CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, tác phong người cán bộ Kiểm sát

20/08/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Với cán bộ Kiểm sát càng thận trọng càng tốt, sẽ tránh oan sai, bỏ lọt hoặc xử lý không thấu đáo. Đây là một đức tính rất cần thiết trong đạo đức nghề nghiệp nói chung, trong các cán bộ, KSV ngành Kiểm sát nói riêng vì ngành Kiểm sát có chức năng nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp.

Phong cách Hồ Chí Minh có giá trị to lớn mà Người dựa trên nguyên tắc bất biến đó là: Mọi quyền lực, lợi ích đều thuộc về nhân dân. Vì vậy, phong cách Người mang đậm sắc thái của một vĩ nhân, bậc: “Đại trí, đại nhân, đại dũng”.

Với 24 năm gắn liền trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhưng Người lại không xa lạ khác thường mà rất gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, điều mà tất cả mỗi chúng ta đều phải học tập làm theo phong cách của Bác thể hiện qua tư tưởng và thực tế làm việc của Người.

Phong cách của Bác được nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau, thể hiện qua rất nhiều dạng phong cách, cũng như lời dạy, lời nhắn nhủ của Bác đối với mọi người, mọi ngành nghề đều rất sát thực với công việc ngành, nghề mà họ đảm nhận. Vì vậy qua bao nhiêu năm những lời dạy ấy vẫn còn xuyên suốt trong mỗi người chúng ta.

Là một người cán bộ trong ngành Kiểm sát, thấm nhuần phong cách sống của Bác, tôi thấy chúng ta cần học tập phong cách, lề lối, cung cách, cách thức làm việc Bác. Quan điểm của Bác: “Bao nhiêu cách tổ chức và làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”.

Bác còn nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức… của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”. Chính vì vậy, soi rọi lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát luôn luôn có giá trị và được đề cao.

Cũng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, vì có đạo đức cách mạng thì cá nhân mỗi người sẽ tự phấn đấu rèn luyện bản thân mình. Đối với người cán bộ Kiểm sát Bác yêu cầu cần 5 đức tính: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đây là lời dạy của Bác dành cho cán bộ ngành Kiểm sát khi xây dựng và trình dự thảo Luật Tổ chức VKSND 1960. Lời dạy đó xuyên suốt bao thập kỉ nay và còn mãi giá trị đối với mỗi cán bộ ngành Kiểm sát chúng ta. Nghe bình dị, gần gũi như lời nhắc nhở chúng ta trong quá trình thực thi công việc.

Đây cũng chính là phẩm chất chính trị đạo đức của người cán bộ Kiểm sát. Xuất phát từ nhiệm vụ của ngành là cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước, vì vậy việc nâng cao phẩm chất đạo đức tác phong của người cán bộ Kiểm sát là rất cần thiết. Mục đích là trong khi xử lý công việc phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ngay thẳng, sáng suốt, trong thực hiện nhiệm vụ thì không thiên vị, khi xử lý phải đúng người đúng tội lỗi của họ gây ra, không để xảy ra oan sai nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm.

Đảm bảo tính công minh chính trực, trong xử lý vụ việc không nể nang, không đặt tình cảm lên trên lý trí, không vì tư lợi, hay quyền lợi, hoặc một lý do gì mà không dám đấu tranh bảo vệ công lý hoặc có thái độ không đúng trong quá trình giải quyết công việc, hoặc lợi dụng có thẩm quyền xử lý công việc để trục lợi. Muốn vậy, trong quá trình giải quyết phải đảm bảo công bằng và khách quan. Muốn công bằng khách quan phải gìn giữ 5 đức tính mà Bác đã dành cho cán bộ ngành Kiểm sát.

Tính công minh, chính trực: Đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trước tiên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để trong quá trình xử lý vụ việc trên cơ sở thượng tôn pháp luật, mọi vụ việc đều được tuân theo và xử lý theo đúng quy định pháp luật, cương quyết đưa ra xử lý nếu có vi phạm không phân biệt đó là người nào, giữ cương vị gì trong xã hội, đồng thời phải dám quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm không sợ oan và không nên bỏ lọt, không hữu khuynh né tránh trách nhiệm.

Tính khách quan: Trong thực tế khi giải quyết bất cứ công việc nào cũng cần khách quan, đặc biệt đối với người cán bộ Kiểm sát đức tính đó còn cần thiết hơn rất nhiều, vì có khách quan mới đảm bảo tính công bằng trong giải quyết vụ việc. Với nhiệm vụ chức năng của ngành Kiểm sát thì đảm bảo tính khách quan là một yêu cầu gần như bắt buộc, tuyệt đối không được suy diễn, không chủ quan phiến diện một chiều, khi tổng hợp xem xét đánh giá các vụ việc dân sự hay hình sự… phải đảm bảo đánh giá tổng quan toàn diện các chứng cứ, tìm hiểu kỹ nguyên nhân, động cơ, mục đích, không chỉ dừng lại ở hiện tượng. Và đặc biệt trong giải quyết không được thành kiến hoặc định kiến, cần phải đi sâu phân tích cụ thể từng vấn đề, từ đó giải quyết vụ việc mới thấu  tình đạt lý để người dân thấy tâm phục khẩu phục.

Tính thận trọng: Là khi xem xét, giải quyết một vụ việc, đánh giá một con người, phải nhìn toàn diện, không tùy tiện, không giản đơn mà phải thận trọng xem xét, đánh giá cân nhắc nhiều chiều từ nguyên nhân điều kiện đến hậu quả, mối quan hệ nhân quả, tính logic của vấn đề…

Trong cuộc sống, người có tinh thần trách nhiệm cao thì tính thận trọng càng cao. Vì khi xem xét một vấn đề, chúng ta đều phải làm rõ nguyên nhân điều kiện, mối liên quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và điều kiện để thể hiện tính đúng đắn và tính nhân văn trong xem xét, xử lý; đảm bảo khi đưa ra quyết định xử lý dưới hình thức nào cũng phải có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Với cán bộ Kiểm sát càng thận trọng càng tốt, sẽ tránh oan sai, bỏ lọt hoặc xử lý không thấu đáo. Đây là một đức tính rất cần thiết trong đạo đức nghề nghiệp nói chung, trong các cán bộ, KSV ngành Kiểm sát nói riêng vì ngành Kiểm sát với chức năng nhiệm vụ đảm bảo mọi hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng nói chung được tiến hành đúng quy định của pháp luật. Xuất phát từ chức năng Hiến định, Viện kiểm sát phải có trách nhiệm kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tổ chức và cá nhân, tính thận trọng sẽ loại bỏ tính đại khái qua loa, ngại khó rồi tắc trách không chịu đi sâu nghiên cứu kỹ để đánh giá vấn đề. Nhưng không vì quá thận trọng mà thiếu kiên quyết trong khi xử lý vụ việc dẫn đến bỏ lọt để trám oan sai.

Tính khiêm tốn: Là đức tính bất kỳ ai làm ngành nghề nào cũng cần thiết. Vì người khiêm tốn sẽ thể hiện đúng mực trong cư xử, trong xử lý công việc, người khiêm tốn sẽ không tự cao tự đại cho rằng mình giỏi hơn người hoặc mình đang có quyền giải quyết công việc nên hách dịch của quyền, trong công việc phải biết luôn tôn trọng lắng nghe ý kiến tập thể và mọi người xung quanh. Có những vụ việc quan điểm cũng được đánh giá trên cơ sở pháp luật nhưng nhiều quan điểm khác trái chiều nhau ta cũng phải lắng nghe để đánh giá.

Khiêm tốn đi đôi với thận trọng sẽ giúp chúng ta cẩn trọng hơn trong xem xét và xử lý mọi việc vì trong thực tiễn đời sống vốn đa dạng, phong phú.

Dù trong giải quyết vụ việc dân sự hay hình sự hay thi hành án… đều có tính chất phức tạp riêng, người khiêm tốn là luôn đánh giá đúng bản thân mình không tự mãn, tự kiêu, luôn phấn đấu học tập để cầu tiến, không cho mình hơn người, trong mỗi vụ việc chúng ta lại rút ra một bài học kinh nghiệm, tính khiêm tốn đồng nghĩa biết lắng nghe ý kiến đúng đắn của quần chúng thái độ sẽ ôn hòa đồng thời khiêm tốn giúp chúng ta sử dụng tốt mối quan hệ liên ngành tránh thể hiện quyền anh quyền tôi thì hiệu quả công việc sẽ tốt hơn.

Hiến pháp, Luật Tổ chức VKSND cũng đã nhiều lần sửa đổi bổ sung, chức năng Viện kiểm sát cũng ít nhiều có sự thay đổi nhưng tư tưởng của Bác về 5 đức tính mà Người dạy sẽ có giá trị xuyên suốt trong chặng đường hành trình của mỗi người cán bộ trong Ngành, chúng ta ghi nhớ và thực hiện tốt 5 đức tính đó sẽ càng làm cho người dân vững tin hơn vào người cán bộ Kiểm sát.

Phạm Thị Kim Liên

(kiemsat.vn)

Tìm kiếm