CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

29/05/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho thấy còn xảy ra những sai sót trong việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, nhầm lẫn giữa các tội danh cùng có yếu tố sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt… Điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này và là nguyên nhân khiến bản án bị hủy, trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sai sót trong việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt:

Việc đánh giá chính xác giá trị tài sản bị chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt là một trong những tình tiết định khung, việc xác định không đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự, không xác định được hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Ví dụ: Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty trách nhiệm hữu hạn TH. Lê Thị T và Trần Phi Y là kế toán và thủ quỹ của công ty nên nắm rõ quy trình thu chi tiền. Biết việc đối chiếu chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng công ty TH có sơ hở nên T và Y đã dùng thủ đoạn giả mạo chữ ký của giám đốc, kế toán trưởng vào các ủy nhiệm chi, lệnh chi tiền của công ty TH, sau đó mang đến ngân hàng yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân các đối tượng này với tổng số tiền là 822.870.000 đồng. Khi bị công ty TH phát hiện thì các bị cáo đã hoàn trả lại tài khoản công ty 376.000.000 đồng trước khi công ty TH làm đơn tố cáo hành vi của T và Y. Qua quá trình điều tra, truy tố, cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo đã tự nguyện hoàn trả 376.000.000 đồng nên tuyên T và Y phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 với giá trị tài sản bị chiếm đoạt là  446.870.000 đồng. Bản án này đã bị kháng nghị phúc thẩm, nhưng bản án hình sự phúc thẩm vẫn đồng ý với quan điểm của cấp sơ thẩm về giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Sau đó, vụ án được xét xử giám đốc thẩm và tuyên bố hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại. Việc nhận định về giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp này của các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm là chưa chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Đánh giá chưa đầy đủ về khách thể bị xâm hại:

Đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một trong những hành vi khách quan là sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản và phổ biến nhất là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu làm nạn nhân tin tưởng giao tài sản để chiếm đoạt. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng đôi khi đánh giá chưa đầy đủ về các khách thể bị xâm hại trong quá trình bị can thực hiện chuỗi hành vi phạm tội của mình, dễ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.

Ví dụ: Do cần tiền để trả nợ, Trần Quốc T nảy sinh ý định làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để chiếm đoạt tài sản. T đã lên mạng tìm được thông tin mảnh đất của anh Nguyễn Thanh L có ghi rõ số lô, số thửa nên đã đặt hàng một đối tượng (chưa rõ lai lịch) làm một GCNQSDĐ giả có thông tin lô đất anh L, nhưng chủ sở hữu lại là T và mang đi cầm cố cho anh Võ Kim B lấy số tiền 60.000.000 đồng. Sau đó, T không có khả năng chuộc nên thỏa thuận anh B mua lại mảnh đất với giá 330.000.000 đồng. Khi anh B làm thủ tục sang tên trước bạ thì bị cơ quan có thẩm quyền giữ lại GCNQSDĐ, qua giám định xác định GCNQSDĐ trên là giả. T đã bị truy cứu về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015, nhưng lại không bị truy tố về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 BLHS năm 2015, mặc dù hành vi của T đã xâm phạm hai khách thể độc lập được BLHS năm 2015 bảo vệ.

Trên thực tế, trong quá trình thực hiện chuỗi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để có được lòng tin của bị hại, người phạm tội thường sử dụng những loại giấy tờ, tài liệu giả kết hợp với những lời dụ dỗ, lừa dối bị hại để đạt được mục đích của mình. Khi xem xét hành vi của người phạm tội, các cơ quan tố tụng thường tập trung vào hành vi lừa dối bằng lời nói mà không chú trọng đến những tài liệu, giấy tờ người phạm tội sử dụng để hỗ trợ, trong khi thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi nên khó phát hiện nếu không tiến hành trưng cầu giám định. Mặt khác, dù trong quá trình xử lý, giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng đã phát hiện dấu hiệu của Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng việc thu thập vật chứng không được thực hiện đầy đủ từ đầu, dẫn đến các giấy tờ, tài liệu giả là vật chứng của vụ án bị tiêu hủy, không còn căn cứ để xử lý hành vi phạm tội.

Nhầm lẫn giữa các tội danh cùng có yếu tố sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt:

Việc nhầm lẫn giữa Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tội danh khác cùng có yếu tố sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt diễn ra tương đối phổ biến. Việc này đã dẫn đến hệ quả truy tố, xét xử không đúng với bản chất của hành vi phạm tội và là một trong những nguyên nhân khiến bản án bị hủy hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ví dụ: Ông Ngô H cho bà Bùi C vay số tiền 1,2 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, sau đó thị trường bất động sản bị “đóng băng” dẫn đến căn hộ chung cư của bà C không giao dịch được, vì vậy hai bên đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ cho ông H để trừ nợ. Tháng 12/2019, bà C đã viết giấy chuyển nhượng cho ông H với giá 1,5 tỷ đồng, bà C đã nhận được 1,2 tỷ đồng (là tiền đã vay của ông H) và hẹn đến tháng 10 sẽ làm thủ tục chuyển nhượng. Bà C yêu cầu ông H chuyển 300 triệu đồng còn lại theo thỏa thuận, ông H đã thực hiện việc giao tiền và dọn đến ở tại căn chung cư nói trên. Đến thời điểm làm thủ tục chuyển nhượng theo thỏa thuận, bà C vì muốn dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ trên cầm cố vay thêm tiền để trả nợ nên đã viện lý do mất giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ để trì hoãn. Sau đó bà C đã liên hệ bà Lê M vay 1,5 tỷ. Đến tháng 3/2020, vì không có khả năng trả nợ nên bà C đã thỏa thuận và làm thủ tục chuyển nhượng căn nhà cho bà M. Khi ông H biết được hành vi trên đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra. Các cơ quan tố tụng nhận định hành vi của bà C cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS năm 2015 và xác định bị hại là ông H vì cho rằng bà C đã thực hiện giao dịch bán chung cư cho ông H nhưng khi nhận tiền lại nảy sinh ý định không thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng, đồng thời chiếm đoạt số tiền đã nhận bằng cách nói dối ông H là đã làm mất giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư.

Trên thực tế, quá trình điều tra cho thấy rõ ý định ban đầu của bà C là bán căn nhà cho ông H để trừ nợ, giao dịch dân sự giữa bà C và ông H đã hoàn thành và ông H trở thành chủ sở hữu căn hộ chung cư trên kể từ thời điểm thanh toán đủ số tiền như thỏa thuận và ông H trực tiếp quản lý căn hộ; bà C đã có hành vi lừa dối bà M bằng cách che giấu việc căn chung cư đã được bán cho ông H để chiếm đoạt tài sản của bà M. Hành vi của bà C đã cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015 với nạn nhân là bà M. Xác định bà C lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không phù hợp với tính chất hành vi phạm tội.

Những lưu ý khi giải quyết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Từ những sai sót, nhầm lẫn thường gặp trong quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm sở hữu, để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống nhóm tội phạm này, đặc biệt là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tác giả chia sẻ một số kinh nghiệm sau đây:

Xác định có hay không dấu hiệu tội phạm trong hành vi của chủ thể:

Hiện nay, quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng về dấu hiệu định tội của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên khi nghiên cứu hồ sơ, cán bộ Kiểm sát cần chủ động kiểm tra, yêu cầu thu thập đầy đủ những tài liệu, chứng cứ thể hiện hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt của người phạm tội; đánh giá các hành vi này dựa trên mối quan hệ nhân quả với nhau, hành vi lừa dối là điều kiện cần, có ý nghĩa quyết định để hành vi chiếm đoạt có thể được thực hiện. Trong trường hợp xuất hiện cả hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt nhưng hành vi gian dối không có ý nghĩa quyết định để hành vi chiếm đoạt xảy ra thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội xâm phạm sở hữu khác nếu hành vi chiếm đoạt thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội đó. Ví dụ: A đến cửa hàng điện thoại của B nói dối rằng muốn mua điện thoại và yêu cầu B cho xem mẫu, lợi dụng lúc B không chú ý A đã nhanh chóng cầm lấy chiếc điện thoại của B rồi tẩu thoát. Trong trường hợp này, hành vi của A đã cấu thành Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 BLHS năm 2015 mặc dù hành vi khách quan của A có cả hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt.

Khi định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài việc xem xét, đánh giá hành vi khách quan, cần phải xem xét mặt chủ quan của người phạm tội về ý định chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đó khi định tội, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cần xem xét người phạm tội có mục đích chiếm đoạt hay không. Nếu một người có hành vi gian dối trong việc xác lập các giao dịch dân sự nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà coi là vụ án tranh chấp về dân sự, nếu người đó có thiện chí thực hiện các nghĩa vụ dân sự của mình. Đồng thời phải xem xét thời điểm người phạm tội nảy sinh mục đích chiếm đoạt tài sản, đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thời điểm nảy sinh ý định chiếm đoạt là trước khi người phạm tội nhận được tài sản từ nạn nhân. Thời điểm phát sinh ý định chiếm đoạt là một trong những yếu tố quan trọng để phân biệt giữa Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm này không phải dễ dàng, Kiểm sát viên cần dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, đánh giá những lời khai, chứng cứ, tài liệu thể hiện trong hồ sơ để có nhận định chính xác nhất.

Về xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt:

Khi giải quyết vụ án liên quan đến yếu tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đối tượng phạm tội đã chủ động hoàn trả cho nạn nhân tài sản đã chiếm đoạt, trước hết, cần phải nhận thức được về thời điểm hoàn thành của tội phạm này là từ lúc người phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa nên giao tài sản cho mình hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận. Chính vì vậy, khi xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, Kiểm sát viên phải căn cứ vào số tài sản thực tế nạn nhân đã giao cho người phạm tội khi họ bị lừa, hành vi trả lại tài sản của người phạm tội trong trường hợp này chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Ngoài ra, trên tinh thần của Thông tư liên tịch số 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS năm 1999 thì trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, trực tiếp lấy lời khai người phạm tội, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người phạm tội có ý thức chủ quan về giá trị tài sản mình chiếm đoạt trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ. Trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt nhưng không quan tâm đến giá trị tài sản thì áp dụng giá thị trường tại nơi xảy ra tội phạm và tại thời điểm phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xác định đầy đủ khách thể bị xâm hại:

Đối với những trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn làm giả giấy tờ, tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo, cần phải nhận thức rõ hành vi phạm tội đang xâm phạm đến hai khách thể độc lập được BLHS bảo vệ, đó là quyền sở hữu tài sản và trật tự quản lý hành chính nhà nước nên phải bị truy tố về cả hai tội danh là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét kỹ càng về con dấu, tài liệu bị làm giả; về nguyên tắc thì con dấu, tài liệu chỉ bị làm giả khi chúng tồn tại trên thực tế. Điều này có nghĩa, trong trường hợp người phạm tội dựa trên những con dấu, tài liệu thật của cơ quan tổ chức, sau đó sử dụng những phương pháp như khắc dấu giả, đúc con dấu giả, phương pháp in lưới hoặc cắt ghép nội dung để làm giả thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đối với trường hợp người phạm tội tự chế ra mẫu con dấu, tài liệu không có thật rồi lừa dối làm người khác tin tưởng giao tài sản để chiếm đoạt thì coi hành vi làm giả con dấu,  tài liệu này là một dạng hành vi lừa dối của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không truy cứu thêm về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Khi trực tiếp tiến hành giải quyết những vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội có sử dụng giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức làm công cụ hỗ trợ việc gây dựng niềm tin của bị hại, Kiểm sát viên cần chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra thu giữ đầy đủ, kịp thời tất cả những giấy tờ, tài liệu, con dấu mà đối tượng sử dụng để hỗ trợ việc phạm tội. Dựa vào quan sát, nhận định, đánh giá tình hình thực tế xem xét có dấu hiệu của việc làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức hay không để có thể yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc báo cáo đề xuất lãnh đạo trưng cầu giám định.

Ngô Thùy Khánh Linh (kiemsat.vn)
Tìm kiếm