác đào tạo tại chỗ, như: Phân công Kiểm sát viên (hoặc lãnh đạo) trực tiếp kèm cặp và giúp đỡ Kiểm tra viên, Chuyên viên; cử Kiểm tra viên, Chuyên viên tham dự phiên tòa để học tập, rút kinh nghiệm; cử Kiểm tra viên, Chuyên viên cùng Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường, tử thi… để học hỏi phương pháp, thao tác nghiệp vụ và rút kinh nghiệm thực tiễn.

Tuy nhiên, do Kiểm tra viên, Chuyên viên không được giam gia quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa (do Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định) nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đào tạo của đơn vị, nhất là việc rèn luyện về tâm lý, cách ứng xử tại nơi đông người, rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, phương pháp tranh luận, đối đáp tại phiên tòa. Mặc dù Kiểm tra viên, Chuyên viên đã được tham dự các phiên tòa rút kinh nghiệm nhưng số lượng không nhiều; đồng thời, việc tham dự và trực tiếp tham gia phiên tòa khác nhau về vị trí pháp lý, tâm lý… nên việc tiếp cận học tập và rèn luyện cũng khác nhau về mức độ.

Bởi vậy, khi so sánh Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm với Thẩm phán mới có thể thấy: Thẩm phán mới tiếp cận việc điều hành, thực hiện các hoạt động xét xử tại phiên tòa nhanh hơn, bản lĩnh nghề nghiệp, thái tộ tâm lý tốt hơn Kiểm sát viên. Sở dĩ có điều này vì trước đó, trong suốt quá trình làm Thư ký phiên tòa, họ đã được trực tiếp thực hiện một số hoạt động tố tụng tại phiên tòa; do đó, họ có cơ hội được học tập nâng cao năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp.

Trước thực trạng trên, với trách nhiệm không ngừng đổi mới trong đào tào đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, tạo nguồn cán bộ để thi, bổ nhiệm Kiểm sát viên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, áp dụng đồng bộ các biện pháp, cách thức làm mới. Theo đó, lãnh đạo VKSND tỉnh đã nghiên cứu, họp bàn và thống nhất xây dựng biện pháp đột phá "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thông qua việc gắn ứng dụng số hóa hồ sơ vụ án phục vụ việc trình chiếu tài liệu, chứng cứ với công tác đào tạo tại chỗ".

Đơn vị thường xuyên thực hiện việc cử Kiểm tra viên, Chuyên viên giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa; đồng thời, kết hợp với số hóa hồ sơ và tổ chức tham dự rút kinh nghiệm phiên tòa. Việc cử Kiểm tra viên, Chuyên viên giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa là biện pháp nổi bật, hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ tại chỗ để các Kiểm tra viên, Chuyên việc trực tiếp giúp việc, học tập, rèn luyện nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và bản lĩnh.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí
trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2019 cho VKSND tỉnh Quảng Ninh

Theo thống kê, từ ngày 01/8/2019 đến ngày 01/02/2020, cả hai cấp Kiểm sát tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện phân công 241 lượt cán bộ giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa; tiến hành số hóa 143 hồ sơ và kiểm sát xét xử 73 vụ án có số hóa hồ sơ. Kiểm tra viên, Chuyên viên giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa (một số vụ án đã phân công Kiểm sát viên sơ cấp giúp việc Kiểm sát viên trung cấp) thực hiện việc theo dõi, ghi chép diễn biến phiên tòa; đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, trình chiếu các loại tài liệu đã được số hóa; có một số vụ còn đề xuất với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hỏi thêm để làm rõ một số tình tiết liên quan hoặc giúp Kiểm sát viên chuẩn bị các nội dung đối đáp, tranh luận để làm rõ bản chất vụ án. Đồng thời, đơn vị còn tổ chức cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên hai cấp tham dự rút kinh nghiệm 124 phiên tòa (trong đó có 37 phiên tòa phối hợp với Tòa án rút kinh nghiệm chung, 07 phiên tòa rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến.

Việc vận dụng linh hoạt, kết hợp sử dụng 03 phương pháp là "cử cán bộ giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa" kết hợp với "số hóa hồ sơ" và "tổ chức tham dự rút kinh nghiệm phiên tòa" là cách làm mới nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo tại chỗ của VKSND tỉnh Quảng Ninh. Bởi lẽ, việc số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu tại phiên tòa do các cán bộ giúp việc cho Kiểm sát viên ngay từ giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin, kiểm sát điều tra đã tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ, nắm được nội dung, tình tiết vụ án nên mang lại hiệu quả cao hơn; đồng thời, bổ sung biện pháp "tổ chức tham dự rút kinh nghiệm phiên tòa" sẽ giúp hoàn thiện kỹ năng cho cán bộ, Kiểm sát viên trong xử lý tình huống và tranh tụng tại phiên tòa. Từ đó, giúp cán bộ tự đào tạo thao tác nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử và quan trọng nhất là rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp trong thực tiễn công tác.

TG
Tìm kiếm