CHUYÊN ĐỀ
TRANH TỤNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TRANH TỤNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG XÉT XỬ HÌNH SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP
Lời nói đầu
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự là một trong những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, là yêu cầu cấp bách trong việc đảm bảo tính công bằng dân chủ giữa người tham gia tố tụng với Viện kiểm sát, là căn cứ để xác định sự thật vụ án và là cơ sở để Hội đồng xét xử ra bản án đúng đắn, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xác định tầm quan trọng của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp như Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01/01/2002, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 v.v… đã xác định tầm quan trong của tranh tụng trong xét xử, coi nội dung này là một trong những nội dung trọng tâm của cải cách tư pháp, là khâu đột phá của cải cách tư pháp.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về hoạt động tranh tụng đã được thể chế hóa ở Hiến pháp 2013. Tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp quy định“Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.Như vậy, lần đầu tiên, việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử được ghi nhận thành một nguyên tắc, thể hiện bước tiến lớn trong hoạt động xây dựng pháp luật và phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp của Nhà nước ta.
Để thực hiện chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà hình sự và thi hành qui định mới của Hiến pháp 2013, ngày 02/01/2014, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 01 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014, trong đó giao cho Viện phúc thẩm 1 chủ trì cùng Viện khoa học kiểm sát xây dựng chuyên đề: “Tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên trong xét xử hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, trên cơ sở đó tham mưu ban hành Chỉ thị về tăng cường biện pháp nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự.
Thực hiện Chỉ thị nêu trên, Viện Phúc thẩm 1 đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện KSNDTC xây dựng Kế hoạch số 52 ngày 21/5/2014, Công văn số 1535/VKSTC-VPT1 cùng ngày và Bản đề cương chi tiết yêu cầu các VKSND cấp tỉnh, thành phố và 3 Viện phúc thẩm xây dựng báo cáo đánh giá hoạt động tranh tụng của KSV (thời điểm từ 2011-2013). Sau khi nhận được kế hoạch và yêu cầu báo cáo của VKSNDTC, lãnh đạo VKS các tỉnh, thành phố đã tổ chức quán triệt và yêu cầu các đơn vị trực thuộc xây dựng Báo cáo đánh giá hoạt động tranh tụng. Đa số các VKS cấp tỉnh đã gửi báo cáo tranh tụng kèm theo các bảng thống kê số liệu đúng hạn, các đơn vị chấp hành nghiêm túc (Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Kạn, Tây Ninh, Yên Bái, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long…). Nhiều bản báo cáo có chất lượng tốt, đánh giá toàn diện hoạt động tranh tụng của 2 cấp sơ và phúc thẩm, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, nêu các ví dụ minh họa để nhận xét, đánh giá, đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể, rõ ràng, thiết thực.
Thông qua báo cáo đánh giá của các địa phương, cho thấy, trong những năm gần đây, nhận thức của lãnh đạo VKS các cấp, của KSV tham gia phiên tòa đối với hoạt động tranh tụng đã nâng lên rõ rệt. Nhiều đơn vị đã tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa như VKS Hải Phòng, VKS tỉnh Nghệ An, VKS Hải Dương, VKSND tỉnh Quảng Ninh… Có đơn vị tổ chức cuộc thi nâng cao chất lượng viết Cáo trạng và bản luận tội (Vĩnh Phúc). Có VKS đã xây dựng chuyên đề tranh tụng, xây dựng các phiên tòa giả định để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm trong hoạt động tranh tụng; tìm kiếm, bồi dưỡng những KSV có năng khiếu, năng lực tranh tụng bổ sung cho công tác THQCT và KSXX hình sự.
Như vậy, Báo cáo tổng thuật (dự thảo) về Chuyên đề “Tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” được tổng hợp trên cơ sở các báo cáo của 63 VKSND cấp tỉnh và 3 Viện phúc thẩm; cùng với kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thực hiện chuyên đề, được gửi tới Hội nghị để xin được nghiên cứu, trao đổi thêm.
Quá trình triển khai, nhận thấy tầm quan trọng của Chuyên đề, Viện phúc thẩm 1 đã báo cáo các đồng chí Phó Viện trưởng có liên quan, báo cáo đồng chí Viện trưởng và được đồng chí Viện trưởng đồng ý nâng tầm nghiên cứu chuyên đề này lên thành Đề án và giao cho đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng phụ trách lĩnh vực THQCT& KSXXHS làm Chủ nhiệm. Việc nghiên cứu chuyên đề này sẽ được triển khai nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn, nhất là phần về lý luận tranh tụng và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; trên cơ sỏ đó, Ban chủ nhiệm chuyên đề sẽ xây dựng dự thảo Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC về nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà hình sự.
Dự thảo Báo cáo chuyên đề này đựoc cơ cấu làm ba phần: Phần 1 là một số vấn đề lý luận về tranh tụng, nguyên tắc tranh tụng và hoạt động tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự. Phần 2 là thực trạng hoạt động tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự (số liệu đánh giá trong 3 năm 2011- 2013) và Phần 3 là một số đề xuất, kiến nghị.
Chuyên đề này đã được báo cáo tại ba Hội nghị tại miền Nam, miền Trung và miền Bắc, đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Ban chủ nhiệm chuyên đề đã tiếp thu các ý kiến nói trên và đã bổ sung, chỉnh sửa trong Chuyên đề này.
Phần 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TRANH TỤNG, NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG VÀ HOẠT ĐỘNG TRANH TỤNG CỦA KIỂM SÁT VIÊNTRONG XÉT XỬ HÌNH SỰ
Trong phần này, chuyên đề nghiên cứu các nội dung cơ bản như: Khái niệm tranh tụng và bản chất của tranh tụng; nguyên tắc tranh tụng và tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự
1. Tranh tụng
Theo tác phẩm: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của việc đổi mới thủ tuc tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” do Tiến sỹ Lê Hữu Thể cùng một số tác giả đồng chủ biên, NXB Chính trị quốc gia- Sự thật. Hà Nội 2013 thì thuật ngữ “tranh tụng” được sử dụng trong khái niệm về mô hình tố tụng- được hiểu với nghĩa là cách thức tổ chức hoạt động tố tụng hình sự tìm đến sự thật khách quan của vụ án” (sách đã dẫn, trang 89). Theo các tác giả, về cách thức tiến hành tố tụng hình sự phổ biến trên thế giới hiện nay, đa số người thường hay nhắc đến mô hình tố tụng tranh tụng, thẩm vấn và mô hình tố tụng có đan xen, kết hợp. Mô hình tố tụng hình sự tranh tụng thường được áp dụng tại các nước có truyền thống án lệ. Mô hình tranh tụng có những đặc điểm cơ bản sau đây: (1) Có sự phân định rành mạch quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của TTHS; trong đó Toà án có vai trò thụ động và trung lập, làm trọng tài điều khiển sự tranh tụng giữa các bên. (2) có hệ qui tắc phức tạp chi phối toàn bộ hệ thống tố tụng, trong đó qui tắc về chứng cứ có ảnh hưởng lớn nhất vì nó kiểm soát loại chứng cứ nào có thể được đưa ra trước những người có thẩm quyền; nói cách khác là qui tắc này quyết định chứng cứ có được chấp nhận hay không; (3) vai trò của công tố mờ nhạt trong hoạt động điều tra, trong khi đó vai trò của Luật sư bào chữa được tham gia rất sớm vào TTHS; (4) có chứa đựng yếu tố thú tội và mặc cả thú tội; (5) Luật sư bào chữa có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn đưa ra quyết định, tuy nhiên (6) hoạt động bào chữa của Luật sư cũng phải trong khuôn khổ pháp luật; (7) khuyến khích bị cáo nhận tội để có thể được miễn truy tố hoặcgiảm nhẹ hình phạt; và (8) trong mô hình tố tụng tranh tụng, nguyên tắc phân quyền qui định Toà án là bộ phận độc lập tách rời khỏi hành pháp và tư pháp. Với những đặc điểm cơ bản nói trên, mô hình tố tụng tranh tụng có những ưu điểm như: Phân định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện các chức năng cơ bản của TTHS; quyền của người bị buộc tội và của người bào chữa được mở rộng và triệt để được tôn trọng; vì thế nhiều người cho rằng mô hình tranh tụng có khả năng phòng chống oan sai có hiệu quả.
Hiện nay, Bộ luật TTHS 2003 đang được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung; trong đó có vấn đề nghiên cứu để xây dựng mô hình tố tụng hình sự sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, có hiệu quả nhất trong đấu tranh phòng chống tội phạm và chống oan sai. Do vậy, vấn đề nghiên cứu về “tranh tụng” với tư cách là một mô hình tố tụng hình sự là vấn đề của quá trình xây dựng luật. Trong phạm vi chuyên đề này, Ban chủ nhiệm chuyên đề tiếp cận vấn đề “Tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV…” dưới góc độ thực tiễn hoạt động của KSV trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự.
-Theo từ điển tiếng Việt, “tranh tụng là kiện cáo lẫn nhau”, theo nghĩa Hán Việt,tranh tụng được ghép từ hai từ “tranh luận” và “tố tụng”.
- Trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1989, 2003 đều quy định trình tự tố tụng tại phiên toà xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tương tự như nhau, bao gồm các thủ tục mở đầu, xét hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án. Thủ tục mở đầu phiên toà nhằm kiểm tra các điều kiện cần thiết cho việc mở phiên toà. Thủ tục xét hỏi nhằm kiểm tra và công khai toàn bộ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; xem xét các mâu thuẫn (nếu có) của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; công bố bổ sung và kiểm tra các tài liệu, chứng cứ mới do các bên cung cấp tại phiên toà. Tranh luận là trình tự tố tụng mà các bên trong TTHS ( bên buộc tội và bên gỡ tội) dựa trên các chứng cứ, các qui định của pháp luật, đưa ra các luận điểm, luận cứ và luận chứng để làm rõ các vấn đề trong vụ án. Trong các trình tự tố tụng diễn ra tại phiên toà, chỉ có trình tự tranh luận là có sự diễn ra đối đáp hai chiều, có đi có lại giữa quan điểm của các bên buộc tội và gỡ tội. Thông qua tranh luận, đối đáp, phản biện, bác bỏ quan điểm lẫn nhau để có cơ sở khẳng định quan điểm của mỗi bên. Nhìn chung, mỗi trình tự tố tụng đều có ý nghĩa pháp lý riêng trong việc nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, tuy nhiên hoạt động tranh tụng của KSV là hoạt động trọng tâm tại phiên toà xét xử.
-Theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp:
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 01/01/2002 … đã xác định: “Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Khi xét xử, các Tòa án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan,Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn luật định. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa..”. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị một lần nữa yêu cầu “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp…”, Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/1012 tiếp tục khẳng định “Kiểm sát viên phải chủ động, tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự…Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.
Như vậy, trên cơ sở chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự; các qui định của Bộ luật TTHS và qui định của Hiến pháp 2013, chúng tôi nhận thấy khái niệm tranh tụng xuất hiện đầu tiên và chính thức là từ các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, gần đây được Hiến pháp qui định. Tranh tụng được hiểu với nghĩa không phải là một kiểu mô hình tố tụng mà là hoạt động tranh luận của KSV và những người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự, cụ thể là tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bao gồm cả phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm. Trong đó, KSV và người tham gia tố tụng dựa trên các tài liệu, chứng cứ; các qui định của pháp luật; trên cơ sở tư duy logic hình thức để đưa ra các luận điểm, luận cứ và luận chứng nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Từ khái niệm nêu trên, bản chất của khái niệm “tranh tụng” được nhìn dưới hai góc độ pháp lý và nhận thức. Dưới góc độ pháp lý, bản chất của tranh tụng gồm có các nội dung cơ bản sau đây:
- Tranh tụng là hoạt động tố tụng hình sự, do vậy hoạt động tranh tụng phải tuân theo các qui định của Bộ luật TTHS.
- Chủ thể của tranh tụng gồm có Kiểm sát viên và người tham gia tố tụng khác. Các chủ thể xuất phát từ những địa vị pháp lý khác nhau nhưng bình đẳng với nhau trong quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, yêu cầu, quan điểm về giải quyết vụ án. Kiểm sát viên có thể tranh tụng với người bào chữa, với bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác để làm rõ sự thật khách quan của đối tượng tranh tụng.
- Hoạt động tranh tụng tại phiên toà diễn ra dưới sự điều khiển của chủ toạ phiên toà. Chủ tọa phiên toà có quyền yêu cầu các bên tiến hành tranh tụng hoặc chấm dứt tranh tụng, điều chỉnh nội dung cũng như phương pháp tranh tụng cho phù hợp với qui định của pháp luật và sự cần thiết làm rõ các vấn đề của vụ án.
- Mục tiêu của hoạt động tranh tụng là nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Sự thật khách quan này bao gồm sự thật như nó đã diễn ra trên thực tế và được nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ pháp lý (dưói góc độ đánh giá trên cơ sở pháp luật hình sự và TTHS).
- Đối tượng của hoạt động tranh tụng là các quan điểm, luận cứ và luận chứng của các bên đưa ra trong việc giải quyết vụ án.
- Cách thức tranh tụng là các bên chủ thể tranh tụng sử dụng các chứng cứ trong hồ sơ vụ án cũng như chứng cứ mới cung cấp đã được kiểm tra tại phiên tòa, các qui định của pháp luật hiện hành để làm rõ các đối tượng tranh tụng.
Dưới góc độ coi tranh tụng là hoạt động tư duy, nhận thức; bản chất của tranh tụng có các nội dung sau:
- Tranh tụng được tiến hành trên cơ sở tư duy logic hình thức. Các bên tranh tụng có thể sử dụng các kỹ năng tranh tụng khác nhau để khẳng định quan điểm của mình, bác bỏ quan điểm hoặc thừa nhận quan điểm của bên tranh tụng đối lập.
- Tranh tụng không chỉ là quyền, là trách nhiệm của các bên tham gia tranh tụng mà còn là một phần của sự thật khách quan của vụ án. Nói cách khác, tranh tụng không chỉ là phương tiện để đạt được sự thật khách quan mà tranh tụng còn là một phần của sự thật khách quan của vụ án. Chân lý về vụ án phải tìm thấy, có được thông qua tranh tụng. Tất nhiên, thuộc tính này của tranh tụng là xét về nguyên tắc. Với những vụ án mà bị cáo nhận tội và có đủ chứng cứ để khẳng định lời nhận tội của bị cáo là có cơ sở, tại phiên toà không có những quan điểm xung đột thì không phát sinh tranh tụng hoặc nếu có thì chỉ ở mức độ nhất định.
2. Nguyên tắc tranh tụng
Nguyên tắc là tư tưởng có giá trị làm nền tảng, làm cơ sở cho những thiết chế và hoạt động. Nguyên tắc trong một quan hệ pháp luật tố tụng là những tư tưởng pháp lý làm nền tảng, làm cơ sở cho việc xây dựng và thực thi pháp luật trong lĩnh vực tố tụng đó.
Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, tranh tụng được ghi nhận là một nguyên tắc. Vấn đề là cụ thể hoá nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS như thế nào? Nguyên tắc này có những nội dung gì? Phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc này?...là những vấn đề đang được nghiên cứu, xây dựng BLTTHS sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, nội hàm của nguyên tắc tranh tụng có các nội dung cơ bản sau:
+Hoạt động xét xử phải bảo đảm tranh tụng giữa KSV với những người tham gia tố tụng khác; tranh tụng là trọng tâm của hoạt động xét xử;
+Các bên tranh tụng bình đẳng với nhau về quyền đưa ra tài liệu, chứng cứ, yêu cầu; đưa ra các luận điểm, luận cứ và luận chứng của mình; bình đẳng trong đối đáp, tranh luận, chứng minh, bác bỏ quan điểm lần nhau.
+ KSV và người tham gia tranh tụng phải tranh tụng với tinh thần trách nhiệm, trên cơ sở chứng cứ khách quan và qui định của pháp luật; với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, có văn hoá ứng xử.
+Bản án và quyết định của Toà án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét toàn diện các luận điểm, luận cứ và luận chứng của các bên tranh tụng.
+Toà án có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện, thực thi các qui định của pháp luật theo qui định của BLTTHS để các bên tham gia tranh tụng.
Với các nội dung trên thì phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc tranh tụng chủ yếu là tại phiên toà xét xử vụ án hình sự; bắt đầu từ khi Toà án mở phiên toà cho đến khi kết thúc phiên toà và tập trung trong phần tranh luận của KSV với những người tham gia tố tụng..
3. Tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự
KSV là chủ thể chính của tranh tụng. Tranh tụng vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của KSV. Mục đích của tranh tụng của KSV có mục đích trước mắt và mục đích cuối cùng (tạm dùng từ này). KSV tranh tụng trước hết nhằm mục đích bảo vệ tính đúng đắn, khách quan, tính hợp pháp và có căn cứ của quan điểm truy tố (thể hiện trong bản cáo trạng). Nói cách khác, xuất phát điểm của tranh tụng của KSV với những người tham gia tố tụng khác là nhằm bảo vệ tính có căn cứ, hợp pháp của quan điểm truy tố. Tranh tụng của KSV suy cho cùng là nhằm bảo vệ sự thật khách quan của vụ án (chân lý về vụ án). Khi tranh tụng, KSV xuất phát điểm là nhằm bảo vệ quan điểm truy tố, do vậy các luận điểm, luận cứ và luận chứng là nhằm thực hiện mục đích này. Tuy nhiên thông qua tranh tụng, KSV có thể phát hiện ra những nội dung bất hợp lý, thiếu căn cứ hoặc không phù hợp pháp luật của quan điểm truy tố. Nếu đủ cơ sở, KSV sẽ xử lý các tình huống phát sinh nói trên theo qui định của pháp luật TTHS; cụ thể như : Có thể đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung; rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; chuyển tội danh nhẹ hơn hoặc thay đổi khung khoản truy tố phù hợp với thẩm quyền xét xử của HĐXX (ở cấp sơ thẩm); hoặc đề nghị huỷ án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại hoặc để đình chỉ tố tụng (ở cấp phúc thẩm).
Hoạt động tranh tụng của KSV chủ yếu thực hiện tại phiên toà, tập trung ở giai đoạn tranh luận. Tuy nhiên để tranh tụng tốt thì KSV phải thực hiện đầy đủ và có chất lượng việc xét hỏi, vì xét hỏi chính là để làm rõ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, làm rõ cơ sở để bảo vệ quan điểm truy tố hoặc bảo vệ tính đúng đắn của bản án sơ thẩm trước quan điểm kháng cáo (bản án sơ thẩm này phù hợp với quan điểm truy tố của VKS). Nhìn chung, để đảm bảo tranh tụng có chất lượng tốt thì KSV phải đáp ứng được các điều kiện bắt buộc để tranh tụng, phải thực hiện tốt nhiều hoạt động mang tính chất chuẩn bị trước khi tham gia phiên toà, phải có các kỹ năng nghiệp vụ khi tham gia tranh tụng, có tinh thần trách nhiệm, có lương tâm và danh dự nghề nghiệp.
Xuất phát từ bản chất của xét xử phúc thẩm nên tranh tụng của KSV tại phiên toà phúc thẩm có những nội dung, yêu cầu, phạm vi đặc trưng so với tranh tụng tại phiên toà sơ thẩm. Bản chất của xét xử phúc thẩm là cấp xét xử lại khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Cấp phúc thẩm chỉ có trách nhiệm xem xét phần nội dung của bản án sơ thẩm mà có kháng cáo hoặc bị kháng nghị, ngoại trừ trường hợp có thể xem xét các phần khác của bản án sơ thẩm tuy không có kháng cáo hoặc kháng nghị nhưng có cơ sở để xem xét giảm TNHS cho bị cáo; do vậy phạm vi tranh tụng của KSV tại phiên toà phúc thẩm tập trung chủ yếu vào những nội dung có kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp người tham gia tố tụng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, kháng cáo kêu oan thì cấp phúc thẩm có quyền và có trách nhiệm xem xét lại toàn bộ vụ án; Trong trường hợp này, việc tranh tụng của KSV là để kiểm tra lại toàn bộ quan điểm truy tố, kiểm tra lại toàn bộ bản án sơ thẩm thông qua kiểm tra xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án.
4. Các tiêu chí để đánh giá chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà
Các tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng tranh tụng của KSV bao gồm:
+Về thủ tục và cách thức tranh tụng phải nghiêm minh, dân chủ, công bằng, có văn hoá, đúng qui định của pháp luật. Các bên tham gia tranh tụng với tinh thần trách nhiệm, có căn cứ, đúng pháp luật, tôn trọng quyền và nghĩa vụ của nhau (nếu đạt được các tiêu chí này thì đánh giá chất lượng tranh tụng tốt và ngược lại);
+Quan điểm (luận điểm), luận cứ và luận chứng của KSV được HĐXX chấp nhận với tỷ lệ cao (chất lượng tốt) và ngược lại;
+Chất lượng giải quyết vụ án hình sự tốt, không oan, hạn chế sai. Chất lượng giải quyết vụ án hình sự thể hiện qua các tiêu chí như: Không có bị cáo bị truy tố, xét xử oan; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bị cáo bị truy tố, xét xử sai; tỷ lệ án sơ thẩm bị Toà án cấp phúc thẩm huỷ thấp.Tuy nhiên riêng với tiêu chí án huỷ này cần đánh giá theo hai góc độ: Tỷ lệ án sơ thẩm bị Toà án cấp phúc thẩm huỷ án là tiêu chí đánh giá chất lượng tranh tụng của KSV ở phiên toà sơ thẩm là kém chất lượng, bởi lẽ qua tranh tụng nhưng Kiểm sát viên cấp sơ thẩm không phát hiện ra các vi phạm trong việc truy tố của VKS để khắc phục; nhưng đồng thời đây lại là tiêu chí đánh giá tranh tụng của KSV ở cấp phúc thẩm có chất lượng tốt, bởi lẽ qua tranh tụng, KSV cấp phúc thẩm đã phát hiện ra vi phạm của VKS, Tòa án cấp sơ thẩm nên đã đề nghị và được Toà án cấp phúc thẩm huỷ án để cấp sơ thẩm khắc phục vi phạm.
+KSV thực hiện tốt các hoạt động nghiệp vụ mang tính chuẩn bị cho tranh tụng tại phiên toà (nghiên cứu hồ sơ vụ án, xây dựng hồ sơ kiểm sát, chuẩn bị bản luận tội và bài phát biểu quan điểm, xây dựng đề cương xét hỏi…Việc chuẩn bị tốt các công việc nói trên không những để thực hiện đúng, đầy đủ qui định của Viện trưởng VKSNDTC trong các qui chế nghiệp vụ mà còn thông qua đó góp phần bảo đảm chất lượng tranh tụng của KSV được tốt.
Phần 2
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRANH TỤNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ (giai đoạn 2011-2013)
2.1. Khảo sát số liệu
2.1.1.Giải quyết án
Trong 3 năm (2011-2013), Toàn quốc thụ lý 211.745 vụ án với 375.437 bị cáo. Trong số đó, đã xét xử sơ thẩm: 186. 212 vụ/324.925 bị cáo. Tòa chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát là: 180.000 vụ/186.212 vụ đã xét xử, chiếm 96,6%.. Số vụ VKS rút quyết định truy tố hoặc thay đổi tội danh 95 vụ/148 bị cáo. Số vụ có Luật sư tham gia bào chữa là:25.672 vụ (chiếm 13,79 % số vụ đã xét xử)
- Phúc thẩm cấp tỉnh: Tổng thụ lý trong 03 năm (2011-2013) là 40.863 vụ/60.290 bị cáo, đã giải quyết: 32.657 vụ/49,231 bị cáo, trong đó: Đình chỉ 10.588 bị cáo; xét xử 44.216 bị cáo. Nhìn chung quan điểm của VKS được HĐXX chấp nhận đạt tới 95%. Số bị cáo có luật sư bào chữa trung bình mỗi năm chiếm khoảng 20% đến 21%, tăng nhiều hơn ở năm 2013.
- Ba Viện phúc thẩm trung ương: Tổng thụ lý án 8364 vụ/14.357 bị cáo, trong đó: Đã giải quyết 7066 vụ/11.991 bị cáo, gồm: Đình chỉ 1.895 bị cáo;, xét xử 10.094 bị cáo. Quan điểm của VKS được HĐXX phúc thẩm chấp nhận chiếm khoảng 82%. Luật sư tham gia bào chữa chiếm khoảng 70% số vụ đã xét xử.
Số liệu nêu trên cho thấy tỷ lệ số vụ mà Toà án đồng ý với quan điểm của VKS chiếm tỷ lệ cao (96,6%), phản ánh chất lượng truy tố, chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà là tốt. Tỷ lệ này ở cấp phúc thẩm tuy có giảm nhưng số vụ án ở cấp phúc thẩm có Luật sư tham gia chiếm tỷ lệ cao. Hơn nữa việc sửa án ở cấp phúc thẩm có những nguyên nhân khách quan, trong đó chủ yếu do xuất hiện tình tiết giảm nhẹ mới trong giai đoạn phúc thẩm nên Toà án đã giảm hình phạt cho bị cáo.
2.1.2. Tình hình cán bộ làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự
- Năm 2011: Cả nước có 3782 Kiểm sát viên làm nhiệm vụ THQCT và KSXX hình sự.
Về trình độ: Cử nhân Luật 3673/3782= 97,12%; Thạc Sỹ Luật: 107/3782= 2,83%; Tiến sỹ: 02/3782= 0,03%
Về kinh nghiệm công tác: Dưới 05 năm công tác: 1060 cán bộ. Từ 05 năm đến 10 năm công tác có 903 cán bộ. Từ trên 10 năm: 1819 cán bộ
- Năm 2012: Cả nước có 3812 Kiểm sát viên làm nhiệm vụ THQCT và KSXX hình sự.
Về trình độ: Cử nhân Luật 3679/3812= 96,51%; Thạc Sỹ Luật: 131/3812= 3,44%; Tiến sỹ: 2/3812= 0,05% (cấp huyện 19 người)
Về kinh nghiệm công tác: Dưới 05 năm công tác: 1143 cán bộ (xấp xỉ 30%). Từ 05 năm đến 10 năm: 898 cán bộ (23,56%). Từ trên 10 năm: 1771 cán bộ (46,46%).
- Năm 2013: Cả nước có 3851 Kiểm sát viên làm nhiệm vụ THQCT và KSXX hình sự.
Về trình độ: Cử nhân Luật 3626/3851 = 94,16%; Thạc Sỹ Luật: 222/3851= 5,76%; Tiến sỹ: 03/3851 = 0,08%.
- Về kinh nghiệm công tác: Dưới 05 năm: 1148 cán bộ (29,8%). Từ 05 năm đến 10 năm có 917 cán bộ (23,81%); Trên 10 năm: Có 1786 cán bộ (46,38%).
Số liệu nêu trên cho thấy VKS các cấp đã quan tâm đầu tư cán bộ cho công tác THQCT và KSXX hình sự. Số lượng cán bộ hàng năm được bố trí cho công tác này có tăng lên, trong đó tỷ lệ số cán bộ có kinh nghiệm công tác từ 10 năm trở lên chiếm tỷ lệ cao, xấp xỉ 50%. Số cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ cao, đa số đã có trình độ cả nhân luật.
2.2. Đánh giá kết quả tranh tụng của KSV
2.2.1. Đánh giá chung
Đánh giá chất lượng tranh tụng của KSV trong năm 2013, tại Kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Viện trưởng VKSTC khẳng định: Chất lượng, hiệu quả tranh tụng của Kiểm sát viên tại tòa có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm, không có trường hợp Kiểm sát viên từ chối không tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa. Điều đó được cho là đã góp phần bảo đảm phán quyết của Tòa án khách quan, chính xác, đúng sự thật, không bỏ lọt tội phạm, hạn chế các trường hợp oan sai.
Trong những năm qua, tranh tụng, cùng với các hoạt động tố tụng khác đã góp phần giảm thiểu tình trạng oan sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự, đảm bảo tính đúng đắn trong hoạt động xét xử ở 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Do làm tốt công tác nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tốt cho hoạt động xét xử như việc xây dựng đề cương xét hỏi, dự kiến các nội dung tranh luận, tham gia xét hỏi, tranh luận, đối đáp tích cực và có trách nhiệm, trên cơ sở nắm vững các quy định của pháp luật, nên quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa đã được hội đồng xét xử chấp nhận với tỉ lệ cao. Ở sơ thẩm cấp tỉnh và huyện, tỉ lệ này trung bình trong 3 năm chiếm 96.6%. Đối với phúc thẩm cấp tỉnh, quan điểm của VKS được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỉ lệ 95%. Ở 3 Viện phúc thẩm trung ương, tỉ lệ đạt khoảng 82%.
Cùng với các hoạt động khác, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm đã góp phần giảm thiểu tình trạng án bị cấp phúc thẩm hủy do có vi phạm nghiêm trọng về việc áp dụng pháp luật và vi phạm về thủ tục tố tụng.Trong 3 năm (2011-2013), Viện kiểm sát cấp tỉnh đã xét xử phúc thẩm 44.216 bị cáo, số bị cáo bị hủy án là 1367, chiếm 3, 09%. Tỉ lệ này có xu hướng giảm dần trong các năm tiếp theo, năm 2011 là 3,5%, năm 2012 là 3%, năm 2013 là 2,6%. Đối với 3 Viện phúc thẩm, tỉ lệ hủy án sơ thẩm cấp tỉnh cũng giảm hơn, năm 2011 là 3,33%, năm 2012 là 3,1%, năm 2013 là 3%. Theo báo cáo đánh giá chung của các địa phương thì tình trạng hủy án của cấp sơ thẩm đã giảm nhiều so với các năm trước thời điểm báo cáo.
Một vấn đề cần lưu ý là khi đánh giá chất lượng tranh tụng thông qua tiêu chí tỷ lệ án huỷ ở cấp phúc thẩm, cần chú ý một số nguyên nhân khách quan dẫn đến làm tăng tỷ lệ án huỷ, do vậy tỷ lệ án huỷ có lúc, có nơi không phản ánh đúng chất lượng truy tố cũng như chất lượng tranh tụng; cụ thể như trong thời gian gần đây, do Toà án nhân dân tối cao có Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014, có nội dung hướng dẫn Toà án các cấp giải quyết các vụ án về tội phạm ma tuý theo hướng phải có giám định bắt buộc về hàm lượng chất ma tuý trong chất bị thu giữ nghi là chất ma tuý để làm cơ sở giải quyết vụ án. Lâu nay, kể từ khi có Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC- BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn thực hiện một số qui định của BLHS về các tội phạm ma tuý, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn giải quyết các vụ án ma tuý trên cơ sở giám định chất ma tuý mà không giám định về hàm lượng chất ma tuý (trừ hai trường hợp theo hướng dẫn của Thông tư số 17). Việc TANDTC ban hành Công văn số 234 nêu trên dẫn đến tình trạng Toà án nhân dân các cấp, trong đó có Toà án cấp phúc thẩm đã hoãn xét xử hoặc huỷ bản án sơ thẩm nhiều vụ án để yêu cầu giám định hàm lượng chất ma tuý. Trong khi đó VKSNDTC và CQĐT có quan điểm trái ngược với nội dung của Công văn 234 nói trên. Bên cạnh đó, việc CQĐT của VKSNDTC gần đây đã khởi tố bị can đối với Thẩm phán chủ tọa trong phiên toà phúc thẩm xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội Giết người đã kéo theo tâm lý mang tính phòng ngừa, thà huỷ án còn hơn làm oan, do vậy chỉ cần bản án sơ thẩm có một chút sai sót là có thể bị huỷ.
2.2.2.Đánh giá kết quả tranh tụng qua các tiêu chí cụ thể
Như ở phần trên đã phân tích, bản chất của tranh tụng là hoạt động tranh luận của KSV tại phiên toà trên cơ sở qui định của pháp luật và các chứng cứ trong hồ sơ cũng như các chứng cứ mới được cung cấp và kiểm tra tại phiên toà. Tuy nhiên để có được hoạt động tranh tụng có chất lượng, KSV cần tiến hành những hoạt động mangtính chuẩn bị trước và sau khi tranh tụng. Do vậy khi đánh giá chất lượng tranh tụng không chỉ dựa vào các tiêu chí phản ánh hoạt động tranh luận của KSV mà cần phải đánh giá qua các tiêu chí phản ánh các hoạt động mang tính chuẩn bị trước và sau khi tranh tụng.
2.2.2.1. Chất lượng nghiên cứu, lập hồ sơ kiểm sát
Theo báo cáo của 63 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW trong cả nước, công tác lập hồ sơ kiểm sát cơ bản đã tuân thủ quy định tại Quyết định số 07/QĐ- VKSTC ngày 12/01/2006. Ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên đã nắm chắc toàn bộ diễn biến của vụ án, trích cứu, sao chụp các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS…. Ở giai đoạn phúc thẩm, cán bộ nghiên cứu hồ sơ đã nắm vững các nội dung kháng cáo, kháng nghị và xây dựng hồ sơ kiểm sát thể hiện đầy đủ cơ sở giải quyết kháng cáo, kháng nghị
Nhìn chung KSV đã xây dựng đề cương xét hỏi theo Quy chế thực hành quyền công tố và KSXX các vụ án hình sự ban hành kèm Quyết định số 960 ngày 17/9/2007 của Viện trưởng VKSNDTC. Có địa phương báo cáo 100% hồ sơ xét xử ở 2 cấp đều lập đề cương xét hỏi (VKS tỉnh Vĩnh Phúc). Đa số đề cương gắn với việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, dự kiến đầy đủ các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. Nhiều đề cương được xây dựng có chất lượng tốt.
2.2.2.2. Chất lượng xây dựng bản luận tội (phiên toà sơ thẩm), bản phát biểu quan điểm (phiên toà phúc thẩm) và việc trình bày của KSV tại phiên tòa.
Theo đánh giá của VKS địa phương, do xác định hoạt động tranh tụng là khâu đột phá theo tinh thần cải cách tư pháp, do vậy lãnh đạo VKS địa phương đã quan tâm đến việc chuẩn bị bản luận tội, bản kết luận. Bên cạnh quy định chung của VKSTC về cách thức xây dựng văn bản, nhiều VKS còn tổ chức tập huấn, lựa chọn các văn bản có chất lượng để làm mẫu cho KSV. Các báo cáo của VKS địa phương nêu rõ: Đa số các bản luận tội tại phiên tòa sơ thẩm đều đáp ứng được yêu cầu như nêu tóm tắt được nội dung vụ án, viện dẫn chứng cứ chứng minh khẳng định được tính có căn cứ của quyết định truy tố, phân tích được nguyên nhân, động cơ, điều kiện phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; phân tích vai trò, tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo, đánh giá được nhân thân, nêu và đánh giá đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhận định, phân tích căn cứ giải quyết việc bồi thường, xử lý vật chứng. Đối với bài phát biểu quan điểm tại phiên tòa phúc thẩm đã bám sát các nội dung kháng cáo, kháng nghị, các tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, làm cơ sở dể xem xét, đưa ra quan điểm đối với kháng cáo, kháng nghị và đối với việc giải quyết vụ án của cấp sơ thẩm..
Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ nội dung bản luận tội hoặc bài phát biểu quan điểm, tại phiên tòa, nhiều KSV rèn luyện cho mình tác phong chững chạc, tự tin, cách trình bày quan điểm mềm dẻo, thấu tình đạt lý, thái độ đúng mực. Nhiều phiên tòa, dư luận, báo chí và người tham dự phiên tòa đánh giá cao năng lực, trình độ của Kiểm sát viên thông qua việc xây dựng, trình bày bản luận tội (hoặc bài phát biểu).
2.2.2.3. Kĩ năng và chất lượng xét hỏi đã được nâng lên
Theo qui định tại Điều 22 Qui chế công tác thực hành quyền công tố và KSXXHS thì KSV có trách nhiệm tham gia xét hỏi. Đối với phiên tòa sơ thẩm, KSV tham gia xét hỏi nhằm kiểm tra tính có căn cứ của quyết định truy tố của VKS. Ở phiên tòa phúc thẩm, việc xét hỏi là cơ sở để nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính có căn cứ và tính hợp pháp đối với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Kiểm sát viên tham gia xét hỏi còn để tìm cơ sở giúp Kiểm sát viên tranh luận với Luật sư và những người tham gia tố tụng khác.
Kinh nghiệm cho thấy, trong quan hệ với việc xét hỏi của Thẩm phán và HĐXX, KSV tham gia xét hỏi trong các trường hợp: HĐXX chưa hỏi đến, hỏi về vấn đề có mâu thuẫn chứng cứ, hỏi về vấn đề tuy đã được HĐXX hỏi nhưng chưa rõ và hỏi để chuẩn bị cho tranh tụng. Việc xét hỏi để chuẩn bị cho tranh tụng là trường hợp qua nghe người bào chữa hỏi bị cáo, người bị hại, KSV đã dự đoán ra những vấn đề, những tình huống mà người bào chữa sẽ dựa vào để tranh luận với KSV sau này, do vậy KSV xét hỏi về những vấn đề cần thiết, qua đó làm cơ sở để khi tranh luận, KSV sẽ sử dụng những tình tiết mới được xét hỏi, kiểm tra để làm cơ sở tranh luận với Luật sư. Trong thực tiễn, khi xét hỏi, HĐXX cho dù có xét hỏi nhiều thì cũng rất ít khi xét hỏi hết tất cả các vấn đề liên quan, cần thiết. Do vậy vẫn có “đất” để cho KSV xét hỏi, làm rõ các vấn đề chưa được HĐXX hỏi đến hoặc chưa rõ. Viện KSND thành phố Hải Phòng có kinh nghiệm là sau khi HĐXX đã xét hỏi, KSV vẫn tham gia xét hỏi để chốt lại các vấn đề, làm cơ sở cho tranh luận.
2.2.2.4.Chất lượng tranh luận tại phiên tòa
Trọng tâm của phiên tòa xét xử là tranh luận của Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng khác. Đa số các KSV đã thực hiện nghiêm túc việc tranh luận theo qui định tại Điều 218, Điều 247 BLTTHS, Điều 17 Luật tổ chức VKSND, các Điều 24, 41 Quy chế công tác THQCT & KSXX các vụ án hình sự.
Trong nhiều phiên tòa, do nghiên cứu kĩ hồ sơ, nghiên cứu kĩ căn cứ pháp luật, ghi chép đầy đủ và kịp thời diễn biến và những vấn đề, những tình tiết mới xuất hiện tại phiên tòa, Kiểm sát viên đối đáp và làm rõ từng vấn đề luật sư đưa ra với lập luận sắc bén, có căn cứ, phản bác lại quan điểm của luật sư. Bên cạnh đó, nhiều KSV có thái độ nghiêm túc, cầu thị, sẵn sàng tiếp thu các quan điểm, luận cứ và luận chứng của người tranh luận đối lập khi thấy có lý, hợp pháp; ví dụ như tiếp thu các tình tiết giảm nhẹ mới và đề nghị HĐXX công nhận, bổ sung khi đánh giá TNHS với bị cáo. Các điểm mới phát sinh sau khi xét hỏi và tranh luận được KSV ghi chép và bổ sung kịp thời và dự thảo quan điểm của VKS (bản luận tội hoặc bài phát biểu quan điểm của KSV).
Khi tranh luận, có nhiều Kiểm sát viên đã tự học hỏi, tổng hợp và xây dựng cho mình nhiều kỹ năng tốt: Kĩ năng hỏi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến, kĩ năng chứng minh, kỹ năng phản biện, bác bỏ; kĩ năng sử dụng ngôn ngữ trong tranh luận ….
Văn hóa pháp lý trong tranh luận cũng được các Kiểm sát viên chú ý khi tham gia tranh luận. Thực tế khá nhiều phiên tòa trước đây diễn ra 2 thái cực, hoặc là Kiểm sát viên né tránh, ngại tranh luận, giữ thái độ im lặng, hoặc tranh luận thì áp đặt, chụp mũ một cách khiên cưỡng, không có cơ sở, không thuyết phục; thái độ và ngôn từ tranh luận gay gắt, đao to búa lớn, không còn ý nghĩa tranh luận, luận bàn mà nhiều khi mang tính “tranh cãi”, “đôi co”, làm mất đi tính nghiêm minh trong xét xử. Trong những năm gần đây, nhiều VKS đã quan tâm đến việc xây dựng cho mình văn hoá trong tranh tụng; có VKS xây dựng các qui tắc ửng xử của KSV tại phiên toà (Hà Nội). Nhiều Kiểm sát viên có khả năng trình bày tốt, nội dung tranh luận ngắn gọn súc tích, dễ hiểu, thái độ tranh luận khiêm tốn, không châm biếm, cao giọng, không mạt sát, kích động mà mềm dẻo, thuyết phục.
2.2.3. Nguyên nhân của những kết quả đạt được
Một là, nhận thức đúng đắn của Lãnh đạo và của Kiểm sát viên về tranh tụng
Nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự luôn luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo VKS các cấp.Lãnh đạo các cấp Kiểm sát cũng đã có sự quan tâm, đề ra các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV
Sự thay đổi về nhận thức trong chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo VKS các cấp đến sự thay đổi tích cực trong nhận thức của KSV về tranh tụng. Nhận thức tranh tụng không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm nên Kiểm sát viên đã chủ động, tích cực thực hiện việc tranh luận tại phiên tòa. Bản chất của tranh tụng, mục đích ý nghĩa của việc tranh luận, giới hạn, phạm vi tranh tụng, các nội dung, yêu cầu đề ra khi tham gia tranh luận cũng đã được các KSV nhận thức rõ rệt hơn. Nhiều KSV có ý thức trách nhiệm cao, luôn tự học hỏi, rèn luyện cho mình các kỹ năng tranh tụng. Việc nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tranh tụng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động tranh luận của KSV.
Hai là: Việc đầu tư cho công tác cán bộ đã được chú trọng
Trong các năm qua, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên. Cán bộ được bổ nhiệm Kiểm sát viên đều đáp ứng đầy đủ các quy định về đạo đức, phẩm chất, năng lực, trình độ theo quy định tại Điều 2, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Pháp lệnh Kiểm sát viên. Nhiều VKS địa phương đã bố trí đủ lực lượng cho công tác THQCT và KSXXHS; trong đó có nhiều KSV có năng lực, có nhiều năm kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố và KSXXHS. Kiểm sát viên có kinh nghiệm trên 10 năm công tác chiếm tới 46%.
Ba là, tổ chức hoạt động thông khâu trong công tác giải quyết án hình sự là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm được nâng lên.
Trước đây, giữa hoạt động kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử thực hiện theo mô hình chuyên khâu, do các KSV công tác ở các đơn vị nghiệp vụ khác nhau thực hiện. Mô hình này đã khiến cho KSV tham gia phiên tòa khó khăn khi tiếp cận vụ án ở giai đoạn xét xử, bởi lẽ sau khi có Cáo trạng, trong thời gian ngắn (3 ngày), VKS phải chuyển hồ sơ và bản Cáo trạng sang Toà án sơ thẩm. Với thời gian này, KSV được phân công THQCT và KSXX tại phiên toà không có điều kiện để nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, do vậy khó khăn khi bảo vệ quan điểm của VKS tại phiên toà. Sau khi thực hiện mô hình thông khâu, KSV kiểm sát điều tra vụ án vừa đồng thời là người thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm là một thuận lợi để KSV nắm vững được bản chất vụ án, các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, các tình tiết khác của vụ án, giúp KSV có đủ cơ sở để THQCT tại phiên toà, tự tin khi tranh luận (trừ trường hợp VKSND tối cao truy tố, uỷ quyền cho VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm). Mặt khác, thông qua hoạt động kiểm sát điều tra, truy tố, KSV có điều kiện nắm được bản chất con ngưòi của bị cáo, tính cách cũng như thái độ tâm lý của bị cáo…từ đó giúp Kiểm sát viên có kĩ năng, phương pháp phù hợp đối với từng bị cáo khi tham gia tranh luận.
Ở cấp phúc thẩm, KSV được phân công THQCT có trách nhiệm trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án (hồ sơ chính), tự mình xây dựng hồ sơ kiểm sát, sao chụp tài liệu, văn bản; trích cứu chứng cứ, chuẩn bị bài phát biểu quan điểm của VKS…Trong trường hợp việc nghiên cứu hồ sơ ban đầu do cán bộ, chuyên viên khác nghiên cứu thì trước khi tham gia phiên toà, KSV phải nghiên cứu lại các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ kiểm sát, báo cáo Lãnh đạo Viện các vụ việc theo Qui chế và chịu trách nhiệm cuối cùng về quan điểm của KSV tại phiên toà. Qui định nói trên giúp các KSV nắm vững hồ sơ, tài liệu, chứng cứ cần thiết, làm nên yếu tố thành công của KSV khi tranh tụng.
2.3. Đánh giá những tồn tại, hạn chế trong tranh tụng của KSV
2.3.1. Tình trạng Tòa tuyên bố bị cáo không phạm tội vẫn còn xảy ra
Trong 3 năm (2011-21013), toàn quốc có 42 bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không phạm tội, trong đó cấp tỉnh 16 bị cáo, cấp huyện 26 bị cáo. Tình trạng này xảy ra tại 12 đơn vị cấp tỉnh (VKS TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hà Nội, Quảng Trị, Ninh Bình) và ở 21 đơn vị cấp huyện. Đa số các vụ án trên đã bị cấp phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại và đang chờ kết quả xét xử sơ thẩm. Tỷ lệ số bị cáo bị Toà án tuyên không phạm tội nói trên thể hiện chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà sơ thẩm chưa tốt, do vậy KSV không phát hiện ra những hạn chế, vi phạm trong việc truy tố bị cáo; không tìm ra những điểm thiếu căn cứ trong quyết định truy tố để kịp thời xử lý ; vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm truy tố trong khi Luật sư bào chữa và bị cáo đưa ra những chứng cứ thuyết phục hơn nên HĐXX đã bác bỏ quan điểm truy tố, tuyên bố bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khách quan về tiêu chí số bị cáo bị Toà án tuyên không phạm tội khi đánh giá chất lượng tranh tụng. Tiêu chí này không hoàn toàn là phản ánh chất lượng tranh tụng thấp kém, vì có nhiều trường hợp Toà án đã tuyên bị cáo không phạm tội một cách thiếu chính xác, không có cơ sở nên bản án đã bị VKS kháng nghị và bị Toà án cấp trên huỷ án để xét xử lại.
Ngoài ra, theo báo cáo của các đơn vị, trung bình trong 3 năm, cấp phúc thẩm phải hủy án của cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại chiếm 3% các vụ án đã xét xử, trong đó không ít vụ án vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng Kiểm sát viên không phát hiện được khi thực hiện chức năng KSĐT, truy tố và trong giai đoạn tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm. Tiêu chí số vụ án bị cấp phúc thẩm huỷ (hoặc cấp giám đốc thẩm huỷ án) rõ ràng phản ánh chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà phúc thẩm là tốt, qua đó phát hiện ra vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm nên KSV đề nghị và được HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận huỷ án ; nhưng mặt khác tiêu chí này lại phản ánh chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà sơ thẩm không tốt, do vậy đã không phát hiện ra những hạn chế của việc truy tố, xét xử của cấp sơ thẩm; do vậy không kịp thời đề nghị HĐXX sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung, truy tố, xét xử lại..
Hạn chế nêu trên cho thấy, mục tiêu của tranh tụng là để làm rõ sự thậtkhách quan của vụ án (dưới góc độ thực tế vụ án và dưới góc độ pháp lý). Tuy nhiên, KSV chưa làm tốt công tác tranh tụng nên không phát hiện được những vi phạm của CQĐT và VKS khi truy tố, dẫn đến đồng ý với quan điểm truy tố thiếu căn cứ, đồng ý với bản án sơ thẩm trái pháp luật, làm oan người không có tội. Cũng do không làm tốt công tác tranh tụng, nên tại phiên toà, KSV không kịp thời phát hiện những sai sót trong các giai đoạn tố tụng trước đó để rút quyết định truy tố, vẫn còn có những bản án ở hai cấp xét xử bị cấp giám đốc thẩm huỷ để điều tra lại vì thiếu căn cứ buộc tội, nhiều vụ trong số đó phải đình chỉ vì bị can không phạm tội hoặc không thể chứng minh được bị can phạm tội. Đây là hạn chế lớn nhất trong công tác THQCT và KSXX nói chung và trong hoạt động tranh tụng nói riêng còn tồn tại trong các năm qua.
2.3.2. Vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên chưa làm tốt công tác chuẩn bị cho hoạt động xét xử, ảnh hưởng đến chất lượng trang tụng tại phiên tòa
Để làm tốt công tác THQCT và KSCXX tại phiên tòa, đòi hỏi KSV phải làm tốt công tác nghiên cứu hồ sơ, xây dựng hồ sơ và các việc khác phục vụ cho phiên tòa. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít hồ sơ xây dựng chưa đảm bảo quy định của ngành, thiếu các tài liệu phục vụ cho việc tranh tụng, phô tô tràn lan, không trích cứu, trích dẫn các chứng cứ quan trọng, việc sắp xếp thứ tự bút lục thiếu khoa học… Nhiều KSV không chuẩn bị Đề cương xét hỏi, trong đó dự kiến những vấn đề cần làm rõ hơn tại phiên toà. Tình trạng này tồn tại nhiều hơn ở cấp phúc thẩm so với cấp sơ thẩm. Ở 3 Viện phúc thẩm trung ương, việc lập đề cương chủ yếu trong các vụ án có nhiều bị cáo, nhiều tội danh, có nhiều luật sư tham gia phiên tòa. Đối với các vụ án chỉ có kháng cáo, kháng nghị tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS, tính chất vụ án đơn giản, không có luật sư tham gia, thì tỉ lệ lập đề cương xét hỏi chỉ chiếm 40%. Việc chuẩn bị bản luận tội (ở cấp sơ thẩm) trong một số vụ án chưa đạt yêu cầu. Bản luận tội tuy chỉ là văn bản mang tính nghiệp vụ, được yêu cầu KSV phải chuẩn bị trước khi tham gia phiên toà để thể hiện quan điểm của VKS về việc truy tố, đồng thời đưa ra các luận cứ, luận chứng để làm cơ sở đưa ra đề nghị áp dụng trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp, bồi thường thiệt hại…) đối với bị cáo. Tuy nhiên, đây là văn bản quan trọng, làm tiền đề cho việc tranh luận tại phiên toà, do vậy bản luận tội phải được chuẩn bị kỹ, nội dung đầy đủ các luận điểm, luận cứ và luận chứng có tính thuyết phục. Bản luận tội phải được xây dựng như một khuôn mẫu cho bản án sơ thẩm sau này của HĐXX. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bản luận tội còn sao chép cơ bản (thậm chí là nguyên văn) bản cáo trạng; phân tích sơ sài, không làm rõ các nội dung cần xem xét, kết luận; kết cấu không hợp lý. Hạn chế thường thấy là các bản luận tội chỉ nêu luận điểm mà rất ít có luận cứ và luận chứng đầy đủ để chứng minh cho luận điểm đã nêu. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, nhiều KSV không chuẩn bị tốt bài phát biểu; trong bài phát biểu không làm rõ các nội dung kháng cáo, kháng nghị; thiếu các luận cứ và luận chứng thuyết phục ; không trích dẫn đầy đủ các bút lục. Một số trường hợp (thường xảy ra ở các KSV lâu năm làm công tác xét xử nên có tư tưởng chủ quan) không viết luận tội hoặc bản phát biểu mà ra phiên tòa “nói vo”, không cần chuẩn bị trước. Điều này là vi phạm quy định của ngành về công tác lập hồ sơ kiểm sát, đồng thời hệ quả của nó là chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà không cao.
2.3.3. Chất lượng xét hỏi của KSV còn hạn chế
Theo qui định của Bộ luật TTHS, xét hỏi là thủ tục tố tụng tại phiên toà nhằm kiểm tra công khai các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, làm rõ các mâu thuẫn (nếu có) của các chứng cứ cũng như để kiểm tra các chứng cứ mới được cung cấp tại phiên toà. Về trình tự xét hỏi, Điều 207 Bộ luật TTHS qui định Chủ toạ phiên toà hỏi trước, sau đó đến các Hội thẩm và sau đó là KSV và những người tham gia tố tụng khác như Luật sư bào chữa…Do vậy khi đến lượt KSV tham gia xét hỏi thì có hai khả năng xảy ra: Khả năng thứ nhất là các thành viên HĐXX đã xét hỏi rất kỹ về các vấn đề của vụ án; khả năng thứ hai là HĐXX chỉ hỏi sơ sài, còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Vì vậy, cần xác định rõ việc KSV tham gia xét hỏi tại phiên toà là để làm rõ những vấn đề của vụ án nhằm để có cơ sởbảo vệ (cũng là để kiểm tra) quan điểm truy tố thể hiện trong cáo trạng (ở cấp sơ thẩm) hoặc để chuẩn bị cho phát biểu quan điểm (ở phiên toà phúc thẩm). Vì vậy về nguyên tắc, KSV có trách nhiệm tham gia xét hỏi để làm rõ những vấn đề mà HĐXX chưa hỏi, hoặc HĐXX đã xét hỏi nhưng chưa làm rõ, hoặc hỏi về những vấn đề có mâu thuẫn giữa chứng cứ trong hồ sơ với lời khai tại phiên toà mà chưa được làm rõ. Ngoài ra, KSV có thể xét hỏi để khái quát, tổng hợp lại và khẳng định lại các vấn đề đã được xét hỏi tại phiên toà để làm cơ sở cho việc bảo vệ quan điểm của mình.
Qua đánh giá của các đơn vị, còn nhiều trường hợp KSV tham gia hoạt động xét hỏi chất lượng chưa cao; thể hiện qua việc không chú ý theo dõi việc xét hỏi của các thành viên HĐXX nên hỏi lặp lại, hỏi về những vấn đề không trọng tâm, không có mâu thuẫn (hỏi cho có). Khi KSV hỏi hoặc nghe HĐXX hỏi có những tình tiết mới nhưng không được tiếp thu và sửa đổi kịp thời vào trong bản luận tội (ở phiên toà sơ thẩm) hoặc trong bài phát biểu của KSV (ở phiên toà phúc thẩm); thái độ và ngôn từ sử dụng khi xét hỏi còn nhiều hạn chế.
2.3.4. Chất lượng tranh tụng trong nhiều phiên tòa còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Trong báo cáo của mình, các địa phương cũng thẳng thắn chỉ rõ vai trò của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại nhiều phiên tòa vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số phiên tòa, Kiểm sát viên ngại xét hỏi, ngại tranh luận khiến phiên tòa diễn ra tẻ nhạt. Kiểm sát viên tuy không hẳn từ chối tranh luận nhưng né tránh những vấn đề khó của những người tham gia tố tụng. Tình trạng này xảy ra ngay cả trong những vụ án lớn, phức tạp, dư luận quan tâm, nhiều luật sư tham gia bào chữa. Việc ghi chép, theo dõi các thông tin, tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa còn hạn chế dẫn đến việc tranh tụng, xét hỏi, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án không thuyết phục. Văn hóa trong tranh luận ở một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều phiên tòa chưa thực sự dân chủ. Một số KSV khi tranh luận không trên cơ sở quy định của pháp luật mà mang nặng tính hơn thua, cay cú, chỉ trích, thiếu bình tĩnh trong tranh tụng.
Một trong những cơ sở để KSV tranh tụng với người tham gia tố tụng là hệ thống chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên do những nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan nên KSV không nghiên cứu kỹ hồ sơ, vì vậy khi người tham gia tranh tụng đưa ra những chứng cứ trong hồ sơ để dùng làm cơ sở cho quan điểm của họ thì KSV nắm không vững chứng cứ đó, không rõ chứng cứ này tại bút lục bao nhiêu, nội dung của nó là gì? Nó có ý nghĩa gì trong việc giải quyết vụ án…do vậy không thể đối đáp lại người tranh tụng. Thái độ này của KSV gây bức xúc cho người tham gia tranh tụng nên họ yêu cầu KSV phải đối đáp lại, làm rõ thêm, gây căng thẳng trong tranh luận. Bên cạnh hệ thống chứng cứ, các qui định của pháp luật cũng là cơ sở để các bên tranh tụng tranh luận, đối đáp lẫn nhau. Nhiều trường hợp các bên tranh tụng đều nắm rõ nội dung và các qui định của văn bản pháp luật nhưng tranh luận với nhau về những vấn đề khác như: Hiệu lực của văn bản, về giá trị pháp lý của văn bản, về quan hệ giữa văn bản này với các văn bản khác có liên quan v.v…Nhiều KSV đã lúng túng khi tranh tụng về những vấn đề nói trên. Ví dụ: Viện KSND tỉnh VP truy tố một số bị cáo về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép theo khoản 1 Điều 275 BLHS. Các bị cáo có hành vi rủ rê, lôi kéo, chuẩn bị các điều kiện và đưa trên 20 người sang Trung Quốc trái phép. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho những người bị hại cho rằng cần phải áp dụng Thông tư liên tịch số 09/2006/ BLĐTB&XH- BCA- VKSNDTC- TANDTC ngày 04/8/2006 để truy tố các bị cáo theo khoản 2 của Điều 275 BLHS vì số lượng người bị các bị cáo tổ chức trốn đi nước ngoài trái phép thoả mãn khoản 2 của điều luật. Kiểm sát viên đã lúng túng khi vận dụng lý lẽ về hiệu lực của Thông tư số 09 nói trên để phản bác quan điểm của Luật sư. Điểm quan trọng mà lẽ ra KSV phải biết là Thông tư số 09 nêu trên chỉ hướng dẫn về hành vi tổ chức hoặc cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép chứ không hướng dẫn hành vi tổ chức hoặc cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài trái phép; do vậy không thể áp dụng Thông tư số 09 để áp dụng theo hướng làm tăng TNHS cho hành vi mà Thông tư này không hướng dẫn.
Nhiều trường hợp, do không nắm vững các qui định của pháp luật hình sự nên KSV không đủ lý lẽ để tranh luận, bảo vệ quan điểm truy tố, nhất là những vấn đề thường hay có vướng mắc về nhận thức giữa Luật sư với KSV như nhận định về tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ”, “phạm tội chưa đạt”, “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” hay vấn đề “trách nhiệm hình sự trong các trường hợp có sai lầm”.
2.3.5. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại
Một là, hệ thống qui phạm pháp luật làm cơ sở cho tranh tụng còn chưa hoàn thiện, có nhiều vướng mắc chưa kịp thời được hướng dẫn. Hệ thống pháp luật này bao gồm hai nhóm: Nhóm các qui định là cơ sở pháp lý cho hoạt động tranh tụng (như các qui định về quyền và nghĩa vụ của KSV, Luật sư bào chữa tại phiên toà; các qui định về trách nhiệm của HĐXX, của Thẩm phán trong việc đảm bảo cho hoạt động tranh tụng; các qui định về trình tự, thủ tục tranh tụng; về văn hoá tư pháp…) và nhóm các qui định pháp luật về nội dung có liên quan đến các vấn đề đưa ra tranh tụng (như các qui định của pháp luật hình sự và văn bản hướng dẫn làm cơ sở đánh giá về vụ án). Hiện nay còn rất nhiều qui định của BLHS còn có vướng mắc nhưng chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, do vậy khi tranh tụng, giữa KSV với người bào chữa vẫn có những quan điểm khác nhau, và phán quyết của Toà án giữa nơi này với nơi khác hoặc giữa hai cấp về cùng vấn đề nhưng cũng khác nhau.
Hai là, nhận thức của Lãnh đạo Viện và KSV ở nhiều VKS địa phương còn chưa coi trọng công tác nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa. Việc sắp xếp, bố trí, đào tạo cán bộ cho công tác THQCT và KSXX hình sự chưa được quan tâm đúng mức... Nhiều địa phương chưa quan tâm tổ chức tập huấn, trao đổi, tổng kết rút kinh nghiệm cho cán bộ, KSV về nâng cao chất lượng tranh tụng, kĩ năng tranh tụng tại phiên tòa.
Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực trình độ nói chung, bồi dưỡng về kỹ năng tranh tụng cho KSV tham gia phiên tòa nói riêng chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng tư duy logic hình thức cho KSV để vận dụng vào hoạt động tranh tụng, bởi lẽ logic học hình thức là khoa học của tư duy. Đào tạo logic học hình thức sẽ góp phần rèn luyện tính hệ thống, tính chặt chẽ trong tư duy; giúp KSV tư duy theo đúng các qui luật, qui tắc vốn có của tư duy; biết cách lập luận để bảo vệ quan điểm của mình; giúp KSV biết phân tích tư tưởng của người khác, phát hiện ra những “lỗi” trong tư duy của người khác, qua đó để tranh luận, phản biện lại, bác bỏ những tư tưởng sai và lối tư duy ngụy biện.
Bốn là, trình độ năng lực, kĩ năng, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận Kiểm sát viên,Thẩm phán, Luật sư vẫn còn hạn chế nhất định
Để thực hiện tốt việc tranh tụng của KSV tại phiên tòa, không chỉ đặt ra yêu cầu về năng lực trình độ của KSV mà còn phục thuộc vào đội ngũ Luật sư.
Cũng như nhiều KSV, nhiều Luật sư chưa được đào tạo, bồi dưỡng về logic học hình thức nên mắc khá nhiều lỗi trong nhận thức và tư duy. Bản chất của hoạt động tranh tụng là hoạt động chứng minh, tuy nhiên do thiếu kiến thức về tư duy lo gic, nhiều KSV không thực hiện tốt hoạt động chứng minh do không nắm được các qui luật, qui tắc chứng minh. Việc bào chữa mang tính áp đặt thiếu căn cứ, vướng lỗi tư duy “nguỵ biện” như tư duy không đầy đủ, phiến diện; đánh tráo khái niệm, đánh tráo đối tượng chứng minh v.v…dẫn đến luận chứng để chứng minh khi bào chữa không có tính thuyết phục.
Đội ngũ Luật sư chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Số Luật sư tham gia bào chữa ở cấp sơ thẩm đang còn rất hạn chế, mới chỉ chiếm khoảng 22% số vụ đã xét xử.
Ngoài ra, chất lượng tranh tụng còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng điều tra, truy tố, phụ thuộc vào trình độ năng lực của Thẩm phán được giao nhiệm vụ điều khiển phiên tòa.
Không ít Thẩm phán điều khiển phiên tòa, tiến hành xét hỏi, tổ chức hoạt động tranh luận thiếu trách nhiệm, có tư tưởng “cho qua”, “đóng kịch” theo kiểu “án bỏ túi”. Có Thẩm phán thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình tại phiên toà cho “xong việc”, phó mặc cho KSV.
Năm là, sự quá tải trong công việc được đánh giá là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng tranh tụng còn hạn chế
Theo số liệu thống kê và qua báo cáo phản ánh của một số địa phương cho thấy trong những năm qua áp lực trong công tác THQCT và KSXX án hình sự là rất lớn, đặc biệt là những đơn vị có lượng án lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Viện phúc thẩm 1, 2 và 3. Đây là một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế đến hoạt động tranh tụng.
Cường độ giải quyết án của các KSV tại các Viện phúc thẩm là rất lớn, đặc biệt là Viện phúc thẩm 1 và 3, địa bàn tập trung nhiều vụ án lớn, phức tạp trong cả nước. Trung bình mỗi KSV phải nghiên cứu và xét xử 82 vụ án hình sự/năm (chưa kể đến các loại án khác). Một đợt tham gia xét xử ở địa phương, mỗi KSV có khi phải xét xử đến 20 vụ. Do số lượng công việc lớn và biên chế không đủ nên thời gian Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án (hồ sơ chính) theo qui định của pháp luật (20 ngày) gần như không đảm bảo. Ngoài ra tình trạng án hoãn xử nhiều (có khi một đợt xét xử chỉ giải quyết được khoảng 30% lượng án), lãng phí không ít thời gian, công sức của KSV. Do thiếu KSV trong khi lượng án phải giải quyết lớn và bị áp lực về thời gian tố tụng nên ở các Viện phúc thẩm, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và xây dựng hồ sơ kiểm sát cũng như trích cứu tài liệu chứng cứ, chuẩn bị bài phát biểu quan điểm của KSV tại phiên toà còn được giao cho các chuyên viên, KSV trung cấp và sơ cấp hoặc Kiểm tra viên chính; do vậy chất lượng hồ sơ kiểm sát cũng như chất lượng bài phát biểu quan điểm của KSV tại phiên toà phúc thẩm bị hạn chế. Nhiều vụ án khi có lịch xét xử, hồ sơ kiểm sát được giao lại cho KSV mới phát hiện ra các tài liệu còn thiếu hoặc KSV có quan điểm khác với người nghiên cứu. Những khó khăn này ảnh hướng lớn tới chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà phúc thẩm.
Sáu là, mô hình thông khâu có những hạn chế nhất định cho tranh tụng của KSV tại phiên toà sơ thẩm
Theo mô hình thông khâu, KSV được phân công KSĐT sẽ đồng thời là người được THQCT và KSXX sơ thẩm vụ án, do vậy bên cạnh những ưu điểm trong việc nắm vững hồ sơ vụ án để làm cơ sở cho tranh luận, có thể có những hạn chế như: Do KSV vừa được giao kiểm sát điều tra, vừa tiến hành kiểm sát xét xử tại phiên toà nên dễ lệ thuộc vào quan điểm đã đề xuất truy tố khi KSĐT; dẫn đến tư tưởng hoặc bảo thủ, hoặc chủ quan khi tranh tụng tại phiên toà sơ thẩm; có những KSV kiểm sát điều tra tuy có kinh nghiệm nhưng lại hạn chế về kỹ năng khi tranh tụng tại phiên toà.
Qui định về VKSNDTC uỷ quyền cho VKS cấp tỉnh thực hành quyền công tố và KSXXST những vụ án do VKSNDTC truy tố có những khó khăn cho KSV được uỷ quyền trong nghiên cứu hồ sơ, chứng cứ; đòi hỏi phải có quan hệ phối hợp tốt giữa KSV kiểm sát điều tra và KSV được phân công THQCT và KSXXST.
Bảy là, cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Tòa án nhiều nơi đã xuống cấp, lạc hậu. Trụ sở một số Tòa án quá chật hẹp, thiếu phòng xử án, nhiều khi phải xử án tại phòng làm việc, xử án xong lại kê bàn ghế như cũ; chỗ ngồi cho luật sư chật hẹp, không có phòng cách ly người làm chứng và các bên tham gia tố tụng, ảnh hưởng nhiều đến quá trình tranh tụng tại phiên tòa.
Ý thức pháp luật của bị can, bị cáo, của những người tham gia tố tụng khác còn hạn chế, chưa hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình và chưa ý thức được rằng họ tham gia vào quá trình tố tụng cũng là để bảo vệ pháp luật, giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp.
2.4. Những yêu cầu cơ bản để nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV
Trên cơ sở đánh giá những nguyên nhân của thành tựu cũng như của những tồn tại trong hoạt động tranh tụng của KSV trong xét xử hình sự, cho thấy KSV cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây để có thể nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng:
Thứ nhất: KSV phải nắm vững hồ sơ vụ án, nắm vững chứng cứ buộc tội và gỡ tội, các chứng cứ được thể hiện ở các tài liệu nào, bút lục số bao nhiêu, những hạn chế, vướng mắc trong hồ sơ và ảnh hưởng của nó trong quá trình sử dụng chứng cứ tranh luận tại phiên tòa. Nắm vững bản chất của vụ án, những vấn đề có thể phát sinh có liên quan đến các đối tượng tranh tụng, Việc nắm vững hồ sơ vụ án phải thể hiện việc KSV nắm vững các tài liệu, chứng cứ cụ thể trong hồ sơ và nắm vững tính hệ thống của chứng cứ, các mối liên hệ qua lại giữa các tài liệu, chứng cứ.
Thứ hai: Nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật có liên quan nhằm vận dụng đúng đắn, chính xác khi tham gia tranh luận.
Nắm vững các qui định của pháp luật có liên quan không chỉ là biết được và nhớ các qui định đó mà còn phải hiểu rõ tinh thần của điều luật, hiệu lực của văn bản. Sự hiểu biết và nắm vững phảp luật sẽ tao ra niềm tin nội tâm vững chức cho KSV khi tranh tụng, khi khẳng định quan điểm truy tố hoặc khi bác bỏ quan điểm của người tranh tụng khác.
Thứ ba: Kiểm sát viên phải đáp ứng đầy đủ các quy định về năng lực, trình độ theo quy định tại Pháp lệnh Kiểm sát viên. Có tinh thần trách nhiệm trong công tác, làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất, đạo đức cán bộ của người cán bộ Kiểm sát.
Ngoài ra KSV phải được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về logic học hình thức gắn với hoạt động thực hiện chức năng; bởi vì đây là môn khoa học tư duy, không những giúp cho Kiểm sát viên có lối tư duy mang tính hệ thống, chặt chẽ và chính xác, mà còn giúp KSV đấu tranh với tư duy ngụy biện, thuật triết trung, cố ý đánh tráo khái niệm, đánh tráo đối tượng, quy chụp, áp đặt, phiến diện, không có tính thuyết phục của Luật sư hoặc của những người tham gia tố tụng.
Thứ tư: Có kinh nghiệm và thành thạo các kỹ năng thực hành quyền công tố và KSXX, trong đó có các kỹ năng tranh tụng, có văn hoá ứng xử trong giao tiếp tại phiên toà.Tại phiên tòa, để tranh luận thành công, Kiểm sát viên phải có các kĩ năng nghề nghiệp đặc thù như:
- Kỹ năng đặt câu hỏi: Kiểm sát viên phải biết cách đặt câu hỏi, vừa không vi phạm qui định cấm của pháp luật, vừa hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng. Phạm vi hỏi là hỏi về những gì HĐXX chưa hỏi, hỏi rồi nhưng còn thiếu hoặc chưa rõ; hỏi về những gì còn có mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho tranh tụng (hỏi để nhấn mạnh lại một lần nữa các chứng cứ đã có trong hồ sơ để khẳng định giá trị của chứng cứ đó, phục vụ cho tranh luận sau đó). Khi xét hỏi các bị cáo trong vụ án có đông người tham gia hoặc có đồng phạm, KSV phải có kế hoạch xét hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau; hỏi về vấn đề nào trước, vấn đề nào sau để có thể bộc lộ được những tình tiết có ý nghĩa nhất, khách quan nhất. Khi xét hỏi có thể kết hợp với đấu tranh với những mâu thuẫn trong lời khai của người được xét hỏi.
- Kĩ năng quan sát, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, ghi chép: Tại phiên toà, KSV phải biết lắng nghe, đồng thời tư duy tổng hợp ý kiến, so sánh đối chiếu ý kiến, quan điểm với những gì đã đựoc nghiên cứu trước để ghi nhận các thông tin đã nghe thấy, phát hiện ra những thông tin còn thiếu hay có mâu thuẫn với những thông tin mà mình đã có; ghi chép điểm chính của thông tin, đồng thời dự kiến những vấn đề cần hỏi thêm hay cần tranh luận, cần chứng minh hay bác bỏ. Những thông tin mới mà được KSV chấp nhận thì cần ghi chép lại và kịp thời chỉnh sửa những luận điểm, luận chứng mà KSV đã chuẩn bị trước đó (trong bản luận tội, trong bài phát biểu hoặc để phát biểu bổ sung). KSV phải quan sát, nắm diễn biến của phiên toà, thái độ của HĐXX khi thực hiện nhiệm vụ, thái độ của người tham gia tố tụng, nhất là bị cáo, người bào chữa để chuẩn bị hoặc để phát hiện ra những vấn đề cần xử lý. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy khi ghi chép, để nhấn mạnh những nội dung cần chú ý, KSV có thể sử dụng các loại bút có loại mực khác nhau để đánh dấu, tạo sự chú ý, tránh bỏ quên nội dung.
- Kỹ năng đối đáp, phản bác các quan điểm sai trái: Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm sai trái của những người tranh tụng với mình để bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử ra phán quyết đầy đủ, đúng đắn. Đây là thời điểm KSV vận dụng tư duy logic hình thức trong tranh luận, qua việc vận dụng các qui luật của tư duy (qui luật đồng nhất, qui luật cấm mâu thuẫn trong tư duy, qui luật loại trừ cái thứ ba, qui luật lý do đầy đủ); vận dụng các hình thức của suy luận (duy luận diễn dịch, suy luận qui nạp), vận dụng tư duy chứng minh (quá trình tư tưởng nhằm luận chứng tính chân thức của luận điểm nào đó nhờ các luận điểm khác đã đựoc xác nhận là chân thực), bác bỏ (là quá trình tư tưởng, nhờ đó ta chứng minh rằng một luận điểm nào đó là không chân thực) hoặc KSV hiểu biết tư duy theo kiểu nguỵ biện của người bào chữa, bị cáo để bác bỏ, phê phán (tư duy ngụy biện là quá trình tư tưởng nhằm làm cho người khác nhầm lẫn giả dối là chân thực, chân thực là giả dối như đánh tráo khái niệm, đánh tráo đối tượng,..). Khi tranh luận, đối đáp, KSV cần linh hoạt chọn các hình thức của suy luận để áp dụng cho các trường hợp cụ thể.
Có trường hợp, KSV nêu luận điểm trước, sau đó dùng chứng cứ, qui định của pháp luật để diễn giải nhằm qua đó bảo vệ luận điểm (phương pháp diễn giải). Kiểm sát viên nên sử dụng phương pháp diễn giải để trình bày quan điểm trong trường hợp nhận thấy các bên tranh tụng đang quan tâm đến luận điểm của mình; do vậy sẽ nêu luận điểm trước rồi phân tích, diễn giải sau để chứng minh.
Cũng có trường hợp KSV đưa ra các luận cứ, luận chứng, sau đó qui nạp để dẫn đến luận điểm (phương pháp qui nạp). Kiểm sát viên áp dụng phương pháp qui nạp khi nhận thấy các bên tranh tụng tập trung quan tâm vào luận chứng, luận cứ hơn là quan tâm luận điểm. Khi đối đáp, tranh luận với người bào chữa, bị cáo; KSV có thể bác bỏ quan điểm (luận điểm), luận cứ hoặc luận chứng của phía tranh tụng đối lập; trong đó phương pháp mang tính thuyết phục nhất là bác bỏ các luận cứ, luận chứng của phía đối lập bằng các luận cứ, luận chứng của mình, từ đó dẫn đến bác bỏ, phủ định luận điểm (quan điểm) của phía tranh tụng đối lập. Cần hạn chế sử dụng phương pháp bác bỏ quan điểm của phía đối lập chỉ bằng quan điểm của mình mà không có luận cứ, luận chứng đi kèm. Việc sử dụng phương pháp này được coi là kiểu tư duy không đầy đủ, gây tranh cãi, không có tính thuyết phục.
- Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ:Kiểm sát viên phải sử dụng ngôn từ thật sự đơn giản, tự nhiên, trong sáng, lưu loát, dễ hiểu, hành văn rõ ràng mạch lạc, sử dụng những từ ngữ nước ngoài, trình bày những con số có giá trị lớn phải chính xác. Ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ phải có văn hoá, thể hiện sự nghiêm minh, dân chủ, đúng pháp luật, tôn trọng người tranh luận.
- Kỹ năng sử dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ:Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ có rất nhiều các công cụ phương tiện, kỹ thuật hỗ trợ Kiểm sát viên thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa như máy ghi âm, máy chiếu, máy tính xách tay... đòi hỏi Kiểm sát viên phải có kỹ năng sử dụng các thiết bị này, có như vậy mới góp phần hỗ trợ Kiểm sát viên giao tiếp thành công trong tranh tụng tại phiên tòa.
Thứ năm: Có tinh thần trách nhiệm trong công tác, làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất, đạo đức cán bộ của người Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, không cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Để KSV đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, trước hết cần có đủ đội ngũ KSV để thực thi nhiệm vụ, có đủ thời gian cho KSV nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và tiến hành đầy đủ các công việc chuẩn bị cho tham gia phiên toà. Khi nào và ở đâu vẫn còn thiếu đội ngũ KSV, thời gian giành cho KSV nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa đáp ứng (nhất là ở cấp phúc thẩm) thì sẽ còn tình trạng hời hợt trong nghiên cứu hồ sơ, trong tranh tụng; vẫn còn tình trạng KSV thụ động, lệ thuộc vào HĐXX khi tranh tụng.
Có thể coi đây là các điều kiện cần và đủ để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa trong giai đoạn hiện nay.
Phần 3: ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở đánh giá nguyên nhân của những kết quả cũng như của những tồn tại, hạn chế trong tranh tụng của KSV, chuyên đề đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau đây:
1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho hoạt động tranh tụng tại phiên toà theo đúng tinh thần cải cách tư pháp
Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: ‘Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Lần đầu tiên, tranh tụng được qui định là một nguyên tắc trong xét xử. Để thực hiện quy định này, cần thiết phải rà soát các quy định hiện hành về hoạt động tranh tụng trong BLTTHS và các văn bản pháp luật khác để kịp thời xây dựng các chế định làm rõ các nội dung, phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của VKS, của Luật sư, của Thẩm phán trong phiên tòa hình sự, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của KSV trong tranh tụng tại phiên tòa, qui định rõ nguyên tắc KSV có trách nhiệm tham gia xét hỏi và tranh luận, quy định rõ các trường hợp bắt buộc KSV phải tranh luận… nhằm đảm bảo cơ chế để hoạt động tranh tụng thực sự dân chủ. Bộ luật TTHS cần qui định cho KSV VKSTC có quyền tham gia phiên toà sơ thẩm để THQCT vụ án do VKSNDTC truy tố, không uỷ quyền như hiện nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan tư phápTrung ương tiếp tục khẩn trương ban hành hướng dẫn các qui định của BLHS, BLTTHS và các qui định còn có vướng mắc khác. Cần ghi nhận nguyên tắc trong các trường hợp qui định của pháp luật còn có vướng mắc mà chưa có hướng dẫn thì việc nhận thức và áp dụng pháp luật phải theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Tư tưởng này xuất phát từ nguyên tắc đã được thừa nhận trong quản lý Nhà nước là: Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm; công chức khi thi hành công vụ chỉ được làm những gì mà pháp luật qui định.
2. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ Kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất để thực hiện tốt hoạt động tranh tụng
- Viện kiểm sát các cấp cần quan tâm bố trí đủ lực lượng KSV cho công tác THQCT và KSXX hình sự, tránh để tình trạng quá tải trong việc giải quyết án. Công tác THQCT và KSXX hình sự nói riêng và KSXX nói chung bị áp lực bởi thời hạn tố tụng (thời hạn chuẩn bị xét xử), do vậy cần đảm bảo có đủ KSV để nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên toà. Khắc phục tình trạng việc nghiên cứu hồ sơ thì giao cho người khác, KSV chỉ được “cầm” hồ sơ khi đã có lịch xét xử cận kề. Tình trạng thiếu KSV chưa được khắc phục thì không thể nói tới vấn đề nâng cao chất lượng tranh tụng.
Cần quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, KSV có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lương tâm, trách nhiệm, tận tụy và tự giác cao với công việc. Ngoài kế hoạch đào tạo chung cho cán bộ, KSV trong toàn ngành, VKSTC cần tổ chức các lớp tập huấn, rèn luyện kĩ năng thực hành quyền công tố và KSXX cho KSV theo hướng chuyên sâu, theo từng cấp kiểm sát (sơ thẩm, phúc thẩm), theo từng lĩnh vực giải quyết án (hình sự trị an, hình sự ma túy, kinh tế, chức vụ...), theo từng nhóm tội cụ thể; tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tổ chức hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và KSXX nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng.
3. Quan tâm côngtác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho KSV, nhất là bồi dưỡng logic học hình thức cho KSV
Các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành cần nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng logic học hình thức cho KSV; không chỉ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng logic học đơn thuần mà gắn với xây dựng tư duy logic hình thức cho KSV trong hoạt động thực tiễn, nhất là trong kỹ năng xây dựng Cáo trạng, Luận tội và tranh tụng tại các phiên toà; trong tranh tụng với Luật sư, người bào chữa.
4. Tiếp tục tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm
Đây là một giải pháp hữu hiệu giúp KSV nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, song cần tổng kết việc áp dụng biện pháp này để nâng cao hơn nữa chất lượng phiên toà rút kinh nghiệm. Việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm là biện pháp tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, KSV của từng VKS về THQCT và KSXX, trong đó nhấn mạnh nội dung rút kinh nghiệm về kỹ năng tranh tụng. Việc chọn vụ án phức tạp hay đơn giản, có hay không có Luật sư bào chữa, có đông hay có ít bị cáo…phụ thuộc vào việc cần rút kinh nghiệm cho ai, người đó là KSV lâu năm hay mới vào nghề; việc rút kinh nghiệm cho KSV thực hành quyền công tố là chính hay là rút kinh nghiệm cho những người tham dự phiên toà? Qua đó để chọn vụ án cho phù hợp. Cần tránh nhận thức cho rằng việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm là để thực hiện phong trào thi đua, để chấm điểm và phân loại, đánh giá KSV. Tuy rằng trong hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ và chỉ tiêu thi đua của ngành có qui định về việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm nhưng việc tổ chức phiên toà này trước hết phải vì mục đích nâng cao chất lưọng THQCT và KSXX nói chung, chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên toà nói riêng.
5. VKSTC nghiên cứu, ban hành các qui tắc ứng xử của KSV tại phiên toà
Thực tiễn đang còn nhiều điểm chưa thống nhất về qui tắc ứng xử của KSV tại phiên toà xét xử nói chung, trong đó có phiên toà hình sự. Đề nghị VKSNDTC nghiên cứu, xây dựng các qui tắc ứng xử của KSV tại phiên toà, trong đó qui định những chuẩn mực như công tác chuẩn bị tham gia phiên toà, trang phục của KSV, thời gian có mặt ở phiên toà, cách xưng hô với HĐXX, với Luật sư, bị cáo và người tham gia tố tụng khác;hành vi của KSV khi ứng xử với chủ toạ phiên toà, khi xét hỏi bị cáo, người tham gia tố tụng khác, khi tranh luận với người bào chữa; cách thức trình bày văn bản v.v…
6. Khắc phục những hạn chế trong việc áp dụng mô hình thông khâu công tác kiểm sát
Mỗi mô hình thông khâu hoặc chuyên khâu đều có những ưu và nhược điểm. Mô hình chuyên khâu (KSV được phân công kiểm sát điều tra vụ án sẽ không tham gia THQCT và KSXX tại phiên toà sơ thẩm) có những ưu điểm như: Trong nội bộ ngành, qua các khâu công tác khác nhau (kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử) có thể tự kiểm tra lẫn nhau, hạn chế oan sai. KSV được chọn lựa kỹ hơn khi tham gia THQCT và KSXXST; khi hồ sơ vụ án chuyển sang cho đơn vị có nhiệm vụ THQCT và KSXX thì có thể chọn những KSV có năng lực và có kỹ năngtranh tụng; KSV không bị lệ thuộc vào quan điểm truy tố như đã đề xuất khi kiểm sát điều tra. Tuy nhiên để lựa chọn mô hình này, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng qui định có thời hạn tố tụng riêng và đủ cho KSV (được phân công THQCT, KSXXST) nghiên cứu hồ sơ vụ án (như hiện nay thì chỉ có 3 ngày kể từ khi VKS đã ban hành Cáo trạng). Hoặc nếu luật TTHS không sửa đổi theo hướng này thì trong nội bộ ngành cần có qui định thời gian dành cho KSV kiểm sát xét xử sơ thẩm được nghiên cứu hồ sơ, sao chụp tài liệu cần thiết trước khi ban hành Cáo trạng và chuyển hồ sơ vụ án sang Toà án.
Nếu tiếp tục thực hiện mô hình thông khâu thì cần lựa chọn kỹ KSV tham gia phiên toà phải là người có năng lực THQCT và KSXX, nhất là phải có kỹ năng đối đáp, tranh tụng. Trong trường hợp KSV đượcphân công làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án nhưng người đó lại không có năng lực tham gia phiên toà thì cần chọn và phân công thêm KSV có năng lực để cùng tham gia phiên toà.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/c)
- 63 VKS cấp tỉnh;
- Vụ 3, VPT2,3;
- Phòng TH – VPVKSTC;
- Lưu: VT, VPT1.
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
(Đã ký)
Lê Hữu Thể
|