CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tối cao ban hành hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham dự phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự

18/10/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham dự phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự (kèm theo Quyết định số 371/QĐ-VKSTC).

Theo đó, Quy định này hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, gồm các giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa, kể từ khi Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa đến khi kết thúc kiểm sát quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Các hoạt động của Kiểm sát viên cần thực hiện trước khi tham gia phiên tòa, gồm: Nghiên cứu hồ sơ; báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án; lập hồ sơ kiểm sát; dự kiến diễn biến phiên tòa; dự kiến câu hỏi tại phiên tòa; dự thảo văn bản phát biểu; chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Các hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Theo dõi và ghi chép diễn biến tại phiên tòa; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự; thời hạn mở phiên tòa; trình bày kháng nghị của Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị; kiểm sát việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị (nếu có); Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án tại phiên tòa; kiểm sát thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện những hoạt động sau: Gửi văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên, báo cáo kết quả xét xử; kiểm sát quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; kiểm sát việc giải thích, sửa chữa quyết định; gửi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; hoàn thiện, lưu hồ sơ kiểm sát.

Tại Quy định này còn hướng dẫn chi tiết các hoạt động của Kiểm sát viên cần thực hiện trước, trong và sau phiên tòa, như: Nghiên cứu hồ sơ kiểm sát trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị hoặc Chánh án Tòa án kháng nghị; thực hiện thẩm quyền rút kháng nghị của Viện kiểm sát; kiểm sát việc rút kháng nghị của Chánh án Tòa án; kiểm sát thẩm quyền của Hội đồng xét xử…

File đính kèm
TL (giới thiệu)
Tìm kiếm