CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nhìn lại công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ phòng, chống ma túy sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21

04/11/2019
Cỡ chữ:   Tương phản

I. Công tác chỉ đạo thực hiện Chỉ thị

1. Việc tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị

Trước tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn nghiện ma túy liên tục gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng - Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-VKSTC ngày 2/7/2008 triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.

Hoạt động chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW được thể hiện cụ thể trong các Kế hoạch phòng, chống ma túy hàng năm, văn bản phát động thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy; Kế hoạch số 54/KH-VKSTC-VP ngày 07/6/2012 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015; Kế hoạch số 88/KH-VKSTC, ngày 13/9/2012 về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... do VKSND tối cao ban hành. Hàng năm, VKSND và VKSND cấp tỉnh thành lập đoàn kiểm tra kết quả thực hiện các kế hoạch này và ban hành kết luận, yêu cầu đơn vị được kiểm tra khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

Trên cơ sở Kế hoạch số 46/KH-VKSTC, VKSND các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, phòng chống ma tuý và mại dâm; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Chỉ thị số 21-CT/TW; Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng và phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma tuý theo chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của địa phương.

Một số Viện kiểm sát tỉnh miền núi phía Bắc đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo các ngành tổ chức cho các hộ dân ở các thôn, bản kí cam kết không tái trồng cây thuốc phiện; kiến nghị với Hội đồng nhân dân về các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

2. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên và cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW

Thực hiện Kế hoạch số 46/KH-VKSTC của VKSND tối cao, các cấp ủy đảng, đảng viên luôn gương mẫu thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, quan tâm đến công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy thuộc trách nhiệm của Ngành. Các văn bản mới ban hành được các đơn vị lồng ghép phổ biến trong các cuộc họp Chi bộ, họp đơn vị; đồng thời động viên các cán bộ, công chức, đảng viên tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động về phòng, chống ma túy do Chính phủ phát động.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên VKSND các cấp luôn gương mẫu tuyên truyền và thực hiện pháp luật phòng, chống ma tuý ở đơn vị, nơi cư trú. Nhiều đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên kí cam kết, giao ước bản thân và gia đình thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống ma tuý cũng như các văn bản, chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật về phòng, chống ma tuý[1].

II. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống ma túy

1. Công tác giải quyết án ma túy

Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm những quy định mới của pháp luật nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn xử lý tố giác, tin báo tội phạm ma túy; một số vụ Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, Viện kiểm sát trực tiếp khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố. Viện kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ma túy của Cơ quan điều tra và kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan khắc phục sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý để phòng ngừa vi phạm và tội phạm.

Theo số liệu thống kê của VKSND tối cao trong 10 năm (từ năm 2008 – tháng 6/2018) toàn Ngành đã thụ lý kiểm sát điều tra 152.504 vụ/192.602 bị can; truy tố 144.517 vụ/183.214 bị can, kiểm sát xét xử sơ thẩm 7.734 vụ/9.560 bị cáovề tội phạm ma túy đảm bảo đúng người, đúng tội.

Quá trình giải quyết án, Kiểm sát viên kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, kịp thời phê chuẩn các quyết định tố tụng, phối hợp trong hỏi cung, lấy lời khai, thực nghiệm điều tra, kiểm sát việc trưng cầu giám định chất ma túy... kiểm sát chặt chẽ việc thu thập, đánh giá chứng cứ, phấn đấu không để xảy ra oan, sai, để lọt tội phạm.

VKSND địa phương tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án cùng cấp tập trung giải quyết tốt nhiều vụ án lớn, án điểm, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương[2].

VKSND các cấp chú trong việc tổng hợp và ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm giúp các đơn vị, địa phương tránh được những hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ án ma túy[3].

Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án ma túy, các vụ nghiệp vụ VKSND tối cao, VKSND các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều kiến nghị phòng ngừa, khắc phục vi phạm, tội phạm về ma túy[4].

Các vụ nghiệp vụ VKSND tối cao đã nghiên cứu, trả lời thỉnh thị và gia hạn thời hạn tố tụng đối với 124 vụ án ma túy của Viện kiểm sát cấp tỉnh; tổ chức 74 lượt kiểm tra tại các Viện kiểm sát địa phương. Hàng năm, Viện kiểm sát cấp tỉnh tổ chức lồng ghép kiểm tra về công tác giải quyết án ma túy và kết quả tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy ở Viện kiểm sát cấp huyện.

2. Nắm tình hình người nghiện ma tuý qua công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người cai nghiện bắt buộc tại Tòa án

Viện kiểm sát hai cấp ở địa phương tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam đóng trên địa bàn; chú trọng kiểm sát, quản lý chặt chẽ số người nghiện ma túy phạm tội, giám sát chặt chẽ việc thăm gặp, gửi quà; kiểm tra nơi ăn ở, nơi cải tạo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người bị kết án phạt tù để ngăn chặn việc đưa ma túy vào nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam cũng như tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam.

VKSND địa phương chú trọng kiểm sát việc xét đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án. 

3. Kiện toàn tổ chức cán bộ và đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho lực lượng phòng, chống ma túy trong ngành Kiểm sát nhân dân

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 50/2007/CT-TTg ngày 12/4/2007 về kiện toàn Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, VKSND tối cao đã kiện toàn Ban chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm (nay là BCĐ 138). Hoạt động của Ban được thực hiện theo đúng Quy chế, có sự phối kết hợp giữa hoạt động của Chương trình phòng, chống ma túy với hoạt động nghiệp vụ kiểm sát phòng, chống ma túy. Phần lớn Viện kiểm sát cấp tỉnh và 2 trường Kiểm sát đã thành lập Ban chỉ đạo phòng 138. Ban chỉ đạo của Viện kiểm sát các cấp đã chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống ma túy của đơn vị.

VKSND tối cao có Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy; các Viện kiểm sát địa phương thuộc địa bàn trọng điểm, số lượng án ma túy thụ lý nhiều, thành lập Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát  điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy. Các cán bộ, Kiểm sát viên công tác tại các đơn vị này được lựa chọn từ các đồng chí có kinh nghiệm, bản lĩnh và quyết tâm cao đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Viện kiểm sát gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma túy nói chung, công tác giải quyết án ma tuý nói riêng. Kinh phí nghiệp vụ của ngành Kiểm sát và kinh phí phòng, chống ma túy cấp cho Viện kiểm sát rất hạn chế nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

4. Công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy

Hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy được triển khai tích cực trong các đơn vị, cơ sở đào tạo của Ngành với nhiều nội dung và hình thức. VKSND tối cao tổ chức chuyên gia đến nói chuyện về phòng, chống tội phạm ma túy, giám định ma túy góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các học viên thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm, xây dựng trường học không có ma túy. Nhiều Viện kiểm sát tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy tại địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy, tham dự cuộc thi tìm hiểu về ma túy ở địa phương...

Ban chỉ đạo phối hợp với các đơn vị tổ chức nghiên cứu, biên tập và phát hành sách: Hệ thống hóa các văn bản về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy theo các đạo luật mới về tư pháp hình sự, cung cấp cho cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành.

Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, các Trang tin điện tử trong Ngành tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy, phản ánh công tác phòng, chống ma túy của các địa phương, các ngành...; giới thiệu các mô hình, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Ban chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội phối hợp với Tạp chí Kiểm sát phát hành nhiều số Tạp chí chuyên đề, Hội thảo về công tác kiểm sát phòng, chống ma tuý[5]; Báo Bảo vệ pháp luật mở chuyên mục Phòng, chống ma túy.

Viện kiểm sát các cấp tích cực phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức phiên toà xét xử lưu động về án ma túy tại nơi xảy ra tội phạm, nhằm tuyên truyền, giáo dục người dân ý thức pháp luật về phòng, chống ma túy[6]; khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy.

VKSND các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An... tích cực tham gia vận động bà con dân tộc ít người không trồng cây có chứa chất ma túy, tham gia phá nhổ cây thuốc phiện. VKSND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Hậu Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng... tham gia ý kiến về việc xử lí hành vi trồng trái phép cây cần sa ở địa phương.

Viện kiểm sát cấp huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm tình hình người nghiện và các hình thức cai nghiện ma túy; vận động nhân dân vùng cao không tái trồng cây thuốc phiện; tham gia cùng các ngành, Hội nông dân giúp nông dân chuyển hướng sản xuất, lồng ghép các chương trình mục tiêu giúp đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; tham gia triển khai được nhiều dự án cho bà con vay vốn để xóa bỏ và thay thế việc trồng cây thuốc phiện.

5. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Công tác tổ chức hội nghị, tập huấn, hội thảo, sơ kết, tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các đề tài khoa học, chuyên đề có tính chuyên sâu về phòng, chống và kiểm soát ma túy được VKSND các cấp đặc biệt quan tâm[7].

Ban chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức nghiên cứu, xây dựng chuyên đề về phòng, chống ma túy; chỉ đạo Viện kiểm sát địa phương tổ chức nghiên cứu xây dựng nhiều đề tài, chuyên đề khoa học về phòng, chống ma túy. Kết quả nghiên cứu góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng, chống và kiểm soát ma túy của Ngành.[8]

6. Hoạt động hợp tác quốc tế

VKSND tối cao đã chủ động tăng cường mở rộng hợp tác với Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Đại sứ quán Hoa Kỳ… phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị về tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy.

Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố ở khu vực biên giới tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của nước bạn thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp, ký kết biên bản ghi nhớ, nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia[9]...

III. Đánh giá

1. Những kết quả chủ yếu đã đạt được

Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát nhân dân về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đạt kết quả tích cực.

VKSND các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động nắm bắt tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, đề ra các giải pháp, yêu cầu đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm về ma túy, nhất là các băng, nhóm buôn lậu ma túy lớn, có yếu tố nước ngoài; tình hình tội phạm ma túy bước đầu đã được kiểm soát; chất lượng, hiệu quả các khâu công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ phòng, chống ma túy ngày càng tốt hơn.

Tổ chức bộ máy phòng chống tội phạm nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng được kiện toàn.

2. Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

2.1. Một số hạn chế, tồn tại

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng và chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy ở một số địa phương, đơn vị chưa lồng ghép thường xuyên với nhiệm vụ chuyên môn.

- Quan hệ phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, kết hợp tuyên truyền với nghiệp vụ chưa nhiều; công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan chuyên trách trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy có lúc chưa kịp thời.

- Việc xử lý đối với người nước ngoài phạm tội về ma túy còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự chưa thực sự hiệu quả.

2.2. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

 - Một số nơi cấp ủy đảng, lãnh đạo chuyên môn chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy chưa kịp thời.

- Năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy còn hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, điều phối thực hiện chương trình chưa thường xuyên.

3. Những khó khăn, vướng mắc

- Các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy còn bất cập dẫn đến việc nhận thức và áp dụng còn khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy, nhất là những người có chức danh tư pháp còn thiếu về số lượng, thiếu kinh nghiệm giải quyết các vụ án ma túy có yếu tố nước ngoài.

- Kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác này chưa đáp ứng yêu cầu.

IV. Một số bài học kinh nghiệm

- Công tác phòng, chống ma túy muốn đạt hiệu quả cao trước hết phải đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và tính tiên phong của người đứng đầu tính gương mẫu của mỗi đảng viên.

- Phát huy sức sức lan tỏa của hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành và nhân dân.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chuyên trách; lấy VKS làm trung tâm để xây dựng mối quan hệ phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa VKSND với các cơ quan này nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án ma túy, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sơ kết rút kinh nghiệm, phát hiện kịp thời những hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp khắc phục, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác này./.



[1] Sơn La, Nghệ An, Nam Định, Bắc Cạn, Hưng Yên, Hà Nội... Các vụ bắt 512 bánh heroine, vụ bắt 60.000 viên ma túy tổng hợp và 135 bánh heroine, vụ bắt 500.000 viên ma túy tổng hợp tại Điện Biên; vụ bắt 329 bánh heroine và 210.000 viên ma túy tổng hợp tại Lào Cai; vụ bắt 30 kg ma túy tổng hợp tại Hòa Bình,…

[2] Các vụ án lớn: Vụ Nguyễn Bích Ngọc (Quảng Ninh) 90 bị can mua bán 5.315 bánh Heroin, 339.878 viên ma túy tổng hợp và 68 kg ma túy dạng đá; vụ 1,1 tấn ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh; vụ sản xuất trái phép chất ma túy thu giữ hàng chục tấn tiền chất ở Kon Tum... Tổng số án điểm 2008 – 2013 là 6.313 vụ, đã truy tố 5.937 vụ, xét xử sơ thẩm 5.934 vụ.

[3] Ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm từ 2008-2013 là: Quảng Ninh 56, Điện Biên 23, Thái Bình 16, Bình Thuận 11, Lai Châu, Nghệ An mỗi nơi 9, Vụ 3: 8, Viện phúc thẩm II: 7, Lào Cai 6, Lạng Sơn, Sóc Trăng mỗi nơi 5, Viện phúc thẩm I: 4, Viện phúc thẩm III: 3, Quảng Ngãi 2...

[4] Ban hành kiến nghị phòng ngừa từ 2008-2013: Thanh Hóa 77, Thái Bình 34, Hà Tĩnh 15, Đồng Nai 11, Lạng Sơn 7, Viện phúc thẩm II: 6, Thành phố Hồ Chí Minh và Viện phúc thẩm III mỗi đơn vị 05...

[5] Tạp chí Kiểm sát phối hợp với VKSND tỉnh, thành phố tiến hành các cuộc Hội thảo về "Kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án ma túy" tại Yên Bái, Tuyên Quang.

[6] Từ 2008 – 2013: Hà Nội 3.225 vụ, Phú Thọ 442 vụ, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh mỗi nơi 415 vụ, Nghệ An 385 vụ, Điện Biên 221 vụ, Cao Bằng 290 vụ, Hải Dương 288 vụ, Sơn La 287 vụ, Tuyên Quang 282, Lai Châu 267 vụ,  Hưng Yên 257 vụ, Đồng Nai 234 vụ, Yên Bái 229 vụ, Lào Cai 185 vụ, Hải Phòng 171 vụ, Vĩnh Phúc 160 vụ, Nam Định 157 vụ, Bắc Giang 150 vụ, Bắc Cạn 149, Đắc Lắc 145 vụ, Bắc Ninh 144 vụ, Thái Bình 135 vụ, An Giang 133 vụ, Ninh Bình 105 vụ, Bình Thuận 101 vụ, Quảng Ninh 91 vụ, Thanh Hóa 77 vụ...

[7] Năm 2012- 2018 VKSND tối cao đã chủ trì tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kĩ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy; Hội nghị 10 năm thi hành Luật Phòng, chống ma tuý , Hội nghị “Thực trạng tội phạm, tệ nạn ma túy ở Việt Nam - Nguyên nhân và kiến nghị phòng ngừa” …  

[8] Viện kiểm sát thành phố Hà Nội xây dựng đề tài khoa học “Thực trạng công tác giải quyết án ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội và những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết, hạn chế tỷ lệ gia tăng của loại tội phạm này trong thời gian tới”... Viện kiểm sát tỉnh Lai Châu tổ chức nghiên cứu 3 đề tài khoa học cấp tỉnh về công tác phòng, chống ma túy; VKSND thành phố Hồ Chí Minh và VKS quận 1, quận 8 đã tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thực trạng, nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị phòng ngừa tệ nạn xã hội và tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố”; VKSND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tập huấn Thông tư liên lịch số 17/TTLT- BCA- VKSTC-TATC-BTHÀNH PHố ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương VXIII các tội phạm về ma túy…cho Viện kiểm sát 2 cấp.

[9] Các tỉnh thực hiện tương trợ tư pháp nhiều: Điện Biên, Lào Cai... VKS Điện Biên ký kết Bản ghi nhớ về việc hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm qua biên giới nói chung và tội phạm ma túy nói riêng với VKSND tỉnh Luông Pha Băng của Lào.

TS Nguyễn Thị Mai Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát

 

Tìm kiếm