CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ KHIẾU TỐ
 
Ngày 28 tháng 01 năm 2013, VKSND tối cao ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Vụ khiếu tố và Hướng dẫn công tác kiểm sát giải quyết khiếu tố năm 2013.
Trang tin điện tử VKSND tối cao đăng toàn văn để các đơn vị trong Ngành thực hiện.
       

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỐI CAO
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 
 
Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2013

                                 
 
QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VỤ KHIẾU TỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33 ngày 28 tháng 01 năm 2013
của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
 
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1. Vị trí
Vụ Khiếu tố (Vụ 7) là đơn vị nghiệp vụ trực thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Mọi hoạt động của Vụ đều chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
Tham mưu, giúp Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
1. Là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý thống nhất việc tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu naị, tố cáo, các tin báo tố giác, các kiến nghị, phản ánh khác  gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã tiếp nhận và phân loại theo quy định của pháp luật, cụ thể là chuyển các cơ quan; chuyển các cơ quan, đơn vị trong ngành để giải quyết theo thẩm quyền hoặc thực hiện trách nhiệm kiểm sát theo chức năng; Cấp giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm (đơn đề nghị giám đốc thẩm án Dân sự - Hành chính - Kinh tế - Lao động theo quy định của pháp luật); thông báo , chỉ dẫn, báo tin cho người gửi đơn thư là các nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Tổ chức quản lý chặt chẽ số lượng các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã tiếp nhận và kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xử lý như: đối chiếu số liệu, theo dõi và đôn đốc tiến độ giải quyết, kiểm sát việc giải quyết, đánh giá kết quả giải quyết ( cả về hình thực và nội dung).
3. Tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư phápcủa các cơ quan tư pháp (sau đây viết tắt là đơn tư pháp bao gồm các cơ quan: Điều tra, Toà án nhân dân, Thi hành án các cấp và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật); thực hiện các biện pháp pháp lý theo luật định để yêu cầu các cơ quan tư pháp thông báo tình hình tiếp nhận và giải quyết đơn tư pháp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Tổng hợp vi phạm của các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết đơn tư pháp để tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các kháng nghị và kiến nghị khắc phục vi phạm.
5. Hướng dẫn nghiệp vụ, quản lý, kiểm tra công tác khiếu tố trong toàn ngành. 
6. Là đơn vị đầu mối chung để thực hiện công tác phối hợp trong quản lý việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp giữa các cơ quan tư pháp Trung ương theo quy định của pháp luật và Quy định số 200/QĐPH/VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 26/01/2010 của liên ngành tư pháp Trung ương.
7. Phối hợp với một số Cơ quan của Trung ương trong việc tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
8. Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân thẩm tra, xác minh, kết luận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân, khi thấy cần thiết hoặc được Viện trưởng giao.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao.
 
 
CHƯƠNG II
TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA CÁC CHỨC DANH
 
Điều 3. Tổ chức bộ máy
1. Bộ máy làm việc của Vụ Khiếu tố gồm:
A.    Lãnh đạo Vụ
B.    Các phòng nghiệp vụ:
a. Phòng Tham mưu - tổng hợp (Phòng 1)
b. Phòng Tiếp công dân (Phòng 2)
c. Phòng Quản lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Phòng 3)
d. Phòng Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp (Phòng 4)
2. Các chức danh trong vụ: Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng, các Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên các cấp và chuyên viên pháp lý.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ trưởng
1. Vụ trưởng là Thủ trưởng đơn vị, đồng thời là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vụ trưởng được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm và uỷ quyền quản lý, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của đơn vị và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng.
2. Vụ trưởng có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a. Tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
- Xây dựng phương hướng nhiệm vụ công tác hàng năm về công tác khiếu tố; báo cáo định kỳ, đột xuất thuộc lĩnh vực công tác khiếu tố;
- Xây dựng lịch, nội dung, kế hoạch tiếp công dân;
- Ban hành các văn bản về quản lý công tác khiếu tố trong toàn ngành;
- Quyết định trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp tại các cơ quan tư pháp;
- Ban hành các kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp.
b. Chỉ đạo, điều hành các công việc:
- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; sơ kết, tổng kết công tác của đơn vị;
- Tổ chức việc tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tin báo, tố giác về tội phạm ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cấp giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm án Dân sự - Hành chính - Kinh tế - Lao động theo quy định của pháp luật;
- Hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức tập huấn công tác khiếu tố cho các đơn vị trong ngành;
- Tổ chức xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học, tham gia góp ý kiến xây dựng các báo cáo, các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Lãnh đạo Viện;
- Quản lý chặt chẽ đơn và công tác giải quyết đơn trong ngành;
- Kiểm sát việc giải quyết đơn tư pháp tại các cơ quan tư pháp;
- Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
- Tổ chức, chỉ đạo công tác hành chính, công tác tổ chức cán bộ của đơn vị.
c. Trực tiếp thực hiện các công việc:
- Trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thẩm tra, xác minh, kết luận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân khi thấy cần thiết hoặc được Viện trưởng giao;
- Quyết định phân công cán bộ, công chức trong đơn vị làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh về tư pháp;
- Tiếp công dân và quyết định cuối cùng việc phân loại, xử lý đơn, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác khiếu tố trong trường hợp cần thiết;
- Thừa lệnh Viện trưởng, ký các văn bản trả lời thỉnh thị và chỉ đạo nghiệp vụ, các thông báo ý kiến của Lãnh đạo Viện, thông báo rút kinh nghiệm công tác, các báo cáo công tác định kỳ và đột xuất của đơn vị;
- Phối hợp với Chi uỷ, Công đoàn của đơn vị trong việc xây dựng chương trình công tác, tổ chức các phong trào thi đua, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chăm lo đời sống cho Cán bộ, Công chức trong đơn vị, làm Chủ tịch Hội đồng thi đua, kỷ luật, Chủ tịch Hội đồng lương của đơn vị.
d. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Viện giao.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Vụ trưởng
1. Phó Vụ trưởng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có nhiệm vụ giúp Vụ trưởng quản lí, điều hành đơn vị theo sự phân công của Vụ trưởng và chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ được giao. Khi Vụ trưởng vắng mặt, một Phó Vụ trưởng được Vụ trưởng uỷ quyền quản lý điều hành công tác của đơn vị; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ trưởng trong thời gian Vụ trưởng đi vắng.
2. Trong phạm vi công tác được giao, Phó Vụ trưởng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp.
b. Trực tiếp quản lý, điều hành một số phòng nghiệp vụ.
c. Tổ chức việc tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tin báo, tố giác về tội phạm ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
d. Nghiên cứu, đề xuất với Vụ trưởng giải quyết những vấn đề về nghiệp vụ và các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hànhcủa đơn vị và toàn ngành.
đ. Tổ chức xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học, tham gia góp ý kiến xây dựng các báo cáo, các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Vụ trưởng.
e. Thừa lệnh Viện trưởng ký thay Vụ trưởng các văn bản trả lời người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, các phiếu chuyển đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm án Dân sự - Hành chính - Kinh tế - Lao động; các văn bản trả lời thỉnh thị, văn bản chỉ đạo nghiệp vụ khi được Vụ trưởng phân công.
g. Làm trưởng đoàn kiểm tra công tác khiếu tố đối với các Viện kiểm sát địa phương thực hiện theo kế hoạch kiểm tra của đơn vị.
h. Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Vụ trưởng.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng phòng
1.Trưởng phòng là chức danh quản lý hành chính tư pháp, giúp Lãnh đạo Vụ quản lý, điều hành các công việc của phòng nhằm hoàn thành tốt chương trình kế hoạch công tác được giao;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động tư pháp được quy định tại Điều 8 của Quy chế này (nếu Trưởng phòng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
2. Trưởng phòng có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Tham gia xây dựng chương trình công tác của Vụ, đề xuất xây dựng chương trình kế hoạch công tác của phòng, ký các văn bản hành chính liên quan đến công tác của phòng;
- Quản lý, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của phòng;
- Tiếp công dân, và là người kiểm tra cuối cùng (của phòng) về phân loại, xử lý đơn trước khi trình Lãnh đạo Vụ quyết định. Trực tiếp nghiên cứu, tham mưu giúp Lãnh đạo Vụ về công việc được giao và trả lời thỉnh thị về nghiệp vụ khiếu tố trong phạm vi chức năng của phòng;
- Trực tiếp tổ chức xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học, tham gia góp ý kiến xây dựng các báo cáo, các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của Lãnh đạo Vụ, Lãnh đạo Viện;
- Phân công công tác đối với các Cán bộ, Công chức trong phòng theo nhiệm vụ được giao;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Lãnh đạo Vụ.
 Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Trưởng phòng
1. Phó Trưởng phòng là chức danh quản lý hành chính tư pháp, giúp Trưởng phòng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng phòng, chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và Lãnh đạo Vụ về những nhiệm vụ được giao. Khi Trưởng phòng vắng mặt thì Phó Trưởng phòng được Trưởng phòng uỷ quyền quản lý, điều hành công tác của phòng, thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng phòng trong thời gian Trưởng phòng đi vắng.
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, khi thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động tư pháp được quy định tại Điều 8 của Quy chế này (nếu phó Trưởng phòng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc biên chế của Vụ có trách nhiệm thực hiện các quy định của Pháp lệnh Kiểm sát viên và Quy chế của ngành, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của lãnh đạo Vụ.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên có trách nhiệm và quyền hạn sau:
a. Trực tiếp tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo; trực tiếp phân loại, xử lý đơn theo sự phân công của đơn vị; quản lý kết quả xử lý, giải quyết đơn ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi được phân công phụ trách.
b. Lập biên bản, ghi lời khai của đương sự khi thấy cần thiết cho công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết đơn tư pháp.
c. Thừa ủy quyền Viện trưởng VKSND tối cao ký giấy xá nhận đã nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động theo quy định của pháp luật; chuyển đơn, giấy mời, giấy báo tin, văn bản trả lời người khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, yêu cầu theo quy định của pháp luật, trừ những việc thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
d. Đề xuất với Vụ trưởng yêu cầu các Viện kiểm sát địa phương và các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân, Cơ quan điều tra, cơ quan Thi hành án cùng cấp và cấp dưới cung cấp tài liệu, hồ sơ có liên quan đến kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tư pháp; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp.
đ. Tham gia trực tiếp kiểm sát việc giải quyết đơn tư pháp của các cơ quan tư pháp cùng cấp, cấp dưới.
e. Thực hiện các công việc khác do Lãnh đạo Vụ phân công.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên các cấp và chuyên viên pháp lý.
Trong phạm vi công tác được giao, các Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên các cấp và chuyên viên pháp lý có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Tiếp công dân, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh và tố giác, tin báo về tội phạm của công dân gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nghiên cứu các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đề xuất với Lãnh đạo Vụ có biện pháp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn của các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Giúp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc lập biên bản, lấy lời khai của người khiếu nại, tố cáo; ký nhận mượn, trả các hồ sơ, tài liệu liên quan đến kiểm sát việc giải quyết đơn tư pháp.
3. Quản lý hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu thống kê, các văn bản liên quan đến công việc được giao; tiếp nhận, xử lý đơn, theo dõi đôn đốc các đơn vị trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
4. Dự thảo các báo cáo, kiến nghị, văn bản yêu cầu và các văn bản khác khi được phân công.
5. Thực hiện các nhiệm vụ thuộc công tác văn phòng của đơn vị.
6. Thực hiện các công việc khác khi được Lãnh đạo Vụ phân công.
Điều 10. Nhiệm vụ của Phòng Tham mưu tổng hợp (Phòng 1)
Tham mưu cho Lãnh đạo Vụ:
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Vụ; hướng dẫn công táckhiếu tố cho Viện kiểm sát các địa phương; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác của các phòng, sơ kết, tổng kết về công tác khiếu tố.
2. Xây dựng các loại báo cáo định kỳ theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Viện trưởng trước kỳ họp Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và các báo cáo đột xuất khác.
3. Tiếp nhận và phân loại, xử lý đơn gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đơn do các Cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội… chuyển đến.
4. Phối hợp với các phòng thực hiện việc kiểm tra nghiệp vụ, thực hiện các chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác khiếu tố và các văn bản pháp luật khác.
5. Theo dõi và quản lý việc chấp hành kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ của đơn vị; đề xuất với lãnh đạo Vụ về việc tổ chức phong trào thi đua của đơn vị; giúp Vụ trưởng quản lý công tác cán bộ, thi đua khen thưởng.
6. Quản lý công văn, tài liệu, hồ sơ đi, đến đảm bảo kịp thời, đúng thủ tục. tiếp nhận hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo do Viện kiểm sát địa phương thỉnh thị; lưu trữ hồ sơ, tài liệu thuộc trách nhiệm của Vụ.
7. Thực hiện các nhiệm vụ quản trị văn phòng; quản lý tài sản, mua sắm văn phòng phẩm của Vụ.
8. Thực hiện các công việc khác khi Vụ trưởng phân công.
Điều 11. Nhiệm vụ của Phòng Tiếp công dân (Phòng 2)
1. Tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đảm bảo công tác tiếp công dân kịp thời, đúng quy định.
2. Tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh từ nguồn tiếp dân chuyển đến để phõn loại, xử lý; cấp giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm án Dân sự - Hành chính - Kinh tế - Lao động theo quy định của pháp luật.
3. Chuyển đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn công dân khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Xây dựng lịch, nội dung, kế hoạch tiếp công dân cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của Luật tiếp công dân.
5. Tham mưu cho lãnh đạo Vụ kịp thời giải quyết những trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài; đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân.
6. Phối hợp với các phòng thực hiện việc kiểm tra nghiệp vụ, Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xây dựng chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học.
7. Thực hiện các công việc khác khi được Vụ trưởng phân công.    
Điều 12. Nhiệm vụ của Phòng quản lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Phòng 3). 
1. Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn; cấp giấy xác nhận đã nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm án Dân sự - Hành chính - Kinh tế - Lao động thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công (trừ đơn nhận qua tiếp dân thuộc trách nhiệm của Phòng Tiếp công dân) theo quy định của pháp luật.
2. Theo dừi, quản lý số lượng và kết quả xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đó tiếp nhận.
3. Chuyển, theo dõi kết quả giải quyết đơn thuộc thẩm quyền và đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát của các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh; bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quy định của ngành.
5. Tham mưu cho Lãnh đạo Vụ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xử lý đơn.
6. Thông báo rút kinh nghiệm về công tác quản lý, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của ngành Kiểm sát nhân dân
7. Phối hợp với các phòng thực hiện việc kiểm tra nghiệp vụ, xây dựng chuyên đề, đề tài khoa học.
8. Thực hiện các công việc khác khi được Vụ trưởng phân công.
Điều 13. Nhiệm vụ của Phòng Kiểm sát việc giải quyết Khiếu nại, tố cáo về tư pháp (Phòng 4)
1. Tiếp nhận, phân loại, xử lý, theo dõi, đôn đốc; cấp giấy xác nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm án Dân sự- Hành chính - Kinh tế - Lao động và quản lý kết quả giải quyết đơn tư pháp của các cơ quan tư pháp địa phương.
2. Kiểm sát việc giải quyết đơn tư pháp của các cơ quan tư pháp cùng cấp và cấp dưới.
3. Phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật trong việc giải quyết đơn về tư pháp để đề xuất Lãnh đạo Viện kiến nghị các cơ quan tư pháp khắc phục, sửa chữa vi phạm.
4. Theo dõi và tham mưu cho lãnh đạo Vụ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Viện kiểm sát địa phương trong công tác khiếu tố; tổng hợp, báo cáo và thông báo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp.
5. Phối hợp với các phòng khác trong vụ nghiên cứu xây dựng chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học.   
6. Thực hiện nhiệm vụ là đầu mối phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương trong công tác quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tư pháp theo quy định của pháp luật và Quy định số 200/QĐPH/VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 26/01/2010 của liên ngành tư pháp Trung ương.
7. Thực hiện các công việc khác khi Vụ trưởng phân công.
Điều 14. Chế độ làm việc
1. Vụ Khiếu tố làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất và phát huy vai trò lãnh đạo tập thể. Mọi hoạt động của Vụ tuân theo sự quản lý, chỉ đạo của Vụ trưởng.
2. Tập thể lãnh đạo Vụ thảo luận trước khi quyết định các công việc như:
- Chương trình công tác năm, báo cáo sơ kết, tổng kết năm;
- Các chuyên đề nghiệp vụ, đề tài khoa học do Lãnh đạo Viện giao;
- Việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánhcó liên quan đến cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của đơn vị;  
- Việc công khai tài chính, công tác cán bộ.
3. Hàng tuần, lãnh đạo Vụ giao ban với đại diện lãnh đạo các phòng. Đơn vị định kỳ họp một tháng một lần (trừ các cuộc họp, sinh hoạt nghiệp vụ đột xuất hoặc giải quyết các công việc cần thiết khác).
4. Thường xuyên phối hợp công tác giữa lãnh đạo Vụ, Ban chi uỷ và Ban chấp hành công đoàn Vụ trong việc lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các phong trào thi đua của đơn vị.
 
 
CHƯƠNG III
QUAN HỆ CÔNG TÁC
 
Điều 15. Quan hệ nội bộ trong đơn vị
1. Hoạt động của đơn vị theo nguyên tắc cấp dưới chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hoạt động của Vụ; các Phó Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về kết quả công tác được phân công phụ trách; Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Vụ về kết quả công tác của phòng.
2.      Trong quá trình giải quyết công việc:  
- Nếu giữa Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Phó Vụ trưởng phụ trách có ý kiến khác nhau thì chấp hành ý kiến của Phó Vụ trưởng, nhưng Kiểm sát viên có quyền báo cáo Vụ trưởng;
- Nếu giữa Phó Vụ trưởng với Vụ trưởng có ý kiến khác nhau thì thực hiện ý kiến Vụ trưởng nhưng Phó Vụ trưởng có quyền báo cáo Phó Viện trưởng phụ trách khối.
Điều 16. Quan hệ với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Tổ chức thực hiện Chỉ thị và chương trình công tác của Viện trưởng; chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo về công tác khiếu tố được Viện trưởng giao.
2. Thường xuyên báo cáo Phó Viện trưởng phụ trách khối về công tác tổ chức cán bộ, về tình hình hoạt động của đơn vị; đề xuất những biện pháp, phương hướng với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm nâng cao chất lượng công tác. Trong trường hợp Vụ trưởng chưa nhất trí với kết luận của Phó Viện trưởng phụ trách khối thì phải chấp hành ý kiến của Phó Viện trưởng phụ trách khối, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 17. Quan hệ với các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Quan hệ với các đơn vị nghiệp vụ:
a. Thông báo cho các đơn vị nghiệp vụ liên quan để cử Kiểm sát viên, cán bộ có trách nhiệm tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh những việc thuộc trách nhiệm giải quyết của đơn vị đó.
b. Chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến các đơn vị để giải quyết theo thẩm quyền; khi có kết quả giải quyết, các đơn vị gửi Vụ Khiếu tố 01 bản để theo dõi;
Hàng tháng, Vụ Khiếu tố và các đơn vị phối hợp rà soát kết quả thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chú ý các đơn khiếu nại kéo dài, sắp hết thời hiệu để báo cáo Lãnh đạo Viện.
c. Trao đổi hoặc tham dự các cuộc họp có liên quan đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các đơn vị.
d. Đối với những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh mà công dân gửi trực tiếp đến các đơn vị nghiệp vụ thì các đơn vị phải chuyển đến Vụ Khiếu tố để phân loại, xử lý và thống nhất quản lý (trừ các đơn gửi tới Cục Điều tra và Viện kiểm sát Quân sự trung ương sẽ thực hiện theo Điều 9 Quy chế số: 59/2006 QĐ-VKSTC-V7, ngày 6/02/2006).
đ. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết đơn tư pháp theo các quy định hiện hành và Quyết định số 487/QĐ-VKSTC-V7 ngày 4/9/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
e. Tiếp nhận và chuyển tin báo, tố giác về tội phạm trong hoạt động tư pháp đến Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền và kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án.
g. Phối hợp với Thanh tra trong việc tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức trong ngành Kiểm sát thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao .
2. Phối hợp với Văn phòng trong việc tiếp nhận đơn từ các nguồn chuyển đến để xử lý theo quy định chung, đảm bảo trật tự trị an tại phòng tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tập huấn nghiệp vụ cho toàn ngành.   
3. Phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ trong việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lí cán bộ và thực hiện chính sách đối với Cán bộ, Công chức của đơn vị.
4. Phối hợp với nhà trường (trường Đại học Kiểm sát) , Vụ tổ chức cán bộ, Văn phòng, Vụ kế hoạch tài chính trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ trong và ngoài nước về công tác khiếu tố cho Cán bộ, Công chức trong toàn ngành.
5. Phối hợp với Viện khoa học kiểm sát trong việc nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyên đề nghiệp vụ ở trong và ngoài nước liên quan đến công tác khiếu tố theo chương trình công tác hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
6. Phối hợp với Vụ kế hoạch- tài chính để nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các chế độ, chính sách, dự toán ngân sách hàng năm để đảm bảo cho các đơn vị, các Viện kiểm sát nhân dân có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao về công tác khiếu tố.
7. Phối hợp với Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin để xây dựng và hướng dẫn công tác thống kê trong lĩnh vực khiếu tố; xây dựng và thực hiện các biểu thống kê theo Quy chế thông tin, báo cáo của ngành; thống nhất việc triển khai phần mềm quản lý hoạt động của ngành về công tác khiếu tố, thống nhất các số liệu phục vụ cho công tác báo cáo sơ kết, tổng kết của ngành Kiểm sát.
8. Phối hợp với Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự trong việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến nguời nước ngoài. Xây dựng chương trình kế hoạch cho đơn vị đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về công tác khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các nước có nền tư pháp tiến tiến và tương đồng với nền tư pháp của nước ta.
9. Phối hợp với Tạp chí kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật trong việc cung cấp tin, bài liên quan đến công tác Khiếu tố để phục vụ công tác tuyên truyền của ngành.
Điều 18. Quan hệ với Viện kiểm sát địa phương
1. Hàng năm, căn cứ vào Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ Khiếu tố xây dựng chương trình, kế hoạch công tác khiếu tố; hướng dẫn, đôn đốc các Viện kiểm sát địa phương triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch đề ra; trả lời đầy đủ và kịp thời các thỉnh thị của Viện kiểm sát địa phương.
2. Tổ chức rút kinh nghiệm với Viện kiểm sát địa phương về công tác khiếu tố trong toàn ngành.
       3. Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương chịu trách nhiệm về công tác khiếu tố thuộc thẩm quyền của mình; định kỳ báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (thông qua Vụ Khiếu tố) về công tác này theo các quy định của ngành và Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 13/7/2012 về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, các Quy chế nghiệp vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều 19. Quan hệ với các cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khác
1. Vụ trưởng Vụ Khiếu tố được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền quan hệ phối hợp công tác với cơ quan tư pháp cùng cấp và cấp dưới, quan hệ với các cơ quan: Ban Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…trong công tác tiếp công dân; quản lý về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát; tham gia xây dựng các văn bản chỉ đạo liên ngành về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp.
2. Thực hiện phối hợp với các cơ quan : Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng theo Quy định của pháp luật và Quy định số 200/QĐPH/VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 26/01/2010 về việc phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh về tư pháp.
Điều 20. Chế độ kiểm tra
1. Định kỳ hoặc theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện, Vụ xây dựng kế hoạch kiểm tra nghiệp vụ đối với các đơn vị nghiệp vụ và các Viện kiểm sát địa phương về công tác khiếu tố, tham gia các đoàn kiểm tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc của liên ngành. Việc kiểm tra được thực hiện theo Quy chế kiểm tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Trưởng đoàn kiểm tra của Vụ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Vụ, Lãnh đạo Viện về kết quả kiểm tra.
 
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 
Điều 21. Tổ chức thực hiện
1. Vụ trưởng Vụ Khiếu tố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao,Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Việc bổ sung, sửa đổi Quy chế do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định.
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Mọi văn bản khác với Quy chế đều bãi bỏ; Quy chế này thay thế Quy chế số: 967/QĐ-VKSTC-V7 ngày 26/4/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao./. 
      

 
 
KT. VIỆN TRƯỞNG
 
 
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
 
 
 
 
( Đã ký)
 
 
 
 
 
Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm
 
 
 
 
 
 
 
 
 

         
 
 
 
 
 
 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIấT NAM
TỐI CAO
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------
---------------------------------------------------------------------
Số: 09 /HD-VKSTC-V7
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 
 
 
 
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC KHIẾU TỐ NĂM 2013
----------------
 
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02-01-2013 của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát năm 2013, VKSNDTC (Vụ Khiếu tố) hướng dẫn thực hiện công tác khiếu tố năm 2013 như sau:
I- NHỮNG NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC KHIẾU TỐ NĂM 2013
- Tổ chức việc tiếp công dân theo đúng qui định của pháp luật và Quy chế số 59; tiếp nhận, xử lý kịp thời, đầy đủ, chính xác đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh; quản lý chặt chẽ kết quả thụ lý, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát.
- Đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, đôn đốc, kiểm tra để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát; thực hiện nghiêm các qui định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc ban hành văn bản giải quyết phải có đầy đủ nội dung.
- Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ, giữa VKS cấp trên với cấp dưới trong việc phát hiện vi phạm để VKS có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kiểm sát phù hợp, ban hành kiến nghị đạt chất lượng, hiệu quả cao.
- Chú trọng công tác tham mưu để Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp kịp thời chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp mình và VKS cấp dưới thực hiện tốt công tác khiếu tố; khắc phục những sai sót, hạn chế, chấn chỉnh hoạt động quản lý, xử lý, giải quyết, kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo tuân theo đúng qui định của pháp luật.
II- NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ CÔNG TÁC KHIẾU TỐ NĂM 2013
1. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn
a. Công tác tiếp công dân
Năm 2013 Luật khiếu nại có hiệu lực thi hành, theo đó quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân được qui định rõ ràng tại Điều 60 Luật này. Do vậy, việc tiếp công dân phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chỉ tiêu công tác cơ bản của Ngành đó đề ra. Việc tiếp công dân của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, tuân theo qui định của Luật khiếu nại và Quy chế số 59. 
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện ra Quyết định phân công cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác tiếp công dân thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp mình.
b. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn
Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định phân công cán bộ, Kiểm sát viên thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình thực hiện nhiệm vụ chuyờn trách xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Việc tiếp nhận, xử lý, phân loại đơn tập trung theo một đầu mối do đơn vị khiếu tố Viện kiểm sát các cấp thực hiện và quản lý theo Quy chế số 59 và qui định của pháp luật; phân loại chính xác đơn thuộc thẩm quyền giải quyết và đơn Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết.
Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm các bản án, quyết định dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lạo động và những việc khác; khiếu nại phần dân sự trong bản án hình sự đó có hiệu lực pháp luật thì việc phân loại, xử lý thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 4107/VKSTC-V7 ngày 22-12-2011.
Đối với đơn hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, theo qui định tại Khoản 1 Điều 62 Luật Khiếu nại thì: cỏn bộ tiếp công dân có trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, phân loại và chuyển đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; khi tiếp nhận từ các nguồn khác, Viện kiểm sát các cấp hướng dẫn công dân khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn đến các cơ quan đó (không yêu cầu thông báo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát).
2- Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013 cần chú trọng nâng cao trách nhiệm giải quyết đảm bảo về cả hình thức và nội dung. Cụ thể là:
- Các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS các cấp phải được giải quyết đầy đủ, kịp thời; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo phải theo mẫu trong hệ thống mẫu được ban hành kèm theo Quyết định số 53/QĐ- VKSTC ngày 15-02-2012 và đúng qui định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn, đặc biệt cần lưu ý:
+ Khi giải quyết khiếu nại về hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, VKS phải thực hiện nghiêm qui định của pháp luật về hình thức văn bản là ra quyết định giải quyết đối với khiếu nại trong TTHS,TTDS, Thi hành án hình sự…; đồng thời thực hiện đúng các trình tự giải quyết để có cơ sở xác định việc giải quyết hay không giải quyết tiếp theo nếu quyết định giải quyết đó bị khiếu nại tiếp.
Trong mỗi văn bản giải quyết phải có đầy đủ nội dung cần thiết, phân tích, diễn giải rõ nội dung khiếu nại và lý do vì sao chấp nhận hay không chấp nhận khiếu nại; ghi rõ quyền, thời hạn khiếu nại tiếp theo nếu chưa phải trình tự giải quyết cuối cùng, hoặc nếu là giải quyết cuối cùng thì phải ghi rõ. Đối với các Quyết định bị khiếu nại, nếu qua giải quyết phát hiện có sai sót thì phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trước rồi mới ban hành quyết định khắc phục sai sót. Vi dụ: Qua giải quyết khiếu nại cáo trạng, phát hiện cáo trạng có sai sót thì trước hết phải ra quyết định giải quyết khiếu nại, chấp nhận một phần hay toàn bộ nội dung đơn khiếu nại, sau đó mới sửa, rút, hoặc ban hành cáo trạng thay thế cáo trạng bị sai sót.
+Giải quyết tố cáo về hoạt động tư pháp phải đảm bảo nội dung, hình thức theo đúng qui định của pháp luật trong lĩnh vực tương ứng; Viện trưởng Viện kiểm sát ký kết luận giải quyết.
+ Đơn vị khiếu tố đôn đốc, kiểm tra công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các đơn vị nghiệp vụ ngang cấp báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình và Viện kiểm sát cấp trên về thực trạng công tác giải quyết, kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát cấp mình.
3- Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp (kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp)
Năm 2013 công tác kiểm sát cần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát một cách sâu sắc, để thực hiện tốt mục tiêu này, cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:
- Thông qua công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, phải tổng hợp được tình hình vi phạm trong giải quyết đơn của các cơ quan tư pháp để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục.
- Đơn vị khiếu tố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ khác tích cực nắm bắt thông tin về giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp của các cơ quan tư pháp qua các nguồn khác khau như qua tiếp công dân, qua phân loại, xử lý, rà soát đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo…, phát hiện kịp thời các vi phạm, báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Viện xem xét, áp dụng biện pháp kiểm sát phù hợp.
-Trong kiểm sát trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp tại cơ quan tư pháp, xác định dấu hiệu vi phạm chính xác và cần phối hợp với đơn vị nghiệp vụ liên quan cùng tiến hành kiểm sát.
Về chỉ tiêu: Thực hiện các chỉ tiêu cơ bản công tác khiếu tố ban hành kèm theo Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13-6-2012, mỗi VKS cấp tỉnh kiểm sát ít nhất 01 Cơ quan tư pháp; năm 2013, mỗi VKS cấp huyện kiểm sát trực tiếp ít nhất 01 cơ quan tư pháp hoặc 01 vụ, việc (cách tính chỉ tiêu theo mục 10.6 - trang 20- văn bản hướng dẫn số 17/HD-VKSTC ngày 13-6-2012 về việc thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát ).
Đối với kiểm sát vụ, việc cụ thể, thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCA-VKSTC-TATC-BTP-BQP ngày 10 tháng 8 năm 2005; số 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01 tháng 8 năm 2012; số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-8-2012. Cần lưu ý: Theo Thông tư số 03 và 04, khi kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực TTDS,TTHC, nếu xác định khiếu nại, tố cáo là có cơ sở thì Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị theo qui định của pháp luật, không yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu. 
4- Báo cáo, hướng dẫn công tác
- Việc xây dựng các loại báo cáo công tác thực hiện theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 379/QĐ-VKSTC ngày 13-7-2012 về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân; trong báo cáo năm, đánh giá từng chỉ tiêu cụ thể theo hệ thống chỉ tiêu kèm theo Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13-6-2012, những chỉ tiêu nào không thực hiện được thì nêu rõ lý do;
- VKS cấp tỉnh thường xuyên theo dõi, tổng hợp kết quả công tác khiếu tố của các đơn vị nghiệp vụ cùng cấp và VKS cấp huyện, kịp thời ban hành văn bản rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế.
 - Đối với báo cáo Quốc hội,VKS các cấp chủ động triển khai thực hiện theo hướng dẫn số 2679/VKSTC-V7 ngày 13-8-2012, nếu có sự thay đổi do yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Vụ Khiếu tố sẽ thông báo, hướng dẫn bổ sung.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
VKSND các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC về nhiệm vụ công tác khiếu tố năm 2013 đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong cơ quan, đơn vị mình. Căn cứ vào Chỉ thị công tác năm 2013, Viện kiểm sát cấp tỉnh xây dựng Chương trình công tác của cấp mình và Hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát cấp huyện trên cơ sở hướng dẫn của VKSTC, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương (những nội dung cụ thể khác đó được hướng dẫn tại văn bản hướng dẫn công tác năm 2012 vẫn có giá trị thực hiện). Chương trình công tác và Hướng dẫn nghiệp vụ khiếu tố gửi về VKSNDTC (Vụ 7) để theo dõi, đánh giá.
Quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị VKSND địa phương báo cáo về VKSNDTC (Vụ 7) để được hướng dẫn./.
 

Nơi nhận:
TL. VIỆN TRƯỞNG
- Đ/c PVT Nguyễn Thị Thủy Khiêm (b/c);
VỤ TRƯỞNG
- Các VKSND cấp tỉnh;
 
- Các đơn vị thuộc VKSTC;
 
- Viện kiểm sát QSTW;
 
- Lưu VT, V7.
 
 
Hà Như Khuê

 
 
 
 
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
VỤ KHIẾU TỐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do - Hạnh phúc
---------
------------------------------------
 
Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2013
 
CHƯƠNG TRÌNH VÀ PHÂN CÔNG CÔNG TÁC NĂM 2013
 
Năm 2013, ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp với chương trình hành động: Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở.
Trên cơ sở đó, trọng tâm công tác 2013 của Vụ Khiếu tố như sau:
1- Những nhiệm vụ cụ thể
1.1- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương hoàn thành danh mục đơn khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp (chậm nhất là hết quý II/2013);
1.2- Tổ chức tốt việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, nhất là việc tiếp công dân của lónh đạo Viện. Đổi mới phương pháp để thực hiện tốt việc quản lý, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết và kiểm sỏt giải quyết khiếu nại, tố cỏo thuộc thẩm quyền VKS. Trong quý III, tiến hành kiểm tra tại một số đơn vị thuộc VKSTC (tập trung vào các đơn vị kiểm sát điều tra) và một số VKS địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo lãnh đạo VKSTC về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp của toàn Ngành, nhất là tại VKSTC.
1.3- Theo dõi chặt chẽ việc giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các đơn vị VKSTC, các VKS địa phương để rút kinh nghiệm, trả lời thỉnh thị, giải đáp vướng mắc cho VKS địa phương nhằm khắc phục sai sót, hạn chế trong công tác khiếu tố của toàn ngành.
1.4 - Đề xuất với Lãnh đạo VKSTC về kiện toàn bộ máy (Lãnh đạo cấp phòng) và sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức, hoạt động của Vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (cả năm); nghiên cứu chương trình đổi mới chức năng, nhiệm vụ của đơn vị Khiêu tố VKS các cấp.
1.5- Phối hợp với trường đạo tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát Hà Nội biên soạn tài liệu và tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác khiếu tố.
1.6- Kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp ít nhất 1 cơ quan tư pháp và kiểm tra thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW về giải quyết khiếu nại, tố tại một số tỉnh, thành phố (Quý 3 +4);
1.6- Tiếp tục duy trì thực hiện Qui định phối hợp số 200;
1.7- Ra văn bản thông báo rút kinh nghiệm công tác đối với Viện kiểm sát cấp dưới, mỗi phòng ra ít nhất 2 văn bản thông báo rút kinh nghiệm, trong đó, Phòng tổng hợp chịu trách nhiệm ra văn bản thông báo rút kinh nghiệm chung của Vụ;
1.8 - Xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ 2012.
1.9- Xây dựng báo cáo Quốc hội và các báo cáo khác về công tác khiếu tố của ngành Kiểm sát.
1.10- Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Lãnh đạo Viện giao
1.11- Đảm bảo thực hiện chế độ tiếp công dân, xử lý đơn theo Thông tư 46 và văn bản hướng dẫn số 03/HD-VKSTC-V11 ngày 10-01-2013.
2-Phân công nhiệm vụ
2.1- Phòng Tham mưu- Tổng hợp
- Công tác tham mưu, tổng hợp, văn thư:
+ Tham mưu cho lãnh đạo Vụ kiện toàn tổ chức cấp phòng và chế độ, kinh phí; phối hợp xây dựng chương trình đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị Khiếu tố.
+ Hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện Chỉ thị Công tác năm của Viện trưởng VKSTC đối với hoạt động khiếu tố của toàn ngành và kế hoạch công tác năm 2013 của Vụ, đảm bảo các hoạt động công tác được thực hiện đầy đủ và đúng tiến độ, trọng tâm;
+ Tiếp nhận, phân loại xử lý, quản lý và đôn đốc việc giải quyết đơn do các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước chuyển đến VKSTC;
+ Chủ trì việc xây dựng tài liệu giảng dạy lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác khiếu tố tại hai trường Kiểm sát.
+ Xây dựng các loại báo cáo;
+ Tiếp nhận văn bản giải quyết đơn của các đơn vị thuộc VKSTC, VKS địa phương chuyển đến các Phòng nghiệp vụ liên quan; quản lý công văn đi, đến; làm thủ tục tiếp nhận đơn từ các nguồn chuyển đến và chuyển đơn, báo tin cho các cơ quan ngoài VKSTC, đương sự ;
+ Nghiên cứu, xây dựng chuyên đề nghiệp vụ; phối hợp với Phòng Kiểm sát xây dựng danh mục đơn tư pháp;
+ Quản lý, sử dụng tài chính cụng, làm công tác văn phòng, đời sống.
- Theo dõi kết quả hoạt động khiếu tố, hướng dẫn, chỉ đạo địa phương:
+ Hướng dẫn công tác năm, nghiên cứu tổng hợp báo cáo tháng, năm của VKS địa phương;
+ Tổ chức và tham gia các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp thuộc thẩm quyền VKS địa phương, đảm bảo ban hành văn bản giải quyết đầy đủ nội dung, hình thức theo qui định của pháp luật.
+ Thông báo, rút kinh nghiệm kết quả công tác Khiếu tố 6 tháng và 1 năm hoặc đột xuất khi có vấn đề phát sinh cần rút kinh nghiệm;
+ Trả lời thỉnh thị, giải đáp vướng mắc của VKS địa phương trong phạm vi trách nhiệm của phòng;
- Thực hiện các công việc khác do lãnh đạo Vụ giao.
2.2- Phòng tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo
- Tổ chức thực hiện việc tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, xử lý, quản lý đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát tối cao, đặc biệt là các đơn có địa chỉ liên quan đến địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; phối hợp với Phòng kiểm sát quản lý chặt chẽ đơn gửi đích danh Viện trưởng.
- Đổi mới phương pháp để thực hiện tốt việc quản lý, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền VKS. Quý III, chủ trì phối hợp với các phòng kiểm tra công tác giải quyết, kiểm sát giải quyết đơn tại một số đơn vị thuộc VKSTC (tập trung vào các đơn vị kiểm sát điều tra). Trên cơ sở đó, tham mưu cho Lãnh đạo Vụ xây dựng báo cáo lánh đạo VKSTC về thực trạngcông tác giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp của VKSTC.
- Tham gia nghiên cứu hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức, hoạt động của Vụ.
- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền VKSTC theo Chỉ thị của Viện trưởng;
- Xác nhận đơn đề nghị kháng nghị GĐT theo qui định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung và Luật tố tụng Hành chớnh;
- Xây dựng chuyên đề nghiệp vụ, tham gia các Đoàn công tác do Viện, Vụ tổ chức;
- Trả lời thỉnh thị của địa phương về các vấn đề vướng mắc trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo;
- Thực hiện các công việc khác do Lãnh đạo Vụ giao.
2.3- Phòng Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp
- Xử lý, quản lý kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền các cơ quan tư pháp địa phương, đơn gửi đích danh Viện trưởng VKSTC, làm thủ tục xác nhận đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm án Dân sự, Hành chính thuộc thẩm quyền VKS cấp tỉnh; nắm thông tin, phát hiện vi phạm làm cơ sở tiến hành kiểm sát và chỉ đạo địa phương thực hiện kiểm sát;
- Thực hiện qui định phối hợp số 200 giữa VKSTC với các cơ quan tư pháp TW;
- Chủ trì thực hiện việc phối hợp liên ngành tư pháp Trung ương xây dựng danh mục đơn tư pháp (Phòng Tổng hợp phối hợp);
- Kiểm sát trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp tại ít nhất 1 cơ quan tư pháp và kiểm tra Chỉ thị 09 tại cơ quan tư pháp của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Phối hợp với Phòng Tổng hợp theo dừi tiến độ thực hiện Chỉ thị công tác năm 2012 của VKS địa phương; kiểm tra, hướng dẫn việc ban hành văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo đầy đủ nội dung, hình thức theo đúng qui định của pháp luật; phối hợp xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường Kiểm sát; kiểm tra
công tác giải quyết, kiểm sát giải quyết đơn của các đơn vị thuộc VKSTC và đổi mới tổ chưc, hoạt động của đơn vị Khiếu tố VKS các cấp. thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp (ít nhất 2 văn bản/ năm);
- Xây dựng chuyên đề nghiệp vụ;
- Trả lời thỉnh thị của VKS địa phương về các vấn đề vướng mắc trong công tác kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp;
- Các công việc khác do Lãnh đạo Vụ giao.
3. Quản lý, chỉ đạo điều hành
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế nghiệp vụ, các qui định của ngành;
- Nâng cao trách nhiệm cá nhân, phát huy dân chủ, lao động sáng tạo, đoàn kết, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành tốt kỷ luật lao động, tăng cường quản lý giáo dục, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất chính trị cho cán bộ;
- Phối hợp tốt giữa Chi ủy, Lãnh đạo vụ, Công đoàn và các tổ chức đoàn thể trong các hoạt động của đơn vị, đảm bảo cho cơ chế dân chủ cơ sở được thực thi.
* Khi thấy cần thiết, Lãnh đạo Vụ sẽ điều động các phòng phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác để đảm tiến độ thực hiện kế hoạch chung của Vụ.
 

Nơi nhận:
TL. VIỆN TRƯỞNG
- Đ/c PVT Nguyễn Thị Thủy Khiêm (b/c);
VỤ TRƯỞNG
- Các đ/c Vụ 7;
 
- Lưu Vụ.
(Đã ký)
 
 
 
 
 
Hà Như Khuê

TÌM KIẾM