CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số lưu ý nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong Luật hòa giải, đối thoại năm 2020

14/06/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Sau một thời gian triển khai thí điểm về áp dụng hòa giải, đối thoại tại một số tỉnh thành trên cả nước, ngày 16/6/2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã chính thức thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Với kết cấu 4 chương và 42 Điều, Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã quy định cụ thể nguyên tắc hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án… và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động hòa giải, đối thoại, cụ thể:

Điều 32 Luật đối thoại, hòa giải tại Tòa án quy định: “Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được biên bản và tài liệu kèm theo, Thẩm phán được phân công ra Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành… Quyết định này được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định”.

Khoản 3 Điều 36, 37 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án; Việc kiến nghị phải bằng văn bản và gửi đến Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành”.

Như vậy, theo quy định của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Viện kiểm sát được thực hiện quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án nhân dân cùng cấp. Để thực hiện tốt quyền năng này, Kiểm sát viên cần lưu ý nghiên cứu kỹ các nội dung sau:

Thứ nhất, Kiểm sát thời hạn ban hành Quyết định

Theo khoản 2 Điều 1 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại và tài liệu kèm theo. Quá thời hạn này mà Thẩm phán chưa ban hành ngay Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là vi phạm thời hạn ra Quyết định. Kiểm sát viên cần báo cáo Lãnh đạo viện để ban hành kiến nghị.

Thứ hai, Kiểm sát thẩm quyền ra Quyết định

Căn cứ khoản 2 Điều 32 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xem xét ra Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Nếu phát hiện chủ thể ban hành Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành không phải là Thẩm phán được phân công thì Viện kiểm sát phải ban hành văn bản kiến nghị ngay.

Thứ ba, Kiểm sát thời hạn gửi Quyết định

Theo khoản 4 Điều 32 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được gửi cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Kiểm sát viên cần căn cứ ngày ban hành, ngày gửi theo dấu bưu điện trên bì thư và ngày Viện kiểm sát nhận được Quyết định để xác định Tòa án có vi phạm về thời hạn gửi Quyết định không.

Thứ tư, Kiểm sát chặt chẽ hình thức, nội dung Quyết định

Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại ban hành kèm theo 11 biểu mẫu liên quan đến hòa giải và 11 biểu mẫu liên quan đến đối thoại nhưng mới chỉ dừng lại ở biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, chưa có biểu mẫu Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nên còn gây khó khăn cho quá trình thực hiện công tác kiểm sát. Tuy nhiên, về cơ bản khi kiểm sát Quyết định, Kiểm sát viên cần chú trọng nghiên cứu các nội dung sau:

Kiểm sát căn cứ pháp lý, nhận định và phần quyết định trong Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án có phù hợp với các quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định của nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự và phù hợp với nội dung biên bản ghi nhận kết quả hòa giải hay không.

Xem xét vụ việc có thuộc một trong các trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 19 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án hay không. Theo đó, Luật quy định 07 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, gồm: 1. Yêu cầu bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. 2. Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. 3. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, hoặc không thể tham gia vì có lý do chính đáng. 4. Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự. 5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại. 6. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính. 7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nếu xét thấy vụ việc thuộc một trong các trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại nêu trên nhưng Tòa án vẫn tiến hành hòa giải, đối thoại và ra Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành thì Viện kiểm sát phải kiến nghị xem xét lại Quyết định đó.

Kiểm sát các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

Theo Điều 33 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án gồm: 1. Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. 2. Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất. 3. Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Cần lưu ý Thẩm phán chỉ được ra Quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện trên. Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ. Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

Nếu xét thấy Tòa án vi phạm các quy định này thì Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị xem xét lại Quyết định công nhận đó.

Nguyễn Tú

(vienkiemsathanam.gov.vn)
Tìm kiếm