CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng, xử lý các tội liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ

02/04/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 989/VKSTC-V1 hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng Điều 304 và Điều 305 Bộ luật Hình sự.

Thời gian qua, việc áp dụng, xử lý “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” (Điều 304) và “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của VKSND địa phương, ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao (Vụ 1, Vụ 14), Bộ Công an (A09), Tòa án nhân dân tối cao (Vụ 1), VKSND tối cao hướng dẫn nghiệp vụ như sau:

1. Đối với một số vướng mắc chung

Khoản 1 các điều 304, 305 BLHS không quy định mức tối thiểu vật phạm pháp; tại các khoản 2, 3, 4 các điều 304, 305 BLHS không quy định cụ thể vật phạm pháp, như: Điều 304 BLHS quy định “Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn” (điểm g khoản 2), “Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn” (điểm d khoản 3), “vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn” (điểm d khoản 4) hoặc tại Điều 305 BLHS quy định “Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn” (điểm c khoản 2), “Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn” (điểm b khoản 3), “Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn” (điểm b khoản 4) nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng các điều luật trên, dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật chưa thống nhất.

Để áp dụng pháp luật thống nhất, căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, VKSND tối cao có văn bản kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng.

Trong khi chờ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đối với các trường hợp cụ thể, Viện kiểm sát địa phương cần đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, động cơ, mục đích và nhân thân người phạm tội, yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của địa phương, những tình tiết khác có liên quan để quyết định xử lý; trường hợp có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết, cần tổ chức họp liên ngành tố tụng hoặc báo cáo thỉnh thị liên ngành tố tụng Trung ương để bảo đảm không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

2. Đối với một số vướng mắc cụ thể

Trên cơ sở tổng hợp vướng mắc của Viện kiểm sát địa phương, VKSND tối cao hướng dẫn một số vấn đề cụ thể sau:

2.1. Trường hợp tàng trữ quả lựu đạn (mô hình) nhưng lại lầm tưởng đó là quả lựu đạn thật thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” không?

Trường hợp trên cần trưng cầu giám định, nếu kết luận không phải là vũ khí quân dụng thì không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

2.2. Trường hợp đã tàng trữ vũ khí quân dụng một thời gian, sau đó giao nộp theo vận động của chính quyền địa phương thì có bị xử lý hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” không?

Tùy trường hợp cụ thể để quyết định xử lý cho phù hợp; căn cứ các điều 63, 67 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trường hợp giao nộp vũ khí quân dụng theo vận động của chính quyền địa phương thì không bị xử lý hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, trừ trường hợp người tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng hoặc hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng đó liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật khác, cần thiết phải xử lý hình sự.

2.3. Đối tượng tàng trữ nhiều loại vật liệu nổ khác nhau, trong đó có 01 loại đã đủ định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 305 BLHS, các loại vật liệu nổ khác số lượng, trọng lượng mỗi loại đều dưới khoản 2 Điều 305 BLHS thì truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Trường hợp này vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 305 BLHS.

2.4. Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt bom, mìn sót lại sau chiến tranh thì xác định là tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng hay tội phạm liên quan đến vật liệu nổ?

Trường hợp bom, mìn chưa bị tháo rời các bộ phận (ngòi nổ, thuốc nổ), kết quả giám định kết luận còn nguyên tính năng, tác dụng của vũ khí quân dụng thì xác định là tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 BLHS.

Trường hợp bom, mìn đã bị tháo rời thuốc nổ, ngòi nổ, kết quả giám định kết luận thuốc nổ, ngòi nổ vẫn còn tính năng, tác dụng của vật liệu nổ thì xác định là tội phạm liên quan đến vật liệu nổ quy định tại Điều 305 BLHS.

2.5. Đối tượng tàng trữ 01 khẩu súng, sau đó mang đi bán bị bắt giữ thì xác định tội danh như thế nào?

Trường hợp tàng trữ 01 khẩu súng, sau đó mang đi bán bị bắt giữ, nếu giám định kết luận khẩu súng là vũ khí quân dụng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

2.6. “Đầu đạn”, “đầu ngòi nổ đạn” có được coi là đạn không?

Trường hợp này cần phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để kết luận.

2.7. Đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khởi tố về 02 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ”. Theo quy định của pháp luật, tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra. Vậy trường hợp này có phải tách và chuyển vụ án “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” về Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh để điều tra theo thẩm quyền không?

Theo quy định tại Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự thì tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 BLHS thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh, nếu việc tách vụ án không ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử thì tách vụ án “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” để chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh thụ lý điều tra theo thẩm quyền.

Trường hợp không thể tách vụ án thì căn cứ Điều 17, 20, 21 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; điểm đ, khoản 6 Điều 9 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 hướng dẫn về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đó cần trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh tiến hành điều tra.

2.8. Quá trình điều tra về hành vi “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng” (01 khẩu súng Rulo) còn phát hiện bị can còn có hành vi tàng trữ trái phép 50 viên đạn quân dụng. Trong trường hợp này, về thủ tục tố tụng, cần ra Quyết định khởi tố bổ sung vụ án, bị can về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” hay ra Quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án, bị can?

Trong trường hợp này, hành vi tàng trữ 50 viên đạn quân dụng của bị can đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm độc lập là tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 156 và Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự, ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

File đính kèm
TL (giới thiệu)
Tìm kiếm