CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện cấp cao 1 thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn”

01/06/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án Long Thị B cùng các đồng phạm, phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, VKSND cấp cao tại Hà Nội (Viện cấp cao 1) vừa ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 20/TB-VC1-HS về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự đối với vụ án này.

 Nội dung vụ án

Long Thị B trú tại bản L, xã L, huyện M, tỉnh Y là hộ kinh doanh cá thể với ngành nghề kinh doanh là bánh kẹo, nước giải khát, nghỉ trọ bình dân, văn phòng phẩm, đồ gia dụng...

Ngày 24/7/2008, hộ kinh doanh của Long Thị B được Chi cục Thuế huyện M cấp sổ mua hóa đơn và cấp mã số thuế 5200102248. Trong thời gian từ tháng 6/2014 đến năm 2018, dù không làm dịch vụ, không có hàng hóa bán kèm theo nhưng B đã ghi khống và bán trái phép 62 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền ghi trên các hóa đơn là 493.063.000 đồng cho các đối tượng thuộc Trường tiểu học N để quyết toán các nguồn kinh phí với đơn vị cấp trên. Tổng số tiền do bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng mà Long Thị B thu được là 25.601.730 đồng, B sử dụng 10.073.895 đồng nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, số tiền còn lại 15.527.835 đồng B dùng để chi tiêu cho mục đích cá nhân.

Phạm Thị L giữ chức vụ Hiệu trưởng, chủ tài khoản của Trường tiểu học N đã trực tiếp mua trái phép 38 hóa đơn giá trị gia tăng khống; đồng ý cho Hà Minh A là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học N mua trái phép 15 hóa đơn giá trị gia tăng khống; đồng ý cho Đoàn Ngọc A là Kế toán Trường tiểu học N mua trái phép 5 hóa đơn giá trị gia tăng khống; đồng ý cho Nguyễn Thanh B là Kế toán Trường tiểu học N mua trái phép 3 hóa đơn giá trị gia tăng khống. 

Tổng số hóa đơn giá trị gia tăng mà Phạm Thị L trực tiếp mua và đồng ý cho mua là 61, với tổng số tiền ghi trên các hóa đơn là 473.113.000 đồng. Trong đó có 28 hóa đơn giá trị gia tăng được sử dụng làm chứng từ quyết toán nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước, 33 hóa đơn giá trị gia tăng còn lại được sử dụng làm chứng từ quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cha mẹ học sinh và giáo viên nhà trường đóng góp.

Hà Minh A là Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học N, đã trực tiếp mua trái phép 10 hóa đơn giá trị gia tăng khống; chỉ đạo Thào A H mua trái phép 6 hóa đơn giá trị gia tăng khống; đồng ý cho Phạm Thị L, Nguyễn Thanh B, Đoàn Ngọc A ký xác nhận vào mục “người mua hàng” của 44 hóa đơn giá trị gia tăng nhưng lấy tên “Hà Minh A”. Tổng số hóa đơn giá trị gia tăng khống mà A đã trực tiếp mua và chỉ đạo mua là 60 số với tổng số tiền ghi trên các hóa đơn là 409.663.000 đồng. 

Trong đó có 26 hóa đơn giá trị gia tăng được Trường tiểu học N sử dụng làm chứng từ quyết toán nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước, 33 hóa đơn giá trị gia tăng được sử dụng làm chúng từ quyết toán nguồn kinh phí xã hội hóa do cha mẹ học sinh và giáo viên nhà trường đóng góp, 1 hóa đơn giá trị gia tăng còn lại UBND xã NK sử dụng để quyết toán tiền hỗ trợ cho Trường tiểu học N.

Quá trình giải quyết vụ án

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HSST ngày 13/2/2020 của TAND huyện M, tỉnh Y áp dụng điểm d khoản 2 Điều 203; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Long Thị B 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm 6 tháng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; áp dụng Điều 29 Bộ luật Hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Phạm Thị L và bị cáo Hà Minh A.

Tại Quyết định số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 11/3/2020 của Viện trưởng VKSND tỉnh Y kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HSST ngày 13/2/2020 của TAND huyện M, tỉnh Y theo hướng hủy Bản án hình sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại vụ án.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 19/2020/HSPT ngày 07/5/2020 của TAND tỉnh Y, không chấp nhận kháng nghị số 01/QĐ-VKS-P7 ngày 11/3/2020 của Viện trưởng VKSND tỉnh Y, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HSST ngày 13/2/2020 của TAND huyện M.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 28/QĐ-VC1-HS ngày 28/10/2020 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HSST ngày 13/2/2020 của TAND huyện M, tỉnh Y và Bản án hình sự phúc thẩm số 19/2020/HSPT ngày 07/5/2020 của TAND tỉnh Y để xét xử sơ thẩm lại.

Ngày 09/4/2021, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xử giám đốc thẩm, quyết định: Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HSST ngày 13/2/2020 của TAND huyện M, tỉnh Y và Bản án hình sự phúc thẩm số 19/2020/HSPT ngày 07/5/2020 của TAND tỉnh Y để xét xử sơ thẩm lại.

Nội dung rút kinh nghiệm

Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2020/HS-ST ngày 13/2/2020 của TAND huyện M chỉ căn cứ vào Điều 29 Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 bị cáo Phạm Thị L và Hà Minh A mà không nêu rõ áp dụng khoản nào, điểm nào của Điều 29 Bộ luật Hình sự. 

Trong vụ án này, Phạm Thị L có hành vi mua trái phép 61 hóa đơn giá trị gia tăng đã ghi nội dung, Hà Minh A mua trái phép 60 hóa đơn giá trị gia tăng đã ghi nội dung. Hành vi trên của bị cáo L và A đã xâm phạm trực tiếp đến chính sách của Nhà nước về quản lý hóa đơn, chứng từ trong lĩnh vực về thuế, do vậy đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán trái phép hóa đơn” với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định được Phạm Thị L và Hà Minh A không mắc bệnh hiểm nghèo; không có quyết định đại xá; trước khi hành vi tội phạm được phát giác, L và A không tự thú; không lập công lớn; không có cống hiến đặc biệt được Nhà nước và xã hội thừa nhận hoặc có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội của L và A không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Do vậy, không có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị L và Hà Minh A.

Mặt khác, 3 bị cáo đều bị truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” thuộc điểm d khoản 2 Điều 203 Bộ luật Hình sự, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Phạm Thị L, Hà Minh A không có động cơ, mục đích tư lợi để xác định hành vi đó không gây nguy hiểm cho xã hội và tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị L và Hà Minh A; bị cáo Long Thị B thì bị tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là trái quy định của pháp luật.

Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã sai lầm trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Long Thị B khi bị cáo nộp số tiền thu lời bất chính từ việc bán hóa đơn là 15.528.000 đồng. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ điểm d khoản 2 Điều 203; điểm b, s khoản 1 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Long Thị B 1 năm 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội

Thông qua vụ án trên, Viện cấp cao 1 thấy cần thông báo để VKSND các tỉnh, thành phố trong khu vực rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có nội dung tương tự, tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát.

(baovephapluat.vn)
Tìm kiếm