Vừa qua, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký ban hành Quyết định số 68/QĐ-VKSTC về việc thành lập Tổ chuyên gia xây dựng nền tảng Quản lý án hình sự ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, Tổ chuyên gia gồm 07 thành viên có chuyên môn từ VKSND tối cao và một số Viện kiểm sát địa phương.
Vai trò, nhiệm vụ của Tổ chuyên gia
Tổ chuyên gia đảm nhận vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai nền tảng số hóa quản lý án hình sự, với 3 nhiệm vụ trọng tâm sau:
(1) Rà soát và hoàn thiện quy trình nghiệp vụ: Tổ chuyên gia phối hợp với Cục Thống kê tội phạm và Chuyển đổi số (Cục 2), các đơn vị nghiệp vụ giải quyết án hình sự và đối tác phát triển phần mềm (VNPT-IT) để rà soát, góp ý, hoàn thiện quy trình tố tụng và nghiệp vụ. Trên cơ sở đó, Tổ chuyên gia tham mưu cho Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ và Cục 2 để thống nhất về mô hình dữ liệu và xây dựng phần mềm giả lập (prototype), làm cơ sở cho việc phát triển chính thức.
(2) Kiểm thử và đánh giá phần mềm: Tổ chuyên gia chịu trách nhiệm kiểm thử, đánh giá các tính năng của nền tảng, bảo đảm phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ trước khi triển khai. Những phản hồi, đề xuất của Tổ chuyên gia giúp hoàn thiện hệ thống, khắc phục kịp thời những hạn chế trong quá trình phát triển.
(3) Triển khai thử nghiệm tại các đơn vị: Sau khi hoàn thiện phần mềm giả lập, tổ chuyên gia sẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thử nghiệm nền tảng tại các VKSND cấp cao, VKSND địa phương. Việc này giúp đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, phù hợp với thực tế công việc trước khi triển khai rộng rãi.
Tổ chuyên gia trong làm việc với các đơn vị liên quan
và đối tác phát triển phần mềm
Tiến độ xây dựng, triển khai nền tảng Quản lý án hình sự
Định hướng việc xây dựng nền tảng Quản lý án hình sự là phát triển từng mô-đun của nền tảng, đồng thời tiến hành với việc triển khai thí điểm tại các đơn vị gồm: Các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 8, Vụ 12, Vụ 13, Cục 1, Cục 2 và Văn phòng VKSND tối cao; VKSND cấp cao tại Hà Nội và VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh.
Việc xây dựng, triển khai thí điểm của mỗi mô-đun nghiệp vụ được thực hiện theo quy trình 5 bước, cụ thể:
- Bước 1: Căn cứ trường dữ liệu và mô hình hoá quy trình tố tụng/quy trình nghiệp vụ, rà soát, hoàn thiện phần mềm giả lập của mô-đun.
- Bước 2: Tiến hành lập trình mô-đun.
- Bước 3: Triển khai thử nghiệm mô-đun dựa trên nhập dữ liệu các hồ sơ kiểm sát vụ án hình sự đã chuẩn bị sẵn.
- Bước 4: Bổ sung, hoàn thiện tính năng, giao diện của mô-đun trên cơ sở kết quả thử nghiệm; ban hành quy trình tạm thời sử dụng mô-đun.
- Bước 5: Đưa vào triển khai thí điểm, nhập dữ liệu thực tế.
Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ đưa vào triển khai thí điểm, nhập dữ liệu thực tế (Bước 5) đối với tất cả các mô-đun của nền tảng. Quá trình thí điểm này giúp đánh giá tính hiệu quả thực tế của hệ thống trước khi mở rộng trên toàn quốc.
Năm 2025 là cột mốc quan trọng đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong tiến trình chuyển đổi số. Tổ chuyên gia xây dựng nền tảng Quản lý án hình sự với vai trò then chốt đang tích cực thực hiện các nhiệm vụ từ xây dựng, kiểm thử đến triển khai nền tảng Quản lý án hình sự. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và sự đóng góp của Tổ chuyên gia, nền tảng này hứa hẹn sẽ trở thành công cụ đắc lực, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa quá trình xử lý án hình sự và góp phần hiện đại hóa nền tư pháp Việt Nam.