CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại VKSND hai cấp tỉnh Bắc Ninh

21/07/2021
Cỡ chữ:   Tương phản

Công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành KSND được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật hiện nay như: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Luật Tố tụng Hành chính năm 2015; Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương về việc quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về khiếu nại, tố cáo, trong đó quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa các Cơ quan tư pháp trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định 546 ngày 3/12/2018 của VKSND tối cao “Quyết định ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp…

Năm 2021, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Ninh đã xác định nhiệm vụ trong tâm đột phá trong công tác kiểm sát – giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là kiểm tra lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, qua đó, kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật để yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là biện pháp góp phần phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Trong 06 tháng đầu năm 2021, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã rút 10 hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện để kiểm tra lại. Qua kiểm tra nhận thấy việc giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp huyện cơ bản có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

VKSND hai cấp tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận tổng số 583 đơn, tăng 113 đơn = 20% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó: Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND: 21 đơn; đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết: 300 đơn; còn lại là đơn không thuộc thẩm quyền cũng như đơn không đủ điều kiện thụ lý, trùng đơn...). Kết quả việc thụ lý, phân loại, xử lý đơn đạt tỷ lệ 100%. Đã tiến hành kiểm sát trực tiếp 05 cuộc về việc tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại các Cơ quan tư pháp cùng cấp. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát phát hiện một số tồn tại, thiếu sót của Cơ quan tư pháp. Viện kiểm sát đã ban hành kết luận và yêu cầu các Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện khắc phục vi phạm, tồn tại được các đơn vị nghiêm túc tiếp thu, chấp nhận.

Để đạt được những kết quả nêu trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh; cán bộ, Kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát – giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác giải quyết đơn,… Từ thực tiễn công tác trong thời gian qua, Thanh tra - Khiếu tố VKSND tỉnh Bắc Ninh đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát - giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như sau:

Thứ nhất: Giải quyết kịp thời, triệt để các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp. Tích cực, chủ động nghiên cứu những quy định của pháp luật và những văn bản liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo để tham mưu, đề xuất giải quyết đảm bảo có căn cứ. Những trường hợp có tính chất phức tạp, có khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật thì cần đưa ra trao đổi, thảo luận kỹ trong đơn vị trước khi đề xuất giải quyết. Việc giải quyết phải được thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 của VKSND tối cao; Thông tư liên tịch số 02 ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về khiếu nại, tố cáo.

Thứ hai: Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cán bộ tiếp dân cần phải trao đổi với người khiếu nại, tố cáo để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ và hiểu rõ nội dung họ muốn khiếu nại, tố cáo là gì, liên quan đến cơ quan nào để xem xét, hướng dẫn và giải quyết được kịp thời, chính xác và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba: Tăng cường công tác đối thoại, Kiểm sát viên cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu đối thoại đạt kết quả tốt thì người khiếu nại có thể sẽ rút đơn và giúp họ hiểu hơn về những quy định của pháp luật liên quan đến nội dung khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người có đơn cung cấp những tài liệu, chứng cứ mới có ý nghĩa thì cần ghi nhận đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật, tránh việc công dân có đơn khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

Thứ tư: Cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Ngành về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Thứ năm: Thông qua công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp nếu phát hiện có vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết nguồn tin tội phạm, điều tra xác minh hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần ban hành văn bản kiến nghị để yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm

Thứ sáu: Về cán bộ tiếp công dân, cần có sự lựa chọn người có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, nắm vững các quy định của pháp luật, am hiểu tình hình chung; tính tình ôn hòa, không nóng nảy, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật; cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao khả năng hướng dẫn, giải thích thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật.

Lê Đình Khôi

(vksbacninh.gov.vn)
Tìm kiếm