CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kiểm sát việc xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo

29/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phài chấp hành hình phạt tù. Việc xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự 2015; Điều 89,90 Luật thi hành án hình sự 2019; Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC; Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 10,24,42,43,53 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao và một số văn bản hướng dẫn của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ công an như Công văn số 08/HD-CQQLTHAHS ngày 24/8/2016 về việc hướng dẫn xét giảm thời hạn chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn; Hướng dẫn số 01/C11- P9 ngày 07/01/2020 thực hiện một số quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng theo Luật thi hành án hình sự năm 2019; Công văn số 03/HD-CQQLTHAHS(C11) ngày 5/4/2019 hướng dẫn thực hiện một số quy định về thi hành án treo...

Khi người được hưởng án treo có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 89 Luật thi hành án hình sự 2019 thì được đề nghị xem xét rút ngắn thời gian thử thách:

1. Người được hưởng án treo được đề nghị xem xét rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;

b) Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, trật tự được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

2. Người được hưởng án treo chỉ được xét rút ngắn thời gian thử thách mỗi năm 01 lần, mỗi lần từ 01 tháng đến 01 năm. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì có thể được rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ba phần tư thời gian thử thách.

3. Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.

4. Trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 87 của Luật này và bị Tòa án quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đã được rút ngắn không được tính để trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù.

Tại Điều 8 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định cụ thể về điều kiện được rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Như vậy khi người được hưởng án treo có đủ các điều kiện theo quy định như đã nêu trên thì Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để lập hồ sơ và đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách cho người được hưởng án treo. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án treo cư trú, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người chấp hành án treo làm việc phải thành lập Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và phân công Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Thẩm phán được phân công phải ấn định ngày mở phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp và kiểm sát việc xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định. Thời hạn mở phiên họp không vượt quá mười lăm ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Trong quá trình kiểm sát việc xét, quyết định, đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo (điểm đ Khoản 2 Điều 24 Quy chế 501; Khoản 4 Điều 90 Luật thi hành án hình sự 2019), Kiểm sát viên được phân công cần kiểm sát về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét, quyết định; hồ sơ đề nghị, đối chiếu đủ các điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo...theo các phương pháp sau đây:

Thứ nhất: Kiểm sát về thời gian được thực hiện 3 đợt/năm cụ thể: Đợt tết Nguyên đán Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoàn thành đề nghị xét giảm, chuyển danh sách, hồ sơ cho TAND, VKSND cấp huyện trước ngày 10/01; Tương tự Đợt 30/4 chuyển hồ sơ trước ngày 10/4; Đợt 02/9 chuyển hồ sơ trước ngày 10/8 (Công văn số 08/HD-CQQLTHAHS ngày 24/8/2016 của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an).

Thứ hai: Về thủ tục, hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách án treo đảm bảo theo khoản 1,2,3 Điều 90 Luật thi hành án hình sự 2019. Kiểm sát thật chặt chẽ việc chấp hành án tại địa phương (thể hiện bằng văn bản nhận xét hàng tháng về quá trình chấp hành án của người được hưởng án treo), việc thực hiện đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ khác theo quyết định của bản án...

Thứ ba: Mức đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo: Khi có đủ các điều kiện theo quy định, mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên (Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP). Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 02/2018-HĐTP thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.

Thứ tư: Kiểm sát trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách: Chú ý về thời hạn, thành phần của Hội đồng xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo theo quy định tại Khoản 4 Điều 90 Luật thi hành án hình sự 2019. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Thứ năm: Kiểm sát việc gửi Quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của Tòa án:  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án đã ra quyết định cho hưởng án treo, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định cho hưởng án treo có trụ sở. Như vậy, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị khi phát hiện có vi phạm theo quy định của pháp luật và quy định tại Điều 42, Điều 43 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thứ sáu: Trên thực tế nhận thức về việc đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo có lúc, có nơi chưa được đầy đủ và toàn diện khi Luật thi hành án hình sự 2019 đã có hiệu lực thi hành từ 01.01.2020. Trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã là: báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để đề nghị Tòa án cùng cấp xem xét, quyết định việc rút ngắn thời gian thử thách (điểm e Khoản 1 Điều 86 Luật THAHS) và việc người được hưởng án treo được đề nghị rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 89 Luật thi hành án hình sự. Do vậy, ngoài việc kiểm sát theo các căn cứ của pháp luật thì việc tăng cường công tác kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án treo tại Ủy ban nhân dân cấp xã là cần thiết để kịp thời kiến nghị, yêu cầu Ủy ban nhân cấp xã lập hồ sơ đề nghị đối với những trường hợp có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 89 Luật thi hành án hình sự hoặc có căn cứ đề nghị Tòa án không chấp nhận nếu như Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đề nghị không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Thứ bảy: Tăng cường phối hợp với Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện nắm chắc số người được hưởng án treo và những trường hợp đủ điều kiện xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo để đảm bảo quyền của người chấp hành án.

Thứ tám: Phối hợp với Tòa án cùng cấp để kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định thi hành án hình sự theo Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 của Viện KSND tối cao; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 và Hướng dẫn số 03/HD-VKSTC ngày 06/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, định kỳ hàng tháng tiến hành rà soát, đối chiếu việc tiếp nhận bản án với số lượng người bị kết án phải thi hành án nhằm đảm bảo việc Tòa án gửi bản án, ra quyết định về thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật; trong đó lưu ý đến rà soát quản lý chặt chẽ các trường hợp bị kết án phạt tù đang ở ngoài xã hội.

Nguyễn Thị Mỹ Lệ

(vksbacninh.gov.vn)
Tìm kiếm