CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

 

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM -
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
 

Số: 15/BC-MTTW-VKSTC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2016
                          
BÁO CÁO
Sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa
 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
với Viện kiểm sát nhân dân tối cao
I. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY CHẾ
           Thực hiện Quy chế phối hợp số 01/2014/QCPHCT/BTTUBTWMTTQVN-VKSTC ngày 27/8/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Chương trình số 01/Ctr-BTTUBTWMTTQVN-VKSTC ngày 27/10/2014 để thực hiện Quy chế phối hợp năm 2014 - 2015; Kế hoạch số 83/KH-BTTUBTWMTTQVN-VKSNDTC, ngày 17/9/2014 giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ quốc Việt Nam và VKSND tối cao về phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Kế hoạch số 89/KH-PH ngày 28/7/2015 về việc phối hợp giữa các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự VKSND tối cao với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiểm tra, giám sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Kế hoạch số 141/KH-VKSTC-UBTWMTTQVN, ngày 29/10/2015 về phối hợp, rà soát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp địa phương.
          Trên cơ sở Quy chế phối hợp ở Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sửa đổi Quy chế phối hợp, xây dựng chương trình phối hợp công tác trong năm 2015 và kế hoạch cụ thể để phối hợp triển khai thực hiện. Ở một số địa phương, Viện kiểm sát cấp huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tổ chức ký kết quy chế phối hợp. Quy chế phối hợp giữa VKSND với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã cơ bản bám sát các nội dung trong Quy chế phối hợp giữa 2 ngành ở Trung ương và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Qua một năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác, VKSND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP
1. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND cùng cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm, tội phạm; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đã phối hợp vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015 và Đại hội Đảng các cấp, qua đó đã tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát các cấp đạt nhiều kết quả tích cực, hoạt động phối hợp trong công tác giám sát liên ngành tiến hành thường xuyên, đạt hiệu quả rõ nét, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Tham gia xây dựng pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Thực hiện các nội dung quy định trong Quy chế phối hợp, thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật MTTQ Việt Nam. Các luật này đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 9 và thứ 10. Bên cạnh đó, VKSND tối cao tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản khác do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì soạn thảo như: Hướng dẫn quy trình giám sát khi giám sát bằng đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm. Khi chủ trì tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên vào các dự án luật và những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ kịp thời gửi các tài liệu để lấy ý kiến tổng hợp chung. VKSND các cấp chủ động nghiên cứu và đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND các cấp phối hợp tốt trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức như: Tổ chức và tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hội thi văn hóa, văn nghệ với chủ đề tuyên truyền pháp luật giao thông, phòng chống ma túy...; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, phát tờ rơi; phối hợp triển khai thực hiện có kết quả Đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 - 2016”, đồng thời phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đề án đã có tác dụng thiết thực nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống; tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động truy tố, thực hành quyền công tố tại phiên tòa, nhất là các phiên tòa lưu động. Nhiều VKSND quận, huyện đã phối hợp thường xuyên với MTTQ Việt Nam cùng cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, qua đó tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật và đấu tranh phòng ngừa tội phạm góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Một số địa phương thực hiện tốt, nội dung này là: Tp. Hà Nội, Tp. Hải Phòng, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Long An.
Một số nơi, Ủy ban MTTQ Việt Nam tích cực vận động đông đảo quần chúng nhân dân theo dõi các phiên tòa lưu động do VKSND phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức. Qua đó, ngoài tác dụng phòng ngừa tội phạm còn góp phần tuyên truyền, phổ biến ý thức chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư.
3. Kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp
Đây là hoạt động phối hợp nổi bật nhất trong  năm qua. Thực hiện Quy chế phối hợp, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật trong tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại 02 tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk và 03 trại giam thuộc Bộ Công an; đã ban hành 02 kết luận, với 8 kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đắk Lắk và 03 trại giam Thủ Đức, Đắk Tân, Đắk Trung thuộc Bộ Công an. Qua kiểm tra, giám sát đã kiến nghị Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; kiến nghị đối với liên ngành tư pháp Trung ương quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung một số văn bản liên quan đến quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam; người chấp hành án hình sự và chế độ đối với cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù như chế độ giảm án, đặc xá, cải thiện ô nhiễm nguồn nước, môi trường; hoàn thiện pháp luật, xử lý các trường hợp chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ… trốn khỏi địa phương; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan được kiểm tra, giám sát trong thi hành pháp luật về tạm giữ, tạm giam; thể chế, chính sách, chế độ đối với cán bộ tư pháp thực hiện nhiệm vụ tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Qua các cuộc giám sát kịp thời kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan có chính sách đãi ngộ, đầu tư kinh phí và xây dựng thể chế pháp luật phục vụ công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự trên địa bàn 02 tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk nói riêng và hệ thống quản lý giam giữ trong phạm vi toàn quốc nói chung.
Các cuộc kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, kiểm sát công tác thi hành án hình sự, thi hành án dân sự đều có sự tham gia của đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Qua phối hợp kiểm tra, giám sát đã giúp cho các nhà tạm giữ, trại tạm giam ở địa phương khắc phục những hạn chế, thiếu sót, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các chế độ của người bị tạm giữ, phạm nhân được thực hiện, đúng quy định. Đồng thời, thông qua hoạt động kiểm sát, giám sát, VKSND và đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp có nhiều kiến nghị với cơ quan chức năng về việc bổ sung biên chế, cấp kinh phí, tạo điều kiện về cơ sở vật chất nâng cấp nhà tạm giữ, trại tạm giam. Kết quả nhiều nhà tạm giữ, trại tạm giam được sửa chữa, nâng cấp bảo đảm phân loại theo đúng quy định của pháp luật; những vụ án phức tạp, có nhiều đối tượng đã được phân loại giam giữ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và giáo dục người chấp hành án phạt tù. VKSND đã quan tâm phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp ban hành các kết luận kiểm tra yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn khắc phục những thiếu sót, tồn tại và thực hiện đúng các quy định của Luật thi hành án hình sự.  Các địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác này là: Tp Hà Nội, Tp Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Trị, Tây Ninh, Cà Mau.
            Một số VKSND cấp huyện phối hợp tốt với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp để kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua kiểm sát phát hiện một số vi phạm và ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, góp phần bảo đảm cho hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật. Các địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác này như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Tây Ninh, Vĩnh Long, Cà Mau.
Trong công tác đặc xá, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tăng cường công tác giám sát và động viên các đối tượng được đặc xá, chấp hành xong bản án về địa phương không tái phạm, không vi phạm pháp luật, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của chính quyền cơ sở; đồng thời, phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho họ có việc làm, sớm ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng. Một số địa phương thực hiện tốt nội dung này là: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam.
4. Tham gia hoạt động tố tụng hình sự
Viện kiểm sát nhân dân các cấp luôn tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia các hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật như: Bảo lãnh, lấy lời khai khi tham gia với tư cách người bào chữa, người đại diện bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo hoặc tham gia trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp lý, tham dự phiên tòa, cung cấp chứng cứ. Một số địa phương, thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia xét xử các vụ án với vai trò là Hội thẩm nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các địa phương thực hiện tốt nội dung này là: Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở tỉnh, thành phố thường xuyên phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố tiến hành giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và tổ chức thi hành án hình sự tại các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan.
5. Công tác tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm Kiểm sát viên
Đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam là thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên đã tích cực phối hợp với VKSND thực hiện nghiêm túc việc xem xét, nghiên cứu hồ sơ theo đúng tiêu chuẩn của Luật tổ chức VKSND và quy định của pháp luật, đảm bảo Kiểm sát viên là người có chuyên môn, trình độ pháp luật, có kinh nghiệm và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp VKSND tối cao và các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên xét, đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 5 Kiểm sát viên VKSND tối cao. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh đã phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên xét và đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 371 Kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong hoạt động tư pháp
            Với chức năng nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong kỳ, VKSND tối cao nhận được 5 đơn khiếu nại, tố cáo do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển đến (01 khiếu nại về dân sự; 01 về hình sự; 03 kiến nghị, phản ánh khác); đã giải quyết 2 đơn; còn 3 đơn (01 đơn hết thời hiệu, 01 chuyển Cục Điều tra giải quyết theo thẩm quyền; 01 đơn chuyển VKSND cấp cao 2). 
            Đối với những vụ, việc đã được giải quyết, VKSND tối cao đều có văn bản thông báo kết quả giải quyết gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; những vụ việc đang giải quyết, VKSND tối cao đều có văn bản thông báo tiến độ giải quyết gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định. Năm 2015, VKSND tối cao nhận được 02 đơn khiếu nại của công dân do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển đến có nội dung khiếu nại 02 bản án hình sự phúc thẩm. Đơn của bà Nguyễn Thị Nhi ở thôn Thao Ngoại, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội và đơn của bà Vi Thị Yên ở tổ 45, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. VKSND tối cao đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và trả lời đương sự, đồng thời thông báo kết quả giải quyết đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hiện nay 2 đơn trên đã chuyển cho VKSND cấp cao 1 và VKSND cấp cao 3 để tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.
         Thực hiện Kế hoạch số 141/KH-VKSTC-UBTWMTTQVN, ngày 29/10/2015 về phối hợp, rà soát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp địa phương, Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND tối cao đã chủ trì phối hợp với Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Đoàn giám sát tiến hành rà soát, kiểm tra công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp tại tỉnh Bình Dương và Hòa Bình. Đoàn công tác đã phát hiện một số vi phạm về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, ban hành kiến nghị yêu cầu các cơ quan liên quan khắc phục vi phạm.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện đã cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do VKSND chủ trì, tiến hành kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng.Qua kiểm sát, phát hiện một số thiếu sót, hạn chế trong việc giải quyết đơn khiếu nại của công dân, như phân loại thụ lý giải quyết chậm, còn để kéo dài thời hạn giải quyết... Đã ban hành kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.  Nhiều địa phương phối hợp tốt trong lĩnh vực này là: Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh.
Một số địa phương, đại diện VKSND và MTTQ cùng tham gia vào ngày tiếp dân thường kỳ của UBND tỉnh để giải quyết khiếu nại về tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… Đại diện MTTQ và VKSND cũng đã có những ý kiến xác đáng, tư vấn cho lãnh đạo tỉnh trả lời người dân vừa bảo đảm quyền lợi cho dân vừa bảo đảm đúng chính sách pháp luật. Một số trường hợp khiếu nại kéo dài đã được giải quyết, một số trường hợp hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế điểm nóng, khiếu kiện đông người (tỉnh Quảng Ninh).
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Ưu điểm
Ngay sau khi Quy chế phối hợp (sửa đổi) của 2 ngành cấp Trung ương được ban hành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND các cấp đã chủ động sửa đổi Quy chế phối hợp ở cấp mình; tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nội dung Quy chế và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong các lĩnh vực như:
- Hai bên đã chủ động phối hợp tốt trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đóng góp nhiều ý kiến góp phần xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do VKSND tối cao chủ trì xây dựng; hai bên cũng tích cực phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức phong phú đa dạng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân.
- Trong công tác tuyển chọn Kiểm sát viên, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chủ động phối hợp với VKSND để tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm Kiểm sát viên.
- Kết quả nổi bật trong công tác phối hợp là bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp 2013 qua việc kiểm sát, giám sát lĩnh vực tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động này, Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND các cấp kịp thời kiến nghị đến cơ quan chức năng khắc phục vi phạm trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chấn chỉnh vi phạm về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam; bảo đảm việc phân loại giam giữ  đúng quy định của pháp luật.
Sự phối hợp có trách nhiệm giữa hai bên theo các nội dung quy định của Quy chế thời gian qua đã góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội. Việc phối hợp của hai ngành trên nhiều lĩnh vực đã giúp VKSND nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
2. Một số hạn chế, thiếu sót  
- Việc tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung của quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND ở một số địa phương chưa đồng đều; công tác phối hợp, tuyên truyền có lúc, có nơi chưa hiệu quả, chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, chưa tích cực cung cấp tố giác, tin báo cho cơ quan chức năng.
- Việc phối hợp trong hoạt động tham gia tố tụng cũng như phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân giữa VKSND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên; việc trao đổi thông tin giữa 02 cơ quan cũng chưa được duy trì tốt; công tác tham gia các hoạt động tố tụng của MTTQ như: bảo lĩnh, lấy lời khai, cử bào chữa viên nhân dân hoặc người đại diện bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo, cung cấp chứng cứ…chưa được thực hiện thường xuyên.
- Còn một số địa phương (cấp huyện), Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam chưa cử cán bộ tham gia kiểm tra, kiểm sát các cuộc trực tiếp kiểm sát của VKSND trong lĩnh vực giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; kiểm sát thi hành án hình sự và kiểm sát thi hành án dân sự theo Quy chế phối hợp.
- Một số cuộc giám sát, việc giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam còn mang tính hình thức. Một số địa phương chưa tổ chức họp để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp; một số VKS cấp huyện chưa xây dựng được Quy chế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Có đơn vị chưa tiến hành sửa đổi Quy chế phối hợp (Tỉnh Hưng Yên).
3. Nguyên nhân của những hạn chế
            - Nhận thức về mối quan hệ phối hợp công tác giữa hai bên ở một số địa phương còn chưa thật đầy đủ, sâu sắc, chưa xác định đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài nên kết quả còn hạn chế.
- Do chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành có đặc thù riêng nên việc phối hợp công tác theo các nội dung trong chương trình phối hợp có lúc, có việc chưa kịp thời, toàn diện. Đội ngũ cán bộ MTTQ ở địa phương ít, chưa được đào tạo chuyên sâu về pháp luật nên hiệu quả phối hợp chưa đáp ứng yêu cầu.
- Ở Trung ương, công tác kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện Quy chế của lãnh đạo hai ngành chưa được quan tâm đúng mức; bộ phận tham mưu giúp việc cho lãnh đạo hai ngành ở Trung ương còn kiêm nhiệm, chưa thực sự sâu sát tham mưu việc thực hiện Quy chế.
- Một số địa phương chưa thực sự chủ động phối hợp; một số nội dung phối hợp chưa hiệu quả do hai bên chưa thực sự quan tâm đầu tư về thời gian và nhân lực, việc thực hiện còn mang tính hình thức nên kết quả khá hạn chế.
IV. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Khó khăn, vướng mắc
Qua việc một năm thực hiện Quy chế phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND địa phương còn có một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:
- Ở một số địa phương (Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Dương, Hậu Giang, Đồng Tháp) trong năm không phát sinh một số nội dung trong Quy chế phối hợp nên chưa có cơ sở đánh giá toàn diện chất lượng thực hiện Quy chế.
- Công tác thi hành án treo ở địa phương còn nhiều vướng mắc do người chấp hành án treo sau khi xét xử đi khỏi địa phương không báo cáo, Cơ quan thi hành án không bàn giao hồ sơ cho UBND cấp xã được nhưng pháp luật chưa quy định chế tài áp dụng (Hưng Yên).
- Vị trí, vai trò và nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi tham gia các đoàn kiểm sát trực tiếp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến nhiều khó khăn khi thực hiện (Hải Phòng).
- Ủy ban MTTQ Việt Nam ở một số địa phương lực lượng cán bộ còn thiếu nên không tham gia thực hiện việc kiểm sát, giám sát theo Chương trình phối hợp với VKSND tỉnh nên ảnh hưởng đến yêu cầu công tác phối hợp (Kiên Giang).
- Nội dung phản biện xã hội được quy định tại Điều 6 của Quy chế phối hợp cần có sự hướng dẫn của liên ngành Trung ương (Khánh Hòa).
2. Kiến nghị, đề xuất
Qua việc một năm thực hiện Quy chế phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam và VKSND địa phương có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
- Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và VKSND tối cao định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế theo Cụm, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng trong công tác phối hợp giữa VKSND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam để các địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm; đề nghị có quy định đảm bảo về kinh phí trong hoạt động phối hợp giữa VKSND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam (Các tỉnh, TP: Thái Bình, Bắk Cạn, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Phú Yên, Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Cà Mau). 
- Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật thi hành án hình sự thống nhất với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tạo điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng kiểm sát cũng như công tác phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam (tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình).
-  Đề nghị bổ sung các quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp khi tham gia đoàn kiểm sát trực tiếp; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của các cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam hai cấp để thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi ngành (Các tỉnh, TP: Hải Phòng, Thái Bình, Gia Lai, Quảng Trị, Đắk Nông, Bình Phước).
- Đề nghị VKSND tối cao và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra địa phương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp (Các tỉnh:  Thái Bình, Ninh Bình, Đồng Nai).
- Hai bên cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể và đầy đủ về cơ chế, trách nhiệm pháp lý cũng như những điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động giám sát của MTTQ đạt hiệu quả hơn nữa và trở thành một lĩnh vực hoạt động thường xuyên, liên tục (Tp. Hà Nội).
- Tiếp tục rà soát và nghiên cứu việc bổ sung một số nội dung trong Quy chế phối hợp giữa hai bên theo hướng cụ thể, bám sát quy định của Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của VKSND và MTTQ Việt Nam (Bình Phước).
Trên đây là Báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban thườngỦy ban Trung ương  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 
 
TM. BAN THƯỜNG TRỰC
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Văn Pha
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
 
 
 
(Đã ký) 
 
 
 
Nguyễn Hải Phong
 
      
Nơi nhận:
    - Ban Thường trực UBTWMTTQVN (để b/c);
    - Lãnh đạo VKSNDTC (để b/c);
 - Các đơn vị có liên quan thuộc VKSNDTC;                                                
 - VKSND, MTTQ tỉnh, thành phố trực thuộc TW;                                                                                             
   - Lưu: VT, TH.
TÌM KIẾM