Ngày 19/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị định gồm 08 Chương, 42 Điều, quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về:
- Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm.
- Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
- Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
- Cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
- Tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị định được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Về tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, Điều 28 Nghị định quy định truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia như sau:
- Yêu cầu trong thực hiện hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia:
+ Thiết kế nội dung truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán và năng lực, nhu cầu tiếp nhận của từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn.
+ Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền; ưu tiên hình thức truyền thông, tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại cơ sở.
+ Lồng ghét nội dung trong thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí.
- Hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia:
+ Xây dựng kế hoạch, thiết kế nội dung truyền thông, tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Thực hiện truyền thông, tuyên truyền về các quy định của pháp luật, tài liệu hướng dẫn liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Thực hiện truyền thông, tuyên truyền về các làm hay, gương điển hình, tiêu biểu, kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc phát sinh trong quản lý và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia.
+ Tổ chức các cuộc thi báo chí tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia.
- Hình thức truyền thông, tuyên truyền:
+ Phát hành chuyên mục, ấn phẩm truyền thông, các sản phẩm số hóa, các hình thức tuyên truyền khác (nếu có).
+ Hình thức sinh hoạt cộng đồng.
+ THông qua người có uy tín, nông dân điển hình.
Nghị định này ban hành bãi bỏ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ quy định cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Quy định tại Chương IV, Chương IV Nghị định này có hiệu lực áp dụng trong quản lý, tổ chức thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia theo thời gian thực hiện chương trình được Quốc hội phê duyệt. Không áp dụng cơ chế đặc thù quy định tại Chương IV Nghị định này trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực cấp điện, đầu tư lưới điện phân phối.
Đối với các nội dung khác liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư công, ngân sách Nhà nước, quản lý dự án đầu tư xây dựng và các nội dung không được quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.