Tốt nghiệp khóa 12 trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (nay là trường Đại học Kiểm sát Hà Nội), tháng 11/1996 đồng chí Hồ Đức Anh vào Ngành và công tác tại VKSND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Quá trình công tác trong Ngành cũng là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, đồng chí luôn nhận thức được vinh dự và trách nhiệm của người cán bộ ngành Kiểm sát nên đã không ngừng học tập, rèn luyện khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng. Đến nay, đồng chí đã trải qua nhiều đơn vị công tác và giữ các chức vụ lãnh đạo như: Phó Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm hình sự VKSND tỉnh Nghệ An (11/2009); Trưởng phòng (09/2010), Phó vụ trưởng Vụ TCCB VKSND tối cao (11/2011); Phó chánh văn phòng VKSND tối cao (5/2013); Chánh Thanh tra VKSND tối cao (01/2016) và là Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình từ tháng 10/2016 đến nay.
Dù mới chỉ hơn hai năm giữ cương vị là người đứng đầu ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình nhưng đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đạt được nhiều thành tích nổi bật: Liên tục trong hai năm 2017 và 2018, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như chức năng, nhiệm vụ của ngành; xây dựng Đảng bộ VKSND tỉnh Hòa Bình là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và công tác xây dựng Ngành đều đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước; được Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen và Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân.
|
Theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua, VKSND hai cấp tỉnh Hòa Bình đã tập trung, triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và xây dựng Ngành; kịp thời phát hiện vi phạm và kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh, phòng ngừa, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp; qua đó đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo yêu cầu của Ngành, của Quốc hội; trong đó có một số chỉ tiêu đạt cao như: Tỷ lệ bắt, tạm giữ hình sự chuyển khởi tố hình sự đạt 99% (vượt 2% so với chỉ tiêu của Ngành); tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,38% (vượt 4,38%), đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 37 của Quốc hội); tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 2,4% (thấp hơn 2,6% so với chỉ tiêu cho phép của Ngành); tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm hình sự (vượt 41,4% theo chỉ tiêu của Ngành); ban hành 21 kháng nghị, 247 kiến nghị được các cơ quan tư pháp tiếp thu thực hiện (tăng 01 kháng nghị, 63 kiến nghị so với năm 2017).
VKSND tỉnh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 10/ CT-TU ngày 18/3/2016 về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; Chỉ thị số 16/ CT-TU ngày 25/5/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 16/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 20/10/2017 về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; Công văn số 428/UBND-NC ngày 14/4/2017 về tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; Công văn số 1551/UBND-NC ngày 31/10/2017 về việc tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa UBND cấp xã với các cơ quan chức năng trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác quản lý người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 13 và tăng cường giải pháp quản lý người mắc bệnh tâm thần phạm tội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình... Từ đó góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
|
Chia sẻ về những biện pháp, cách làm hay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình trong hai năm qua, đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình cho rằng cần phải chú trọng thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp:
Một là, cần phải chú trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong Ngành cho cán bộ, đảng viên, lấy đó làm nền tảng, kim chỉ nam trong mọi hoạt động. Vì vậy, Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Hòa Bình đã xây dựng, ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình trong tình hình mới”; phát động phong trào thi đua và tổ chức triển khai thực hiện tốt chủ đề 5 không: “Không đi muộn, về sớm; Không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc và trong giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; Không phát ngôn thiếu chuẩn mực; Không đơn thư nặc danh, mạo danh; Không để công việc sai sót, kéo dài” và 3 tốt:“Phương hướng tốt, Con người tốt, Nội bộ tốt”; gắn công tác xây dựng Đảng với công tác chuyên môn và công tác xây dựng Ngành, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng: Thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời; hoàn thiện hệ thống thể chế, quy chế tổ chức hoạt động và quy chế phối hợp trong hoạt động của các đơn vị trực thuộc; thực hiện nghiêm các quy định về dân chủ trong hoạt động của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tạo không khí dân chủ, minh bạch trong cơ quan, đơn vị; đề ra những biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong toàn Ngành.
Đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, đúng người, đúng việc, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chuyên đề "Đổi mới công tác nhận xét, đánh giá cán bộ" để thực hiện thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình; sau một năm thực hiện, ý thức, trách nhiệm đối với công việc, động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được nâng lên rõ rệt; kết quả công tác của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và VKSND tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến mạnh mẽ so với những năm trước; công tác nhận xét, đánh giá cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh dần trở thành thước đo thực tế, quan trọng góp phần tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh, tích cực.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác và thúc đẩy cải cách hành chính tư pháp; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động của Ngành, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Từ đầu năm 2017, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử; trong hầu hết các khâu công tác hiện đã thực hiện quản lý và điều hành điện tử (phần mềm quản lý văn bản và điều hành điện tử iOffice 4.0; phần mềm Quản lý Công tác thi đua khen thưởng; phần mềm Quản lý nhân sự; phần mềm quản lý án Hình sự, Dân sự; phần mềm kế toán MISA Mimosa.NET 2017…); trong các phiên tòa rút kinh nghiệm của VKSND hai cấp đã sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến…; cuối năm 2018, chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin của VKSND tỉnh Hòa Bình đã có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 63/63 lên thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng ứng dụng CNTT của các VKSND địa phương.
Bốn là, quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; ngoài việc đào tạo tại chỗ như mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính cho lãnh đạo, Kiểm sát viên của VKSND hai cấp gắn với những quy định mới của các đạo luật mới về tư pháp. Trong 02 năm qua, VKSND tỉnh Hòa Bình đã cử nhiều lượt cán bộ đi đào tạo các khóa học chuyên sâu về kiểm sát Hình sự, Dân sự… tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài Ngành; tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ, gắn với việc truyền đạt và thực hiện các quy định của các đạo luật mới về tư pháp…
|
Với sự cố gắng, nỗ lực, đạt nhiều kết quả cao trong công tác, tại Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI tỉnh Hòa Bình vừa qua, đồng chí Hồ Đức Anh đã được chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình, nhiệm kỳ 2015-2020.
Những đóng góp và tâm huyết của đồng chí được đồng nghiệp trân trọng và thực sự là một trong những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo năm chữ vàng Bác Hồ đã trao tặng cho cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, kiêm tốn"./.