Cơ cấu của tình hình tội phạm về ma túy
Những chỉ số về chất của tình hình tội phạm là cơ cấu và tính cấu và tính chất của nó. Cơ cấu của tình hình tội phạm là tỷ trọng và mối tương quan của các loại tội phạm khác nhau trong số lượng chung của chúng trong một khoảng thời gian nhất định và ở một lãnh thổ (địa bàn) nhất định. Các chỉ số về cơ cấu của tình hình tội phạm chỉ rõ đặc điểm lượng - chất của tính nguy hiểm cho xã hội của tình hình tội phạm, chỉ rõ chỉ số các đặc điểm của nó; có ý nghĩa rất cơ bản đối với việc tổ chức phòng ngừa và việc phân hóa thực tiễn áp dụng các biện pháp pháp luật hình sự. Cơ cấu của tình hình tội phạm cũng chỉ rõ định hướng chính của công tác đấu tranh với tình hình tội phạm cần phải tập trung vào đâu, loại tội nào [3, tr.22].
Cơ cấu tình hình tội phạm về ma túy được xét trên nhiều phương diện, nhiều mối liên hệ khác nhau giữa các yếu tố bên trong của tình hình tội phạm ma túy ở mức độ khái quát nhất. Trước hết cần xem xét mối quan hệ giữa các nhóm chính, các tội về tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, các tội về sản xuất trái phép chất ma túy, các tội về tổ chức sử dụng, sử dụng trái phép chất ma túy, các tội về cung cấp phương tiện, dụng cụ cho việc sử dụng trái phép chất ma túy, vi phạm quy định về bảo quản, sử dụng thuốc gây nghiện. Sau đó, cần xem xét mối tương quan giữa các yếu tố thuộc về chủ thể, khách thể bị xâm hại, những thiệt hại về vật chất, lĩnh vực, ngành nghề xảy ra, môi trường xã hội, pháp lý hay đặc điểm nhân thân của các loại đối tượng phạm tội. Mỗi đặc điểm phản ánh cơ cấu của tình hình tội phạm về ma túy cho ta những nhận thức nhất định về tình hình tội phạm về ma túy. Cơ cấu của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định thay đổi tùy thuộc vào các đặc điểm cụ thể của từng giai đoạn phát triển của xã hội. Có nhiều nhân tố của đời sống xã hội như mức độ di cư, thành phần lứa tuổi dân cư, trình độ học vấn, văn hóa - giáo dục, đặc điểm kinh tế của từng đơn vị hành chính cấp huyện cụ thể, các truyền thống đạo đức, thói quen, phong tục... ảnh hưởng đến cơ cấu của tình hình tội phạm.
Cơ cấu của tình hình tội phạm theo tội phạm học được xếp vào chỉ số định tính tiêu biểu của tình hình tội phạm. Nó là tổng thể của các hệ thống cấu trúc bên trong của tình hình tội phạm, cho biết về các hệ thống hợp thành của nó cũng như tỷ lệ tương quan giữa các hệ thống hợp thành đó từ tổng quan đến chi tiết, phản ánh về các mối liên hệ của tình hình tội phạm với các hiện tượng, quá trình kinh tế - xã hội khác. Nói cách khác, cơ cấu của tình hình tội phạm là tỷ trọng, mối tương quan giữa các nhân tố bộ phận và tổng thể của tình hình tội phạm trong một khoảng thời gian nhất định và trên địa bàn nhất định. Về mặt nhận thức, lý luận tội phạm học phân biệt các thông số của tình hình tội phạm là mức độ (thực trạng), diễn biến (động thái), cơ cấu và tính chất của nó, nhưng trên thực tế các tổng số này luôn vận động trong mối liên hệ qua lại mật thiết với nhau bởi tình hình tội phạm là một chỉnh thể [2, tr.92].
Trên cơ sở mục đích nghiên cứu, có thể lựa chọn, sắp xếp theo trình tự nhất định các cơ cấu (có nhiều cơ cấu khác nhau, mỗi cơ cấu là một hệ thống đồng bộ bên trong của tình hình tội phạm) của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định. Cơ cấu của tình hình tội phạm về ma túy giữ vai trò là cơ sở chủ yếu cho việc đánh giá tính chất của tình hình tội phạm và đặc biệt là cho việc xác định nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm; là một trong những cơ sở trực tiếp khách quan cho việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm phù hợp. Với mục đích nghiên cứu đã đặt ra, nên tập trung làm rõ một các loại cơ cấu sau:
- Cơ cấu theo tội danh;
- Cơ cấu theo đơn vị hành chính;
- Cơ cấu xét theo tuyến trọng điểm;
- Cơ cấu theo hình phạt;
- Cơ cấu xét theo động cơ, mục đích phạm tội;
- Cơ cấu theo phương thức (thủ đoạn) thực hiện tội phạm;
- Cơ cấu xét theo đặc điểm nhân thân người phạm tội.
Ví dụ về cơ cấu theo tội danh: Trên cơ sở phân tích số liệu thống kê theo các điều luật, xem phụ lục 01 (thống kê tội phạm về ma túy theo quy định tại chương XVIII - BLHS năm 1999), thống kê hình sự đối với 144.818 vụ án và 184.030 bị cáo đã được xét xử sơ thẩm (2007-2017) cho thấy rõ tỷ lệ giữa từng loại tội phạm về ma túy (bộ phận) so với tổng số tội phạm về ma túy (tổng thể). Tội phạm về ma túy tập trung vào các tội phạm cụ thể theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: Điều 194 (143.878 vụ, 182.411 bị cáo), Điều 197 (432 vụ, 975 bị cáo), Điều 198 (124 vụ, 204 bị cáo), Điều 196 (33 vụ, 38 bị cáo), Điều 200 (30 vụ, 42 bị cáo), Điều 195 (06 vụ, 09 bị can), Điều 201 (04 vụ, 07 bị can); không có thống kê thụ lý xét xử vụ án và bị cáo nào theo quy định tại Điều 193 BLHS năm 1999.
Số liệu thống kê hình sự cũng cho thấy có sự chênh lệch tỷ lệ gần như tuyệt đối giữa tội phạm về ma túy có mức độ phổ biến cao và các tội phạm về ma túy có mức độ phổ biến thấp hơn. Nói cách khác là đã thấy rõ được mối tương quan và tỷ trọng của các loại tội phạm về ma túy được phân chia tại chương XVIII - BLHS năm 1999. Các tội phạm về ma túy có mức độ phổ biến cao nhất trong cả giai đoạn là tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy quy định tại Điều 194 với 143.878 vụ, 182.411 bị cáo, chiếm tỷ lệ 99,35% về số vụ và 99,12% về số bị can trong tổng số các tội phạm về ma túy; sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp là các Điều luật còn lại như đã nêu trên. Cũng từ những lý do này, trong phạm vi nghiên cứu trên một địa bàn nhất định, người nghiên cứu định hướng tập trung đánh giá tình hình tội phạm về ma túy đối với các tội phạm có mức độ phổ biến cao, có đề cập ở mức độ tương đối với những tội phạm còn lại một cách phù hợp, khách quan.
GS.TS. Đào Trí Úc đã khẳng định: “Ở mức toàn xã hội, tội phạm phải được coi là một bộ phận, một yếu tố được đặt trong mối liên hệ mật thiết với các quá trình và các hiện tượng khác, trong đó có hiện tượng tích cực và tiêu cực. Thừa nhận sự liên hệ giữa tội phạm với các quá trình và hiện tượng xã hội khác là thừa nhận sự cần thiết phải xuất phát từ từng quá trình xã hội cụ thể mà đánh giá nguyên nhân và biến động của tội phạm - đó là phương pháp tiếp cận của xã hội học mà gần đây người ta mới bắt đầu quan tâm đến trong lĩnh vực nghiên cứu về tội phạm” [3, tr.80, 81]. Cũng như vậy, đặc điểm nhân thân của các tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoản thời gian xác định như đã đề cập trên đây mới chỉ xét theo một số đặc điểm, cơ cấu cơ bản, khi nghiên cứu về con người thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như đặc điểm về không gian, kinh tế - xã hội, truyền thống đạo đức, tập tục, thói quen, văn hóa,... và các yếu tố chuyên biệt khác. Mặt khác, trong mối quan hệ tổng thế của tình hình tội phạm thì nhân thân người phạm tội được xem như là một bộ phận của tình hình tội phạm, theo đó, các đặc điểm nhân thân trên góc độ chung nhất như đã trình bày trên đây là những yếu tố hình thành nên thực trạng, cơ cấu và là yếu tố không thể thiếu khi đánh giá diễn biến, tính chất của tình hình tội phạm về ma túy.
Tính chất của tình hình tội phạm về ma túy
GS.TS Võ Khánh Vinh khẳng định: “Tính chất của tình hình tội phạm thể hiện ở số lượng của các tội phạm nguy hiểm nhất cho xã hội trong cơ cấu của tình hình tội phạm cũng như các đặc điểm nhân thân của những người thực hiện tội phạm. Tính chất của tình hình tội phạm được làm sáng tỏ thông qua cơ cấu của nó. Tình hình tội phạm bộc lộ bản chất của nó qua những thông số phản ánh về số lượng và tính chất của nó, hay còn gọi là những chỉ số định lượng và định tính của tình hình tội phạm, trong đó, các thông số phản ánh về số lượng được biểu thị bằng các khái niệm tình trạng (hay mức độ) và động thái của tình hình tội phạm, còn thông số phản ánh về mặt định tính của hiện tượng được biểu thị bằng khái niệm cơ cấu và tính chất của tình hình tội phạm” [3, tr.22, 24]. Nói cách khác thì tội phạm học xem tính chất của tình hình tội phạm cũng là một đặc điểm định tính của tình hình tội phạm. Nó phản ánh mức độ nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng khác nhau của tình hình tội phạm ở từng thời gian và không gian khác nhau thông qua tương quan và tỷ lệ giữa các thành phần tạo nên cơ cấu của tình hình tội phạm.
Áp dụng lý luận tội phạm học về tính chất của tình hình tội phạm vào nghiên cứu tính chất của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định có thể thấy được mức độ nguy hiểm khác nhau của tình hình tội phạm trong giai đoạn nghiên cứu. Một số tính chất cơ bản của tình hình tội phạm về ma túy có thể nhận định được là:
- Tình hình tội phạm về ma túy được kiểm soát trong biên độ giao động tăng (giảm, không biến động), tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng theo chiều hướng gia tăng (giảm, không biến động). Trong thời gian gần đây, những vụ án có tang vật vài trăm bánh heroine trở lên phổ biến, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi hơn (lợi dụng việc xuất, nhập khẩu hàng hóa; lợi dụng hoạt động của các quán bar, vũ trường, nhà hàng, khách sạn; sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội để giao dịch, mua bán trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp,... rất phức tạp và khó kiểm soát), với thủ đoạn phạm tội liều lĩnh và tính chất ngày càng nguy hiểm hơn. Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng triệt phá đường dây ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hoạt động của các đường dây ma túy qua tuyến biên giới Sơn La có xu hướng giảm, chuyển qua các khu vực khác.
- Các tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ % số vụ và số bị cáo trong tổng số các vụ án và bị cáo đã xét xử. Trong đó, tội phạm cụ thể chủ yếu tập trung vào tội nào của BLHS năm 2015? Xem Bảng 1.
- Đặc điểm về tuyến (về vị trí địa lý).
- Độ tuổi của các bị cáo phạm tội về ma túy theo số liệu tổng điều tra dân số, tính cơ số trên 100.000 dân. Xét trên phương diện xã hội học pháp luật và tội phạm học thì đây là yếu tố đáng lưu ý trong phòng, ngừa tội phạm. Xem Bảng 4.
Bảng 4. Cơ số tình hình tội phạm về ma túy trên toàn quốc (theo tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009)
(Tính theo tỷ lệ bị cáo/100.000 dân)
(Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; VKSND tối cao)
- Số người nghiện ma túy đang ở mức báo động nào? Có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước? Cơ số người nghiện ma túy tính trung bình trên 100.000 dân cư là con số nào? Chiếm tỷ lệ bao nhiêu % dân số trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định (cụ thể của từng năm và trung bình giai đoạn). Xem Bảng 5.
Bảng 5. Cơ số người nghiện ma túy trên toàn quốc có hồ sơ quản lý
(Nguồn: Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH)
- Mức độ thiệt hại trực tiếp do các đối tượng phạm tội gây ra; hành vi, phương thức phạm tội được thay đổi.
- Những đặc điểm nhân thân đặc thù tác động đến quá trình kế hoạch hóa hành vi phạm tội về ma túy.
Phần ẩn của tình hình tội phạm về ma túy
Tội phạm ẩn khách quan trong tình hình tội phạm về ma túy
Phần ẩn của tình hình tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong khoảng thời gian xác định do nguyên nhân khách quan có nội dung bao hàm tất cả các tội phạm về ma túy đã xảy ra trong thực tế, song các cơ quan chức năng có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự không có thông tin về chúng. Bởi vậy, loại tội phạm này không phải chịu bất kỳ một hình thức xử lý nào từ phía Nhà nước và xã hội, và đương nhiên nó không có trong thống kê hình sự [3, tr.41]. Độ ẩn được hiểu là mức độ không bị phát hiện và xử lý hình sự của từng loại tội phạm hoặc từng nhóm tội phạm, có thể được xác định dựa vào mức độ bộc lộ của sự phạm tội và mối quan hệ của nó với chủ thể khác có liên quan như bị hại, nhân chứng. Ở mức độ tuyệt đối thì đối tượng tác động của các tội phạm về ma túy không phải là một cá nhân cụ thể, khách thể của các tội phạm về ma túy là những quy định của Nhà nước trong việc sản xuất, quản lý và sử dụng các chất ma túy. Vì vậy, cần tập trung làm rõ tội phạm ẩn do nguyên nhân khách quan có lý do ẩn từ phía chủ thể của hành vi phạm tội.
Chúng ta thấy rằng, người phạm tội về ma túy dùng mọi thủ đoạn, phương thức, mánh khóe để che giấu hành vi, bưng bít thông tin hoạt động của chúng. Với tính chất rất manh động của tội phạm, người tố giác, báo tin, làm chứng trong các vụ án ma túy vì nhiều lý do khách quan, chủ yếu có tâm lý sợ bị gia đình người phạm tội trả thù, ảnh hưởng đến cá nhân và cuộc sống gia đình của họ. Đó là một trong những lý do mà các tội phạm về ma túy ở Việt Nam được các chuyên gia về tội phạm học, nhà nghiên cứu đánh giá có độ ẩn cấp IV (cấp độ ẩn cao nhất trong 4 cấp độ ẩn) [1, tr.60]... Theo những nghiên cứu và rà soát thực tế cho thấy nhóm tội phạm này hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong tình hình tội phạm ẩn và nó có mức độ nguy hiểm đối với xã hội. Lý do ẩn của loại tội phạm ẩn tự nhiên cũng rất đa dạng nhưng trên cơ sở của tình hình kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay và từ những nghiên cứu thực tế của tình hình tội phạm về ma túy cho thấy cần đánh giá, xem xét lý do ẩn từ góc độ:
- Về mặt tâm lý, những người phạm tội về ma túy cố ý tìm mọi cách che giấu hành vi phạm tội để không bị phát hiện. Trong thực tế, các tội phạm về ma túy luôn luôn có xu hướng "tinh vi hóa" hành vi phạm tội; tâm lý chung là tận dụng mọi khả năng và điều kiện có để che giấu tội phạm và tạo ra những cản trở để tránh sự phát hiện với những thủ đoạn gây án mới. Khi sự kiện phạm tội xảy ra và bị phát hiện thì họ tận dụng mọi khả năng, điều kiện để cản trở, chống trả nhằm che giấu tội phạm, thậm chí là sử dụng “luật rừng” để “trừ khử” người có ý định tố giác, lực lượng chức năng, những cản trở khác theo “kiểu một mất một còn”, và mau chóng rút lui, rời khỏi hiện trường. Điều này góp một phần lý giải tại sao trường hợp bắt người phạm tội trong các vụ án về ma túy thường là bắt quả tang và người dân lại ít có thái độ tích cực trong việc công khai hợp tác với cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy. Lý do ẩn của các tội phạm về ma túy như đã phân tích trên đây, xuất hiện ngay trong bản thân người phạm tội, người dân và cả cơ quan chức năng, nhưng thực tế chỉ ra rằng, không phải người phạm tội nào cũng có khả năng che giấu được hành vi phạm tội của mình. Nhóm tội phạm về ma túy có độ ẩn lớn nhất (cấp độ IV), thời gian ẩn cũng rất lớn. Điều này được lý giải một phần qua công tác đấu tranh, phá chuyên án của lực lượng chức năng. Có những chuyên án, phải mai phục nhiều lần, chứng kiến nhiều giao dịch thành công của người phạm tội mới phá được vụ án. Độ ẩn tự nhiên của các tội phạm về ma túy trên một số địa bàn được xác định là trên, dưới 3 năm.
- Tội phạm ẩn có lý do xuất phát từ loại nhân thân người phạm tội:
Người phạm tội liên tục phạm tội liên tục trong một thời gian dài cho tới khi bị phát giác và phát hiện: Nổi bật là những người phạm tội về ma túy hoạt động theo đường dây, gia đình, dòng họ, thôn bản; với hệ thống liên hoàn, khép kín, thường thì trong một thời gian dài khó bị phát hiện bởi người trong đường dây là vợ chồng, bố con, anh chị em, họ hàng,... che chắn cho nhau. Khi bị bắt giữ, xử lý thì chỉ một người nhận tội, không chịu khai báo ra đồng phạm là người thân trong gia đình mình. Bên cạnh đó, bản thân các chủ thể của các tội phạm loại này đã tạo được những bảo đảm khá chắc chắn cho hành vi phạm tội của chúng không bị phát hiện, kể cả trong những trường hợp chúng thực hiện hành vi phạm tội rất công khai, trắng trợn.
Ví dụ: Tại bản Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, hầu hết các đối tượng bị bắt đều tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý lớn, xuyên quốc gia. Ví dụ: Trong tổng số 5332 bị cáo phạm tội về ma túy (2006-2015) trên địa bàn tỉnh Điện Biên, có 2645 bị cáo nghiện ma túy, chiếm tỷ lệ trung bình hằng năm là 49,61%. Năm 2014, tỉnh Điện Biên thống kê được 9.597 người nghiện ma túy, trong đó, có 8.851 người nghiện ngoài xã hội; 726 người nghiện trong trại tạm giam, nhà tạm giữ (gồm 418 bị cáo đã bị xét xử về các tội phạm về ma túy) và 20 người đang cai nghiện tại trung tâm chữa bệnh - giáo dục - xã hội tỉnh. Số người nghiện dưới 16 tuổi là 14 người, từ 18 đến 30 tuổi là 2.920 người và trên 30 tuổi là 6.306 người. Xét trên thực tế, số người nghiện ma túy nêu trên tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ít nhất là nhằm sử dụng, thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Nghiên cứu số liệu thống kê cho thấy, các bị cáo bị xét xử về các tội ma túy năm sau cao hơn năm trước, đồng thời, số bị cáo nghiện ma túy cũng gia tăng tương tự. Vậy, phải chăng con số 8.851 người nghiện ngoài xã hội hiện nay là con số rõ hơn cả về tình hình tội phạm ẩn của các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên (chưa xét số người nghiện ma túy chưa thống kê được)?
Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chức năng thì số người nghiện trên toàn quốc có sự gia tăng hằng năm (2007-2017), năm 2016 có số người nghiện lớn nhất trong cả giai đoạn nghiên cứu với 222.582 người trên tổng dân số 95.414,6 (nghìn người); theo đó, cơ số người nghiện năm 2016 là 233 và đến năm 2017 là 214, tính theo tỷ lệ trên 100.000 dân, số người nghiện ngày càng trẻ hóa, thường sử dụng các chất hướng thần, cỏ Mỹ, cần sa, ATS; số người nghiện ma túy gia tăng theo từng năm và có nhiều diễn biến phức tạp, tỷ lệ tái nghiện rất cao với trên 90%, trong khi tỷ lệ cai thành công rất thấp, chỉ đạt khoảng 5%, xem bảng 6 phụ lục 02. Yếu tố nghiện ma túy được xác định là một trong những nguyên nhân tiềm tàng phát sinh nhiều loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, đặc biệt là các tội phạm về ma túy. Trong khi tình hình lạm dụng ma túy vẫn đang gia tăng đáng kể và diễn biến phức tạp, công tác phòng ngừa và việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Người tái phạm: Đối với tội phạm học cũng như đối với hoạt động điều tra hình sự, phát hiện tội phạm, sự lặp lại của hành vi phạm tội là một vấn đề rất cần phải được quan tâm nghiên cứu. Sự lặp lại của hành vi phạm tội ở dạng tái phạm và tái phạm nguy hiểm chính là chỉ báo rõ nét về một loại hình nhân thân người phạm tội có khuynh hướng chống đối xã hội bền vững, có mức độ trầm trọng của những sai lệch trong ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, trong khuynh hướng giá trị cá nhân cũng như trong nhu cầu và phương thức thỏa mãn nhu cầu. Theo một công trình nghiên cứu đã công bố, trên phạm vi cả nước có tất cả 18 hành vi phạm tội có cấp độ tái phạm từ thứ nhất đến thứ 10 trong tình hình tái phạm, tái phạm nguy hiểm những năm 2000-2002, trong đó hành vi phạm tội chiếm số lượng bị cáo (thuộc diện tái phạm, tái phạm nguy hiểm) vượt trội có tội phạm về ma túy chiếm 21,10% [2, tr.110, 112].
Những người phạm tội về ma túy, do những đặc điểm riêng biệt như đã phân tích tại phần cơ cấu và nhân thân người phạm tội mà việc thực hiện tội phạm của chúng thường là cố ý nên mức độ nghiêm trọng hơn. Khi hành vi phạm tội của họ xảy ra đã bị phát hiện và xử lý thì dù thời điểm trước họ có thực hiện hành vi phạm tội chưa bị phát hiện thì lần phạm tội này nếu bản thân cá nhân không khai nhận, cơ quan điều tra không có chứng cứ thì không chứng minh được hành vi phạm tội.
Tội phạm ẩn chủ quan trong tình hình tội phạm về ma túy
Khác với tội phạm ẩn do nguyên nhân khách quan, tội phạm ẩn do nguyên nhân chủ quan có lý do ẩn xuất phát từ các chủ thể mà pháp luật đã quy định cho nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm, kể từ khâu trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm hoặc tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm cho đến khâu xét xử vụ án hình sự và thi hành án hình sự. Xác định rõ các chủ thể có nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm trong từng khâu cụ thể, như vậy, theo trình tự giải quyết một vụ án hình sự cũng chính là nhằm làm rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể đã được pháp luật hiện hành phân định [2, tr.153]. Việc làm rõ tội phạm ẩn do nguyên nhân chủ quan là nhiệm vụ quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; tiểu mục 3, mục A, phần II nhận định "Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp. Các cơ quan tư pháp phải dựa vào nhân dân để hoạt động, đồng thời phải là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp".
Do đặc tính của nó, tội phạm ẩn nhân tạo có thể có ở mọi giai đoạn tố tụng hình sự. Để đánh giá tương đối chính xác, chúng tôi nghiên cứu khái quát hóa từ khâu nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm cho đến khâu xét xử. Tội phạm ẩn nhân tạo trước hết là ẩn ở hoạt động phát hiện các tội phạm về ma túy của các cơ quan chức năng. Một yếu tố then chốt cần được đề cập chính là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, một số văn bản hướng dẫn thực hiện BLHS chưa phù hợp với thực tiễn giải quyết tình hình tội phạm. Trên thực tế, điều này nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho CQĐT, VKSND, TAND trong thực tiễn giải quyết án ma túy dẫn đến số lượng tội phạm ẩn có sự gia tăng từ quý III/2014 đến thời điểm hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chú trọng thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội đối với 04 trường hợp trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy: “Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13”.
Các tội phạm về ma túy có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao và người phạm tội có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình, với tâm lý đã buôn là phải đánh lớn nên họ thường là người “có tiền”. Vấn đề đặt ra là cần xem xét hành vi phạm tội nhằm che chắn cho các tội phạm về ma túy chưa được phát hiện (thường rất lâu mới bị phát hiện (cấp độ ẩn cao) hoặc phát hiện trong thời gian ngắn nhưng trong một vụ án khác), thì phải xem xét những hành vi khác, không chỉ ở giới hạn trong hệ thống các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Nguyên nhân chủ quan của tình hình tội phạm ẩn nhân tạo gồm nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những hành vi phạm tội thực tế đã xảy ra nhưng chưa chịu sự tác động của bất kỳ loại hình phạt nào của chế tài hình sự hiện hành. Việc nghiên cứu tỷ lệ của loại tội phạm ẩn nhân tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc tránh bỏ tội phạm.
Tội phạm ẩn thống kê
Lý luận về tội phạm học nhận định tội phạm ẩn thống kê bao gồm những hành vi phạm tội (và chủ thể của nó) đã bị xử lý bằng chế tài hình sự, song vì nhiều lý do khác nhau, số này bị lọt ra ngoài con số thống kê hình sự, những con số làm nền cho việc đánh giá tình hình tội phạm [3, tr.57]. Lý do tồn tại tội phạm ẩn thống kê nằm trong phạm vi công tác thống kê hình sự, song không phải nằm ở chủ thể tiến hành công việc thống kê, không phải ở phương tiện kỹ thuật - công nghệ áp dụng cho công tác thống kê lạc hậu hay hiện đại, mà nằm ở những quy định có tính chất pháp lý đối với công tác thống kê hình sự. Nói một cách khái quát hơn, tội phạm ẩn thống kê có tồn tại hay không tồn tại phụ thuộc vào khả năng của công tác thống kê ở mọi nước, có đếm được hết và ghi chép được hết số tội phạm và người phạm tội đã được các cơ quan tư pháp hình sự xử lý hay không [2, tr.175].
Trong quá trình thi hành BLHS, thống kê hình sự chỉ thống kê số vụ và bị cáo với mức tội danh nghiêm trọng nhất và mức án cao nhất. Số liệu này cho thấy thời gian ẩn của tội phạm về ma túy khá cao và chỉ ra thực trạng ẩn thống kê. Chính vì cách thống kê như vậy mà các nhà nghiên cứu về tội phạm học có cơ sở để bàn về tội phạm ẩn thống kê. Có trường hợp phạm tội về ma túy nhưng ghép trong các vụ án khác như Cướp tài sản,... các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhằm có tiền mua ma túy sử dụng, nhằm thỏa mãn cơn nghiện của bản thân; song chỉ thống kê đầu vụ và bị cáo với tội danh nghiêm trọng hơn mà BLHS quy định. Rõ ràng có số lượng đáng kể các tội phạm về ma túy rơi vào trạng thái ẩn thống kê. Trạng thái ẩn thống kê này có khả năng gây ra những sai lệch không nhỏ ở các mặt sau:
- Đối với các công trình nghiên cứu về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và tội phạm học, các tội phạm về ma túy trên một địa bàn trong từng giai đoạn cụ thể nghiên cứu chưa thật sự chính xác.
- Việc đánh giá kết quả công tác của các cơ quan tư pháp hình sự bảo đảm về khối lượng công việc điều tra, truy tố và xét xử, chứng minh về từng hành vi mà các bị cáo đã phạm do không được đưa vào con số thống kê phục vụ việc tổng kết, đánh giá kết quả công việc.
Sai số thống kê này chỉ là sự chưa chính xác, cần chỉnh sửa trong kỹ thuật xây dựng chỉ tiêu công tác thống kê hình sự ở Việt Nam hiện nay. Đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện được theo hướng điều chỉnh quy định về công tác thống kê và hiệu chỉnh phần mềm hệ thống tin học ứng dụng đồng bộ phục vụ công tác thống kê, mà chủ thể thực hiện chính là VKSND. Điều 34 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: VKSND có trách nhiệm chủ trì thống kê tội phạm, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thống kê hình sự. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp với VKSND trong việc thống kê tội phạm. Nếu không được điều chỉnh kịp thời thì số liệu thống kê có thể gây ra sai lệch nhất định trong nghiên cứu, đánh giá tình hình tội phạm, dẫn đến có sự sai lệch ở mức độ nào đó trong đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Mặc dù, xét về mức độ nguy hiểm cho xã hội thì tội phạm ẩn thống kê không mang tính chất như tội phạm ẩn tự nhiên và tội phạm ẩn nhân tạo.
Tiến sĩ Đỗ Thành Trường
Trưởng phòng, Phòng Tham mưu tổng hợp,
Văn phòng VKSND tối cao