Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Tòa án gắn liền với hoạt động xét xử và xét xử là đặc điểm quan trọng nhất khi nói đến Tòa án. Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) đã khẳng định Tòa án - với chức năng xét xử - là cơ quan thực hiện quyền tư pháp...
Nhận thức về nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”
TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi
Có thể khẳng định rằng, sự ra đời của Tòa án gắn liền với hoạt động xét xử và xét xử là đặc điểm quan trọng nhất khi nói đến Tòa án. Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014) đã khẳng định Tòa án - với chức năng xét xử - là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Hoạt động xét xử của Tòa án là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực tư pháp. Kết quả xét xử thể hiện nền công lý, sự đối xử bình đẳng, công bằng trong tất cả các mối quan hệ và cũng là thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp. Xuất phát từ bản chất của hoạt động tư pháp mà Tòa án là trung tâm của việc thực hiện và xét xử là hoạt động trọng tâm, đòi hỏi việc xét xử phải bảo đảm tính độc lập. chính vì vậy, nguyên tắc độc lập xét xử được coi là tiền đề nền tảng của hoạt động tư pháp trong nhà nước pháp quyền, là bảo đảm quan trọng cho việc xét xử được bình đẳng, dân chủ, khách quan.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và quyết định về việc giải quyết vụ án, vụ việc. Trong lĩnh vực hình sự, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền quyết định bị cáo có tội hay không có tội. Vì thế, quyết định của Tòa án phải là quyết định khách quan, chính xác và độc lập xét xử phải là một nguyên tắc hoạt động của Tòa án. Khi xét xử vụ án hình sự, Hội đồng xét xử căn cứ vào các tình tiết của vụ án, các chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định tội phạm cũng như hình phạt đối với người phạm tội. Các thành viên Hội đồng xét xử (thẩm phán và hội thẩm) không được để cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì chi phối mà xử lý vụ án không đúng pháp luật. Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm phải tự mình nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, kết hợp với những chứng cứ đã được thu thập và đánh giá, thẩm tra để đưa ra kết luận riêng của mình đối với từng vấn đề của vụ án mà không bị động, lệ thuộc vào quyết định, kết luận của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án thể hiện trên các phương diện cụ thể sau đây:
- Thứ nhất, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp vào việc xét xử của Tòa án, vì chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất được Nhà nước giao cho thực hiện chức năng xét xử;
- Thứ hai, hoạt động xét xử của Tòa án không lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Nếu qua phiên tòa xét xử, Tòa án xét thấy cần thiết xử lý khác với ý kiến của các cơ quan đó thì Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra quyết định xử lý.
- Thứ ba, trong nội bộ ngành Tòa án, Tòa án cấp trên hướng dẫn Tòa án cấp dưới về áp dụng thống nhất pháp luật, đường lối xét xử, nhưng Tòa án cấp trên không quyết định trước về chủ trương xét xử cụ thể một vụ án buộc Tòa án cấp dưới phải tuân theo. Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm không chỉ độc lập với các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà còn độc lập với chính các thành viên của Hội đồng xét xử với nhau. Cá nhân mỗi thẩm phán, hội thẩm phải độc lập trong suy nghĩ, phán xét. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc xét xử tập thế và quyết định theo đa số.
Tuy nhiên, thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập không có nghĩa là việc xét xử của họ không chịu sự kiểm tra, giám sát. Theo quy định của pháp luật, Tòa án cấp trên có quyền thẩm tra những bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới và hủy bỏ chứng cứ trong trường hợp trái pháp luật hoặc không có cơ sở đúng đắn. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập nhưng phải tuân theo pháp luật, không được xét xử tùy tiện. Hoạt động của thẩm phán và hội thẩm có mối liên hệ thống nhất với nhau. “Độc lập” và “Chỉ tuân theo pháp luật” là hai nội dung có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. “Độc lập” là điều kiện cần thiết để thẩm phán và hội thẩm khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật, còn “tuân theo pháp luật” là cơ sở không thể thiếu để thẩm phán và hội thẩm độc lập khi xét xử. Mối quan hệ này có tính chất chi phối, ràng buộc lẫn nhau. Nếu chỉ “độc lập” mà không “tuân theo pháp luật” thì dễ dẫn đến xét xử tùy tiện, chủ quan, độc đoán.