CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

  • Toàn văn
  • Thuộc tính
  • In văn bản
THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH CỦA BỘ TƯ PHÁP - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
SỐ 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC NGÀY 26 THÁNG 2 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
 
Để áp dụng một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn một số quy định pháp luật về thi hành án dân sự như sau:
 
I. CÁCH XÁC ĐỊNH "VIỆC" THI HÀNH ÁN:
 
1. Để thống nhất cách lập hồ sơ, thống kê thi hành án, nay quy định mỗi quyết định thi hành án được coi là một "việc" thi hành án.
Đối với bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Toà án (sau đây gọi chung là bản án, quyết định), Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thể ra một hoặc nhiều quyết định thi hành án, cụ thể là:
A. Đối với những bản án, quyết định có nhiều khoản, trong đó có một hoặc nhiều khoản thuộc diện chủ động và một hoặc nhiều khoản thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho tất cả các khoản thuộc diện chủ động thi hành án, còn đối với các khoản thi hành theo đơn yêu cầu, thì tuỳ từng trường hợp, căn cứ vào số lượng đơn yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thể ra một hoặc nhiều quyết định thi hành án.
B. Đối với bản án, quyết định theo đó có nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên đới, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới,
2. Những trường hợp sau được xác định là việc chưa có điều kiện thi hành án:
A. Người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp để thi hành án;
B. Người phải thi hành có tài sản nhưng có giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án;
C. Người phải thi hành án chỉ có tài sản đã bị kê biên, phát mại nhưng không bán được, mà người được thi hành án không đồng ý nhận để thi hành án và người phải thi hành án không còn tài sản có giá trị nào khác;
D. Người phải thi hành án có tài sản nhưng tài sản thuộc diện không được kê biên hoặc chưa được xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tài sản thuộc diện chưa được xử lý (như: di sản thừa kế chưa chia, tài sản thuộc sở hữu chung, tài sản đang có sự tranh chấp về quyền sở hữu...) Mà cơ quan thi hành án đã hướng dẫn cho người được thi hành án, người có quyền lợi liên quan khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết nhưng đương sự chưa khởi kiện hoặc chưa có quyết định của Toà án về việc xử lý tài sản đó.
Đ. Người phải thi hành nghĩa vụ trả đất nhưng trên đất có bất động sản được xây dựng hợp lệ trước khi có bản án, quyết định của Toà án mà trong bản án, quyết định đó không đề cập đến việc xử lý bất động sản, khiến cơ quan thi hành án không thể thực hiện việc giao đất đúng theo nội dung bản án, quyết định của Toà án. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án phải có văn bản kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân có thẩm quyền thực hiện việc kháng nghị để khắc phục những thiếu sót trong bản án, quyết định của Toà án.
E. Người phải thi hành nghĩa vụ giao vật đặc định mà vật đó đã bị mất, hư hỏng mà hai bên không thoả thuận được về phương thức thanh toán, cơ quan thi hành án đã hướng dẫn các đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết việc bồi thường, nhưng chưa có quyết định giải quyết của Toà án.
G. Bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ, có sai sót về số liệu hoặc có sai lầm nên không thể thi hành được, cơ quan thi hành án đã có văn bản kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân có thẩm quyền giải thích hoặc thực hiện việc kháng nghị để khắc phục những thiếu sót trong bản án, quyết định của Toà án nhưng chưa có kết quả.
H. Việc thi hành nghĩa vụ gắn liền với nhân thân, nếu do điều kiện khách quan (ốm đau, đi công ở nước ngoài từ 1 năm trở lên...) Mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được các nghĩa vụ đó hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án;
I. Các trường hợp khác do nguyên nhân khách quan mà cơ quan thi hành án không thể thi hành được.
Để xác định bản án, quyết định của Toà án là chưa có điều kiện thi hành, trong thời hạn 2 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án phải trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Việc xác minh phải lập văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án cư trú, công tác hoặc có tài sản.
Khi xác định được một việc là chưa có điều kiện thi hành án, thì tuỳ từng trường hợp mà cơ quan thi hành án ra các quyết định phù hợp: hoãn, tạm đình chỉ, trả lại đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp chủ động thi hành án thì cơ quan thi hành án phải lập sổ theo dõi riêng và ít nhất mỗi quý có một lần xác minh điều kiện thi hành án của đương sự.
 
II. THỜI HIỆU THI HÀNH ÁN DÂN SỰ:
 
Khi áp dụng quy định về thời hiệu thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án cần lưu ý một số điểm sau:
1. Thời hiệu thi hành án dân sự được tính từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định có phần bị kháng cáo, kháng nghị mà việc xét kháng cáo, kháng nghị của Toà án không ảnh hưởng đến các phần khác, thì thời hiệu thi hành đối với các phần không bị kháng cáo, kháng nghị vẫn được tính từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật.
Đối với bản án, quyết định tuy chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, thì cơ quan thi hành án có quyền ra quyết định thi hành án, người được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu trong thời gian án chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng thời hiệu thi hành án vẫn tính từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật.
2. Trường hợp bản án, quyết định quy định cụ thể thời điểm người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ, thì thời hiệu thi hành án được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn thực hiện. Đối với bản án, quyết định được thi hành theo định kỳ, thì thời hiệu thi hành án được tính cho từng kỳ hạn.
3. Thời hiệu thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày 1.1.1990 (ngày Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 có hiệu lực) được thực hiện như sau:
- Nếu chưa được thi hành thì thời hiệu thi hành án được tính từ ngày 1/1/1990.
- Nếu trước 1/1/1990, bản án, quyết định đã được đưa ra thi hành nhưng chưa được thi hành hoặc được thi hành một phần, thì cơ quan thi hành án phải tiếp tục tổ chức thi hành;
- Nếu sau ngày 1/1/1990 đơn yêu cầu thi hành án đã được trả lại do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, thì thời hiệu thi hành án được tính từ ngày người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
 
III. THOẢ THUẬN VÀ TỰ NGUYỆN THI HÀNH ÁN:
 
1. Trong quá trình thi hành án, chỉ các cá nhân hoặc tổ chức kinh tế tư nhân mới có quyền thoả thuận với nhau về nội dung việc thi hành án, nhưng việc thoả thuận không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Trường hợp các bên đương sự thoả thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Toà án, thì cơ quan thi hành án lập biên bản về nội dung thoả thuận và ra quyết định đình chỉ thi hành về phần đó.
2. Trong quá trình thi hành án, các bên được thoả thuận với nhau về thời gian, địa điểm và phương thức thi hành án. Cơ quan thi hành án phải lập biên bản ghi rõ nội dung thoả thuận và để cho các đương sự tự nguyện thi hành thoả thuận đó. Nếu các đương sự không tự nguyện thi hành theo đúng nội dung thoả thuận thì cơ quan thi hành án thi hành theo đúng nội dung bản án, quyết định của Toà án.
 
IV. KÊ BIÊN, GIAO BẢO QUẢN, XỬ LÝ TÀI SẢN
ĐỂ THI HÀNH ÁN:
 
1. Kê biên tài sản:
A. Đối với những tài sản phải làm thủ tục sang tên, đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, nếu có căn cứ xác định người phải thi hành án đã mua hoặc đã được tặng cho hợp pháp (có giấy mua bán hợp pháp, xác nhận của chủ sở hữu...) Nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên, đăng ký quyền sử hữu, quyền sử dụng các tài sản đó thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên để bảo đảm thi hành án.
Đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, thì Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ bỏ giao dịch đó.
B. Việc kê biên nhà ở chỉ thực hiện khi các tài sản khác không đủ để thi hành án và số tiền phải thi hành án tương đối lớn đòi hỏi phải kê biên nhà, trừ trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên nhà để đảm bảo thi hành án. Việc xác định số tiền phải thi hành án là tương đối lớn cần căn cứ vào mức sinh hoạt của từng địa phương, tương quan giữa số tiền phải thi hành án và giá trị nhà tại thời điểm kê biên.
Trong một số trường hợp đặc biệt, người phải thi thi hành án có nhà đất tuy chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất nhưng nếu có căn cứ xét thấy căn nhà do người phải thi hành án đã tạo dựng, sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không nằm trong khu quy hoạch, di dời và thuộc diện được xét cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, thì cơ quan thi hành án được kê biên để đảm bảo thi hành án.
C. Việc xác định công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường không được kê biên, cần căn cứ vào điều kiện lao động tối thiểu theo từng ngành nghề hoặc điều kiện sinh hoạt tối thiểu hàng ngày tại địa phương nơi người phải thi hành án sinh sống và các tài sản này có giá trị không lớn.
Công cụ lao động thông thường cần thiết là những công cụ lao động tối thiểu phục vụ sản xuất có giá trị không lớn như: cày, bừa, cuốc, xẻng, xe đạp thồ, xích lô .... Các công vụ lao động có giá trị như: xe máy, ô tô, tàu thuyền, máy cày, máy xay xát..., Thì Chấp hành viên vẫn kê biên, phát mại để thi hành án và trích lại một khoản tiền để người phải thi hành án có thể thay thế bằng một công cụ lao động khác.
Đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết là vật dụng phục vụ điều kiện sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của người phải thi hành án và gia đình như: nồi xoong, bát đĩa, gường, tủ, bàn ghế và các vật dụng thông thường khác.
Những đồ dùng sinh hoạt hay tư trang có giá trị như: ti vi, tủ lạnh, máy điều hoà, máy giặt, máy vi tính, nhẫn vàng..., Thì cơ quan thi hành án vẫn kê biên để đảm bảo thi hành án.
D. Việc kê biên tài sản đã được thế chấp, cầm cố:
Đối với tài sản của người phải thi hành án đã được thế chấp, cầm cố hợp pháp trong các giao dịch dân sự, nếu không có tài sản nào khác và tài sản đó có giá trị lớn hơn toàn bộ nghĩa vụ đã được bảo đảm theo hợp đồng thế chấp, cầm cố, kể cả các chi phí liên quan đến tài sản thế chấp, cầm cố cộng với chi phí cho việc kê biên, bán đấu giá tài sản, thì chấp hành viên có thể kê biên tài sản để bảo đảm thi hành án mặc dù hợp đồng thế chấp, cầm cố chưa đến hạn, nhưng trước khi kê biên tài sản Chấp hành viên phải thông báo cho người nhận thế chấp, cầm cố biết.
Trong các trường hợp kê biên tài sản, khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản kê biên, thì cơ quan thi hành án phải giải thích cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản về quyền khởi kiện ra Toà án trong thời hạn theo quy định chung. Nếu vụ việc được Toà án thụ lý, thì việc xử lý tài sản, đã kê biên chỉ được thực hiện sau khi quyết định giải quyết tranh chấp của Toà án có hiệu lực pháp luật.
2. Giao bảo quản tài sản kê biên.
A. Sau khi kê biên tài sản, Chấp hành viên giao tài sản cho người phải thi hành án, thân nhân của họ hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó bảo quản. Nếu người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản từ chối bảo quản tài sản hoặc xét thấy đương sự có khả năng tẩu tán, huỷ hoại tài sản, thì Chấp hành viên có thể giao cho cơ quan chức năng hoặc thuê bảo quản tài sản.
Đối với các trường hợp giao, thuê bảo quản tài sản nêu trên phải được lập biên bản xác định rõ tình trạng tài sản.
B. Đối với loại tài sản theo quy định phải do các cơ quan chức năng khác quản lý, bảo quản, như: vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, tác phẩm văn hoá, nghệ thuật..., Thì sau khi kê biên, cơ quan thi hành án giao các loại tài sản đó cho các cơ quan chức năng bảo quản theo quy định của pháp luật.
3. Xử lý tài sản kê biên:
A. Sau khi kê biên, định giá, nếu người phải thi hành án, người được thi hành án thoả thuận được với nhau về việc nhận tài sản kê biên để thi hành án, thì cơ quan thi hành án giao tài sản đã kê biên cho người được thi hành án nhận để trừ vào nghĩa vụ thi hành án.
B. Đối với tài sản thuộc diện tươi sống, mau hỏng như: rau quả, thực phẩm tươi sống..., Sau khi kê biên, cơ quan thi hành án tổ chức bán ngay với sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát cùng cấp, Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi bán tài sản và phải lập biên bản về việc bán tài sản.
C. Trong trường hợp trả nhà, giao nhà cho người mua theo thủ tục đấu giá hoặc người được thi hành án nhận nhà để thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu người phải thi hành án và gia đình tự chuyển tài sản ra khỏi nhà. Nếu người phải thi hành án và gia đình họ không tự nguyện, thì cơ quan thi hành án lập biên bản liệt kê chi tiết các loại tài sản, cho chuyển tài sản ra khỏi nhà và yêu cầu người phải thi hành án và gia đình họ nhận lại tài sản. Nếu người phải thi hành án và gia đình từ chối nhận tài sản thì cơ quan thi hành án thuê bảo quản tài sản, thông báo và ấn định thời hạn thích hợp (ĩt nhất là ba tháng) để người phải thi hành án và gia đình họ đến nhận lại tài sản. Sau thời hạn ấn định, người phải thi hành án và gia đình họ không đến nhận lại tài sản, thì cơ quan thi hành án xử lý các tài sản đó như sau:
- Đối với các loại tài sản có giá trị, cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá và gửi số tiền bán tài sản vào ngân hàng đồng thời thông báo cho người phải thi hành án nhận tiền bán tài sản. Sau thời hạn một năm, kể từ ngày thông báo mà người phải thi hành án không đến nhận số tiền bán tài sản, thì cơ quan thi hành án nộp số tiền đó vào Kho bạc nhà nước để sung công.
- Đối với các loại tài sản đã bị hư hỏng, cơ quan thi hành án tiến hành tiêu huỷ theo quy định của pháp luật. Riêng những loại giấy tờ, tài liệu, các loại chứng chỉ, văn bằng hoặc đồ vật có giá trị về tinh thần, cơ quan thi hành án tiếp tục thuê bảo quản.
Chi phí bán, bảo quản tài sản trong các trường hợp trên do người phải thi hành án chịu.
D. Trước khi bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, các đồng sở hữu được quyền ưu tiên mua lại tài sản trong thời hạn 3 tháng đối với bất động sản, một tháng đối với động sản theo giá Hội đồng định giá tài sản đã định. Hết thời hạn ưu tiên mà các đồng sở hữu không mua thì tài sản được bán đấu giá theo thủ tục chung.
Đ. Đối với tài sản đã đưa ra bán đấu giá ít nhất là hai lần nhưng không bán được, thì cơ quan thi hành án yêu cầu người được thi hành án nhận để thi hành án. Việc nhận tài sản phải đảm bảo nguyên tắc: người nhận tài sản chỉ được hưởng phần giá trị tài sản tương ứng với phần mà họ được nhận theo thứ tự ưu tiên, tỷ lệ chi trả tiền thi hành án được quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự và Điểm g Mục 3 phần IV của Thông tư này, nếu như tài sản bán được.
E. Trường hợp cơ quan thi hành án uỷ quyền bán đấu giá tài sản cho Trung tâm bán đấu giá tài sản, thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thông báo cho đương sự biết và theo dõi việc thực hiện hợp đồng của Trung tâm bán đấu giá tài sản.
G. Thanh toán tiền bán tài sản:
- Tính đến thời điểm chi trả tiền thi hành án, số tiền thu được từ việc bán tài sản của người phải thi hành án được chi trả cho tất cả những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án theo thứ tự, tỷ lệ quy định trong Pháp lệnh thi hành án dân sự, mặc dù thời điểm làm đơn yêu cầu thi hành án của các đương sự là khác nhau.
- Trường hợp nhiều người được thi hành án nhưng chỉ có một số người có đơn yêu cầu thi hành án trong khi người phải thi hành án chỉ có duy nhất một tài sản có giá trị (nhà, đất...), Thì số tiền thu được từ việc bán tài sản, cơ quan thi hành án tạm thời gửi vào Ngân hàng khoản tiền tương ứng với tỷ lệ những người được thi hành án khác chưa làm đơn yêu cầu sẽ được nhận, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 3 tháng cho những người được thi hành án khác về quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án không nhận được đơn yêu cầu thi hành án của những người khác, thì số tiền còn lại được thanh toán tiếp cho những người đã có đơn yêu cầu thi hành án trước đây.
- Số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp, cầm cố hợp pháp hoặc tài sản đã được Toà án tuyên kê biên để đảm bảo thi hành án cho một nghĩa vụ cụ thể, thì được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ đó.
- Nếu người phải thi hành án không có tài sản có giá trị nào khác ngoài nhà ở và đó là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình, thì khi kê biên, bán đấu giá, tuỳ vào điều kiện cụ thể của đương sự, sau khi thống nhất với Viện Kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án có thể trích lại một khoản tiền để tạo điều kiện về chỗ ở cho người phải thi hành án và gia đình họ.
- Trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng là người phải thi hành án, nếu vợ hoặc chồng không khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia khối tài sản chung, thì khi bán tài sản, cơ quan thi hành án thanh toán lại cho vợ hoặc chồng số tiền thu được từ việc bán tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình (chưa trừ đi chi phí về kê biên, bán đấu giá).
 
V. THI HÀNH NGHĨA VỤ LIÊN ĐỚI VÀ NGHĨA VỤ
CỦA NGƯỜI PHẢI THI HÀNH ÁN ĐÃ CHẾT:
 
1. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới không xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì cơ quan thi hành án yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới.
2. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới xác định rõ phần của từng người và họ đều có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ của mình. Nếu một trong những người có nghĩa vụ liên đới không có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu những người có điều kiện thi hành án thực hiện thay phần nghĩa vụ của người đó.
3. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án của người khác có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định tại Điều 304 của Bộ luật dân sự.
4. Việc thi hành nghĩa vụ tài sản của người phải thi hành án đã chết được áp dụng theo quy định tại Điều 640 của Bộ luật dân sự.
 
VI. KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT,
QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN:
 
1. Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản để thi hành án theo quy định của Điều 19, Điều 20, Điều 21 Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân và quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự.
Chậm nhất 7 ngày sau khi ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để thi hành án, cơ quan thi hành án phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để thực hiện kiểm sát theo chức năng.
2. Phối hợp trong công tác thi hành án:
A. Hàng năm, Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức họp ít nhất là 1 lần vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 để rút kinh nghiệm, bàn biện pháp khắc phục thiếu sót, thống nhất chỉ đạo và biện pháp thực hiện công tác thi hành án.
B. Giao cho Vụ Kiểm sát thi hành án và Cục quản lý thi hành án dân sự phối hợp kiểm sát, kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương mỗi năm ít nhất một lần.
C. Giao cho Vụ Kiểm sát thi hành án và Cục quản lý thi hành án dân sự thống nhất mẫu thống kê và số liệu báo cáo kết quản thi hành án dân sự vào tháng 3 và tháng 10 hàng năm để hai ngành báo cáo trước Quốc hội.
D. Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân, thủ trưởng cơ quan thi hành án tại các địa phương phải thường xuyên phối hợp để thực hiện tốt công tác thi hành án và kiểm sát thi hành án.
E. Trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân rút hồ sơ thi hành án để thực hiện chức năng kiểm sát phải thực hiện bằng văn bản. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ, Viện Kiểm sát nhân dân phải thông báo kết quả kiểm sát đối với vụ việc và trả lại hồ sơ để cơ quan thi hành án có cơ sở tiếp tục việc thi hành án. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, cần phải có sự trao đổi thống nhất ý kiến giữa các ngành hữu quan, thì thời hạn nói trên cũng không vượt quá 60 ngày.
 
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
 
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để có biện pháp giải quyết.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH CỦA BỘ TƯ PHÁP - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC NGÀY 26 THÁNG 2 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Số ký hiệu 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Ngày ban hành 26/02/2001
Ngày hiệu lực 26/02/2001
Số lượt xem 971
Số lượt tải 0