Là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt và là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số gần 9 triệu người, điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, Hà Nội đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn thành phố cũng có những diễn biến phức tạp, nhất là các loại vi phạm, tội phạm mới với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, một bộ phận thanh niên thất nghiệp, không có việc làm ổn định; số đối tượng hình sự ở các địa phương khác tập trung về thành phố Hà Nội để hoạt động tội phạm, tạo thành ổ nhóm hoạt động rất manh động... Đây là những nguyên nhân cơ bản tác động đến công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của VKSND thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2020, VKSND hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý và kiểm sát giải quyết một số lượng rất lớn tố giác, tin báo về tội phạm. Trong quá trình kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đã kiểm sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc, chất lượng các nhiệm vụ của ngành như: yêu cầu khởi tố vụ án, yêu cầu thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án, trực tiếp huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án… Viện kiểm sát đã tiến hành kiểm sát trực tiếp tại các Cơ quan điều tra; phối hợp với Cơ quan điều tra, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tiến hành kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm đối với nhiều Công an xã, phường, thị trấn. Việc ban hành kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm đảm bảo kịp thời và có căn cứ. Nhìn chung, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã đi vào nền nếp, đạt được những kết quả tích cực, tuân thủ nghiêm túc BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01 ngày 29/12/2017 của Liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đảm bảo xử lý vụ việc một cách triệt để, thống nhất, đúng quy định pháp luật, tránh oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, Cơ quan điều tra hai cấp đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát bàn bạc, đánh giá và thống nhất hướng giải quyết, đảm bảo vụ việc được giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng vi phạm về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật: Cơ quan điều tra không chuyển hoặc chậm chuyển thông báo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đến Viện kiểm sát; không gửi hoặc chậm gửi quyết định, thông báo tạm đình chỉ kèm theo hồ sơ giải quyết đến Viện kiểm sát... Ngoài ra, một số Cơ quan điều tra vẫn tiếp nhận, thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết, dẫn tới tài liệu được thu thập trong quá trình điều tra không đúng quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn thành phố Hà Nội, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của VKSND tối cao về Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND để đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nắm chắc các chỉ tiêu cơ bản, trong đó có chỉ tiêu về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Hai là, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội về việc phân công lãnh đạo phụ trách lĩnh vực, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Ba là, phân công Kiểm sát viên có năng lực thực hiện nhiệm vụ thụ lý kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên rà soát, đối chiếu số liệu thụ lý với Cơ quan điều tra và các cơ quan khác có liên quan theo quy chế phối hợp về tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Bốn là, tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nắm chắc tiến độ, hồ sơ giải quyết, kịp thời yêu cầu kiểm tra, xác minh. Thực hiện triệt để việc lập biên bản đánh giá chứng cứ, thống nhất xử lý giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên trước khi kết thúc xác minh. Đối với các vụ việc về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, phải kịp thời đề xuất lãnh đạo việc yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế việc tẩu tán tiền, tài sản.
Năm là, quá trình kiểm sát, thực hiện tốt việc phát hiện, tổng hợp, tích lũy vi phạm pháp luật và kiên quyết kiến nghị khắc phục vi phạm. Đồng thời, nâng cao khả năng phân tích, đánh giá các thiếu sót, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế để kiến nghị phòng ngừa vi phạm.
Sáu là, duy trì việc giao ban liên ngành định kỳ; nếu cần thiết, chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra họp bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là đối với các tội phạm mới, các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Việc thực hiện đồng bộ 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sẽ giảm thiểu các hạn chế, thiếu sót trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, đảm bảo mọi hành vi phạm tội được xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; thông qua đó, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Viện kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trong tình hình mới.