Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 161/QĐ-VKSTC ban hành Quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Quy định này áp dụng đối với công chức, viên chức đang công tác tại VKSND các cấp, có vị trí làm việc trong lĩnh vực công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
Nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác
1. Cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.
2. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, pháp luật về công chức, viên chức và quy định của pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và bảo đảm hiệu quả công tác của VKSND.
3. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường về chuyên môn, nghiệp vụ của người được chuyển đổi vị trí công tác, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị.
4. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và công khai, minh bạch trong cơ quan, đơn vị.
5. Nghiêm cấm lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức vì vụ lợi, để trù dập hoặc vì động cơ cá nhân.
Vị trí công tác định kỳ chuyển đổi
Người có chức vụ, quyền hạn phải được chuyển đổi vị trí công tác là người làm việc tại vị trí công tác sau đây:
1. Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND các cấp gồm:
- Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự;
- Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; thi hành án dân sự, hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;
- Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp;
- Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.
2. Trong công tác tổ chức cán bộ, công tác thi đua khen thưởng gồm:
- Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền tiếp nhận, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức;
- Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi tuyển Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;
- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng chức danh tư pháp;
- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật;
- Phân bổ chỉ tiêu đào tạo;
- Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức, người lao động.
3. Trong công tác quản lý ngân sách, tài sản trong cơ quan, đơn vị gồm:
- Lập, xây dựng định mức phân bổ ngân sách; thực hiện phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách;
- Kế toán;
- Mua sắm công;
- Thẩm định báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư và dự thảo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong Ngành;
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tài chính kế toán, quản lý, sử dụng ngân sách; xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán đối với các đơn vị dự toán trong Ngành.
4. Trong công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo gồm: Làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
5. Trong công tác giáo dục và đào tạo gồm: Tuyển sinh, đào tạo; thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng các nhà trường; phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng công việc, lĩnh vực.
Đối với vị trí định kỳ phải chuyển đổi công tác có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác, cần có tính ổn định, kết hợp đào tạo chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực công tác và công chức, viên chức công tác tại vị trí này có năng lực, uy tín, hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên thì lãnh đạo đơn vị có thể quyết định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác nhiều hơn 05 năm.
Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác
1. Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý thuộc đơn vị của VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện.
2. Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng quyết định điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân.
Bên cạnh đó, Quyết định này còn quy định về thẩm quyền chuyển đổi vị trí công tác, trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi công tác, chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt…