Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về nhà nước nói chung, Viện kiểm sát nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng và đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục giành thắng lợi, phát huy vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong đấu tranh và phòng ngừa những biểu hiện của sự “tha hóa” quyền lực nhà nước.
1. Những quan điểm chủ đạo của V.I.Lênin về Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa
Sau khi Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, trong thời gian từ năm 1917 đến năm 1922, chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật trong Nhà nước Xô-viết được giao cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện. Điều này dẫn đến sự tản mạn, chồng chéo về hoạt động và hiệu quả thấp, không đủ mạnh trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ở nước Nga Xô-viết lúc đó, khi mà nhiệm vụ xây dựng và phát triển chế độ xã hội mới được đặt lên hàng đầu thì bảo vệ pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước trở thành nhiệm vụ rất quan trọng. Thực tế này đòi hỏi phải thành lập một cơ quan nhà nước có chức năng duy nhất là giám sát việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm pháp chế thống nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước. Vì thế, năm 1922, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Liên Xô được thành lập. Đây là mô hình VKSND được V.I.Lênin tiếp thu và phát triển từ mô hình Viện công tố của Nga Sa hoàng - Pie đại đế (thành lập ngày 12/3/1722).
Để xây dựng VKSND Liên Xô, V.I.Lênin đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo sâu sắc về vai trò, chức năng và tổ chức, hoạt động của VKSND, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về sự cần thiết của VKSND.
Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước Xô-viết non trẻ, V.I.Lênin đã thấy được vai trò to lớn của pháp luật và pháp chế đối với sự tồn tại, củng cố và lớn mạnh của chính quyền Xô-viết. Trong điều kiện đất nước chuyển sang xây dựng hòa bình và thực hiện chính sách kinh tế mới thì vấn đề tuân thủ pháp luật của Nhà nước và xã hội được đặt ra một cách thiết thực và gay gắt. Các chính quyền địa phương vừa trải qua nội chiến và thấy gò bó với chính sách pháp chế cộng sản thời chiến, nên luôn tìm cách bỏ qua những quy định của pháp luật do Nhà nước trung ương ban hành. Điều này dẫn đến chủ nghĩa cục bộ địa phương, bản vị: “Ảnh hưởng của địa phương là một trong những trở ngại lớn nhất, nếu không phải là trở ngại lớn nhất, cho công cuộc thiết lập pháp chế và nền văn hóa”. Không thể chấp nhận hiện tượng luật của Nhà nước trung ương được hiểu và giải thích “theo kiểu địa phương”, vận dụng tùy tiện cho “phù hợp với hoàn cảnh địa phương”, V.I.Lênin đã yêu cầu phải thành lập VKSND để khắc phục “những hiện tượng không tôn trọng pháp luật” hoặc “chịu ảnh hưởng của địa phương” dẫn đến việc ban hành các văn bản của mình trái với luật, làm vô hiệu hóa hoặc biến dạng các quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương. Điều này vi phạm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và trật tự pháp luật XHCN, vì nó trở thành “mối nguy hại to lớn nhất trong đời sống của chúng ta, cũng như trong tình trạng kém văn hóa của chúng ta là ở chỗ chúng ta dung túng quan niệm muôn thủa của nước Nga và những tập quán nửa man rợ muốn duy trì pháp chế của tỉnh Ca-lu-ga cho khác với pháp chế của tỉnh Ca-dan”. Cho nên, cần thành lập VKSND nhằm đảm bảo thực hiện pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, việc thành lập cơ quan này còn nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước.
Để thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế XHCN, V.I.Lênin yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải thực hiện chế độ kiểm tra, kiểm soát, giám sát nghiêm ngặt việc thực thi pháp luật và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. V.I.Lênin đã chỉ rõ, công tác kiểm kê, kiểm soát có nhiệm vụ kiểm soát tình hình chấp hành chính xác công tác, đó là đấu tranh chống hành vi phá hoại và triệt để vạch trần hành vi đó, nhằm bảo đảm năng suất tối đa của công tác. Đây là yêu cầu khách quan của giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cũng như các nước XHCN khác. Vì thế, V.I.Lênin khẳng định: “Kiểm kê và kiểm soát: Thực chất của chủ nghĩa xã hội”. Trong đó, V.I.Lênin cho rằng “kiểm kê và kiểm soát phải được đặt thành vấn đề nổi bật trong toàn bộ việc quản lý nhà nước”, qua đó nhằm “đảm bảo chính quyền Xô - Viết vô sản, một chính quyền vững chắc hơn, cứng rắn hơn chính quyền trước đây”. Tuy nhiên, nếu chỉ quy định chung chung thì việc kiểm kê và kiểm soát sẽ không thể thực hiện nghiêm túc và triệt để nên hoạt động này cần được giao cho một cơ quan chuyên trách có đủ khả năng thực hiện chức năng này, đó là VKSND.
Thứ hai, về chức năng của VKSND.
Viện kiểm sát nhân dân phải thực hiện chức năng công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, qua đó nhằm bảo vệ pháp chế XHCN. Để thực hiện chức năng công tố, theo V.I.Lênin, “Viện kiểm sát có quyền và bổn phận kháng nghị đối với bất cứ quyết định nào của các cơ quan chính quyền địa phương, về phương diện pháp chế của các nghị quyết và quyết định đó, nhưng không có quyền đình chỉ việc thi hành các nghị quyết và quyết định đó, mà chỉ có quyền đưa các vụ án ra trước Tòa mà thôi”. Chức năng công tố của VKSND đóng vai trò vô cùng quan trọng, bảo đảm sự thống nhất của pháp chế, duy trì trật tự pháp luật trong xã hội.
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan đặc thù của Nhà nước XHCN, nó ra đời nhằm kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và thực hiện công tác công tố, điều này khác hẳn với Viện công tố (chỉ thực hiện việc truy tố người phạm tội). Vì thế, V.I.Lênin chỉ rõ “không được quên rằng, khác hẳn với các cơ quan hành chính, Viện kiểm sát trong khi làm công việc kiểm sát của mình, không có bất cứ một quyền hành chính nào, nó không có quyền biểu quyết trong bất cứ một vấn đề nào thuộc phạm vi hành chính. Ủy viên công tố có quyền và có bổn phận chỉ làm một công việc mà thôi, tức là: Làm thế nào cho trong toàn nước Cộng hòa có một sự nhận thức thật sự nhất trí về pháp chế, dù là ở các địa phương có những đặc điểm và những ảnh hưởng thế nào chăng nữa. Quyền duy nhất và bổn phận của các ủy viên công tác là đưa các vụ án ra trước Tòa”.
Các chức năng này có mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với nhau nhằm bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế XHCN trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và quản lý điều hành xã hội. Trong đó, VKSND thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật chính là nhằm đảm bảo pháp chế XHCN được thực hiện đầy đủ và thống nhất trong phạm vi cả nước; ngược lại, VKSND bảo vệ tốt pháp chế XHCN cũng chính là bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật và pháp luật được thực hiện tốt nhất trong thực tế. Chính vì thế, trong quan điểm của V.I.Lênin, VKSND phải thực hiện tốt cả chức năng công tố, chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và bảo vệ pháp chế XHCN, không thiên lệch về chức năng nào.
Thứ ba, về tổ chức và hoạt động của VKSND.
Để bảo đảm VKSND thực hiện tốt các chức năng trên, VKSND phải có tính độc lập. Theo V.I.Lênin, “khác hẳn với các cơ quan hành chính, Viện kiểm sát trong khi làm công việc kiểm sát của mình, không có bất cứ một quyền hành chính nào, nó không có quyền biểu quyết trong bất cứ một vấn đề nào thuộc phạm vi hành chính”. Theo đó, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND chỉ tuân theo pháp luật mà không chịu tác động của bất cứ yếu tố nào khác từ chính trị hay mối quan hệ với cơ quan hành chính. Theo nguyên tắc này, Kiểm sát viên có quyền và bổn phận tuân thủ pháp luật và nhanh chóng đưa vụ án ra Tòa xét xử, nên V.I.Lênin đã chỉ rõ “Ủy viên công tố có quyền và có bổn phận chỉ làm một công việc mà thôi, tức là (…) đưa các vụ án ra trước Tòa”.
Thực tế, ở mỗi quốc gia khác nhau có những mô hình VKSND khác nhau, nếu như mô hình cơ quan VKSND chỉ lấy hoạt động công tố làm trung tâm, chủ yếu trong hoạt động tố tụng hình sự; hay mô hình VSKND chỉ lấy hoạt động kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và bảo vệ pháp chế XHCN làm trung tâm thì mô hình VKSND ở nhà nước XHCN phải kết hợp cả hai chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và bảo vệ pháp chế XHCN. Cơ sở nền tảng cho tổ chức và hoạt động của VKSND chính là đảm bảo pháp chế thống nhất, qua đó phát huy vai trò của pháp luật và pháp chế trong Nhà nước kiểu mới - kiểu Nhà nước XHCN. Khi xây dựng mô hình VKSND, V.I.Lênin đã đặc biệt chú ý những nguyên tắc tổ chức đặc thù của VKSND như nguyên tắc độc lập, tập trung, thống nhất, không song trùng trực thuộc để bảo đảm cho VKSND có khả năng chống lại bất kỳ ảnh hưởng địa phương và cá nhân nào khi thực hiện chức năng của mình. Do đó, “nên bác bỏ chế độ trực thuộc “song trùng”, nên quy định cho Viện kiểm sát địa phương chỉ trực thuộc vào trung ương”, qua đó chống chủ nghĩa cục bộ địa phương, thói tự do vô chính phủ ở nước Nga lúc bấy giờ.
Pháp chế thống nhất là yêu cầu khách quan, là thuộc tính của Nhà nước XHCN. Vì vậy, mô hình VKSND với những nguyên tắc tổ chức hoạt động đặc thù hoàn toàn cho phép khẳng định nó là cơ quan bảo đảm pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, để bảo đảm VKSND thực hiện tốt chức năng của mình, Nhà nước cần thiết lập hệ thống VKSND thống nhất từ trung ương đến địa phương. V.I.Lênin đã viết “vấn đề chung quy lại chính là như thế khi người ta nói đến sự trực thuộc “song trùng” của Viện kiểm sát và sự cần thiết phải làm cho nó trực thuộc vào một cơ quan trung ương duy nhất”, điều này nhằm bảo đảm Kiểm sát viên thực hiện đúng và tốt thẩm quyền của mình - “quyền duy nhất và bổn phận của Ủy viên công tố là đưa các vụ án ra trước Tòa”.
Hệ thống tổ chức VKSND phải được tổ chức theo ngành dọc, thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, đặc biệt trong thực hiện quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử (kháng nghị); bảo đảm sự độc lập của VKSND với chính quyền địa phương. Những lập luận này của V.I.Lênin một lần nữa khẳng định yêu cầu tổ chức tập trung thống nhất ngành dọc của Viện kiểm sát, không được có sự can thiệp trái pháp luật nào vào tổ chức và hoạt động của VKSND. Vì thế, không áp dụng chế độ trực thuộc “song trùng” đối với VKSND nhằm bảo đảm tính độc lập, khách quan. Tổ chức VKSND theo ngành dọc, theo chế độ thủ trưởng và trực thuộc vào trung ương, các tổ chức Đảng trong hệ thống cơ quan VKSND cũng vậy.
2. Phát huy giá trị quan điểm của V.I.Lênin về Viện kiểm sát nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về VKSND vào thực tiễn Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ của VKSND Việt Nam ngày một hoàn thiện, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam thời gian qua. Đây là nhu cầu tất yếu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trải qua 05 bản Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và 2013, tư duy về tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam ngày một hoàn thiện, trong đó cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước dần được khẳng định rõ.
Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã bỏ chức năng kiểm sát chung của VKSND đối với việc tuân theo pháp luật của các cá nhân, cơ quan và tổ chức. Do đó, từ năm 2001, VKSND chỉ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các VKSND địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định” (Điều 137 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001). Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định VKSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như trong Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (khoản 1 Điều 107). Việc bỏ chức năng kiểm sát chung của VKSND đối với việc tuân theo pháp luật của các cá nhân, cơ quan và tổ chức làm suy giảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nên chưa thực sự tạo ra được “chiếc phanh an toàn” cho sự vận hành của “bánh xe quyền lực”.
Trước thực tế này, bên cạnh việc tăng cường vai trò của VKSND trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, để phát huy giá trị quan điểm của V.I.Lênin về VKSND ở Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, VKSND phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố nhằm xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật hình sự; kiểm sát tốt hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý, pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật. Qua đó, đảm bảo thực hiện pháp luật một cách thống nhất; trật tự pháp luật và thực hiện pháp luật nghiêm minh.
Để thực hiện tốt chức năng này, hoạt động của hệ thống VKSND ở Việt Nam phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm chỉnh những nguyên tắc cơ bản sau đây: (1) Nguyên tắc tập trung thống nhất - các Kiểm sát viên chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND, Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên, tất cả các Viện trưởng VKSND các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao; (2) Nguyên tắc độc lập - ngoài Viện trưởng VKSND tối cao, hệ thống VKSND thực hiện thẩm quyền không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước, tổ chức, phương tiện thông tin đại chúng hay người có chức vụ nào; (3) Nguyên tắc pháp chế - hệ thống VKSND hoạt động trên cơ sở bảo đảm tính pháp chế tối thượng và hiệu lực trực tiếp của Hiến pháp, các luật đối với các văn bản dưới luật và các văn bản pháp quy khác; (4) Nguyên tắc công khai - hệ thống VKSND hoạt động công khai, trừ những trường hợp phải bảo vệ bí mật nghề nghiệp do luật định; (5) Nguyên tắc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp - các Kiểm sát viên ngành Kiểm sát khi được bổ nhiệm phải tuyên thệ theo luật định và phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ bảo vệ pháp luật.
Thứ hai, VKSND tiếp tục thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực về hình sự và phi hình sự (hành chính, lao động, kinh doanh thương mại, dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình...). Trong đó, VKSND tối cao cần nghiên cứu để vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về tăng cường chức năng giám sát hành chính của VKSND. Cụ thể, cần khôi phục lại quy định về chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND. Theo đó, VKSND tối cao có thẩm quyền: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc nhánh quyền hành pháp, nhưng theo định hướng chỉ tập trung vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy hành pháp; kiểm sát việc bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân; VKSND địa phương có thể kháng nghị các nghị quyết và quyết định của chính quyền địa phương trái với Hiến pháp, pháp luật; đặc biệt, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành pháp theo hướng chỉ tập trung vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy hành pháp. Vì thế, khôi phục lại chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện cải cách tổ chức bộ máy VKSND phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thực sự đem lại những kết quả rất tích cực, rõ nét trong toàn hệ thống. Cụ thể như sau:
- Bảo đảm bộ máy tinh giản, gọn nhẹ: Việc cải cách bộ máy VKSND phải giải quyết được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa Cơ quan điều tra của VKSND với cơ quan Cảnh sát điều tra. V.I.Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng Nhà nước Nga - Xô viết đã yêu cầu xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, tinh giản, tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”, nghĩa là coi trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng; cán bộ, công chức phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải phấn đấu đạt “chất lượng kiểu mẫu thật sự”.
- Cải cách bộ máy VKSND phải đảm bảo nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan, “tránh sự va chạm giữa các bộ”: Theo V.I.Lênin, Nhà nước cần quy định rõ việc phân định chức năng giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình phối hợp thực thi công vụ. Theo đó, vừa hợp nhất, vừa kết hợp hoạt động của những cơ quan có cùng chức năng. Vì thế, các cơ quan trong hệ thống VKSND phải được tổ chức trên cơ sở có sự phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ nhưng trong hoạt động phải phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo tính độc lập nhưng không tách rời nhau trong quá trình thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Thứ tư, quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của Viện kiểm sát vẫn còn giá trị trong việc thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động xét xử. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Liên Xô lúc bấy giờ, việc áp dụng chế độ “song trùng” đối với Viện kiểm sát có thể phù hợp (trực thuộc Bộ dân ủy sở quan và Ban Chấp hành Xô - viết tỉnh). Trong bối cảnh hiện nay, nhằm phát huy tốt vai trò của Viện kiểm sát trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, chúng ta không áp dụng chế độ “song trùng” trực thuộc đối với Viện kiểm sát trong cải cách tư pháp. Bởi lẽ, sẽ không bảo đảm chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát, đặc biệt trong hoạt động tố tụng hành chính và xét xử các vụ án liên quan đến chức vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước (do không đảm bảo tính độc lập, khách quan của Viện kiểm sát).
Như vậy, vận dụng những giá trị của quan điểm V.I.Lênin về VKSND có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình hoàn thiện tổ chức, hoạt động và phát huy vai trò của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay./.