Trong tình hình suy thoái kinh tế thế giới còn dài, khó khăn về phát triển kinh tế trong nước còn tiếp tục diễn ra, những năm tới tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về ngân hàng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Mặt khác, do hệ thống pháp luật đang từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đang từng bước củng cố năng lực để thực thi pháp luật, nên các đối tượng vẫn khai thác triệt để những kẽ hở (lách luật) để vi phạm...
Một số khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống vi phạm tội phạm lĩnh vực tín dụng, ngân hàng
Trong tình hình suy thoái kinh tế thế giới còn dài, khó khăn về phát triển kinh tế trong nước còn tiếp tục diễn ra, những năm tới tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về ngân hàng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Mặt khác, do hệ thống pháp luật đang từng bước sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đang từng bước củng cố năng lực để thực thi pháp luật, nên các đối tượng vẫn khai thác triệt để những kẽ hở (lách luật) để vi phạm.
Vì lợi nhuận, tội phạm và các ngân hàng, doanh nghiệp thiếu đạo đức, biến chất, hám lợi, vẫn móc nối với nhau để phạm tội với thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Nếu không có chính sách quản lý tốt, tình hình vi phạm về ngân hàng sẽ dẫn đến phức tạp ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Áp lực về yêu cầu tăng trưởng kinh tế, về công ăn việc làm, về đối ngoại, về an sinh xã hội nên việc xử lý các vi phạm pháp luật về ngân hàng vẫn là bài toán nan giải. Việc tổ chức phát hiện vi phạm không khó, nhưng việc xử lý sai phạm, đặc biệt là các ngân hàng lớn có yếu tố nước ngoài lại rất khó khăn.
Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng được quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự.
Có ý kiến cho rằng, tội vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Tức là người thực hiện hành vi phạm tội cố ý cho vay không có bảo đảm, cố ý cho vay quá giới hạn hoặc cố ý vi phạm các quy định khác của ngân hàng nên đối với tội này, cần thêm cụm từ “cố ý” vào trước nội dung của điều luật giống như tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, có như vậy mới phân biệt rõ đối với những trường hợp vi phạm các quy định của ngân hàng nhưng do lỗi vô ý (thiếu trách nhiệm như thẩm định cho vay thiếu cận thận, chặt chẽ, đơn giản, tin tưởng khách hàng có thế chấp bìa đỏ có chính quyền địa phương và công chứng xác nhận, dẫn đến không phát hiện được các tài sản thế chấp không đảm bảo đúng quy định trong đảm bảo cho vay. Lỗi của cán bộ thẩm định ngân hàng là vô ý, nên không thể xử lý các cán bộ này về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,chỉ có thể xử lý về tội Thiếu trách nhiệm… …
Hệ thống ngân hàng chưa có văn bản quy định cụ thể trình tự, thủ tục về việc thẩm định tài sản thế chấp mà chỉ mới có quy định chung nên khi xảy ra các vụ việc khó xác định việc làm của cán bộ ngân hàng sai phạm đến mức nào, như: Ngân hàng không có quy định cán bộ khi đi thẩm định tài sản thế chấp là bất động sản thì phải liên hệ với ban địa chính xã, phường, biên bản thẩm định phải xác nhận của người có đất liền kề và chính quyền địa phương …nên có nhiều trường hợp đối tượng lừa đảo làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy
chứng nhận sở hữu nhà, đem thế chấp, có đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cán bộ thẩm định không phát hiện được vì không có bản đồ giải thửa, không hỏi chủ đất liền kề.
Bộ luật hình sự hiện hành chỉ có Điều 179 quy định xử lý vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong khi rất nhiều các hoạt động khác như đầu tư, chuyển tiền, thanh toán, bảo lãnh …chưa được Bộ luật điều chỉnh.
Hành vi thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh nhiều trường hợp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng không thể xử lý được Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì không phải tài sản Nhà nước và đối tượng phạm tội không phải chủ thể đặc biệt.
Chưa có hướng dẫn cách tính tài sản thiệt hại trong ngân hàng cổ phần có vốn góp của Nhà nước.
Để xác định vi phạm của cán bộ ngân hàng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải trưng cầu giám định đối với ngân hàng nhà nước về trình tự thủ tục cho vay, trưng cầu cơ quan chức năng như tài chính, tài nguyên môi trường để xác định giá trị tài sản thế chấp; trong khi đó pháp luật tố tụng hình sự không quy định thời gian cơ quan giám định phải trả lời kết quả gám định mà chỉ quy định chung: Trong trường hợp việc giám định không thể tiến hành theo thời hạn mà cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu thì cơ quan giám định phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan đã trưng cầu giám định biết.
Không xác định được thiệt hại do chuyển qua nợ khó đòi nên không xử lý hình sự được.
Trình độ của Kiểm sát viên về tài chính, kế toán chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát hiện và xử lý vi phạm, tội phạm về ngân hàng.
Việc phát hiện phải xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về ngân hàng ngày một khó khăn hơn, do phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi, có sự đối phó với các cơ quan chức năng, nên đòi hỏi cơ quan bảo vệ pháp luật phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài.
Việc xử lý vi phạm pháp luật về ngân hàng chưa có sự đồng đều, thống nhất và chưa thực sự nghiêm minh, có nguyên nhân là do quan điểm xử lý giữa các địa phương, một số bộ, ngành chưa thống nhất. Nhiều nơi do ưu tiên phát triển kinh tế nên kêu gọi đầu tư dàn trải, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm hoặc khi xử lý đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nướccòn né tránh, thiếu kiên quyết và thấu đáo.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, còn nhiều lỗ hổng để đối tượng lách luật.
Cơ quan bảo vệ pháp luật dù có nhiều cố gắng nhưng kinh nghiệm còn hạn chế.
Nhiều ngân hàng thương mại quản lý, điều hành còn lỏng lẻo, tuy có quy chế, quy trình, nhưng chỉ là hình thức, không chấp hành nghiêm nhất là khâu thẩm định hồ sơ cho vay vốn; kiểm tra phương án kinh doanh, trả nợ; kiểm tra
quản lý tài sản thế chấp; kiểm tra hồ sơ thế chấp, tài sản thế chấp; kiểm tra quản lý tài sản hình thành từ vốn vay; giám sát tiền đề giải ngân, giám sát để sử dụng tiền vay. Có những quy định không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi như trưởng phòng giao dịch (chỉ có 5 nhân viên) được ký lệnh chuyển tiền đến 50 tỷ đồng một lần. Lợi dụng quy định này một số trưởng phòng giao dịch đã làm giả con dấu chữ ký, chủ tài khoản cấu kết thông đồng với tổ chức cá nhân khác chuyển hàng trăm tỷ đồng ra tài khoản khác để chiếm đoạt.
Lãnh đạo nhiều đơn vị ngân hàng còn coi nhẹ về phẩm chất đạo đức cán bộ, người có tiền án, tiền sự về kinh tế, bất minh về lối sống vẫn được trọng dụng, như: vụ Huỳnh Thị Huyền Như làm giả con dấu chữ ký Ngân hàng Công thương Nhà Bè lừa đảo 3600 tỷ đồng năm 2008, vẫn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giao dịch; vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 500 tỷ xảy ra tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các đối tượng Huyền và Tuấn đều đã có tiền sự nhưng vẫn được giao nhiệm vụ kinh doanh ngoại tệ. Đây chính là sơ hở để chúng lợi dụng phạm tội.
Ở một số ngân hàng thương mại nhà nước còn có nguyên nhân do mâu thuẫn nội bộ ở cấp trên kéo dài, bè cánh, quay lưng lại với nhau dẫn đến bê trễ trong hoạt động điều hành, tạo tình trạng cấp dưới dễ thoái hóa, biến chất lợi dụng phạm tội
Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn một nguyên nhân là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận như các ngân hàng thương mại khác. Lỗ được Nhà nước cấp bù, cho vay theo Dự án được Chính phủ và ỦBND tỉnh duyệt với lãi xuất ưu đãi, ở đây có cơ chế “ xin, cho” là điều kiện thuận lợi để tham nhũng, hối lộ nảy sinh.
Một số ngân hàng Thương mại cổ phần có tốc độ phát triển nhanh về số lượng, quy mô mạng lưới, thường đua tranh tăng lãi xuất huy động vốn, chỉ chú trọng vào đầu tư lĩnh vực lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, vàng; đua nhau tiếp thị, quảng cáo, đánh bóng thương hiệu, trong khi đó kinh nghiệm điều hành, quản lý chưa theo kịp. Nhiều cán bộ bị ngân hàng Thương mại Nhà nước thải ra thì ngân hàng Cổ phần Thương mại thu nạp. Đây là lý do dẫn đến số vụ vi phạm, tội phạm xảy ra ở ngân hàng Thương mại cổ phần ngày càng tăng.
Hằng năm, Thanh tra ngân hàng Nhà nước và ngân hàng Thương mại cổ phần tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhưng hiệu quả quá thấp. Kiểm tra rồi vẫn để lọt nhiều vụ việc nghiêm trọng. Kết quả thanh tra của ngân hàng Nhà nước Việt Nam hầu như chưa chuyển vụ việc nào đến cơ quan Công an để điều tra xử lý. Sự phối hợp giữa lực lượng Thanh tra ngân hàng và Công an tuy đã tốt hơn trước ít nhiều nhưng chưa tương xứng và đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Thái Hưng