Qua theo dõi kết quả công tác của VKSND các cấp và đánh giá, nhận xét của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, cho thấy: Trong thời gian qua, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm VKSND phải tạm dừng tiếp công dân, thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, dẫn đến một số chỉ tiêu công tác không đạt hoặc giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, qua kết quả thực tiễn cho thấy, công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có chuyển biến trên nhiều mặt. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm đưa công tác của Ngành được thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đạt yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, VKSND tối cao thông báo kết quả đạt được và rút kinh nghiệm một số vấn đề trong công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Ngành như sau:
Kết quả đạt được:
VKSND tối cao đã tăng cường công tác hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế nghiệp vụ và tiến hành tổng rà soát, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, kết quả các công tác này đã được Quốc hội đánh giá cao.
Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp được quan tâm thực hiện theo Chỉ thị số 35-CT/TW, một số VKSND cấp tỉnh tham gia tiếp công dân với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, một số đồng chí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh đã tích cực tham gia tiếp công dân cùng Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của toàn Ngành đạt 89,4% (giải quyết 1.896 vụ việc/2.121 vụ việc đã thụ lý); kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đạt 74,8% (ban hành văn bản kết luận 140 vụ việc/187 vụ việc đã thụ lý). Qua giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền và kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, một số VKS đã hủy các quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định tố tụng có vi phạm, sai sót để yêu cầu giải quyết lại theo quy định của pháp luật, điển hình là VKSND tỉnh Thái Nguyên, VKSND tỉnh Bình Phước. Tổng số VKSND các cấp đã chấp nhận nội dung khiếu nại về 88 vụ việc, trong đó, hủy 22 quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm để yêu cầu giải quyết lại tố giác tội phạm. Đồng thời, VKSND các cấp đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết, quản lý đơn do các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội chuyển đến, tại các VKSND cấp tỉnh, khi tiếp nhận đơn này đều được lãnh đạo VKS chỉ đạo ưu tiên xem xét, báo cáo kịp thời.
Ngoài ra, một số VKSND cấp tỉnh đã có biện pháp tăng cường thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, phát hiện và ban hành nhiều văn bản kiến nghị có chất lượng, mở rộng đối tượng kiểm sát trực tiếp ngoài cơ quan điều tra. Điển hình như VKSND tỉnh Quảng Ninh đã kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan điều tra, TAND, Kiểm lâm, Đồn biên phòng, đã ban hành 35 văn bản kiến nghị, trong đó có 01 văn bản kiến nghị UBND cấp huyện về việc xử lý, giải quyết khiếu nại về tư pháp (trái thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong TTHS).
Đối với việc xây dựng Báo cáo Quốc hội về công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV, nhìn chung, các VKSND cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, thời hạn gửi báo cáo, góp phần quan trọng cho việc xây dựng Báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại kỳ họp Quốc hội.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm cần rút kinh nghiệm như sau:
1. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Chất lượng giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền tại VKSND cấp huyện còn hạn chế, nhiều vụ việc nội dung giải quyết còn sơ sài, chưa nêu rõ được những căn cứ để kết luận nội dung khiếu nại; một số trường hợp giải quyết không đầy đủ hoặc không đúng nội dung khiếu nại, gây khiếu nại tiếp theo.
Qua báo cáo thống kê của VKSND tối cao, trong năm 2020, có 22 vụ việc khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự bị hủy do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm (chiếm 1,16% số vụ việc đã được giải quyết); 06 vụ việc khiếu nại chưa đảm bảo về nội dung và hình thức phải hủy, tổng số có 28 quyết định bị hủy (chiếm 1,47% số vụ việc đã được giải quyết). Ngoài ra, có 60 vụ việc vi phạm, sai sót, hầu hết là về trình tự, thủ tục hoặc nội dung sơ sài, dù không bị hủy, nhưng chủ yếu thuộc lỗi chủ quan của người thực hiện việc giải quyết, VKSND cấp trên phải rút kinh nghiệm.
Một số VKS cấp tỉnh gửi không đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đến Vụ 12 VKSND tối cao để theo dõi, kiểm tra theo quy định.
2. Công tác giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến VKSND tối cao
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Tỷ lệ giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội chuyển đến VKSND chưa cao; tiến độ giải quyết đơn và thông báo kết quả giải quyết đơn một số trường hợp còn chậm; một số trường hợp thông báo đã nhận được đơn, đang trong quá trình giải quyết nhưng sau đó lại không thông báo kết quả giải quyết.
Ngoài ra, việc báo cáo về kết quả giải quyết đơn do các Cơ quan chuyển đến tại một số VKSND còn thực hiện chưa đúng thẩm quyền. Theo Quy định tạm thời số 01/QyP ngày 03/4/2017 của VKSND tối cao, quy định về thẩm quyền ký văn bản thuộc thẩm quyền VKSND tối cao, đối với văn bản báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi các cơ quan cấp trên có thẩm quyền nói chung và Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKSND tối cao ký báo cáo; Thủ trưởng đơn vị hoặc Kiểm sát viên VKSND tối cao được ký thừa lệnh hoặc thừa ủy quyền Viện trưởng ký báo cáo kết quả giải quyết đơn do Đại biểu Quốc hội chuyển đến. Như vậy, tại VKSND cấp dưới, thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng ủy quyền mới được ký báo cáo về việc thụ lý, giải quyết đơn từ các nguồn nêu trên chuyển đến. Các trường hợp Kiểm sát viên, Trưởng phòng, Phó phòng VKSND các cấp không phải lãnh đạo VKSND mà ký báo cáo gửi các chủ thể nêu trên là không đúng quy định, chưa thể hiện sự tôn trọng đối với cơ quan, cá nhân có chức năng giám sát đã chuyển đơn.
3. Việc chấp hành chế độ báo cáo
Qua theo dõi báo cáo của VKSND cấp tỉnh gửi đến VKSND tối cao, có một số VKSND cấp tỉnh không gửi đầy đủ báo cáo tháng, 06 tháng; việc xây dựng Báo cáo Quốc hội không đảm bảo nội dung theo đề cương và gửi chậm thời hạn, ảnh hưởng đến việc tổng hợp, báo cáo chung của toàn Ngành. Bên cạnh đó, một số VKSND không thực hiện đúng thẩm quyền ký báo cáo theo ý quy định tại Điều 7 Thông tư số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP- 9 BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2018.
4. Khắc phục tồn tại, hạn chế
Qua nội dung đánh giá những tồn tại hạn chế trong công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp như trên, VKSND tối cao (Vụ 12) đề nghị:
- VKSND cấp tỉnh tổ chức quán triệt nội dung Thông báo đến các đơn vị, quận, huyện để rút kinh nghiệm chung, có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế đã được nêu trong Thông báo này.
- Đối với VKS địa phương có quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định tố tụng bị hủy, đồng chí Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chỉ đạo theo dõi việc giải quyết lại; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết lại tố giác, tin báo tội phạm hoặc các vụ án, vụ việc khác đã bị hủy yêu cầu giải quyết lại, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; kiên quyết xử lý những trường hợp người được giao nhiệm vụ thiếu trách nhiệm hoặc cố ý bỏ lọt hoặc làm oan sai (nếu có);
- Đối đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến VKSND các cấp có thẩm quyền giải quyết cần quản lý chặt chẽ, ưu tiên xử lý, giải quyết và lưu ý báo cáo, thông báo việc xử lý, giải quyết theo đúng quy định và đảm bảo yêu cầu.