CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

  • Toàn văn
  • Thuộc tính
  • In văn bản
Van ban nganh

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỐI CAO

 

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-*-

 

------------------------------

Số: 235/VKSTC-KSVTTPL

 

        Hà Nội, ngày  8  tháng 2 năm 2002

Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của UBTVQH quy định việc thi hành một số điểm của Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992.

 

 

 

KÍNH GỬI:

- VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC TỈNH,  

  THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TW

 

- VIỆN KIỂM SÁT QUÂN SỰ TRUNG ƯƠNG

 

Ngày 29 tháng 1 năm 2001, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 287/2002/NQ-UBTVQH10 quy định việc thi hành một số điểm của Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (sao gửi kèm theo). Thực hiện điểm 4 của Nghị quyết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện như sau:

1/ Việc quán triệt thực hiện Nghị quyết:

Ngày 19/12/2001, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản 3322/BKSTC-KSVTTPL chỉ đạo toàn nành từ năm 2002 thôi không thực hiện chức năm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2001 và triển khai công tác năm 2002. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục quán triệt nội dung nêu trên. Trong thực tế từ 01/1/2002 toàn ngành đã thôi không tiến hành các hoạt động mới về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, chỉ tiếp tục hoàn thành các công việc đang dở dang. Thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phần lớn Viện kiểm sát các cấp đều đã sắp xếp, bố trí, điều chuyển xong số cán bộ làm công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật sang bộ phận khác để đảm bảo thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Như vậy ngành ta đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định tại điều 137 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết của Quốc hội và theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Các Viện kiểm sát nhân dân  địa phương, Viện kiểm sát Quân sự cần tiếp tục hoàn thành việc sắp xếp, bố trí điều chuyển cán bộ theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu tại văn bản số 3322/VKSTC-KSVTTPL ngày 19/12/2001.

2/ Về thực hiện các công việc về kiểm sát việc tuân theo pháp luật đang tiến hành dở dang:

Theo báo cáo của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương (theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại công văn số 3387/VKSTC-KSVTTPL ngày 31/12/2001 thì toàn ngành còn 29 điểm kiểm sát việc chấp hành pháp luật đang tiến hành dở dang. Còn 21 văn bản có vi phạm đã kháng nghị, đã tiếp thu trả lời nhưng chưa sửa đổi bổ sung theo kháng nghị, 15 văn bản  kháng nghị nhưng chưa nhận được tiếp thu trả lời. Còn 102 người Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu xử lý hành chính nhưng chưa nhận được thông báo kết quả xử lý; Số tài sản đã kháng nghị thu hồi nhưng chưa thu được đang còn theo dõi đôn đốc thực hiện với số tiền là 284.633.477 đồng.

Theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì toàn ngành phải tiếp tục thực hiện các công việc nêu trên đến hết 15/4/2002. Nếu sau ngày này còn kháng nghị, kiến nghị nào chưa được thực hiện thì tuỳ theo tính chất, nội dung của từng vụ việc cụ thể, căn cứ vào pháp luật chuyển giao hồ sơ, tài liệu cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND theo dõi đôn đốc thực hiện.

Để thực hiện nội dung quy định trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

2.1. Đỗi với các điểm kiểm sát việc chấp hành pháp luật dở dang khẩn trương kết thúc, ban hành kháng nghị và đôn đốc yêu cầu trả lời kháng nghị đúng hạn luật định. Nếu kháng nghị bị khiếu nại thì thực hiện phúc tra để giải quyết dứt điểm xong trước 15/4/2002 không để phải chuyển giao cho cơ quan hữu quan khác giải quyết, chỉ chuyển giao theo dõi đôn đốc thực hiện kháng nghị.

2.2. Đối với các văn bản có vi phạm đã kháng nghị tiếp tục đôn đốc trả lời và thực hiện theo kháng nghị xong trước 15/4. Nếu có khiếu nại thì cũng giải quyết dứt điểm. Trường hợp nào chưa thể sửa đổi bổ sung ngay theo kháng nghị thì lập biên bản ghi nhận nội dung, lý do để chuyển giao cho cơ quan theo dõi đôn đốc thực hiện.

2.3. Đối với các trường hợp đã kháng nghị yêu cầu xử lý hành chính.

Tiếp tục đôn đốc thực hiện dứt điểm. Khi đôn đốc thực hiện cần lưu ý các nội dung sau đây: Về thời hiệu xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, về các nội dung vi phạm của từng cá nhân cụ thể. Đối với từng trường hợp cụ thể cần làm việc kỹ lại với cơ quan, đơn vị có người vi phạm Viện kiểm sát đã kháng nghị yêu cầu xử lý, ghi nhận thành biên bản để nếu sau 15/4/2002 chưa xử lý còn thời hiệu thì tiến hành chuyển giao cho cơ quan hữu quan theo dõi đôn đốc thực hiện.

2.4. Đối với các trường hợp đã kháng nghị thu hồi tài sản nhưng chưa được thực hiện:

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân  các địa phương thì số tài sản đã kháng nghị thu hồi nêu trên tại từ những năm 1996 đến nay. Nguyên nhân chưa thu hồi được chủ yếu là các trường hợp không có khả năng tài chính để nộp…

Trước hết, từng Viện kiểm sát cần kiểm tra, rà soát lại việc tạm giữ tài sản từ trước đến nay (bao gồm cả tài khoản tạm giữ) liên quan đến công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật để giải quyết dứt điểm. Khoản nào nộp ngân sách thì làm thủ tục nộp, khoản nào phải trả lại thì trả ngay… Tiếp đó Viện kiểm sát nhân dân  các cấp cần tiến hành làm việc cụ thể với từng đơn vị để đôn đốc thu nộp ngay. Trường hợp không có khả năng nộp được thì ghi nhận bằng biên bản lý do chưa thực hiện được kháng nghị, trên cơ sở đó tiến hành phân loại và giải quyết theo hướng sau đây:

- Đối với tài sản thu hồi là thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tiến hành làm việc với cơ quan Thuế, cơ quan Bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội để xem xét từng trường hợp. Những trường hợp các ngành đã và đang theo dõi thì lập biên bản chuyển giao cho cơ quan này thực hiện theo dõi, đôn đốc thu nộp theo quy định của pháp luật.

- Đối với tài sản phải thu hồi cho ngân sách như tiền bán đất, các khoản thu phí, lệ phí phụ thu huy động đóng góp… nhưng đã sử dụng vào việc xây dựng điện, đường, trường, trạm… hoặc không có khả năng thu nộp thì đề nghị UBND và cơ quan tài chính cùng cấp có biện pháp xử lý như: ghi thu, ghi chi ngân sách hoặc xử lý cho miễn nộp…

- Đối với các khoản phải thu cho cơ quan, tổ chức, đơn vị… tiến hành làm việc lại với từng đơn vị để xác định trách nhiệm của người phải nộp, cơ quan có trách nhiệm thu hồi.

Việc thống nhất xử lý với các cơ quan có thẩm quyền nêu trên về từng trường hợp cụ thể cũng phải được lập thành biên bản để làm cơ sở tiến hành chuyển giao theo dõi đôn đốc thực hiện kháng nghị, kiến nghị.

3/ Về chuyển giao cho các cơ quan hưu quan theo dõi đôn đốc thực hiện kháng nghị, kiến nghị:

Sau khi thực hiện như hướng dẫn tại điểm 2 nêu trên, nếu đến 15/4/2002, còn trường hợp nào chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ theo nội dung kháng nghị thì Viện kiểm sát các cấp tiến hành chuyển giao cho cơ quan hữu quan cùng cấp theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể như sau:

3.1. Kháng nghị về kiểm sát văn bản và kiểm sát việc chấp hành pháp luật đối với UBND chưa được thực hiện chuyển giao cho HĐND cùng cấp.

3.2. Kháng nghị yêu cầu xử lý hành chính đối với cá nhân chưa được thực hiện chuyển giao cho UBND cùng cấp.

3.3. Kháng nghị thu hồi tài sản chưa được thực hiện chuyển giao cho UBND cùng cấp.

Theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì chỉ là chuyển giao việc theo dõi đôn đốc thực hiện kháng nghị, kiến nghị. Vì vậy hồ sơ, tài liệu bàn giao gồm:

- Bàn kháng nghị văn bản vi phạm đã kháng nghị: Văn bản trả lời kháng nghị; Biên bản làm việc giữa Viện kiểm sát và cơ quan ban hành văn bản vi phạm, cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính theo kháng nghị cơ quan, cá nhân có trách nhiệm thu nộp tài sản theo kháng nghị lập trước khi chuyển giao theo dõi đôn đốc thực hiện kháng nghị theo hướng dẫn tại điểm 2 trên đây. Nếu là kháng nghị thu hồi tài sản đã thực hiện được một phần thì phải kèm theo các chứng từ chứng minh đã nộp.

- Việc bàn giao được lập thành biên bản để lưu hồ sơ theo quy định.

4/ Về sắp xếp lưu trữ hồ sơ kiểm sát việc tuân theo pháp luật:

Tại văn bản 3322/VKSTC-KSVTTPL, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo về vấn đề này. Sau khi chuyển giao cho các cơ quan hữu quan theo hướng dẫn tại điểm 3 trên đây, những hồ sơ tài liệu còn lại tiếp tục sắp xếp, lưu trữ theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và pháp luật về lưu trữ.

Trên đây là hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện Nghị quyết số 287/2002/NQ-UBTVQH10 ngày 29/1/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Viện kiểm sát nhân dân , Viện kiểm sát Quân sự các cấp nghiên cứu thực hiện. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1) để hướng dẫn cụ thể.

 

 

 

KT. VIỆN TRƯỞNG

 

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

 

 

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

 

 

  Đã ký: Khuất Văn Nga

Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của UBTVQH ... về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992
Số ký hiệu 235/VKSTC-KSVTTPL
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Ngày ban hành 02/08/2002
Số lượt xem 860
Số lượt tải 0