CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự

25/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 94/QĐ-VKSTC quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cao về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Theo đó, Quy định này quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới (gồm: Trực tiếp kiểm sát của VKSND tối cao đối với Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; trực tiếp kiểm sát của VKSND cấp tỉnh đối với Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện; trực tiếp kiểm sát của VKSND cấp huyện đối với Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện) và quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự bao gồm:

1. Tham mưu, đề xuất lựa chọn Cơ quan thi hành án dân sự để trực tiếp kiểm sát. Trên cơ sở kết quả theo dõi hoạt động thi hành án dân sự, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các Cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) thuộc VKSND tối cao; Phòng 11, hay Phòng 8 đối với Phòng đã sáp nhập thuộc VKSND cấp tỉnh lựa chọn Cơ quan thi hành án dân sự để trực tiếp kiểm sát, dựa trên việc xem xét một số tiêu chí cơ bản như: Số lượng việc, tiền thi hành án; số lượng vụ việc thi hành án phức tạp; hoạt động thi hành án theo trọng tâm công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân.

Việc lựa chọn Cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới để trực tiếp kiểm sát có thể thực hiện theo các phương án: Lựa chọn nhiều cơ quan thi hành án dân sự hoặc chỉ lựa chọn một Cơ quan thi hành án dân sự cụ thể để đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định.

2. Xây dựng dự thảo Quyết định trực tiếp kiểm sát và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát. Việc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự ngang cấp hoặc cấp dưới phải dựa trên quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát của người có thẩm quyền. Hình thức và nội dung của Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát theo mẫu do VKSND tối cao ban hành. Thẩm quyền ký ban hành Quyết định, Kế hoạch trực tiếp kiểm sát và nội dung của các văn bản này thực hiện theo khoản 3 Điều 32 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSNDTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (sau đây gọi là Quy chế số 810). Khi trình ký Quyết định trực tiếp kiểm sát, đơn vị tham mưu phải trình kèm theo dự thảo Kế hoạch trực tiếp kiểm sát (đã có ký nháy của lãnh đạo đơn vị tham mưu).

Việc xây dựng nội dung Kế hoạch trực tiếp kiểm sát cần lưu ý một số vấn đề sau đây: Căn cứ vào Chỉ thị công tác năm của Ngành, Hướng dẫn của VKSND cấp trên và Kế hoạch, Chương trình công tác năm của đơn vị mình, nội dung của Kế hoạch trực tiếp kiểm sát có thể xác định kiểm sát toàn diện tất cả các lĩnh vực thi hành án dân sự hoặc chỉ lựa chọn một hoặc một số nội dung trọng tâm. Trong nội dung của Kế hoạch trực tiếp kiểm sát cần có yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, báo cáo bằng văn bản về hoạt động thi hành án dân sự theo nội dung, thời điểm đã nêu trong Kế hoạch trực tiếp kiểm sát. Lãnh đạo Viện kiểm sát làm Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới có thể do Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng (ở VKSND tối cao) hoặc Trưởng phòng (ở VKSND cấp tỉnh) làm Trưởng đoàn…

3. Viện kiểm sát phải gửi Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát cho Cơ quan thi hành án dân sự được trực tiếp kiểm sát trước 15 ngày kể từ ngày tiến hành trực tiếp kiểm sát (trừ trường hợp trực tiếp kiểm sát đột xuất); gửi cho Viện kiểm sát cấp trên để báo cáo; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan thi hành án dân sự được trực tiếp kiểm sát để phối hợp thực hiện (trong trường hợp trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới); gửi cho cơ quan quản lý cấp trên của Cơ quan thi hành án dân sự được trực tiếp kiểm sát để phối hợp (theo khoản 3 Điều 32 Quy chế số 810). Quyết định và Kế hoạch phải được gửi cho Ban pháp chế Hội đồng nhân dân để thực hiện việc giám sát trong trường hợp Ban pháp chế Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành giám sát. Trường hợp cần thiết có thể gửi cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự địa phương để biết.

4. Trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát phải có văn bản mời đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia giám sát. Thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát hoạt động thi hành án dân sự và giám sát hoạt động của Đoàn trực tiếp kiểm sát, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự và trong hoạt động trực tiếp kiểm sát.

5. Công bố Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát. Thành phần tham gia buổi công bố Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự do Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát thống nhất với Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự được kiểm sát. Nếu trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thì trong thành phần tham gia buổi công bố có đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát cấp dưới. Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát công bố nội dung Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát. Đoàn trực tiếp kiểm sát nghe Cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành án theo nội dung trực tiếp kiểm sát; đưa ra các yêu cầu cho Cơ quan thi hành án dân sự để phục vụ cho hoạt động trực tiếp kiểm sát; phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn, nhất là thành viên chịu trách nhiệm phối hợp để Cơ quan thi hành án dân sự biết và phối hợp thực hiện. Việc công bố Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát phải được lập biên bản theo quy định, lưu hồ sơ kiểm sát.

6. Tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trong quá trình trực tiếp kiểm sát. Các thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát dựa trên nội dung của Kế hoạch trực tiếp kiểm sát và sự phân công của Trưởng đoàn để tiến hành các hoạt động nghiệp vụ sau:

(1) Yêu cầu cung cấp hồ sơ việc thi hành án, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo; sổ nghiệp vụ; các báo cáo thống kê, báo cáo tài chính; các tài liệu, chứng từ có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự; các nội dung liên quan đến bảo quản, xử lý vật chứng để nghiên cứu, kiểm sát.

(2) Tiến hành nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, sổ, báo cáo.

(3) Lập phiếu kiểm sát hoặc lập biên bản về hoạt động kiểm sát tùy thuộc vào từng vấn đề liên quan. Phiếu kiểm sát là tài liệu được thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát lập khi phát hiện có vi phạm pháp luật như vi phạm trong việc ra các quyết định thi hành án, quá trình xác minh, hay áp dụng các biện pháp cưỡng chế, xử lý tài sản, v.v....

(4) Tiến hành xác minh vụ việc thi hành án, tài sản thi hành án hoặc những vấn đề cần thiết phục vụ cho hoạt động kiểm sát. Trong quá trình trực tiếp kiểm sát, nếu thấy cần thiết, thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát đề xuất việc trực tiếp xác minh vụ việc thi hành án, tài sản có liên quan đến việc thi hành án hoặc xác minh những nội dung cần thiết khác cho hoạt động kiểm sát thi hành án.

(5) Làm việc với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự. Trong quá trình trực tiếp kiểm sát, có thể có những vụ việc thi hành án phức tạp đã có chỉ đạo của Trưởng ban (hoặc của Ban) chỉ đạo thi hành án dân sự mà xét thấy cần làm việc với Trưởng ban (hoặc Ban Chỉ đạo nói chung) để có chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc thi hành án thì thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát đề xuất với Trưởng đoàn.

(6) Họp các thành viên trong Đoàn trực tiếp kiểm sát để trao đổi, thống nhất về các vấn đề có quan điểm khác nhau. Trong quá trình trực tiếp kiểm sát, nếu phát sinh những vấn đề có quan điểm khác nhau giữa các thành viên trong Đoàn, trước khi quyết định, Trưởng đoàn có thể tổ chức họp các thành viên để trao đổi, bàn bạc, thống nhất. Trường hợp không thống nhất được quan điểm thì Trưởng đoàn kết luận, chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Thành viên Đoàn trực tiếp kiểm sát có ý kiến khác được bảo lưu quan điểm. Đối với những vấn đề phức tạp, cần báo cáo lãnh đạo trên có thẩm quyền trước khi kết luận.

(7) Gia hạn thời gian trực tiếp kiểm sát, hoặc bổ sung nội dung trực tiếp kiểm sát trong trường hợp cần thiết. Trường hợp sắp hết thời hạn trực tiếp kiểm sát nhưng chưa tiến hành xong các nội dung trong Kế hoạch trực tiếp kiểm sát hoặc xác định cần thiết phải mở rộng nội dung trực tiếp kiểm sát để làm rõ vi phạm pháp luật, Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát báo cáo với người có thẩm quyền ký Quyết định trực tiếp kiểm sát gia hạn thời gian trực tiếp kiểm sát hoặc bổ sung nội dung trực tiếp kiểm sát.

(8) Ghi Sổ nhật ký Đoàn trực tiếp kiểm sát. Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát hoặc Thư ký đoàn phải ghi Sổ nhật ký Đoàn trực tiếp kiểm sát, phản ánh đầy đủ diễn biến hoạt động của Đoàn nói chung và từng thành viên nói riêng theo từng ngày trong suốt quá trình trực tiếp kiểm sát; những yêu cầu của Đoàn; những phản ánh, kiến nghị của Cơ quan thi hành án, của Chấp hành viên đối với hoạt động kiểm sát (nếu có).

(9) Xây dựng dự thảo Kết luận trực tiếp kiểm sát. Việc xây dựng dự thảo Kết luận trực tiếp kiểm sát do Thư ký Đoàn trực tiếp kiểm sát (hoặc thành viên khác được phân công) thực hiện theo chỉ đạo của Trưởng đoàn.

7. Công bố dự thảo Kết luận trực tiếp kiểm sát. Tùy theo phạm vi trực tiếp kiểm sát, kết quả kiểm sát và mức độ vi phạm của cơ quan được kiểm sát, Trưởng đoàn thống nhất với Thủ trưởng Cơ quan THADS được kiểm sát về thành phần, thời gian, địa điểm, phương thức công bố dự thảo Kết luận trực tiếp kiểm sát. Nếu trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thì trong thành phần tham gia buổi công bố dự thảo Kết luận trực tiếp kiểm sát phải có đại diện lãnh đạo VKSND cấp dưới. Việc công bố dự thảo Kết luận phải được lập Biên bản.

Bên cạnh đó, Quy định này còn quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính như: Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; phân công xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; nghiên cứu nội dung đơn và đề xuất xử lý đơn; kiểm sát hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo; lập hồ sơ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm quyền ký các loại văn bản và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý báo cáo kết quả kiểm sát của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc thông báo kết quả tự kiểm tra của Cơ quan thi hành án dân sự; xử lý các đơn khiếu nại, tố cáo sau khi đã có kết luận kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…

File đính kèm
TL (giới thiệu)
Tìm kiếm