CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kinh nghiệm trong công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế

09/01/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Với những giải pháp và sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị nói chung, của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong thời gian qua đã được phát hiện, nhiều đối tượng phạm tội có chức vụ, quyền hạn cũng đã bị khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ...

Với những giải pháp và sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị nói chung, của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn trong thời gian qua đã được phát hiện, nhiều đối tượng phạm tội có chức vụ, quyền hạn cũng đã bị khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.

Trong đó, phải nói đến những giải pháp của ngành Kiểm sát nhân dân đã triển khai thực hiện, trong đó có vai trò của Vụ nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cũng như sự phối hợp thực hiện của các Viện kiểm sát địa phương, bảo đảm cho hoạt động điều tra được thực hiện kịp thời, khách quan, xử lý triệt để, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Năm 2018, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Viện trưởng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) đã tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, tỷ lệ án truy tố đạt 85,7%, tỷ lệ án xét xử đạt 86,7%. Một số vụ án được dư luận quan tâm như: Vụ án Đinh La Thăng cùng đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ án Phạm Công Danh cùng 45 đồng phạm xảy ra tại ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam; vụ án Hứa Thị Phấn cùng 27 đồng phạm xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín; vụ án Đặng Thanh Bình cùng đồng phạm “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; vụ án Trần Phương Bình cùng 25 đồng phạm xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á...

Hiện nay, Vụ 3 VKSND tối cao cũng đang giải quyết các vụ án lớn, như: Vụ án Trần Bắc Hà cùng các đồng phạm “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); vụ án Lê Nam Trà “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tổng công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị có liên quan (vụ AVG); vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm về tội buôn bán thuốc chữa bệnh giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma và giai đoạn 2 các vụ án Trần Phương Bình, Hứa Thị Phấn; đặc biệt là giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm đã khởi tố các vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại các công ty thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tại Vinashin để điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt của lãnh đạo các công ty này trong việc nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank.

Để đạt được những kết quả nêu trên, Vụ 3 VKSND tối cao đã thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiệp vụ theo hướng “phân công rõ người, rõ việc, ấn định thời gian hoàn thành”, đề cao trách nhiệm cá nhân của Lãnh đạo Vụ và Kiểm sát viên, lựa chọn, phân công Lãnh đạo Vụ chỉ đạo và Kiểm sát viên phù hợp với từng vụ án, vụ việc cụ thể; hằng tuần, Lãnh đạo Vụ và Trưởng phòng rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện từng các vụ án, vụ việc, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các phòng, của các đồng chí Kiểm sát viên, đề xuất khen thưởng kịp thời các đồng chí có thành tích đột xuất, xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng vụ án cụ thể. Thực hiện việc kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên. Qua kết quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá cán bộ công tâm, khách quan (không cào bằng trong đánh giá cán bộ); những biện pháp thực hiện trong công tác của Lãnh đạo Vụ, của Kiểm sát viên đều được đưa ra các cuộc họp giao ban để thảo luận đánh giá, thống nhất thực hiện trong Vụ. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là ý thức, trách nhiệm của Lãnh đạo Vụ, Kiểm sát viên được nâng lên, các chỉ tiêu đều được tăng lên rõ rệt so với năm 2017, như: Tỷ lệ giải quyết án tại Cơ quan điều tra đã tăng 19% (78,8%/59,8%), tỷ lệ giải quyết án tại Viện kiểm sát tăng 11,5% (92,3%/80,8%), số vụ án đã xét xử tăng 130% (30 vụ/13 vụ).

Thứ hai, chỉ đạo Kiểm sát viên chủ động xây dựng kế hoạch kiểm sát điều tra. Trong kế hoạch, phải xác định rõ nội dung, biện pháp cụ thể và xác định rõ thời gian hoàn thành cũng như chất lượng, hiệu quả và hoạt động kiểm sát. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên, bám sát việc giải quyết vụ án ngay từ đầu; chủ động yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra, tham gia hoạt động điều tra và trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để nhanh chóng thu thập tài liệu, chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp, đánh giá tài liệu, chứng cứ một cách khách quan, toàn diện; nếu thấy cần thiết, phải yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng ngay biện pháp tạm giam để phục vụ công tác điều tra, giải quyết vụ án. Kết quả được thể hiện trên các mặt công tác, vụ án, vụ việc cụ thể như sau:

- Kiểm sát viên chủ động nắm bắt nội dung vụ án, vụ việc và quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc trước đó để có định hướng yêu cầu điều tra, xác định những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, như: Vụ Trịnh Xuân Thanh phải xem xét lại toàn bộ nội dung và quá trình giải quyết vụ án từ năm 2010 cùng những vấn đề phát sinh trong giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án Nguyễn Hòa Bình “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cienco 5 (kết quả xét xử vụ án này là cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm); hoặc trong vụ án Đinh La Thăng phải nắm bắt quá trình giải quyết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xác định các hành vi vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; tương tự như vậy là vụ án AVG, vụ án Trần Bắc Hà.

- Các vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại các công ty thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, liên quan đến việc chiếm đoạt các khoản tiền ngân hàng Oceanbank chi lãi ngoài khi các công ty này gửi tiền vào ngân hàng Oceanbank. Với các vụ án này, quá trình điều tra ban đầu chỉ có lời khai của đối tượng đưa tiền; các đối tượng nhận tiền là những người có chức vụ, quyền hạn tại các công ty đều không thừa nhận việc nhận tiền. Để giải quyết vụ án, Kiểm sát viên đã chủ động phối hợp và trực tiếp cùng Điều tra viên xét hỏi, đấu tranh để thu thập các chứng cứ chứng minh việc nhận tiền...; đồng thời, cùng Điều tra viên lấy lời khai của các đối tượng đưa tiền, làm rõ từng chi tiết của việc đưa tiền, như: Địa điểm, thời gian, cách thức giao, nhận tiền và các tài liệu, chứng cứ xác định các đối tượng giao và nhận tiền tại địa điểm giao tiền, để đánh giá lời khai của đối tượng đưa tiền có phù hợp và khách quan hay không; từ đó, chủ động yêu cầu và phối hợp với Cơ quan điều tra khởi tố bị can và áp dụng ngay biện pháp tạm giam đối với bị can. Kết quả, sau khi khởi tố, các bị can đã thừa nhận hành vi nhận tiền, cùng với đó, bị can và gia đình bị can đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, để thu về cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

- Ngay từ trước giai đoạn khởi tố và trong suốt quá trình điều tra, Lãnh đạo Vụ 3 VKSND tối cao và Lãnh đạo Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Kiểm sát viên đã phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên trong việc thu thập, đánh giá, nắm chắc tài liệu, chứng cứ, nội dung vụ án nên nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, phức tạp đã được giải quyết, đảm bảo thời gian, tiến độ đề ra, như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Đinh La Thăng; vụ án Huỳnh Công Thiện sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết thúc điều tra, chỉ trong thời gian từ 03 ngày đến 07 ngày, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng nhưng vẫn bảo đảm tài liệu, chứng cứ, căn cứ buộc tội đối với các bị can.

Thứ ba, triển khai thực hiện có hiệu quả việc phân công nhóm Kiểm sát viên cùng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra một vụ án, cùng nghiên cứu một hồ sơ vụ án; đặc biệt, tạo nhóm các Kiểm sát viên ở các phòng khác nhau trong Vụ; từ đó, nhiều vụ án Kiểm sát viên tiếp cận bằng các góc nhìn khách quan khác nhau nên đã có những quan điểm đánh giá đa diện về vụ án, giúp Lãnh đạo có đường lối giải quyết đúng với bản chất của vụ án. Kết quả cho thấy, nhiều thiếu sót trong hồ sơ vụ án được phát hiện kịp thời, khắc phục ngay từ giai đoạn điều tra, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (tỷ lệ án Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung giảm 16,43% so với năm 2017, tỷ lệ án Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm 22,35% so với năm 2017); nhiều vụ án thời hạn giải quyết kéo dài nhiều năm, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần đã được giải quyết dứt điểm trong năm 2018, như: Vụ án Đặng Trần Hoàng “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ năm 2012 (Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung 07 lần); vụ án Hoàng Thế Trung và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinaconex; đặc biệt, vụ án xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma, sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Vụ 3 VKSND tối cao đã phân công nhóm Kiểm sát viên có năng lực, trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá, đề xuất đúng với bản chất của tội phạm trong vụ án này là: “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” không phải tội “Buôn lậu” như đã khởi tố, điều tra từ trước đến nay. Đồng thời, đơn vị tổ chức nhiều cuộc họp cấp chuyên viên liên ngành để yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi tội danh nhưng Cơ quan điều tra giữ nguyên quan điểm. Vụ 3 VKSND tối cao đã kiên trì bảo vệ quan điểm và đề xuất, báo cáo Lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương; sau đó, Lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương họp và thống nhất với quan điểm đề xuất của Vụ 3 VKSND tối cao, đã thay đổi tội danh và giải quyết đúng với bản chất của vụ án.

Thứ tư, triển khai và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa VKSND cấp trên với VKSND cấp dưới trong việc giải quyết các vụ án hình sự do VKSND cấp trên truy tố, phân công VKSND cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm. Trong đó, đã đề xuất và được Lãnh đạo Viện biệt phái 17 lượt Kiểm sát viên của Vụ 3 VKSND tối cao trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử 17 vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, như: Vụ Đinh La Thăng, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Hứa Thị Phấn, vụ Trần Phương Bình... Đến nay, 14 vụ án đã được xét xử. Kết quả, do các Kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ vụ án và phối hợp chặt chẽ với Thẩm phán trong quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử; cho nên, các vụ án này đều được đưa ra xét xử nhanh chóng, kịp thời, không có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. 

Thứ năm, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, đối với việc giải quyết vụ án Hứa Thị Phấn xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín, Vụ 3 VKSND tối cao đã yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của Hứa Thị Phấn để yêu cầu thay đổi tội danh từ “Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; từ đó, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với những bị can là người thân của bị can Hứa Thị Phấn và quyết liệt yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ nhiều tài sản là bất động sản, cổ phiếu, cổ phần của bị can Hứa Thị Phấn mà các đối tượng có quan hệ gia đình đứng tên, để kê biên, thu hồi khắc phục hậu quả. Kết quả, đã kê biên 158 bất động sản của bị can Hứa Thị Phấn và các đồng phạm tại các ngân hàng, 27 bất động sản của các cá nhân có liên quan và phong tỏa 26 tài khoản, chứng khoán, với tổng trị giá các tài sản khoảng trên 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ đã kê biên là 66,7% tài sản phải thu hồi (15.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ 3 VKSND tối cao nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức như:

Khối lượng công việc của đơn vị quá lớn, trong khi nguồn nhân lực thiếu, một số cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm chưa được đề cao, trong quá trình điều tra chưa bám sát được tiến độ điều tra, không định hướng, đôn đốc Điều tra viên thực hiện các yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra. 

Các vụ án, vụ việc về tội phạm kinh tế có khối lượng hồ sơ rất lớn, việc thu thập tài liệu, chứng cứ kéo dài, lĩnh vực kinh tế có rất nhiều văn bản điều chỉnh; do đó, dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc kiểm tra, xác minh, điều tra kéo dài, không triệt để, quan điểm đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện đối tượng xử lý còn nhiều ý kiến khác nhau, nên các vụ án này đều phải chia thành các giai đoạn để giải quyết từng phần, nhiều vụ án bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mà một trong các nội dung là diện đối tượng xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm.

Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và giám định, định giá tài sản của các cơ quan quản lý chuyên ngành kéo dài, do không đảm bảo tiến độ, nội dung và không rõ ràng.

Trong một số vụ án, sự chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án chưa kịp thời, thiếu nhất quán trong nhận thức và đánh giá chứng cứ.

Trong thời gian tới, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, thiết nghĩ trước mắt cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiệp vụ theo hướng phân công rõ người, rõ việc, ấn định thời gian hoàn thành, đặc biệt là việc lựa chọn, phân công Kiểm sát viên phù hợp với từng vụ án, người được giao lãnh đạo, chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể; đề cao trách nhiệm cá nhân, tranh thủ sự lãnh đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao; chủ động và tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các phòng nghiệp vụ, các Kiểm sát viên như lựa chọn và phân công Kiểm sát viên ở các phòng nghiệp vụ vào tổ cùng giải quyết một vụ án.

Hai là, tổ chức các hội nghị chuyên đề nghiệp vụ tại đơn vị để tổng kết, rút kinh nghiệm nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Kiểm sát viên để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của đơn vị có bản lĩnh, năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiến hành tố tụng, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được toàn diện, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, rèn luyện kỹ năng xét hỏi, tranh tụng cho các Kiểm sát viên ở VKSND tối cao để nâng cao vị trí của ngành và đáp ứng yêu cầu cải cách  tư pháp.

Tiếp tục thực hiện việc đánh giá cán bộ qua kết quả công việc, rút kinh nghiệm công tác nghiệp vụ qua việc giải quyết các vụ án, vụ việc cụ thể, đồng thời, đề xuất biệt phái Kiểm sát viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đi thực tế tại các Viện kiểm sát địa phương.

Ba là, chủ động đề xuất để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Giám định tư pháp trình Quốc hội ban hành. Đề cao trách nhiệm của các cơ quan, giám định viên làm công tác giám định, định giá tài sản bảo đảm các cơ quan này bổ trợ tốt hơn cho công tác điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để nắm và quản lý ngay từ giai đoạn Cơ quan điều tra tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; đặc biệt, phối hợp với cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước để nắm chắc nội dung các vụ việc ngay từ khi các cơ quan này ban hành văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra, chủ động phân công Lãnh đạo, Kiểm sát viên phân loại, đề ra yêu cầu điều tra, xác minh, bám sát tiến độ kiểm tra, xác minh; phối hợp, bảo đảm việc giải quyết của Cơ quan điều tra có căn cứ, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp cần tăng cường phối hợp liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là trong các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các vụ án do VKSND tối cao phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.

Năm là, tích cực, chủ động bám sát tiến độ, nắm chắc nội dung vụ án, vụ việc, xác định những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, định kỳ, sơ kết, chuẩn bị kết thúc giai đoạn tố tụng phải có báo cáo, đề xuất để Lãnh đạo  xem xét giải quyết hoặc phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án, các cơ quan có liên quan giải quyết; đặc biệt là việc chấp hành Nghị quyết của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao, tăng cường thực hiện biệt phái Kiểm sát viên của Vụ 3 trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, chỉ đạo Kiểm sát viên được biệt phái phối hợp chặt chẽ với Thẩm phán được phân công xét xử vụ án trong quá trình chuẩn bị xét xử và quá trình xét xử vụ án để đánh giá, phân loại nhằm xử lý nghiêm minh đối tượng chủ mưu cầm đầu, khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực tự khắc phục hậu quả và hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng./.

Đỗ Mạnh Bổng, Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao

TCKS số 01/2019

(kiemsat.vn)

 

Tìm kiếm