CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC

13/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT  TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỘNG HOÀ LIÊN BANG ĐỨC
Hoàng Thị Quỳnh Chi
Viện Khoa học kiểm sát, VKSNDTC
 
Chế định các biện pháp ngăn chặn là một chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự (TTHS). Việc quy định và áp dụng một cách đúng đắn, chính xác các biện pháp ngăn chặn là bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của TTHS để phát hiện chính xác, nhanh chóng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với kẻ phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Pháp luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới đều có quy định về các biện pháp ngăn chặn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu các quy định về biện pháp ngăn chặn theo Bộ luật tố tụng hình sự của Cộng hoà Liên bang Đức (sau đây xin viết tắt là BLTTHS Đức).
Theo cách hiểu chung nhất, biện pháp ngăn chặn là một trong các biện pháp cưỡng chế TTHS được pháp luật TTHS quy định, do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang hoặc người bị nghi là phạm tội, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của họ, không để họ tiếp tục phạm tội mới hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử, hoặc nhằm bảo đảm việc thi hành án. Với cách hiểu như vậy, các biện pháp ngăn chặn được BLTTHS Đức quy định bao gồm: bắt và tạm giam (Chương IX, Phần một), tạm giữ (Điều 127), bắt người cản trở hoạt động công vụ (Điều 164),và những biện pháp khác nhằm bảo đảm truy tố và thi hành bản án hình sự (Chương IXa, Phần một). Cụ thể như sau:
1. Biện pháp bắt và tạm giam
1.1. Về điều kiện, căn cứ bắt và tạm giam
Theo Điều 112 BLTTHS Đức thì biện pháp tạm giam có thể áp dụng đối với bị can nếu có căn cứ xác đáng để nghi ngờ người đó đã phạm tội và nếu có căn cứ để bắt. Biện pháp này có thể không được phép áp dụng nếu nó không tương xứng với tính chất của vụ án hoặc hình phạt hay biện pháp cải tạo và phòng ngừa có thể sẽ được áp dụng (trong trường hợp này, các căn cứ cho việc không áp dụng biện pháp tạm giam phải được nêu rõ).
Việc bắt bị can để tạm giam có thể được tiến hành nếu có căn cứ sau đây:
- Xác định bị can đã bỏ trốn;
- Xét tới các tình tiết của vụ án cụ thể, có khả năng bị can sẽ bỏ trốn;
- Hành vi của bị can dẫn tới nghi ngờ có căn cứ rằng bị can sẽ: (i) phá huỷ, thay đổi, di chuyển, giấu hoặc làm giả chứng cứ; (ii) tác động không đúng đắn tới đồng phạm, nhân chứng, chuyên gia; (iii) khiến người khác làm những việc nêu trên. Do đó có nguy cơ làm cho việc xác định sự thật của vụ án sẽ khó khăn hơn.
Trong trường hợp có căn cứ xác đáng để nghi ngờ bị can đã thực hiện tội phạm theo Điều 129a khoản (1), Điều 211, Điều 212, Điều 220a khoản (1), Điều 226, Điều 306 b và Điều 306c của Bộ luật hình sự, hoặc nếu tính mạng, sức khỏe của người khác đã bị nguy hiểm bởi tội phạm theo Điều 308 khoản (1), (2) và (3) thì có thể áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can ngay cả khi không có căn cứ để bắt.
Ngoài ra, Điều 112a BLTTHS Đức còn quy định việc bắt bị can có thể được tiến hành nếu có căn cứ xác đáng để nghi ngờ rằng bị can đã thực hiện hành vi phạm tội thuộc các trường hợp sau đây:
- Đã thực hiện tội phạm theo các Điều  174, 174a, 176 đến 179 của Bộ luật hình sự;
- Đã nhiều lần hoặc tiếp tục thực hiện một tội phạm xâm hại nghiêm trọng trật tự pháp luật theo Điều 125a, Điều 224 đến Điều 227, Điều 243, 244, 249 đến 255, 260, 263, 306 đến 306c, 316 a của Bộ luật hình sự; hoặc Điều 29 khoản (1), số 1, 4 hoặc 10, Điều 29a khoản (1), Điều 30 khoản (1), Điều 30a khoản (1) của Luật Phòng, chống ma tuý. Trong các trường hợp này, việc bắt và tạm giam bị can được tiến hành nếu có căn cứ cho thấy khả năng trước khi có bản án kết tội, bị can sẽ tiếp tục thực hiện những hành vi phạm tội tương tự hoặc sẽ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội; đồng thời xét thấy việc tạm giam là cần thiết để ngăn ngừa nguy hiểm sắp xảy ra.
Theo Điều 113 BLTTHS Đức, nếu hành vi phạm tội của bị can chỉ bị áp dụng mức hình phạt đến 6 tháng tù giam hoặc phạt tiền đến 180 đơn vị tính theo ngày (daily units) thì không được áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ với lý do có khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ. Trong trường hợp đó, biện pháp tạm giam có thể được áp dụng khi bị can có thể bỏ trốn nếu có căn cứ cho thấy: (i) trước đó bị can đã trốn tránh pháp luật hoặc đã chuẩn bị cho việc bỏ trốn; (ii) bị can không có nơi ở cố định hoặc nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ theo quy định của BLTTHS; (iii) bị can không thể khai báo danh tính của mình.
1.2. Về thẩm quyền và thủ tục bắt tạm giam
Theo quy định tại Điều 114 BLTTHS Đức, việc tạm giam sẽ do Thẩm phán quyết định bằng một lệnh bắt. Điều 125 BLTTHS Đức quy định, trước khi có quyết định khởi tố, Thẩm phán của Toà án địa phương nơi có thẩm quyền xét xử hoặc nơi bị can đang sinh sống sẽ ra lệnh bắt căn cứ vào đề nghị của Cơ quan Công tố; trong trường hợp khẩn cấp, Thẩm phán tự ra quyết định bắt. Sau khi đã truy tố, lệnh bắt sẽ được ban hành bởi Toà án thụ lý vụ án. Trường hợp đã có kháng cáo, lệnh bắt sẽ do Toà án có bản án bị kháng cáo quyết định. Trong trường hợp khẩn cấp, Thẩm phán chủ tọa phiên toà có thể ra lệnh bắt.
Lệnh bắt phải ghi rõ các nội dung: thông tin về bị can; hành vi phạm tội mà bị can bị cho là đã thực hiện, thời gian và địa điểm thực hiện, các yếu tố cấu thành tội phạm và điều khoản luật hình sự áp dụng; các tình tiết dẫn tới sự nghi ngờ về tội phạm và căn cứ cho việc bắt, trừ khi việc đó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Bị can sẽ được thông báo về nội dung của lệnh bắt tại thời điểm bị bắt. Nếu không thể thực hiện được việc thông báo cho bị can theo quy định này thì bị can phải được thông báo sơ bộ về tội danh mà anh ta bị nghi ngờ là đã phạm phải. Trong trường hợp này, bị can phải được thông báo về nội dung của lệnh bắt ngay sau đó. Bị can phải được cung cấp một bản sao của lệnh bắt.
Thẩm phán đã ra lệnh bắt và tạm giam bị can phải thông báo cho một người thân thích của bị can hoặc người mà bị can tin tưởng về việc bắt bị can và các quyết định khác có liên quan đến việc tiếp tục giam bị can. Ngoài ra, chính bản thân người bị bắt phải được tạo điều kiện để trực tiếp thông báo cho một người thân hoặc người mà họ tin tưởng về việc họ bị bắt với điều kiện không làm ảnh hưởng tới mục đích của việc điều tra.
Bị can bị bắt theo lệnh bắt của Thẩm phán ngay lập tức sẽ được đưa tới Thẩm phán có thẩm quyền. Thẩm phán sẽ xem xét việc buộc tội bị can ngay sau khi bắt, trường hợp chậm nhất là vào ngày sau ngày bắt. Trong quá trình Thẩm phán xem xét, các yếu tố buộc tội sẽ phải được thông báo cho bị can, bị can phải được thông báo về quyền của họ trong việc phản đối lại lời buộc tội hoặc giữ im lặng. Bị can phải được tạo điều kiện đưa ra căn cứ bác bỏ việc nghi ngờ, việc bắt người và đưa ra những tình tiết có lợi cho mình. Nếu tiếp tục tạm giam bị can thì bị can phải được thông báo về quyền khiếu nại cũng như các quyền khác mà pháp luật quy định (ví dụ: quyền yêu cầu Toà án xem xét việc huỷ bỏ lệnh bắt hoặc đình chỉ việc thi hành lệnh bắt theo Điều 117 khoản 1; quyền yêu cầu Toà án xem xét lại việc tạm giam theo Điều 118 khoản 1 và khoản 2).
Trong trường hợp chậm nhất vào ngày sau ngày Thẩm phán ra lệnh bắt mà vẫn không thể thực hiện được việc đưa bị can tới Thẩm phán có thẩm quyền, thì phải đưa ngay bị can tới Thẩm phán của Toà án địa phương nơi gần nhất, không chậm hơn ngày sau ngày bắt bị can. Thẩm phán của Toà án địa phương nơi gần nhất sẽ tiến hành xem xét ngay lập tức trường hợp của bị can, không chậm hơn ngày tiếp theo. Nếu qua xem xét cho thấy lệnh bắt đã bị huỷ bỏ hoặc người bị bắt không phải là người được xác định trong lệnh thì phải trả tự do cho người bị bắt. Nếu người bị bắt phản đối lệnh bắt hoặc việc thi hành lệnh bắt mà việc phản đối không phải là không có cơ sở; hoặc có nghi ngờ về sự cần thiết của việc tiếp tục tạm giam bị can, thì Thẩm phán của Toà án địa phương nơi gần nhất đang xem xét vụ việc phải thông báo ngay cho Thẩm phán có thẩm quyền về việc đó qua các phương tiện nhanh nhất sẵn có. Trong trường hợp bị can không được trả tự do, bị can có quyền đề nghị đưa vụ việc tới Thẩm phán có thẩm quyền để xem xét chứ không xem xét tại Toà án địa phương nơi gần nhất. Bị can phải được thông báo về quyền này cũng như quyền khiếu nại và các quyền khác mà pháp luật quy định.
Nếu đã có quyết định khởi tố đối với người bị bắt, người đó sẽ được đưa tới Toà án có thẩm quyền ngay lập tức hoặc căn cứ vào yêu cầu của Thẩm phán đã xem xét trường hợp đó lần đầu tiên, chậm nhất là ngày sau ngày bị bắt, Toà án sẽ phải ra quyết định trả tự do, tạm giam hoặc tạm thời đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bị bắt.
1.3. Về đình chỉ thi hành lệnh bắt
Theo quy định tại Điều 116 BLTTHS Đức, việc đình chỉ thi hành lệnh bắt của Thẩm phán được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp Thẩm phán ra lệnh bắt và tạm giam bị can chỉ vì lý do dựa trên khả năng bị can bỏ trốn, thì Thẩm phán phải đình chỉ thi hành lệnh bắt nếu có các biện pháp ít nghiêm khắc hơn đủ để đảm bảo cho mục đích của việc tạm giam (tức là mục đích ngăn chặn việc bị can bỏ trốn). Cụ thể, có thể xem xét áp dụng các biện pháp sau đây:
+ Yêu cầu phải báo cáo tại những thời điểm nhất định với Văn phòng của Thẩm phán, Cơ quan Công tố hoặc với một cơ quan nào đó do Toà án quy định;
+ Yêu cầu không được rời nơi cư trú hoặc một địa điểm nhất định mà không được phép của Thẩm phán hoặc Cơ quan công tố;
+ Yêu cầu không được rời khỏi nhà riêng, trừ khi dưới sự giám sát của người được chỉ định;
+ Thực hiện các biện pháp an ninh phù hợp.
- Trường hợp Thẩm phán ra lệnh bắt bị can vì lý do có khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ, Thẩm phán cũng có thể đình chỉ thi hành lệnh bắt đó nếu có các biện pháp ít nghiêm khắc hơn đảm bảo làm giảm đáng kể khả năng gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ. Đặc biệt, Thẩm phán có thể áp dụng biện pháp yêu cầu bị can không tiếp xúc với đồng phạm, nhân chứng hoặc chuyên gia.
- Trường hợp Thẩm phán ra lệnh bắt vì có các căn cứ theo quy định tại Điều 112a BLTTHS Đức, Thẩm phán có thể đình chỉ thi hành lệnh bắt đó với điều kiện có căn cứ cho rằng bị can sẽ tuân thủ các yêu cầu nhất định và mục đích của việc tạm giam sẽ đạt được.
Trong các trường hợp Thẩm phán đã đình chỉ thi hành lệnh bắt theo các quy định nêu trên, Thẩm phán sẽ ra lệnh bắt lại nếu có căn cứ cho thấy: (i) bị can vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ và các hạn chế được áp dụng đối với họ; (ii) bị can chuẩn bị bỏ trốn, vắng mặt không có lý do chính đáng khi được triệu tập hoặc có biểu hiện khác cho thấy không có cơ sở để tin tưởng đối với họ; (iii) có những tình tiết mới khiến cho việc bắt bị can là cần thiết.
Ngoài ra, Điều 116b BLTTHS  Đức còn quy định việc đình chỉ thi hành lệnh bắt tạm giam vì có đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo. Theo đó, việc đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo được thực hiện bằng cách nộp tiền hoặc giấy tờ có giá, tài sản hoặc vật đảm bảo của người phù hợp. Thẩm phán sẽ quyết định số lượng và loại tiền hoặc tài sản để đảm bảo. Trong trường hợp này, bị can đã yêu cầu đình chỉ thi hành lệnh bắt và người đặt tiền hoặc tài sản không sống trong phạm vi cùng khu vực Toà án có thẩm quyền, khi thực hiện việc đặt tiền hoặc tài sản để đảm bảo, phải uỷ quyền cho một người sống trong cùng khu vực Toà án có thẩm quyền thay mặt họ thực hiện. Khoản tiền bảo đảm không bị tịch thu sẽ được trả lại, người nộp tiền bảo đảm cho bị can có thể được trả lại nếu đảm bảo bị can có mặt trong thời hạn do Toà án quyết định hoặc thông báo những tin tức cho thấy bị can có ý định bỏ trốn để kịp thời bắt giữ. Tiền bảo đảm sẽ bị tịch thu, chuyển cho kho bạc nếu bị can trónn tránh việc điều tra hoặc khi thi hành hình phạt tù giam hoặc biện pháp cải tạo có giam giữ. Bị can và người nộp tiền bảo đảm cho bị can có quyền khiếu nại đối với quyết định tịch thu tiền bảo đảm. Sau khi thời hạn khiếu nại đã hết, quyết định sẽ có hiệu lực bắt buộc như một bản án dân sự.
Các biện pháp ít nghiêm khắc hơn được áp dụng để phục vụ cho việc đình chỉ thi hành lệnh bắt theo quy định tại Điều 116 BLTTHS Đức sẽ bị huỷ bỏ nếu lệnh bắt đã bị rút lại hoặc việc tạm giam, tù giam hoặc biện pháp cải tạo có giam giữ đang được thi hành.
1.4. Về thi hành việc tạm giam
Theo Điều 119 BLTTHS Đức, người bị bắt sẽ không bị giam cùng phòng với những người bị giam giữ khác. Ngoài ra, ở mức độ tối đa có thể, người bị bắt sẽ được cách ly với những tù nhân đã bị kết án.
Căn cứ vào yêu cầu bằng văn bản của người bị bắt, họ có thể được tạm giam cùng phòng với những người bị bắt khác (yêu cầu này có thể rút lại bất kỳ lúc nào). Người bị bắt cũng có thể được giam cùng với những người bị giam giữ khác nếu diều đó cần thiết cho tình trạng thể chất hoặc tinh thần của họ. Người bị bắt có thể cung cấp những tiện nghi cá nhân và chi phí của họ nếu điều đó không làm ảnh hưởng tới mục đích của việc tạm giam và trật tự trong trại giam.
Người bị bắt có thể bị cùm nếu có những hành vi như: (i) có khả năng sẽ sử dụng bạo lực chống lại người khác hoặc gây hư hại tài sản hoặc có hành vi chống đối; (ii) tìm cách bỏ trốn hoặc có khả năng sẽ trốn khỏi nơi giam giữ; (iii) có khả năng tự sát hoặc tự gây thương tích. Những nguy cơ này không thể ngăn chặn bằng biện pháp ít nghiêm khắc hơn.
Các biện pháp thi hành việc tạm giam nêu trên phải do Thẩm phán quyết định. Trong trường hợp khẩn cấp, Công tố viên, người quản lý trại giam hoặc cán bộ khác có trách nhiệm giám sát người bị bắt có thể áp dụng những biện pháp tạm thời khi được sự phê chuẩn của Thẩm phán.
1.5. Về huỷ bỏ lệnh bắt
Theo quy định tại Điều 120 BLTTHS Đức, lệnh bắt sẽ bị huỷ bỏ trong các trường hợp sau:
- Khi không còn các căn cứ cho việc tạm giam;
- Việc tiếp tục tạm giam không phù hợp với tính chất của vụ án, hoặc với hình phạt dự kiến hoặc các biện pháp cải tạo, phòng ngừa.
- Bị cáo được tuyên vô tội;
- Việc mở phiên toà chính bị từ chối;
- Thủ tục tố tụng bị đình chỉ.
Lệnh bắt cũng sẽ được huỷ bỏ nếu Cơ quan Công tố có đề nghị trước khi quyết định khởi tố. Cùng với đề nghị này, Cơ quan Công tố có thể ra lệnh trả tự do cho bị can.
Sau khi đã có quyết định truy tố, trong trường hợp khẩn cấp, Thẩm phán có có thể huỷ bỏ lệnh bắt hoặc đình chỉ việc thi hành lệnh bắt theo Điều 116 Bộ luật nếu Cơ quan Công tố đồng ý.
Ngoài ra, đối với tội phạm chỉ có thể bị truy tố theo yêu cầu mà trước khi có yêu cầu Thẩm phán đã ra lệnh bắt thì lệnh bắt đó phải được thông báo ngay lập tức cho người có quyền yêu cầu truy tố (trường hợp có nhiều người có quyền yêu cầu truy tố thì thông báo phải được gửi cho ít nhất một người trong số họ). Nếu trong một thời hạn do Thẩm phán quyết định (tối đa không quá một tuần), không có người nào yêu cầu truy tố thì lệnh bắt sẽ bị huỷ bỏ (Điều 130 BLTTHS Đức).
Trường hợp lệnh bắt bị huỷ bỏ, việc trả tự do cho người bị giam không được trì hoãn bởi tình tiết đang có kháng cáo phúc thẩm.
1.6. Về thời hạn tạm giam
Theo quy định tại Điều 122a BLTTHS Đức thì thời hạn tạm giam tối đa không kéo dài hơn một năm. Tuy nhiên, Điều 121 Bộ luật cũng có quy định, trong trường hợp bản án chưa được tuyên quyết định hình phạt tù hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ, thì tạm giam vì một hành vi phạm tội kéo dài quá sáu tháng sẽ chỉ được thi hành trong trường hợp có khó khăn đặc biệt hoặc kéo dài bất thường việc điều tra hoặc vì một lý do quan trọng khác ngăn cản việc tuyên án và tạo cơ sở cho việc tiếp tục tạm giam. Trong trường hợp này, lệnh bắt sẽ phải được huỷ bỏ khi quá thời hạn sáu tháng, trừ khi việc thi hành lệnh bắt bị đình chỉ theo Điều 116 Bộ luật hoặc khi Toà án khu vực cấp trên ra lệnh tiếp tục tạm giam. Toà án khu vực cấp trên phải xem xét lại việc tạm giam trong thời hạn chậm nhất ba tháng.
2. Biện pháp tạm giữ
Theo Điều 127 BLTTHS Đức, trong trường hợp một người bị bắt quả tang hoặc bị bắt khi bị truy đuổi thì bất cứ ai cũng có quyền tạm giữ người đó, ngay cả khi không có lệnh của Toà án, nếu có căn cứ cho rằng người đó bỏ trốn hoặc nếu không thể xác định căn cước của người đó ngay. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan Công tố và các nhân viên cảnh sát có quyền thực hiện việc tạm giữ nếu có đủ căn cứ cho việc ra lệnh bắt.
Cơ quan Công tố và các nhân viên cảnh sát có quyền tạm giữ người bị bắt quả tang hoặc bị truy đuổi nếu có khả năng sẽ có quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, hoặc nếu căn cứ vào những tình tiết nhất định, cso thể cho rằng người bị bắt sẽ không có mặt tại phiên xét xử chính (Điều 127b).
Đối với tội phạm chỉ có thể bị truy tố khi có kiến nghị, việc tạm giữ vẫn có thể được phép nếu chưa có kiến nghị đó.
Trường hợp bị can không có nơi ở cố định hoặc nơi thường trú trong phạm vi lãnh thổ mà Bộ luật có hiệu lực và nếu lệnh bắt chỉ căn cứ vào khả năng bị can có thể bỏ trốn, thì Toà án có thể huỷ bỏ việc tạm giữ hoặc quyết định tạm giữ nếu thấy không có khả năng Toà án sẽ tuyên hình phạt tù giam hoặc cải tạo có giam giữ đối với người phạm tội, hoặc bị can đã nộp tiền đủ cho hình phạt tiền và án phí có khả năng sẽ được tuyên.
3. Biện pháp bắt và tạm giữ người cản trở hoạt động công vụ
Theo quy định tại Điều 164 BLTTHS Đức, người thi hành công vụ trực tiếp tiến hành các hoạt động công vụ tại hiện trường có thẩm quyền bắt những người cố ý cản trở hoạt động của người thi hành công vụ đó hoặc trong phạm vi thẩm quyền của mình ban hành lệnh bắt và tạm giữ những người cản trở cho tới khi người thi hành công vụ hoàn thành nhiệm vụ công vụ, nhưng không được quá ngày tiếp theo.
4. Các biện pháp khác để đảm bảo việc truy tố và thi hành án hình sự
Theo quy định tại Điều 132 BLTTHS Đức, nếu người bị nghi ngờ là đã thực hiện tội phạm không có nơi ở cố định hoặc nơi thường trú trong phạm vi lãnh thổ mà Bộ luật này có hiệu lực và các căn cứ cho việc ra lệnh bắt không được thoả mãn, thì Thẩm phán có thể ban hành một lệnh để bảo đảm thủ tục tố tụng hình sự được tiến hành đối với bị can đó, cụ thể là:
- Nộp một khoản tiền đủ cho tiền phạt có thể được tuyên và án phí;
- Uỷ quyền cho một người sống trong phạm vi quận mà Toà án có thẩm quyền nhận các tài liệu có liên quan.
Trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan Công tố cũng có quyền ban hành các lệnh nêu trên.
Tìm kiếm