VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH CHỈ THỊ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH
Ngày 17/5/2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-VKSTC-VPT1 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự, hành chính. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trích đăng toàn văn nội dung Chỉ thị để bạn đọc tham khảo.
Trong những năm qua, công tác kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và bản án , quyết định hành chính sơ thẩm đã có những cố gắng nhất định. Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng nghiên cứu, kiểm sát các bản án, quyết định sơ thẩm và đã kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị phúc thẩm. Chất lượng kháng nghị đã từng bước được nâng lên; số lượng kháng nghị cũng tăng đáng kể; nhiều kháng nghị được cấp phúc thẩm bảo vệ, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận nâng lên rõ rệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự, hành chính còn không ít những bất cập. Trong khi các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính không ngừng gia tăng, ngày càng đa dạng, phức tạp; việc giải quyết của Tòa án còn nhiều thiếu sót, hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm phát sinh khiếu kiện ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhưng Viện kiểm sát chưa phát hiện được vi phạm để kháng nghị phúc thẩm. Số lượng kháng nghị phúc thẩm còn ít trong khi số án sơ thẩm phải sửa, hủy án thông qua kháng cáo chiếm tỷ lệ còn cao (khoảng 40% số vụ án xét xử phúc thẩm). Tỷ lệ kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận thường chỉ chiếm khoảng 70-75%.
Những tồn tại, thiếu sót trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo, kiểm sát viên ở một số đơn vị chưa cao; sự phối kết hợp giữa Viện kiểm sát các cấp trong công tác kháng nghị phúc thẩm chưa chặt chẽ; số bản án, quyết định sơ thẩm gửi cho cấp phúc thẩm chưa đầy đủ, kịp thời; trang thiết bị phương tiện hỗ trợ cho công tác kiểm sát xét xử chưa đáp ứng yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính theo tinh thần mới của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/01/2012), Luật Tố tụng hành chính (có hiệu lực từ ngày 01/7/2011) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương cần thực hiện tốt những nội dung cụ thể sau đây:
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự, hành chính, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong kế hoạch, chương trình công tác năm phải đề ra chỉ tiêu phát hiện những bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm về pháp luật, về thủ tục tố tụng để kháng nghị phúc thẩm; coi đây là chỉ tiêu thi đua của đơn vị.
Viện trưởng các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác kháng nghị phúc thẩm. Viện trưởng phải nghe báo cáo và duyệt nội dung kháng nghị. Việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được xem xét thận trọng và do Viện trưởng quyết định.
2. Khi ban hành kháng nghị phải đảm bảo có căn cứ, chặt chẽ từ hình thức đến nội dung và đúng thủ tục, thời hạn pháp luật quy định. Kháng nghị phải thực hiện đúng mẫu quy định. Trước khi ban hành kháng nghị phải thận trọng rà soát kỹ văn bản, không để xảy ra sai sót.
Nội dung kháng nghị phải phân tích, làm rõ căn cứ kháng nghị như bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; quyết định của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Kháng nghị phải phân tích rõ vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm, đối chiếu với các quy định cụ thể của điều luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Quyết định kháng nghị phải nêu rõ phạm vi và nội dung kháng nghị.
3. Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải mở sổ theo dõi và lập Phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm theo mẫu ban hành. Phiếu kiểm sát do Kiểm sát viên tham gia xét xử sơ thẩm hoặc do Lãnh đạo phân công lập, trong đó, nêu rõ ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên; ý kiến của Lãnh đạo đơn vị (Viện trưởng đối với Viện kiểm sát cấp huyện; Trưởng phòng đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh). Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án (hoặc kể từ ngày nhận được bản án trong trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa); 10 ngày, kể từ ngày Tòa án quyết định, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải gửi bản án, quyết định sơ thẩm kèm theo Phiếu kiểm sát cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm.
Viện kiểm sát cấp phúc thẩm phải cử Kiểm sát viên được phân công theo dõi địa bàn kiểm tra Phiếu kiểm sát; nghiên cứu bản án, quyết định sơ thẩm; có quan điểm về kết quả kiểm tra và nghiên cứu của mình. Lãnh đạo đơn vị phải có ý kiến về đề xuất của Kiểm sát viên.
Viện kiểm sát cấp huyện và Viện kiểm sát cấp tỉnh cần khắc phục ngay việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm quá chậm lên Viện kiểm sát cấp trên dẫn đến tình trạng khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm thì không còn thời hạn kháng nghị phúc thẩm.
Viện kiểm sát cấp tỉnh phải tập hợp tình hình thực hiện Điều 194, 241, 315, 357, 371 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 122, 166 của Luật Tố tụng hành chính về việc gửi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm ở cả hai cấp (tỉnh và huyện), có kiến nghị kịp thời những trường hợp vi phạm về thời hạn gửi bản án, quyết định theo luật định và báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5, Vụ 12) để tập hợp có kiến nghị chung với ngành Tòa án.
4. Các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm phải có bộ phận chuyên trách quản lý, theo dõi, kiểm tra bản án, quyết định sơ thẩm, thu thập thông tin về việc xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm; phối kết hợp chặt chẽ với các Viện kiểm sát địa phương phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm để kháng nghị theo thẩm quyền; định kỳ có kế hoạch kiểm tra công tác kháng nghị phúc thẩm và việc thực hiện gửi bản án, quyết định sơ thẩm và Phiếu kiểm sát của các Viện kiểm sát cấp tỉnh trong khu vực.
Các Viện kiểm sát cấp tỉnh giao cho Phòng 5, Phòng 12 thực hiện việc theo dõi, kiểm tra các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện để phát hiện vi phạm và quyết định việc kháng nghị.
Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị thì báo cáo ngay Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Nếu không còn thời hạn kháng nghị phúc thẩm, nhưng bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thì báo cáo Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Trong báo cáo phải nêu đầy đủ lý do, cơ sở của đề xuất kháng nghị.
5. Tăng cường rút kinh nghiệm về những thiếu sót, hạn chế của từng kháng nghị phúc thẩm mà Viện kiểm sát cấp phúc thẩm rút kháng nghị hoặc kháng nghị không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Đối với trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị mà không có căn cứ thì phải báo cáo đề nghị cấp giám đốc thẩm nghiên cứu, xem xét theo thẩm quyền. Đối với các kháng nghị có nội dung tốt, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm thông báo cho Viện kiểm sát cấp sơ thẩm để cùng tham khảo.
Hàng năm, các Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần tổng hợp để rút kinh nghiệm chung theo địa bàn về công tác kháng nghị phúc thẩm. Các Viện phúc thẩm có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm theo khu vực được phân công.
Vụ 5, Vụ 12 chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp rút kinh nghiệm chung toàn Ngành về công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự, hành chính theo lĩnh vực được phân công; báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm; tập hợp những vi phạm của Tòa án trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thời hạn gửi bản án, quyết định sơ thẩm để tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm hoặc ban hành kiến nghị với ngành Tòa án.
6. Văn phòng phối hợp với Viện phúc thẩm 1, Cục thống kê tội phạm ban hành mẫu Sổ thụ lý bản án, quyết định sơ thẩm dân sự, hành chính để áp dụng trong toàn Ngành.
Vụ 11 chủ trì, phối hợp với Cục thống kê tội phạm nghiên cứu trang bị các phương tiện hỗ trở để các đơn vị trong toàn ngành áp dụng công nghệ thông tin trong việc sao gửi bản án, quyết định sơ thẩm, phiếu kiểm sát, kháng nghị phúc thẩm.
7. Các đơn vị nghiệp vụ phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của Ngành để tuyên truyền về kết quả thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hành chính.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Trong báo cáo tổng kết công tác năm phải nêu được kết quả thực hiện Chỉ thị và phương hướng thực hiện của năm tiếp theo.Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần tổng hợp, phản ánh về Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao./.