CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Vướng mắc về việc truy nã đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn

14/10/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Pháp luật hiện hành chưa quy định thời gian cụ thể để Cơ quan thi hành án hình sự cấp có thẩm quyền ra quyết định truy nã đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn, từ đó gây khó khăn cho công tác thi hành án hình sự.

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, thì những đối tượng bị truy nã gồm có:

- Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

- Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn.

- Người bị kết án phạt tù bỏ trốn.

- Người bị kết án tử hình bỏ trốn.

- Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, những vấn đề về truy nã “người bị kết án phạt tù bỏ trốn”, mà cụ thể là đối với “các trường hợp bị kết án phạt tù đang tại ngoại”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự năm 2019: “Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.

Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt…”

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 cũng có quy định như sau:

“1. Người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, khi có quyết định thi hành án nhưng bỏ trốn thì Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù được tại ngoại ra quyết định truy nã...”

Có thể thấy, điểm chung của những quy định trên là đều giao cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn mà không hề ấn định thời gian khi nào sẽ ra quyết định truy nã sau khi đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ (như đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả; đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn...).

Trên thực tế, có nhiều trường hợp Tòa án đã ra văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh tiến hành truy nã người bị kết án phạt tù tại ngoại bỏ trốn, nhưng Cơ quan thi hành án hình sự lại kéo dài thời gian tiến hành xác minh, tra hỏi, truy tìm, kiểm tra lai lịch… (mặc dù những biện pháp này, trên thực tế không mất quá nhiều thời gian để thực hiện), từ đó dẫn đến việc chậm ra quyết định truy nã, làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án hình sự, mang lại hệ lụy nhiều vấn đề, như là người bị kết án có thể phạm tội mới hoặc có thời gian để bỏ trốn ở một nơi xa xôi, hẻo lánh, đến khi ra quyết định truy nã thì sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình truy bắt; mà hơn hết, việc kéo dài thời gian xác minh, kiểm tra và chậm ra quyết định truy nã sẽ không đúng theo nguyên tắc đã được pháp luật quy định, đó là: Việc truy nã phải nhanh chóng, kịp thời và phải đúng người, đúng hành vi phạm tội, bảo đảm tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật.

Xét thấy, để việc truy nã và tổ chức truy bắt người bị kết án phạt tù tại ngoại bỏ trốn được thực hiện theo đúng tinh thần của pháp luật, bảo đảm việc thực thi bản án được nghiêm chỉnh, trong thời gian tới Liên ngành Tư pháp trung ương cần sớm sửa đổi, bổ sung hoặc có Thông tư liên tịch mới thay thế Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012, trong đó cần phải quy định thời gian cụ thể việc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ (xác minh, tra hỏi, truy tìm, kiểm tra lai lịch, đặc điểm nhận dạng đối tượng,…) của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trước khi ra quyết định truy nã và thời gian ra quyết định truy nã sau khi đã tiến hành thực hiện xong các biện pháp nghiệp vụ./.

Hoài Thương

(vkscantho.vn)
Tìm kiếm