Trong hai ngày 07,08/9/2015, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 vể “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” do đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát..
Một số kết quả qua khảo sát, kiểm tra thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị tại tỉnh Hà Tình và tỉnh Quảng Bình
Đ/c Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng,
Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc ở Hà Tĩnh
Trong hai ngày 07,08/9/2015, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 vể “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” do đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Tham dự Đoàn kiểm tra về phía Viện kiểm sát nhân dân có Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Phó Trưởng đoàn, cùng các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 48.
Đ/c Hoàng Thị Quỳnh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ giải quyết các vụ, việc dân sự,
hôn nhân gia đình VKSND tối cao, thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc
* Đoàn kiểm tra làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự, cùng đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh.
Theo báo cáo kết quả của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 cho thấy: Từ năm 2005 đến nay, trên cơ sở các nội dung của Nghị quyết số 48, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành hơn 600 văn bản quy phạm pháp luật, đã tiến hành khoảng 70 đợt rà soát, tự kiểm tra văn bản theo lĩnh vực và thời gian với 8.750 lượt văn bản được rà soát, trong đó có 4.382 lượt văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với công tác tổ chức thi hành pháp luật và hợp tác quốc tế được tăng cường thì các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật cũng được quan tâm. Hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp tư vấn, hướng dẫn pháp luật cho 12.364 lượt đối tượng, tổ chức thành công 286 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động ở vùng sâu, vùng xa, triển khai, tổ chức mạnh mẽ việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các tầng lớp nhân dân ở cơ sở (nói chuyện pháp luật cho gần 20 ngàn lượt người); lãnh đạo tỉnh thường xuyên họp giao ban, sinh hoạt định kỳ với các cơ quan chuyên trách để đánh giá, soát xét các nhiệm vụ; quyết liệt trong việc rà soát, thu hồi các văn bản, quyết định không đúng quy định, sai sót do các đơn vị, địa phương đã ban hành; tiến hành ban hành, công bố rộng rãi bộ TTHC đến các tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp; nguồn nhân lực làm công tác pháp luật cũng được quan tâm chăm lo, đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Đại diện tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị tại tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua,từ đó đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ và các đề xuất kiến nghị đối với Trung ương để hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016 - 2020. Thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự mong muốn trong thời gian tới Trung ương tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Hà Tĩnh để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.
* Đoàn kiểm tra làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình: Đồng chí Phó Bí thư thường trực Hoàng Đăng Quang cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các ban và Văn phòng Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình có buổi làm việc với Đoàn công tác.
Đ/c Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng,
Trưởng đoàn kiểm tra kết luận kiểm tra tại Quảng Bình
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Bình về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 cho thấy: Các chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy đảng, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đã được thể chế hóa, kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền địa phương bằng pháp luật. Các ban, ngành, địa phương đã tuân thủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL, từ việc xây dựng chương trình, đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các ban, ngành liên quan, lấy ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp cùng cấp, ý kiến thẩm tra của các ban HĐND trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Từ 5/2005 đến 5/2015, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 637 văn bản QPPL (trong đó, có 188 nghị quyết, 388 quyết định và 61 chỉ thị); HĐND, UBND cấp huyện đã ban hành 1.127 văn bản QPPL (trong đó, có 483 nghị quyết, 430 quyết định và 214 chỉ thị); HĐND, UBND cấp xã đã ban hành 13.303 văn bản QPPL (trong đó, có 6.181 nghị quyết, 6.444 quyết định và 678 chỉ thị) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trên các lĩnh vực, như: Quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư; giá đất, giá tài sản trên đất; chính sách thu hút nhân tài; quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành.v.v.
Đ/c Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao,
Phó Trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc ở Quảng Bình
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được chú trọng. Các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật ở địa phương được quan tâm củng cố, kiện toàn. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được điều chỉnh, sắp xếp lại để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ngày càng được xác định rõ hơn. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng; tỉnh đã chú trọng đào tạo, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực làm công tác pháp luật của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết số 48-NQ/TW đặt ra và nhu cầu thực tiễn của địa phương. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên. Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW tại Quảng Bình đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị công của tỉnh, qua đó góp phần giữ vững ổn định về chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình phát triển.
Đ/c Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình phát biểu
Làm việc với Đoàn kiểm tra, Ban thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình kiến nghị cơ quan Trung ương ban hành Luật, các văn bản QPPL nói chung cần theo hướng hạn chế những quy định giao chính quyền địa phương ban hành văn bản QPPL để thực hiện ở địa phương; đồng thời, đề nghị Trung ương bổ sung biên chế để bố trí cán bộ chuyên trách, thành lập Phòng Pháp chế ở các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và cóhướng dẫn thống nhất cơ chế tài chính từ Trung ương xuống cơ sở đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Kết luận tại các buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Quảng Bình, thay mặt Đoàn kiểm tra đồng chí Nguyễn Văn Thành biểu dương và đánh giá cao Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị chu đáo nội dung và chương trình làm việc, giúp cho buổi làm việc đạt kết quả tốt.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Trưởng Đoàn ghi nhận: Báo cáo của Tỉnh ủy hai tỉnh về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 48 đã nêu kết quả xây dựng và hoàn thiện pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; kết quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động thi hành pháp luật; kết quả công tác đảm bảo cơ sở vật chất…, số lượng và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương ban hành được nâng lên, việc thực thi pháp luật ngày càng đi vào nề nếp; các cơ quanpháp luật ở địa phươngđã phối hợp tổ chức tốt nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Tỉnh trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Đại diện tỉnh Quảng bình phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, báo cáo của Tỉnh ủy và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã cung cấp thêm cho Đoàn công tác thông tin về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 - NQ/TW cũng như những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật và trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương. Kết quả tổng hợp chung từ hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cho thấy những hạn chế, vướng mắc được nêu cụ thểnhư sau:
Thứ nhất, vềnhững hạn chế, vướng mắc từ phía các cơ quan Trung ương:
- Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng có trường hợp còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời; ngược lại, có chủ trương lại được quyết định chưa thận trọng, nên chưa sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, gây “bó tay” cấp cơ sở. Một số khái niệm, nội dung chưa thống nhất giữa Nghị quyết của Đảng với quy định của pháp luật.
- Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ, chưa cụ thể, rõ ràng, thậm chí có trường hợp còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan trung ương còn chậm và chưa đầy đủ, điều này đã tạo nên một số “khoảng trống” về pháp luật.
- Thời gian qua, xây dựng luật và sửa đổi, bổ sung luật quá nhiều; một số văn bản pháp luật do làm gấp, chưa khảo sát thực tiễn, đánh giá tác động kỹ càng nên chất lượng kém, tính khả thi, tính ổn định không cao; thậm chí, có văn bản chưa có hiệu lưc đã phải sửa đổi, bổ sung. Các luật, pháp lệnh được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều nhưng lại thiếu sự pháp điển hóa để văn bản đến được với đối tượng chịu sự tác động của dự án luật ấy, cần phải có các cơ chế đảm bảo để các luật đi vào thực chất, thực tế cuộc sống.
- Quy trình xây dựng pháp luật có điểm chưa phù hợp. Sự trao đổi, tiếp thu ý kiến góp ý giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với địa phương chưa bảo đảm chặt chẽ; nhiều trường hợp ý kiến góp ý của địa phương không được tiếp thu, nhưng cũng chưa có sự giải trình thỏa đáng. Chưa có cơ chế thiết thực nhằm huy động, phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể của các tầng lớp Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng và thi hành pháp luật.
- Nguồn lực (kể cả nguồn nhân lực và kinh phí, điều kiện bảo đảm) phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật chưa được quan tâm, đầu tư thỏa đáng; chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ hai, vềhạn chế, vướng mắc từ phía địa phương:
- Nhận thức của một số cấp ủy các cấp và cơ quan, đơn vị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, sâu sắc nên công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại một số địa phương, chủ yếu là cấp huyện còn hạn chế như: Vẫn quy định lại những nội dung đã được các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên quy định cụ thể, chi tiết; viện dẫn căn cứ pháp lý còn thiếu hoặc viện dẫn cả văn bản đã hết hiệu lực; một số quy định có nội dung chưa phù hợp với văn bản của cấp trên; thời điểm có hiệu lực, kỹ thuật soạn thảo và thể thức trình bày, trình tự ban hành văn bản có trường hợp còn chưa tuân thủ đúng quy định.
- Việc cập nhật một số văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành có lúc còn chưa kịp thời; việc nghiên cứu, vận dụng các quy định của luật, pháp lệnh chưa sâu sắc và đầy đủ nên việc tham mưu, cụ thể hóa để áp dụng tại địa phương đôi khi còn chậm.
- Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có mặt còn bất cập, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu, hình thức chưa phong phú; kinh phí và phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn khó khăn, nhất là cấp cơ sở. Hoạt động của tủ sách pháp luật có nơi còn hình thức…
- Thực tiễn áp dụng pháp luật trên một số lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại và việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung.
- Nguồn nhân lực làm công tác pháp luật ở địa phương đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; cán bộ thực thi pháp luật chưa tốt; cán bộ lãnh đạo ở địa phương chưa được tiêu chuẩn hóa theo từng chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn bất cập, còn hình thức, phân tán, nguồn lực đầu tư còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ chính trị trong thời gian tới, địa phương cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, Tỉnh ủy hai tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị ở địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa việc tổng kết Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị; kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổng kết để báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương.
Hai là, tiếp tục khẳng định Nghị quyết 48 -NQ/TW là Nghị quyết đặc biệt quan trọng và yêu cầu địa phương tiếp tục triển khai, chỉ đạo thực hiện tốt những nội dung đã được nêu trong Nghị quyết số 48 -NQ/TW của Bộ Chính trị còn chưa hoàn thành.
Ba là, đề nghị Tỉnh ủy và các cấp chính quyền địa phương của Hà Tĩnh và Quảng Bình tiếp tục tăng cường hơn nữa việc góp ý cho Trung ương để công tác xây dựng pháp luật được sát với tình hình thực tiễn, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của địa phương; bảo đảm công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật bám sát, thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 48 là xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế cuộc sống.
Bốn là, Tỉnh ủy, Lãnh đạo tỉnh cần sớm đề ra những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở địa phương, đặc biệt là nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của cấp cơ sở.
Năm là, tăng cường các nguồn lực phục vụ cho hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, đặc biệt chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý cũng cần được quan tâm phát triển để đảm bảo thực hiện tốt chủ trương cải cách tư pháp và pháp luật theo yêu cầu Hiến pháp./.
Thu Hương