CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn về hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hành chính

18/01/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 36/HD-VKSTC về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính.

Phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính là hoạt động tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa; vị trí, vai trò của VKSND trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; là cơ sở để nhân dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Theo đó, Hướng dẫn số 36/HD-VKSTC hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên ở giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính.

Về yêu cầu hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa. Cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Kiểm sát viên lưu ý những việc phải làm, những việc không được làm, cách xưng hô, thái độ ứng xử của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải tuân theo quy định tại các điều 4, 5, 6, 7 Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hoạt động xây dựng văn bản phát biểu của Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa bao gồm: Nghiên cứu hồ sơ vụ án; báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án; dự thảo đề cương hỏi và dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa; dự thảo văn bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo các quy định của pháp luật về phiên tòa; kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng; Kiểm sát viên thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị; Kiểm sát viên tham gia hỏi tại phiên tòa và phát biểu ý kiến tại phiên tòa; trình bày nội dung, cắn cứ của kháng nghị đối với phiên tòa phúc thẩm. Bên cạnh đó, văn bản này còn hướng dẫn Kiểm sát viên xử lý những tình huống khi tham gia phiên tòa như: Hoãn phiên tòa; tạm ngừng phiên tòa; tạm đình chỉ giải quyết vụ án; thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu tại phiên tòa và các vấn đề phát sinh trong quá trình hỏi, tranh luận, đối đáp…

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Kiểm sát viên kiểm tra biên bản phiên tòa để kiểm tra việc ghi nhận toàn bộ diễn biến phiên tòa từ khi bắt đầu đến khi kết thúc phiên tòa có đúng trình tự, thủ tục tố tụng và diễn biến tại phiên tòa hay không. Đặc biệt là đối với những vụ án mà quan điểm của VKSND và quan điểm của Hội đồng xét xử khác nhau, Hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của VKSND thì Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên tòa kịp thời, kỹ lưỡng, bảo đảm biên bản phiên tòa phù hợp với diễn biến khách quan tại phiên tòa. Trường hợp phát hiện biên bản phiên tòa có nội dung không đúng với phát biểu của Kiểm sát viên, diễn biến khách quan tại phiên tòa thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Thư ký phiên tòa ghi sửa đổi, bổ sung vào biên bản. Kiểm sát viên ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 166 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Điều 23 Thông tư liên tịch số 03/2016.

Trong Trường hợp Hội đồng xét xử quyết định khác quan điểm phát biểu của Kiểm sát viên, Kiểm sát viên báo cáo ngay kết quả xét xử vụ án với lãnh đạo Viện. Nếu quyết định giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, Kiểm sát viên dự thảo văn bản đề xuất lãnh đạo Viện kháng nghị phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.

TL (giới thiệu)
Tìm kiếm