Mức độ của tình hình tội phạm là số lượng các tội phạm đã được thực hiện và những người thực hiện các tội phạm đó ở một địa bàn nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định. Mức độ của tình hình tội phạm không chỉ được đánh giá theo số lượng chung của các tội phạm đã được thực hiện mà còn theo số lượng các tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội, theo tỷ trọng của chúng trong tổng số các tội phạm nói chung [3, tr.17, 20]. Mức độ tổng quan cho thấy khái quát những thông số về lượng của tình hình tội phạm về ma túy. Việc xác định và đưa ra số liệu dựa trên thống kê hình sự liên ngành, cụ thể ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, chúng tôi nghiên cứu và lựa chọn số liệu thống kê xét xử hình sự để phân tích, đánh giá tổng thể mức độ nhằm khái quát bức tranh toàn cảnh tình hình tội phạm về ma túy. Mức độ tổng quan bao gồm:
Tổng quan tuyệt đối
Mức độ tổng quan tuyệt đối cho biết về toàn bộ số người phạm tội cùng số tội phạm do họ thực hiện trong giai đoạn xác định trên một địa bàn. Đây là số liệu thống kê hình sự cơ bản hằng năm để phục vụ cho việc nghiên cứu tất cả các thông số khác như diễn biến, cơ cấu và tính chất của tình hình tội phạm. Theo số liệu thống kê hình sự liên ngành của cơ quan Công an, VKSND và TAND, mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội phạm về ma túy được thể hiện rõ nét qua số vụ và số bị cáo phạm các tội về ma túy.
Theo số liệu thống kê của VKSND, mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội phạm về ma túy trên toàn quốc trong 10 năm qua (2007-2017) được thể hiện rõ nét qua số vụ và số bị cáo phạm các tội về ma túy (Xem Bảng 1 và Biểu đồ 1). Đồng thời, cho thấy mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội phạm về ma túy trên toàn quốc (2007-2017) là 144.818 vụ/ 184.025 bị cáo, tính tỷ lệ trung bình hằng năm trong 10 năm qua thì trung bình mỗi năm TAND xét xử khoảng 14.482 vụ/ 18.403 bị cáo.
Bảng 1. Mối tương quan (tỷ lệ) giữa tình hình tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm trên toàn quốc, theo thống kê xét xử
(Nguồn: VKSND tối cao)
Biểu đồ 1. Mối tương quan (tỷ lệ) giữa tình hình tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm trên toàn quốc, theo thống kê xét xử
(Nguồn: VKSND tối cao)
Tổng quan tương đối
Mức độ tổng quan tương đối là chỉ số so sánh; nội dung cốt lõi nhất là chỉ số đó cho biết số bị cáo trên số dân hàng năm trên một địa bàn và so sánh với tỷ lệ mức độ tổng quan tương đối của tình hình tội phạm nói chung trên một địa bàn về tỷ lệ phần trăm số vụ, số bị cáo. Từ đó, góp phần đưa ra nhận xét kết quả nghiên cứu về mức độ của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong giai đoạn nghiên cứu. Để có nhận thức sâu sắc về thực trạng của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định, cần phân tích từ những con số nguyên (số vụ án và bị cáo) thành tỷ lệ phần trăm là dạng số tương đối, giúp việc so sánh số liệu số lượng các vụ án, bị cáo về ma túy nói riêng trong tổng số các tội phạm nói chung dễ dàng hơn và sáng tỏ hơn. Từ đó, có cơ sở đánh giá và trả lời những con số thể hiện tỷ trọng của các tội phạm về ma túy trong tổng số các tội phạm nói chung như thế nào? Thấp hay cao? Đồng thời, làm rõ được cơ số và mật độ của tình hình tội phạm về ma ma túy trên một địa bàn.
Theo đó, trước hết, phải so sánh số vụ và số bị cáo phạm tội về ma túy với tổng số vụ và bị cáo phạm tội nói chung. Ở góc độ khác, để tránh sự tuyệt đối hóa số liệu xét xử của TAND, cần thiết phải tiến hành so sánh số vụ án và số bị can do cơ quan điều tra khởi tố về các tội phạm về ma túy với tổng số vụ và bị can nói chung theo số liệu thống kê khởi tố mới. Nói cách khác, để khẳng định chặt chẽ hơn trong việc phân tích số liệu tổng thể, cần đặt trong sự so sánh với các số liệu thống kê hình sự liên ngành khác nhau có liên quan. Điều này sẽ giúp việc nghiên cứu, đánh giá chính xác về thực trạng các tội phạm về ma túy trên một địa bàn. Với hướng nghiên cứu như vậy, trước hết, chúng tôi so sánh số vụ và số bị cáo phạm tội về ma túy với tổng số vụ và bị cáo phạm tội nói chung.
Bảng 2 và Biểu đồ 2 được tổng hợp từ số liệu thống kê hình sự liên ngành, tính toán thành tỷ lệ phần trăm của từng năm và tính trung bình trong 10 năm nghiên cứu (2007-2017), làm rõ mức độ tổng quan tương đối. Theo đó, số vụ án và số bị cáo về các tội phạm ma túy đã bị xét xử chiếm tỷ lệ cao (21,94% số vụ/ 16,14% số bị cáo) so với những loại tội phạm khác. Cụ thể, có 144.818 vụ án/ 184.025 bị cáo đã bị xét xử về các tội phạm về ma túy trong tổng số 660.198 vụ án/ 1.140.090 bị cáo đã bị xét xử trên toàn quốc trong 10 năm. Tỷ lệ vụ án so với tổng số tình hình tội phạm có sự biến động (tăng, giảm) không đều, nhìn chung có xu hương tăng trong cả giai đoạn.
Bảng 2: Mối tương quan (tỷ lệ) giữa tình hình các vụ án và bị can bị khởi tố về các tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm
trên toàn quốc, theo thống kê khởi tố mới.
(Nguồn: VKSND tối cao)
Biểu đồ 2. Mối tương quan (tỷ lệ) giữa tình hình các vụ án và bị can bị khởi tố về các tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm
trên toàn quốc, theo thống kê khởi tố mới
(Nguồn: VKSND tối cao)
So sánh số liệu vụ án và bị can khởi tố mới với số liệu thực tế TAND đã xét xử sơ thẩm cho thấy ở góc độ khác về mức độ của tình hình tội phạm như sau:
- Mối tương quan (tỷ lệ) giữa tình hình tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm nói chung trên một địa bàn trên phương diện khởi tố mới: Chiếm tỷ lệ 19,29% số vụ án và 15,92% số bị can (Xem Bảng 2 và Biểu đồ 2).
- Mối tương quan (tỷ lệ) giữa tình hình tội phạm về ma túy và tình hình tội phạm trên một địa bàn xét trên phương diện xét xử hình sự: Chiếm tỷ lệ 21,94% số vụ và 16,14% số bị cáo (Xem Bảng 1 và Biểu đồ 1).
Kết quả so sánh ở góc độ này cho thấy có mối tương quan khá cân đối giữa tỷ lệ phần trăm số vụ án, bị can khởi tố mới và vụ án, bị cáo về các tội phạm về ma túy trên toàn quốc đã đưa ra xét xử sơ thẩm.
Việc nghiên cứu lý luận về tội phạm học cho thấy khi coi hệ số của tình hình tội phạm là một trong những chỉ số về lượng đặc trưng cho thực trạng của nó, cần phải tránh sự tuyệt đối hóa nó. Trong tội phạm học, khi phân tích thực trạng của tình hình tội phạm, người ta sử dụng cả hệ số của tình hình tội phạm, nghĩa là mối tương quan của số lượng các tội phạm đã thực hiện với số lượng dân cư trên 10.000 hoặc 100.000 người. Nói cách khác, đó chính là tổng số người phạm tội cùng toàn bộ số tội phạm thực hiện trong một đơn vị thời gian và không gian nhất định, giữ vai trò là căn cứ để tính cơ số tội phạm, tức là số tội phạm hoặc số người phạm tội được tính trên mười nghìn dân hoặc một trăm nghìn dân. Chính vì vậy, cần thiết phải sử dụng phương pháp so sánh này để phân tích chính xác hằng năm, một địa bàn xác định có bao nhiêu “hành vi” phạm tội về ma túy đã xảy ra, đây cũng chính là cơ sở để đánh giá mức độ, hiệu quả của công tác phòng ngừa.
Phân tích mối tương quan của số lượng các tội phạm đã thực hiện với số lượng dân cư, các nhà nghiên cứu thường lựa chọn số dân cư đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trở lên (trên cơ sở Điều 12 BLHS năm 2015 và quy định tại 13 điều luật của Chương XX - BLHS năm 2015. Từ Điều 247 đến Điều 258 quy định chủ thể của các tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự; riêng Điều 259 quy định rõ chủ thể của tội phạm này là người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định sản xuất, xuất khẩu... thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên đều có thể là chủ thể tội phạm quy định tại các Điều 248, Điều 249, Điều 250, Điều 251, Điều 252. Các tội còn lại (Điều 247 và các Điều từ 253 đến 258) quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên. Hệ số của tình hình tội phạm về ma túy được lựa chọn cách tính bằng số bị cáo đã xét xử trên số lượng dân cư là 100.000 người. Qua phân tích số liệu thống kê hình sự liên ngành đối với các tội phạm về ma túy và số liệu thống kê dân số (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định (có thể phân tích theo từng năm, lấy năm đầu của giai đoạn nghiên cứu là năm định gốc), sẽ thấy cơ số tình hình tội phạm về ma túy. Những chỉ số khái quát được phân tích theo cách này có giá trị so sánh nhằm xác định mức độ tương đối của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn và đây chính là cơ số của tình hình tội phạm này. Sự biến động về cơ số của tình hình tội phạm về ma túy sẽ được phản ánh rõ nét qua số liệu và Biểu đồ với hướng nghiên cứu như trên.
Qua phân tích số liệu thống kê hình sự liên ngành và số liệu thống kê dân số trên toàn quốc (theo tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009), xem Bảng 4 phụ lục 02, nhận thấy cơ số tình hình tội phạm về ma túy trên toàn quốc là 198,4. Chỉ số khái quát nêu trên có giá trị nhằm xác định mức độ tương đối của tình hình tội phạm về ma túy trên toàn quốc (2007-2017) chính là cơ số của tình hình tội phạm này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể đánh giá sự biến động về cơ số của tình hình tội phạm về ma túy theo từng năm dựa trên số liệu thống kê dân số quốc gia hằng năm.
Tổng quan so sánh
Để nhận thức được đầy đủ mức độ của tình hình tội phạm, “Cần phải chú ý không chỉ đến thực trạng của tình hình tội phạm trong một tỉnh, một thành phố nói chung, mà còn cần chú ý đến những địa điểm, lãnh thổ ở mức độ lớn xảy ra nhiều tội phạm. Rõ ràng là để so sánh thực trạng của tình hình tội phạm và đánh giá hiệu quả đấu tranh với nó cần phải lựa chọn những tỉnh, thành phố hoặc những đơn vị hành chính - lãnh thổ tương đối giống nhau về đặc điểm kinh tế - xã hội” [3, tr.19]. Với quan điểm như vậy, lý luận về tội phạm học cũng đề cập đến vấn đề thực chất là ở chỗ trong những điều kiện khá giống nhau, sự tập trung hóa tình hình tội phạm là một hiện tượng nguy hiểm hơn sự phân phối “đều nhau” của nó. Để so sánh những chỉ số đó, chúng tôi cho rằng cần nghiên cứu và so sánh ở các góc độ như sau:
Một là, so sánh trên bình diện quốc gia, tức là so sánh tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn đặt trong tình hình tội phạm về ma túy trong phạm vi cả nước trong khoảng thời gian xác định kể từ năm định gốc, nên lựa chọn so sánh từ 02 nguồn số liệu, gồm số liệu các vụ án và bị can khởi tố mới và các vụ án, bị cáo đã xét xử (Phân tích số liệu thống kê hình sự liên ngành). Từ đó, xác định được cơ số tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn có xu hướng tăng, giảm,... Đồng thời, đặt ra câu hỏi nghiên cứu về những nguyên nhân nào, vấn đề nào ảnh hưởng tới mức độ tổng quan so sánh ở góc độ những con số thống kê này?
Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy theo giai đoạn để nhận định kết quả quá trình triển khai, thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy. Từ đó, xác định những mục tiêu đạt được và chưa đạt. Trên thực tế, trong gian đoạn vừa qua, có 03 mục tiêu trong chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt được, gồm: Mục tiêu giảm người nghiện ma túy; mục tiêu tổng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; mục tiêu cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai nghiện và nghiên cứu đưa vào sử dụng thuốc và phương pháp điều trị mới trong hoạt động cai nghiện phục hồi. Qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm từ những kết quả (ưu điểm và tồn tại hạn chế) nêu trên.
Hai là, so sánh với một số địa bàn phụ cận (các tỉnh, thành phố giáp ranh về địa giới hành chính hoặc có mối liên hệ mật thiết về giao thông, vùng; ở góc độ quốc gia, cần thiết so sánh với một số nước có chung đường biên giới, trong khu vực...). Sự so sánh này được xem xét trên phương diện tính chất đại diện đối với địa bàn một số tỉnh có những điều kiện đặc điểm nhất định tương đồng (xem xét các điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý liền kề và gần, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội). Ở góc độ tội phạm học, số liệu này cũng phản ánh tình hình tội phạm về ma túy để có cái nhìn tổng thể hơn trên nhiều phương diện, đa chiều. Ngoài việc so sánh khái quát vị thế kinh tế - xã hội, cần thiết phải tập trung so sánh hai yếu tố cơ bản là số dân cư và diện tích để xác định cơ sở đánh giá tình hình tội phạm về ma túy (Sử dụng phương pháp xác định hệ đặc điểm chuyên biệt của tình hình tội phạm để đánh giá).
Cụ thể là:
(1) So sánh khái quát vị thế kinh tế - xã hội;
(2) Sử dụng cơ số tội phạm để so sánh trên góc độ yếu tố dân cư, tức là số tội phạm xảy ra đã thống kê trong khoảng thời gian xác định kể từ năm định gốc, tính trên 100.000 người dân của địa bàn so sánh. Để so sánh chính xác hơn, nên lựa chọn số dân từ đủ 14 tuổi trở lên (Số liệu tổng điều tra dân số của Tổng cục Thống kê), bên cạnh đó, đề cập số liệu tổng dân số của từng địa bàn cần so sánh). Kết quả phân tích số liệu cho thấy cơ số các tội phạm về ma túy trên từng địa bàn.
(3) Sử dụng cơ số tội phạm để so sánh trên góc độ yếu tố diện tích, tức là số tội phạm xảy ra đã thống kê trong khoảng thời gian xác định kể từ năm định gốc, tính trên diện tích của từng địa bàn. Kết quả phân tích số liệu cho thấy vị trí cao, thấp (có hoặc không có có sự thay đổi so với đánh giá cơ số các tội phạm tính trên 100.000 dân).
Để làm rõ các số liệu so sánh, nên lựa chọn sử dụng phương pháp xác định hệ đặc điểm chuyên biệt của tình hình tội phạm. Vậy, xác định hệ đặc điểm chuyên biệt của tình hình tội phạm là như thế nào? Nhà nghiên cứu Tội phạm học - PGS.TS Phạm Văn Tỉnh nhận định: “Hệ đặc điểm chuyên biệt của tình hình tội phạm là tập hợp các đặc điểm đặc trưng của tình hình tội phạm do từng thành phần người phạm tội (bị cáo) gây ra, được xác định nhờ việc xử lý hai số liệu cơ bản là số liệu về người phạm tội và số liệu về tỷ lệ phạm tội. Hệ đặc điểm chuyên biệt có hai mức độ biểu hiện, mức độ nhóm và mức độ hành vi. Ở mỗi mức độ đó, số lượng người phạm tội và tỷ lệ phạm tội được sắp xếp theo trật tự từ cao xuống thấp và đánh số thứ tự từ 1 đến n (n là số lượng nhóm hoặc hành vi phạm tội được đưa vào đánh giá). Tổng của hai số thứ tự đó chính là hệ số tiêu cực, cái lại được dùng làm cơ sở để xác định cấp độ nguy hiểm của từng nhóm, từng hành vi phạm tội do đối tượng đang được nghiên cứu gây ra (người chưa thành niên, phụ nữ hoặc các đối tượng khác). Hệ số tiêu cực của tội phạm là chỉ số cho biết về mức độ tiêu cực của từng tội hay từng nhóm tội phạm trong tình hình tội phạm do một số đối tượng gây ra. Hệ số tiêu cực được tính bằng tổng của hai số thứ tự - số thứ tự theo số lượng người phạm tội (bị cáo) và số thứ tự theo tỷ lệ phạm tội. Vì thế hệ số tiêu cực nhỏ nhất (cực tiểu) thì ứng với mức độ tiêu cực lớn nhất và chỉ có thể bằng 2. Còn hệ số tiêu cực lớn nhất (cực đại) thì ứng với mức độ tiêu cực thấp nhất và chỉ có thể là 2n (n là số lượng nhóm hoặc hành vi phạm tội được đưa vào hệ thống đánh giá). Xác định được hệ số tiêu cực thì đồng thời cũng xác định được cấp độ nguy hiểm của từng nhóm, từng hành vi phạm tội do đối tượng đang được nghiên cứu gây ra. Nếu hệ số tiêu cực bằng 2 thì có nghĩa là cấp độ nguy hiểm bằng 1. Đó là cấp độ nguy hiểm nhất”.
Diễn biến của tình hình tội phạm về ma túy
Diễn biến là một trong những thông số về lượng của tình hình tội phạm, nó chính là sự vận động và sự thay đổi của thực trạng và cơ cấu của tình hình tội phạm trong một khoảng thời gian xác định (một năm, ba năm, năm năm, mười năm...). Diễn biến của tình hình tội phạm là sự phản ánh xu hướng tăng, giảm, ổn định tương đối của tình hình tội phạm nói chung hoặc một nhóm tội phạm hoặc một tội phạm cụ thể xảy ra trong khoảng thời gian nhất định, trên một địa bàn nhất định. Nghiên cứu, làm rõ diễn biến để có nhận thức sâu sắc về thực trạng của tình hình tội phạm, làm sáng tỏ được các khuynh hướng của nó, các nguyên nhân và điều kiện của việc thực hiện các tội phạm, để có cơ sở cho việc nghiên cứu dự báo và xây dựng kế hoạch phòng ngừa tổng thể, cần tiến hành việc phân tích trong một thời gian dài diễn biến của tình hình tội phạm [3, tr.20]. Diễn biến của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định là một hiện tượng xã hội có sự vận động, thay đổi của thực trạng và cơ cấu, phản ánh xu hướng của tình hình tội phạm này với điều kiện kinh tế, xã hội đặc thù làm phát sinh tội phạm cụ thể các tội phạm về ma túy trong khoảng thời gian lựa chọn nghiên cứu. Diễn biến của tình hình tội phạm với tính cách là một hiện tượng pháp lý - xã hội chịu sự tác động, ảnh hưởng của hai loại nhân tố. Loại nhân tố thứ nhất là các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, cơ cấu nhân chủng học của dân cư và các quá trình, hiện tượng xã hội khác ảnh hưởng đến tình hình tội phạm. Loại nhân tố thứ hai là những thay đổi của pháp luật hình sự có liên quan đến việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi trừng trị bằng hình sự đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội (tội phạm hóa hoặc phi tội phạm hóa) [3, tr.21].
Với tính cách là hiện tượng xã hội, tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn cũng không thể không thay đổi, vận động. Bên cạnh đó, với tính cách là một hiện tượng pháp lý - xã hội thì tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn cũng bị tác đổi bởi các nhân tố là nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, cơ cấu nhân chủng học của dân cư; những thay đổi của pháp luật hình sự có liên quan đến việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi trừng trị bằng hình sự đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội; các quá trình, hiện tượng xã hội khác ảnh hưởng đến tình hình tội phạm.
Để làm rõ được diễn biến của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định, cần so sánh dựa trên số liệu thống kê hình sự và lấy số vụ án và số bị cáo phạm tội của năm định gốc (năm đầu của giai đoạn nghiên cứu, được tính là 100%), để có kết quả nghiên cứu trong cả giai đoạn (có xu hướng gia tăng, hay giảm,... cả về số vụ và số người phạm tội.
Để làm rõ được diễn biến của tình hình tội phạm về ma túy trên toàn quốc (2007-2017), cần so sánh dựa trên số liệu thống kê hình sự và lấy số vụ án và số bị cáo phạm tội của năm 2007 là năm định gốc (năm đầu của giai đoạn nghiên cứu, được tính là 100%).
Bảng 3, Bảng 3a, Biểu đồ 3, Biểu đồ 3a thể hiện số vụ án trong cả giai đoạn có xu hướng gia tăng. Trong 2 năm 2014 và 2015 số vụ án có xu hướng giảm so với các năm trước liền kề, năm tăng cao nhất là năm 2017 với 91%, năm tăng thấp nhất là năm 2008 với 16%. Về số bị cáo, trong cả giai đoạn, số bị cáo có xu hướng gia tăng, năm tăng cao nhất là năm 2017 với 78%, năm tăng thấp nhất là năm 2008 với 14%; trong 2 năm 2014 và 2015 số bị cáo có xu hướng giảm so với các năm trước liền kề. Nhìn chung, số vụ và số bị cáo phạm các tội phạm về ma túy qua các năm so với năm 2007 cho thấy các tội phạm về ma túy trên toàn quốc có xu hướng tăng cả về số vụ và số người phạm tội trong giai đoạn nghiên cứu.
Bảng 3: Mức độ tăng, giảm của số vụ, số bị cáo phạm tội về ma túy trên toàn quốc, so với năm 2007 là năm định gốc (100%)
(Nguồn: VKSND tối cao)
Biểu đồ 3. Mức độ tăng, giảm của số vụ, số bị cáo phạm tội về ma túy trên toàn quốc, so với năm 2007 là năm định gốc (100%)
(Nguồn: VKSND tối cao)
Bảng 3a: Mức độ tăng, giảm của số vụ, số bị cáo phạm tội về ma túy trên toàn quốc, so sánh giữa các năm liền kề
(Nguồn: VKSND tối cao)
Biểu đồ 3a. Mức độ tăng, giảm của số vụ, số bị cáo phạm tội về ma túy trên toàn quốc, so sánh giữa các năm liền kề
(Nguồn: VKSND tối cao)
Khi phân tích số liệu thống kê hình sự ở góc độ khác, chúng tôi thực hiện so sánh số vụ án, bị cáo giữa các năm liền kề để thấy rõ hơn mức độ tăng giảm của số vụ, số bị cáo. Đến năm 2007, Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010 đã đi vào thực hiện được 02 năm, giai đoạn này, Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25/9/2007 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2010 cũng bắt đầu được thực hiện; sau đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy năm 2011 và giai đoạn từ năm 2012-2015 tiếp tục được thực hiện. Phân tích số liệu cho thấy tình hình tội phạm về ma túy giảm đáng kể trong giai đoạn 2014-2015, trong đó, giảm mạnh vào năm 2015; gia tăng trở lại ở giai đoạn 2016-2017. Trong cả giai đoạn, có 2 năm giảm giữa các năm về số vụ (năm 2014 là 12%, năm 2015 là 13%); có 8 năm tăng về số vụ (năm 2008 là 16%, năm 2009 là 6%, năm 2010 là 3%, năm 2011 là 23%, năm 2012 là 6%, năm 2013 là 1%, năm 2016 là 42%, năm 2017 là 6%); có 2 năm giảm về số bị cáo (năm 2014 là 9%, năm 2015 là 16%); có 8 năm tăng về số bị cáo (năm 2008 là 14%, năm 2009 là 5%, năm 2010 là 1%, năm 2011 là 22%, năm 2012 là 7%, năm 2013 là 2%, năm 2016 là 39%, năm 2017 là 5%), xem Bảng 3a.
Qua việc làm rõ diễn biến (động thái) của tình hình tội phạm về ma túy trên địa một địa bàn trong khoảng thời gian xác định, đáng lưu ý là có hay không có sự thay đổi của thực trạng và cơ cấu của tình hình tội phạm về ma túy. Tiếp tục đặt ra các câu hỏi nguyên nhân do đâu? Bị tác động, ảnh hưởng bởi nhân tố nào? Qua hoạt động công tác thực tiễn và nghiên cứu tổng thể, để nhận thấy động thái của tình hình tội phạm về ma túy bị tác động bởi nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, có những thay đổi của pháp luật hình sự đã ảnh hưởng đến sự giảm đi của tình hình tội phạm theo những chỉ số thống kê này. Từ đây, bức tranh thống kê về động thái của tình hình tội phạm phạm về ma túy đã được làm sáng tỏ, những số liệu so sánh được tiến hành trong một thời gian dài tạo ra tính vững chắc, ổn định; những nhân tố tác động cũng được tìm hiểu, nghiên cứu một cách khách quan và đầy đủ hơn. Những nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với việc định hướng cho các cơ quan chuyên trách và cơ quan có liên quan trong công tác đấu tranh với tình hình tội phạm về ma túy.
(Còn nữa)
Tiến sĩ Đỗ Thành Trường
Trưởng phòng, Phòng Tham mưu tổng hợp,
Văn phòng VKSND tối cao