1. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 giữa Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp quy định: tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ nơi nào mà không nhằm mục đích đích bán, vận chuyển, sản xuất...; mua bán trái phép chất ma túy gồm một trong các hành vi (bán trái phép chất ma túy cho người khác; tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác...). Trong thực tế, một người tàng trữ trái phép chất ma túy cơ quan chức năng chứng minh đưọc người đó tàng trữ ma túy với mục đích ai mua thì bán là có căn cứ để khởi tố đối tượng về tội “mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này cơ quan tố tụng yêu cầu phải xác định được người mua; nếu không xác định được người mua, Tòa án chỉ xử bị cáo về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 249 BLHS, điều này là chưa đúng với quy định của pháp luật, có dấu hiệu giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo (theo quy định, cùng khung hình phạt tội tàng trữ trái phép chất ma túy hình phạt thấp hơn tội mua bán trái phép chất ma túy). Kiến nghị liên ngành Trung ương có văn bản thống nhất hướng xử lý hành vi trên theo hưởng khởi tố đối tượng về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Trả lời: Tại Văn bản số 858/VKSNDTC-V14 ngày 06/3/2020
Theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì: “Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy…”. Như vậy, việc xác định tội danh phụ thuộc vào mục đích của hành vi tàng trữ, trường hợp người phạm tộ khai tàng trữ nhằm mục đích mua bán, tuy nhiên chưa kịp thực hiện thì bị phát hiện bắt giữ (chưa bán được cho ai) thì phải xử lý về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải củng cố chặt chẽ tài liệu, chứng cứ không để phụ thuộc hoàn toàn vào lời khai của bị can, tránh trường hợp bị can phản cung.
2. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Khoản 1, Điều 189, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa 02 người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất...”. Có thể hiểu rằng khi điều tra một vụ án, mặc dù đã tiến hành các biện pháp điều tra mà còn mâu thuẫn trong lời khai giữa những người có liên quan đến vụ án thì Điều tra viên tiến hành biện pháp đối chất để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, thực tế trong một số vụ án mua bán trái phép chất ma túy, Viện kiểm sát yêu cầu phải tiến hành đối chất giữa đối tượng bán và người mua dù không có mâu thuẫn trong lời khai giữa người mua và người bán (thậm chí cả những vụ bắt quả tang việc mua - bán ma túy), điều này trái với quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Mặt khác, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra vụ án, do người tham gia đối chất sợ bị đối tượng trả thù… Kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh về trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp đối chất trong điều tra vụ án, đảm bảo tuân thủ đúng quy định định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trả lời: Tại Văn bản số 858/VKSNDTC-V14 ngày 06/3/2020
Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ tiến hành đối chất khi có mâu thuẫn trong lời khai giữa 02 người hoặc nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Do vậy, trường hợp trong lời khai giữa 02 người hoặc nhiều người không có mâu thuẫn thì không cần phải tiến hành đối chất.
Để thống nhất thực hiện quy định nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017), trong đó, đã quy định cụ thể về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc đối chất của Viện kiểm sát.
3. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho rằng các vụ án ma túy “truy xét” thì lời khai của người làm chứng được thu thập khách quan theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì phải xác định đây là chứng cứ dù bị can, bị cáo không nhận tội vẫn có thể dùng chứng cứ này buộc tội. Tuy nhiên, quan điểm của Tòa án về việc đánh giá chứng cứ chủ yếu căn cứ vào diễn biến của phiên tòa, mặc dù trong quá trình điều tra, truy tố bị can, bị cáo khai nhận tội phù hợp với lời khai của người làm chứng nhưng tại phiên tòa bị cáo phản cung, không thừa nhận thì Tòa án chấp nhận lời khai của bị cáo tại phiên xét xử. Thậm chí tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thừa nhận các lần “truy xét”, đến phiên tòa phúc thẩm bị cáo không thừa nhận các lần phạm tội trước đó, Tòa án cấp phúc thẩm lại chấp nhận lời khai của bị cáo. Kiến nghị liên ngành Trung ương có hướng dẫn giải quyết trường hợp trên theo hướng, trong vụ án ma túy “truy xét” thì lời khai của người làm chứng được thu thập khách quan, theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình thì phải xác định đây là chứng cứ dù bị can, bị cáo không nhận vẫn có thể dùng chứng cứ này buộc tội.
Trả lời: Tại Văn bản số 858/VKSNDTC-V14 ngày 06/3/2020
Theo quy định tại Điều 108 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 thì:
"1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã được thu thập được về vụ án".
Điều 87 và Điều 91 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định lời khai của người làm chứng cũng là một trong những nguồn chứng cứ để xác định chứng cứ của vụ án. Do vậy, trong trường hợp lời khai của người làm chứng được thu thập theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự, bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ thì lời khai của người làm chứng phải là nguồn chứng cứ của vụ án và có thể được sử dụng để giải quyết vụ án.
4. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, về giải pháp tâm lý (bồi dưỡng tâm lý đại cương, tâm lý trẻ em, tâm lý tư pháp,...) cho các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc xâm hại trẻ em để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm xâm hại trẻ em.
Trả lời: Tại Văn bản số 860/VKSNDTC-V14 ngày 06/3/2020
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có nhiều diễn biến phức tạp. Việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này có những đặc trưng và khó khăn, vướng mắc riêng. Do đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em là một trong những khâu công tác quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của ngành Kiểm sát nhân dân và nhằm đáp ứng các yêu cầu của đời sống xã hội. Để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với loại tội phạm này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai; phối hợp xây dựng tài liệu hướng dẫn giải quyết vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em... nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho các Kiểm sát viên trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ, việc xâm hại trẻ em. Cụ thể:
1. Các cơ sở đào tạo của Ngành (Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh) đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài Ngành, đồng thời, được sự hỗ trợ của các Dự án, tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao và tổ chức các hội thảo khoa học liên quan đến kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em cho Kiểm sát viên trong Ngành, như:
- Tổ chức 05 lớp tập huấn về “Nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tổ và kiểm sát các vụ án xâm hại và bóc lột tình dục trẻ em” tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tuyên Quang cho 250 cán bộ, Kiểm sát viên;
- Tổ chức 03 lớp tập huấn “Nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tổ và kiểm sát các vụ án bạo lực đổi với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam cho 150 cán bộ, Kiểm sát viên;
- Tổ chức 02 hội thảo về nội dung “Phòng chổng các tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em” và “Chứng cứ điện tử trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em” với sự tham gia trao đổi, thảo luận của hơn 130 chuyên gia trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân, chuyên gia trong nước và quốc tế và các học viên là Kiểm sát viên tham dự khóa học bồi dưỡng tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
- Xây dựng tài liệu và tổ chức giảng dạy các nội dung, chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và về tâm lý tội phạm cho các Điều tra viên, Kiểm sát viên trong chương trình đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự (đã tổ chức được 4 khóa cho gần 150 cán bộ điều tra);
2. Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai tới toàn bộ Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nội dung của Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó có các nội dung liên quan đến việc phối hợp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời vụ án, vụ việc có bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán.
3. Phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Bộ Công an xây dựng Bộ công cụ dành cho lực lượng Cảnh sát, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, gồm:
- Chủ trì xây dựng cuốn “Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em” (Bản đầy đủ và Bản rút gọn).
- Phối hợp xây dựng cuốn “Sổ tay Cảnh sát giải quyết vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em” và “Lực lượng cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhận thức và ứng phó”.
Bộ Công cụ đã hướng dẫn cụ thể về quy trình nghiệp vụ của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kiểm sát việc phát hiện, xử lý các tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ Công cụ được giới thiệu, công bố tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nằng, thành phố Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Lạt với đại diện các cơ quan bộ, ngành, tổ chức, cá nhân như: Quốc hội; Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc; Bộ Công an; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân; Công an; Cơ quan Thông tin và Truyền thông; Cơ quan Giáo dục và Đào tạo; Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội; Cơ quan Tư pháp; Cơ quan Văn hóa Thể thao và Du lịch; Cơ quan Y tế; Đài phát thanh, truyền hình; Hội liên hiệp Phụ nữ; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...
4. Phối hợp với tổ chức UNICEF đang triển khai xây dựng 02 tài liệu liên quan đến người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục gồm: “Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, trong đó người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng của xâm hại tình dục” và “Tài liệu đào tạo liên ngành về quy trình, kỹ năng, tố tụng thân thiện với người chưa thành niên, trong đó có người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng của xâm hại tình dục”.
5. Đang triển khai việc xây dựng “Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi”. Sổ tay này khi được phát hành sẽ là tài liệu hữu ích cho Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nói chung, người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục nói riêng.
Trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, cụ thể:
1. Tiếp tục tổ chức các hội thảo, tập huấn liên ngành, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em nhằm thống nhất nhận thức trong giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại trẻ em.
2. Tiếp tục triển khai xây dựng, biên soạn các tài liệu bồi dưỡng mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong đó chú trọng xây dựng các tài liệu chuyên sâu về thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em; bồi dưỡng kiến thức về tâm lý người dưới 18 tuổi nhàm trang bị và nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho Kiểm sát viên khi giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.
3. Hoàn thiện và phát hành: “Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi”; Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, trong đó người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng của xâm hại tình dục”; “Tài liệu đào tạo liên ngành về quy trình, kỹ năng, tốtụng thân thiện với người chưa thành niên, trong đó có người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng của xâm hại tình dục”. Sau khi phát hành sẽ tố chức tập huấn cho các Kiểm sát viên để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong giải quyết các vụ án, vụ việc có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, nhất là các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
5. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đối với các vụ án tạm đình chỉ do bị can bệnh tâm thần: Trường hợp cơ quan giám định kết luận không cần điều trị bắt buộc hoặc đã hết thời gian điều trị bắt buộc, được trở về gia đình thì không có quy định nào về việc theo dõi, giám sát và giám định tâm thần lại các đối tượng này để xử lý; trường hợp qua thời gian theo dõi, giám sát nhận thấy đối tượng không có khả năng phục hồi, cơ quan điều tra trưng cầu giám định tâm thần, nhưng kết quả vẫn còn bị tâm thần. Do chưa có hướng dẫn để đình chỉ đối với trường hợp này và quan điểm của các cơ quan tố tụng về việc “đối tượng bệnh tâm thần không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội” chưa thống nhất, không đình chỉ được. Cử tri kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Trả lời: Tại Văn bản số 862/VKSNDTC-V14 ngày 06/3/2020
Đối với vụ án tạm đình chỉ do bị can bị bệnh tâm thần, theo quy định tại Điều 454 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 139 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 thì việc chữa bệnh bắt buộc đối với bị can bị bệnh tâm thần chỉ chấm dứt khi bị can đã khỏi bệnh (có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về việc khỏi bệnh) và có quyết định đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, các hoạt động tố tụng, việc chấp hành hình phạt đã tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp qua thời gian theo dõi, giám sát nhận thấy bị can không có khả năng phục hồi, Cơ quan điều tra trưng cầu giám định tâm thần nhưng kết quả xác định bị can vẫn chưa khỏi bệnh thì cần tiếp tục chữa bệnh. Nếu việc bắt buộc chữa bệnh kéo dài, việc đình chỉ vụ án sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.