CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VỀ VIỆN KIỂM SÁT LIÊN BANG NGA

13/04/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

VỀ VIỆN KIỂM SÁT LIÊN BANG NGA

                                                                  TS. Nguyễn Ngọc Khánh

                                                         Viện khoa học kiểm sát - VKSNDTC

 

1.Khái lược về lịch sử hình thành và mô hình tổ chức, vị trí, vai trò của Viện kiểm sát Liên bang Nga  

Nếu như ở Pháp, lịch sử hình thành Viện Công tố Pháp gắn liền với tên tuổi của một vị hoàng đế nổi tiếng (Viện Công tố Pháp được thành lập đầu tiên theo đạo dụ ngày 25/3/1302 của vua Pháp Philíp IV), thì ở Nga, sự ra đời của Viện kiểm sát cũng được gắn với tên tuổi của một vị hoàng đế không kém phần nổi tiếng - đó là Sa hoàng Pie đại đế. Áp dụng mô hình Viện Công tố Pháp, ngày 12 tháng 3 năm 1722, Pie đại đế ban hành Sắc lệnh thiết lập một tổ chức kiểm sát hữu hiệu có chức năng giám sát các chính quyền địa phương ở đế chế Nga rộng lớn, theo đó ở mỗi tỉnh lỵ đều có đại diện do chính quyền trung ương cử ra để giám sát sự quản lý của bộ máy hành chính địa phương, và tổ chức đó được coi như “con mắt của Sa hoàng” (về sau, ngày 12/3/1722 đã được Tổng thống Liên bang Nga B. Enxin tuyên bố là “Ngày Kiểm sát viên Nga”). Sau đó, vào năm 1864, mô hình trên được thay thế bởi chế định Viện kiểm sát (cũng theo mô hình của Pháp) với chức năng duy nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự và duy trì quyền công tố tại phiên tòa. Hệ thống cơ quan Viện kiểm sát trên sau này bị coi là sản phẩm của Nga hoàng và bị xóa bỏ vào năm 1918 - không lâu sau cách mạng tháng Mười Nga (khi đó, duy trì quyền công tố tại phiên tòa không phải là Kiểm sát viên mà là thành viên Hội đồng công tố trực thuộc các tổ chức đảng ở địa phương). Được thành lập lại vào năm 1922, thực chất là áp dụng mô hình kiểm sát từ trước năm 1864, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát ở Liên Xô có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của chính quyền hành pháp, các Xô viết địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức quần chúng, hệ thống Tòa án. Mục đích của việc thực hiện chức năng kiểm sát là để đảm bảo pháp luật được tuân thủ, thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Từ đó, cấu trúc của Viện kiểm sát Nga về cơ bản được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay và được khẳng định trong các Hiến pháp 1936, 1977, 1993 và Luật liên bang về Viện kiểm sát Liên bang Nga năm 1995 (được Đu ma quốc gia liên bang Nga thông qua ngày 18 tháng 10 năm 1995 và được Tổng thống Liên bang Nga công bố ngày 17 tháng 11 năm 1996). 

        Viện kiểm sát Liên bang Nga là một cơ quan có vị trí riêng biệt (với các cơ quan hành pháp và tư pháp), được xây dựng theo nguyên tắc “tập trung thống nhất, trên cơ sở các Kiểm sát viên cấp dưới phải phục tùng các Kiểm sát viên cấp trên và tất cả đều phục tùng Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga” và “hoàn toàn độc lập với các cơ quan, công dân, tổ chức”, theo đó các cơ quan thuộc Viện kiểm sát được “thực hiện các thẩm quyền của mình một cách độc lập với các cơ quan quyền lực của liên bang, của các chủ thể liên bang, của các chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội” (Điều 4 Luật liên bang về Viện kiểm sát liên bang Nga năm 1996 - sau đây gọi tắt là Luật VKS Nga 1996).

        Để bảo đảm tính độc lập cho các cơ quan Viện kiểm sát, Luật liên bang quy định không cho phép can thiệp vào việc thực hiện công tác kiểm sát. Tại Điều 5 Luật VKS Nga 1996 nhấn mạnh: việc tác động dưới bất cứ hình thức nào của các cơ quan quyền lực liên bang, của các chủ thể liên bang, của các chính quyền địa phương, của các tổ chức xã hội, và của các phương tiện thông tin đại chúng đến các Kiểm sát viên hay Dự thẩm viên nhằm gây ảnh hưởng đến các quyết định của họ hoặc cản trở hoạt động của họ đều phải chịu trách nhiệm theo luật định. 

Khi so sánh Viện kiểm sát Liên bang Nga với các mô hình cơ quan công tố khác, người ta thường tìm thấy vai trò kép đặc biệt của nó. Trước hết, cơ quan này thực hiện những chức năng nói chung giống với chức năng của Viện Công tố Pháp. Nó có nhiệm vụ truy tố kẻ phạm tội trong các vụ án hình sự, giám sát việc chấp hành pháp luật tại những nơi giam giữ, đứng đơn khởi kiện hoặc kết luận trong một số vụ việc dân sự và kháng kiện đối với bản án, quyết định dân sự của Tòa án về những vụ việc mà Kiểm sát viên tham gia.

Thứ hai, đó là chức năng kiểm sát chung. Theo quy định tại Điều 1 Luật VKS Nga 1996, Viện kiểm sát Liên bang Nga là một hệ thống các cơ quan được xây dựng theo nguyên tắc tập trung thống nhất, nhân danh Liên bang Nga thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với tất cả các đạo luật đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga. Ngoài ra, Viện kiểm sát Liên bang Nga còn thực hiện một số chức năng khác do các đạo luật khác của Liên bang quy định, như: truy tố hình sự (bao gồm cả điều tra sơ bộ và duy trì quyền công tố tại phiên tòa), tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự và phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, kháng nghị đối với các bản án, quyết định của Tòa án, phối hợp hoạt động với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong công cuộc đấu tranh tội phạm, tham gia vào hoạt động xây dựng luật pháp…  

Về chức năng kiểm sát chung, có mấy điểm cần lưu ý sau đây: một là, thuật ngữ “kiểm sát chung” vẫn được giữ lại, nhưng so với trước đây phạm vi kiểm sát thu hẹp hơn nhiều, cụ thể là: Viện kiểm sát không thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với Chính phủ Liên bang Nga, các tổ chức xã hội, đảng phái chính trị, công dân cũng như không thực hiện kiểm sát việc chấp hành pháp luật của Tòa án (không kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án) và những người tham gia tố tụng trong tố tụng dân sự và tố tụng hình sự; hai là, công tác kiểm sát chung không mang tính thường xuyên, nó chỉ được thực hiện khi có tin báo, tố giác về sự kiện vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền, tự do của con người và công dân, lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội.                    

2.Về hệ thống,  cơ cấu tổ chức và cán bộ:

2.1.Về hệ thống Viện kiểm sát Liên bang Nga:

Hệ thống Viện kiểm sát Liên bang Nga được tổ chức theo đơn bị hành chính, bao gồm: Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga, Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương, Viện kiểm sát các thành phố, quận, huyện và các Viện kiểm sát ngang cấp với chúng, các Viện kiểm sát chuyên trách (như: Viện kiểm sát trong lĩnh vực giao thông, Viện kiểm sát bảo vệ môi trường…), các Viện nghiên cứu khoa học, các trường đào tạo cán bộ kiểm sát, hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp. 

Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương bao gồm: Viện kiểm sát các nước cộng hoà, Viện kiểm sát các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), Viện  kiểm sát các vùng tự trị, các khu vực tự trị, Viện kiểm sát quân sự (hạm đội) và các Viện kiểm sát chuyên trách. Số lượng các chủ thể thuộc Liên bang Nga do Hiến pháp Liên bang Nga quy định (tại Điều 65). Có bao nhiêu chủ thể thì có bấy nhiêu Viện kiểm sát các chủ thể. Hiện có tổng cộng 89 Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga.  

Trong hệ thống Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương có các Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện trực thuộc các chủ thể và các Viện kiểm sát ngang cấp với chúng. Theo số liệu thống kê năm 1996 thì tổng cộng có 2609 Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và các Viện kiểm sát ngang cấp với chúng.   

2.2.Về cơ cấu tổ chức và cán bộ của Viện kiểm sát các cấp: 

2.2.1. Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga:

Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga lãnh đạo (Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga). Giúp việc cho Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga có một Phó Tổng kiểm sát trưởng thứ nhất và một số Phó Tổng kiểm sát trưởng (các chức danh này do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga).

Trong Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga thành lập Ủy ban kiểm sát. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga là cơ quan tư vấn. Thành phần của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga gồm có Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga (Chủ tịch) và Phó Tổng kiểm sát trưởng thứ nhất, các Phó Tổng kiểm sát trưởng khác và các Kiểm sát viên (các cán bộ kiểm sát khác) do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm.  

Trong cơ cấu Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga gồm có: các tổng cục, các cục, các vụ, viện và các phòng, ban (tương đương với Tổng cục, Cục, Vụ, Viện hoặc nằm trong các tổ chức này). Các Tổng cục trưởng, các Cục trưởng và các Vụ trưởng, Viện trưởng là các Trợ lý trưởng của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga; các Phó Tổng cục trưởng, các Phó Cục trưởng và các Phó Vụ trưởng, Phó Viện trưởng là các trợ lý của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga.

Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga còn có các cố vấn và các trợ lý về các nhiệm vụ đặc biệt. Các cố vấn và các trợ lý về các nhiệm vụ đặc biệt cũng có cấp phó của mình.

Trong các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện có các chức danh pháp lý là: các Kiểm sát viên trưởng, các Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng (chịu trách nhiệm phụ trách công tác điều tra của các Dự thẩm viên về các lĩnh vực chiến lược điều tra, kỹ thuật điều tra…), các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các Dự thẩm viên đảm nhiệm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các trợ lý của họ. 

Các Tổng cục trưởng, các Cục trưởng và các Vụ trưởng, Viện trưởng và các cấp phó của họ, các cố vấn và các trợ lý của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga về các nhiệm vụ đặc biệt và các cấp phó của họ, các Kiểm sát viên trưởng, các Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng (chịu trách nhiệm phụ trách công tác điều tra của các Dự thẩm viên về các lĩnh vực chiến lược điều tra, kỹ thuật điều tra…), các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng cũng như các Dự thẩm viên đảm nhiệm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và các trợ lý của họ đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi miễn chức vụ.

Trong bộ máy Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga có Viện kiểm sát quân sự Trung ương được coi như một bộ phận cấu thành trong Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga, do một Phó Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga lãnh đạo - Phó Tổng kiểm sát trưởng này đồng thời được gọi là Tổng kiểm sát trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

Trong Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga còn có Hội đồng tư vấn - khoa học để xem xét về các vấn đề cần giải quyết liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của hệ thống Viện kiểm sát Liên bang Nga. Quy chế về Hội đồng tư vấn - khoa học do chính Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga phê chuẩn.

2.2.2. Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương:

Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương (Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát chuyên trách) do Kiểm sát viên (ở ta gọi là Viện trưởng Viện kiểm sát) các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương lãnh đạo. Các Kiểm sát viên này đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga trực tiếp bổ nhiệm và bãi nhiệm (trước kia, theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật VKS Nga 1996, Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga chỉ có thể bổ nhiệm Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương sau khi đã thống nhất với các cơ quan quyền lực của các chủ thể thuộc Liên bang Nga. Nhưng nay quy định này đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật VKS Nga 1996 bãi bỏ). Giúp việc cho Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương (sau đây gọi tắt là Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga) có một cấp phó thứ nhất và một số cấp phó khác (ở ta gọi là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát). Các chức danh này đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm.

Ngoài ra, Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga cũng có thể có các trợ lý về các nhiệm vụ đặc biệt. Các trợ lý này do Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm. 

Tương tự như cơ cấu Viện kiểm sát Trung ương Liên bang Nga, trong cơ cấu của Viện kiểm sát các chủ thể thuộc Liên bang Nga và cấp tương đương có Ủy ban kiểm sát (thành phần của Ủy ban kiểm sát gồm có Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga (Chủ tịch), các cấp phó của họ và các Kiểm sát viên (các cán bộ kiểm sát khác) do họ bổ nhiệm), các Cục, Vụ, Viện và các phòng, ban (tương đương với Cục, Vụ, Viện hoặc nằm trong các tổ chức này). Các Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng là các Trợ lý trưởng của Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga; các Phó Cục trưởng và các Phó Vụ trưởng, Phó Viện trưởng là các Trợ lý của Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga. Trong các Cục, Vụ, Viện có các chức danh pháp lý là: các Kiểm sát viên trưởng, các Kiểm sát viên, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng, các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các Dự thẩm viên trưởng và các trợ lý của họ. Các chức danh này đều do Kiểm sát viên các chủ thể thuộc Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm.

2.2.3. Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương:  

Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương do Kiểm sát viên (ở ta gọi là Viện trưởng Viện kiểm sát) thành phố, quận, huyện và cấp tương đương lãnh đạo. Các Kiểm sát viên này đều do Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga bổ nhiệm và bãi nhiệm. Giúp việc cho Kiểm sát viên thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có một cấp phó thứ nhất và các cấp phó khác (ở ta gọi là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát). Các cấp phó này do Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương bổ nhiệm và bãi nhiệm. 

Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có các Trợ lý trưởng và các Trợ lý của Kiểm sát viên thành phố, quận, huyện và cấp tương đương, các Kiểm sát viên hình pháp trưởng, các Kiểm sát viên hình pháp, các Dự thẩm viên trưởng, các Dự thẩm viên (ở các Viện kiểm sát thành phố còn có các Dự thẩm viên phụ trách điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng) và các trợ lý của họ. Các chức danh này đều do Kiểm sát viên các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương bổ nhiệm và bãi nhiệm.

Ngoài ra, theo quyết định của Tổng kiểm sát trưởng Liên bang Nga, trong cơ cấu của Viện kiểm sát thành phố, quận, huyện và cấp tương đương có thể có các phòng, ban.

3.Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên: 

Các Kiểm sát viên và Dự thẩm viên phải là công dân Liên bang Nga, có trình độ đại học pháp lý, có những phẩm chất nghề nghiệp và đạo đức cần thiết, có đủ sức khỏe để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Khi bổ nhiệm, luật còn quy định một thời gian thử thách, thời gian này có thể kéo dài tới 6 tháng.

Đối với chức vụ trợ lý Kiểm sát viên và trợ lý Dự thẩm viên thành phố, quận, huyện và cấp tương đương, trong những trường hợp đặc biệt có thể bổ nhiệm cả những người đang còn học tại các khoa luật của các trường đại học.

Chức danh Kiểm sát viên (Viện trưởng Viện kiểm sát) thành phố, quận, huyện và cấp tương đương chỉ được phong cho người không dưới 25 tuổi và đã từng là Kiểm sát viên hoặc Dự thẩm viên ở các cơ quan kiểm sát không ít hơn 3 năm.

Chức danh Kiểm sát viên (Viện trưởng Viện kiểm sát) các nước cộng hoà, các vùng, khu vực, thành phố trực thuộc liên bang (thành phố Mátxcơva và thành phố Saint-Peterburg), các vùng tự trị, các khu vực tự trị và cấp tương đương chỉ được phong cho người không dưới 30 tuổi và đã từng là Kiểm sát viên hoặc Dự thẩm viên ở các cơ quan kiểm sát không ít hơn 5 năm.  

  4.Về chế độ và những bảo đảm cho hoạt động của cán bộ Kiểm sát

Các Kiểm sát viên, Dự thẩm viên của Viện kiểm sát các cấp, các cán bộ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại các trường đào tạo và các Viện khoa học thuộc hệ thống cơ quan Viện kiểm sát Liên bang Nga đều được phong các ngạch, bậc tùy theo chức trách mà họ đang đảm nhiệm và số năm công tác trong ngành. Cán bộ ngành Kiểm sát được hưởng lương theo chức vụ mà họ đảm nhiệm, trợ cấp về ngạch, trợ cấp về thâm niên, trợ cấp cho những điều kiện làm việc đặc biệt, phụ cấp phần trăm (%) đối với cán bộ có chức danh khoa học, tiền thưởng hàng quý, hàng năm và một số khoản tiền bồi dưỡng khác, được cấp trang phục của ngành và nhìn chung họ được bảo đảm về mặt vật chất và xã hội.

Đối với các Kiểm sát viên và Dự thẩm viên, do họ là những người đại diện cho cơ quan quyền lực nhà nước nên bản thân họ cũng như những người có quan hệ thân tộc gần gũi với họ được sự bảo vệ đặc biệt của Nhà nước theo quy định của Luật Liên bang “Về chế độ bảo vệ của Nhà nước đối với các Thẩm phán, những người có chức vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan kiểm tra”, họ được trang bị và sử dụng súng và một số trang thiết bị đặc biệt khác theo quy định của Luật Liên bang; Việc khởi tố hình sự và điều tra vụ án hình sự đối với họ (chỉ trừ những trường hợp khi Kiểm sát viên hoặc Dự thẩm viên bị bắt khi đang gây án) là thẩm quyền độc nhất của các cơ quan Viện kiểm sát. Không cho phép tạm giữ, dẫn giải hay khám người Kiểm sát viên và Dự thẩm viên, khám đồ đạc và phương tiện giao thông của họ, trừ trường hợp bắt giữ họ trong lúc họ đang gây án và những trường hợp khác do luật liên bang quy định.  

  5.Về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Liên bang Nga trong hoạt động tố tụng hình sự

Chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên Liên bang Nga trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga (được Đuma quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2001, được Hội đồng Liên bang phê chuẩn ngày 05 tháng 12 năm 2001, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2002). Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự mới thì hoạt động tố tụng hình sự ở Liên bang Nga được thực hiện theo nguyên tắc tranh tụng (Điều 15 BLTTHS LB Nga quy định: “Hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành dựa trên cơ sử tranh tụng giữa các bên. Các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử là độc lập với nhau và không thể giao cho cùng một cơ quan hoặc một người có thẩm quyền thực hiện. Toà án không phải là cơ quan truy tố hình sự, không thuộc bên buộc tội hoặc bên bào chữa. Toà án tạo những điều kiện cần thiết để các bên thực hiện các nghĩa vụ tố tụng của mình và thực hiện các quyền được giao cho họ. Bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng trước Toà án.”). Kiểm sát viên Viện kiểm sát Liên bang Nga tham gia vào quá trình tố tụng hình sự với tư cách là bên buộc tội.

Đối với Kiểm sát viên, khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự, Kiểm sát viên nhân danh Nhà nước thực hiện việc truy tố hình sự và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật đối với toàn bộ hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra ban đầu, cơ quan điều tra dự thẩm cũng như của nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên trong phạm vi thẩm quyền do Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định. Như vậy, chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Kiểm sát viên chỉ thực hiện giới hạn trong giai đoạn trước khi xét xử vụ án hình sự. 

Thẩm quyền của Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm:

Ở giai đoạn trước khi xét xử, Kiểm sát viên có các thẩm quyền sau:

- Kiểm sát việc thực hiện các yêu cầu của Luật Liên bang trong việc tiếp nhận, đăng ký và giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm;

- Khởi tố vụ án hình sự và chuyển vụ án cho nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên, Kiểm sát viên cấp dưới để tiến hành điều tra hoặc trực tiếp thụ lý điều tra vụ án theo thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định;

- Tham gia vào quá trình điều tra và trong những trường hợp cần thiết trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Cho phép nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên được khởi tố vụ án hình sự;

- Cho phép nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên được đệ trình trước Toà án đề nghị việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn hoặc tiến hành các hoạt động tố tụng khác nếu các hoạt động này chỉ được tiến hành trên cơ sở quyết định của Toà án;

- Quyết định thay đổi Kiểm sát viên cấp dưới, Dự thẩm viên, nhân viên điều tra ban đầu khi có khiếu nại cũng như khi những người này tự đề nghị thay đổi;

- Không cho phép nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên được tiếp tục tiến hành điều tra nếu họ vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga trong quá trình điều tra vụ án;

- Lấy bất kỳ vụ án nào từ cơ quan điều tra ban đầu và chuyển cho Dự thẩm viên để tiến hành điều tra, chuyển vụ án từ Dự thẩm viên này cho Dự thẩm viên khác để tiến hành điều tra, chuyển vụ án từ cơ quan điều tra dự thẩm này cho cơ quan điều tra dự thẩm khác để điều tra theo thẩm quyền;

- Huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ hoặc trái pháp luật của Kiểm sát viên cấp dưới, của Dự thẩm viên, nhân viên điều tra ban đầu;

- Uỷ quyền cho cơ quan điều tra ban đầu tiến hành các hoạt động điều tra cũng như chỉ thị cho cơ quan điều tra ban đầu tiến hành các biện pháp truy nã nghiệp vụ;

- Gia hạn thời hạn điều tra;

- Phê chuẩn quyết định của nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên về việc đình chỉ hoạt động tố tụng đối với vụ án;

- Phê chuẩn bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố và chuyển vụ án cho Toà án;

- Trả lại vụ án cho nhân viên điều tra ban đầu, Dự thẩm viên để tiến hành điều tra bổ sung;

- Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án;

- Thực hiện những thẩm quyền khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga.

Trong quá trình xét xử vụ án, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm việc buộc tội có căn cứ và đúng pháp luật. Việc tham gia phiên toà của Kiểm sát viên là bắt buộc đối với các vụ án công tố và các vụ án công-tư tố (đối với những vụ án tư tố thì người bị hại thực hiện việc buộc tội trong quá trình xét xử). Trong quá trình tham gia xét xử, Kiểm sát viên có quyền khởi tố vụ kiện dân sự hoặc bảo vệ đơn kiện dân sự trong vụ án hình sự nếu thấy cần thiết phải bảo vệ các quyền của công dân, lợi ích của nhà nước, của xã hội. Nếu trong quá trình xét xử Kiểm sát viên khẳng định rằng những chứng cứ được đưa ra không chứng minh được việc buộc tội bị cáo thì Kiểm sát viên từ chối việc buộc tội và thông báo cho Toà án về lý do của việc từ chối. Việc Kiểm sát viên từ chối toàn bộ hoặc một phần nội dung buộc tội trong quá trình xét xử dẫn đến đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ việc truy tố hình sự.

Trong các giai đoạn tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án, Kiểm sát viên có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và có trách nhiệm tham gia phiên toà phúc thẩm, giám đốc thẩm. Trong trường hợp có căn cứ để tiến hành tái thẩm đối với vụ án thì Kiểm sát viên ra quyết định tiến hành tái thẩm, tiến hành kiểm tra, thu thập bản sao bản án và chứng thực của Toà án về việc bản án đã có hiệu lực. Kiểm sát viên có thể tiến hành điều tra các tình tiết mới hoặc uỷ quyền cho Dự thẩm viên tiến hành điều tra. Đây là một trong những điểm khác biệt của Liên bang Nga so với nhiều nước, khi mà thẩm quyền quyết định việc tiến hành tái thẩm ở nhiều nước được giao cho Toà án.

Nhìn chung, thẩm quyền của Viện kiểm sát ở giai đoạn trước khi xét xử là tương đối lớn, bao gồm các hoạt động chỉ đạo điều tra trong quá trình truy tố hình sự và các hoạt động giám sát hoạt động điều tra. Còn trong giai đoạn xét xử, thẩm quyền của Viện kiểm sát chỉ hạn chế ở việc thực hành quyền công tố tại toà và kháng nghị. Viện kiểm sát không thực hiện việc giám sát hoạt động xét xử của Toà án.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, ngoài sự tham gia của Kiểm sát viên trong tất cả các vụ án, thì sự tham gia của các Dự thẩm viên của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết một số loại án hình sự cụ thể có vai trò rất quan trọng. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga, Dự thẩm viên của Viện kiểm sát được giao thẩm quyền điều tra đối với rất nhiều loại tội phạm khác nhau (khoảng hơn 80 loại tội được quy định trong Bộ luật hình sự Liên bang Nga) và tất cả các loại tội phạm do một số chủ thể đặc biệt thực hiện (như đại biểu các cơ quan lập pháp, Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, Thẩm phán, Luật sư, những người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan An ninh, Tình báo, Nội vụ…, kể cả Tổng thống Liên bang Nga đã từ nhiệm). Khi tiến hành điều tra vụ án, Dự thẩm viên (của Viện kiểm sát cũng như của các cơ quan An ninh, Nội vụ Liên bang Nga)  có các thẩm quyền sau:

- Khởi tố vụ án hình sự;

- Tự mình tiến hành các hoạt động điều tra và các hoạt động tố tụng khác, trừ những trường hợp phải có quyết định của Toà án và (hoặc) phê chuẩn của Viện kiểm sát;

- Uỷ quyền bằng văn bản cho cơ quan điều tra ban đầu yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các biện pháp truy nã nghiệp vụ, tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện quyết định bắt giữ, triệu tập, khám xét và thực hiện những hoạt động tố tụng khác cũng như nhận được sự phối hợp của cơ quan điều tra ban đầu trong những trường hợp và theo thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga quy định.

6.Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong tố tụng dân sự

Trong số những chức năng khác của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 1 Luật VKS Nga 1996, việc tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự có vị trí quan trọng. Đặc trưng của sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự thể hiện ở chỗ: Viện kiểm sát không thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án, Viện kiểm sát hướng tới Tòa án như một phương tiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những đối tượng mà sự vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp ấy có ảnh hưởng nghiêm trọng về phương diện xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà tại khoản 4 Điều 27 Luật VKS Nga 1996 có quy định: “Trong trường hợp việc vi phạm quyền tự do và các quyền khác của con người và của một công dân nói chung được bảo vệ theo trình tự tố tụng dân sự, khi người bị hại vì lý do sức khỏe hay vì tuổi tác đã cao hay do một số nguyên nhân khác không tự bảo vệ quyền lợi trước phiên tòa hoặc khi vi phạm quyền tự do và các quyền khác của nhiều công dân hay trong một số tình huống đặc biệt khác việc vi phạm có ảnh hưởng nghiêm trọng về phương diện xã hội, thì Kiểm sát viên khởi kiện đến Tòa án và trong các phiên tòa ấy, Kiểm sát viên sẽ bảo vệ lợi ích cho người bị hại”.

Cụ thể hóa quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật VKS Nga 1996, tại Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga (Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga được Duma quốc gia thông qua ngày 23 tháng 10 năm 2002 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2003) đã quy định:

1. Kiểm sát viên có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân, của tập hợp người không xác định, lợi ích của Liên bang Nga, chủ thể Liên bang Nga, các tổ chức tự quản địa phương. Kiểm sát viên chỉ khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân trong trường hợp công dân đó không thể tự mình khởi kiện vì lý do sức khoẻ, tuổi tác, không có năng lực hành vi hoặc vì những lý do chính đáng khác.

2. Khi khởi kiện kiểm sát viên có quyền và nghĩa vụ tố tụng như nguyên đơn, trừ quyền hoà giải và nghĩa vụ trả lệ phí. Trong trường hợp kiểm sát viên rút đơn khởi kiện yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích của người khác thì việc giải quyết vụ án vẫn tiếp tục nếu nguyên đơn hoặc người đại diện của nguyên đơn không rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp nguyên đơn rút đơn kiện, Toà án đình chỉ vụ án nếu điều đó là không trái pháp luật hoặc không vi phạm đến quyền và lợi ích của những người khác.

3. Với mục đích thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, kiểm sát viên tham gia tố tụng và phát biểu kết luận đối với những vụ án liên quan đến việc buộc đi ở nơi khác, yêu cầu khôi phục việc làm, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ, hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này và luật liên bang quy định”.

Theo quy định của Điều 45 Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga, có hai hình thức tham gia của Kiểm sát viên trong tố tụng dân sự:

- Thứ nhất, Kiểm sát viên tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người “châm ngòi”, người khởi động các thủ tục xét xử sơ thẩm, chống án, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bằng việc đệ đơn khởi kiện, đơn kháng kiện (đơn đề nghị chống án, đơn đề nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đối với bản án, quyết định không có căn cứ của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm.   

- Thứ hai, Kiểm sát viên tham gia vào tiến trình tố tụng (do người khác khởi kiện) và phát biểu kết luận đối với những vụ án liên quan đến việc buộc đi ở nơi khác, yêu cầu khôi phục việc làm, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm tính mạng hoặc sức khoẻ, hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này và luật liên bang quy định.

Tuy nhiên, cần lưu ý là, dù tham gia tố tụng dân sự dưới hình thức nào thì việc tham gia của Kiểm sát viên không phải là để bảo vệ lợi ích của riêng Viện kiểm sát mà là nhân danh Liên bang Nga để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng cũng như lợi ích của một số người khác và của tập hợp người không xác định, vì lợi ích của những người này cũng có tính chất công và mang ý nghĩa xã hội. Cùng với sự tham gia của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự, sự tham gia của Kiểm sát viên trong tố tụng dân sự là sự tiếp tục khẳng định những mục đích hoạt động của Viện kiểm sát Liên bang Nga là nhằm “bảo đảm tính tối cao của luật pháp, sự thống nhất và củng cố pháp chế, bảo vệ quyền tự do và các quyền khác của con người và của công dân, cũng như các lợi ích của xã hội và nhà nước được luật pháp bảo vệ” (khoản 2 Điều 1 Luật VKS Nga 1996). 

Danh mục tài liệu tham khảo

- Hiến pháp Liên bang Nga (Hiến pháp Liên bang Nga được toàn dân bỏ phiếu thông qua ngày 12/12/1993 và có hiệu lực kể từ ngày công bố chính thức sau khi có kết quả bỏ phiếu), bản tiếng Nga; 

- Luật Liên bang về Viện kiểm sát Liên bang Nga (được Đu ma quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 18 tháng 10 năm 1995 và được Tổng thống Liên bang Nga công bố ngày 17 tháng 11 năm 1996), bản dịch tiếng Việt của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Bình luận Luật Liên bang về Viện kiểm sát Liên bang Nga (Chủ biên: J. I. Scuratov, Nxb. Norma, Mátxcơva, 1996), bản tiếng Nga;

- Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga (được Đuma quốc gia Liên bang Nga thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2001, được Hội đồng Liên bang phê chuẩn ngày 05 tháng 12 năm 2001, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2002), bản tiếng Nga;

- Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga (Bộ luật tố tụng dân sự Liên bang Nga được Duma quốc gia thông qua ngày 23 tháng 10 năm 2002 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2003), bản tiếng Nga;

- Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại (Rene David, Nxb. “Quan hệ quốc tế”, Mátxcơva, 1999), bản tiếng Nga;

- Thể chế tư pháp (Chủ biên: I. L. Petruxin, Nxb. “Prospekt”, Mátxcơva, 2003), bản tiếng Nga.

- Giáo trình Luật tố tụng dân sự Liên bang Nga (Chủ biên: V. V. Jarcov, Nxb. Wolterskluwer, Mátxcơva, 2004),bản tiếng Nga;

- Giáo trình Luật tố tụng hình sự Liên bang Nga (Chủ biên: A. V. Grinenco, Nxb. Norma, Mátxcơva, 2004),bản tiếng Nga.   

 

Tìm kiếm