Ngày 13/12/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở VKSND tối cao và kết nối trực tuyến đến 817 điểm cầu trong toàn Ngành.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính có các đại biểu khách mời, gồm đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, đồng chí Hồ Đức Anh. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Lãnh đạo, công chức, viên chức của các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự các cấp, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, thời gian vừa qua, VKSND tối cao đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đánh giá sơ kết 8 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân. Trong đó, đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ban, ngành ở địa phương tổ chức nhiều Hội thảo để trao đổi, thảo luận, đánh giá về kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ các quy định của luật, cũng như thực tiễn thi hành và áp dụng các quy định của hai đạo luật trên, trên cơ sở đó đề ra giải pháp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ, khắc phục. Những nội dung này đã được VKSND tối cao tổng hợp đầy đủ trong dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và gửi đến các đơn vị trong toàn Ngành để nghiên cứu góp ý hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị các đại biểu thảo luận, góp ý kỹ các nội dung của báo cáo, nhất là những khó khăn, bất cập phát sinh trong thực tiễn thực hiện và bám sát vào các chủ trương, định hướng mới của Đảng để từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, VKSND tối cao sẽ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tại Hội nghị, các đại biểu được xem video clip dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Trong đó nêu rõ, qua rà soát, Bộ luật Tố tụng hình sự cơ bản bảo đảm tính phù hợp, khả thi và phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Các vướng mắc, bất cập xuất phát từ một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự là đạo luật lớn, phức tạp, quy định nội dung liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của nhiều cơ quan nên quá trình xây dựng vẫn còn một số thiếu sót, chưa thật sự phù hợp, thống nhất. Thứ hai, tại thời điểm ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều đạo luật có liên quan cũng được triển khai xây dựng nên chưa dự liệu được hết các tình huống phát sinh để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Thứ ba, nguồn lực dành cho công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động này.
Dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Tổ chức VKSND năm 2014 nêu rõ, tại thời điểm ban hành (vào năm 2014), các quy định của Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm tính khả thi, đã đi vào thực tiễn cuộc sống, là nền tảng pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp kể từ thời điểm có hiệu lực thi hành đến nay.
Tuy nhiên, qua rà soát, có 21/101 điều luật còn có hạn chế, bất cập, tập trung vào các nhóm vấn đề như sau: Chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của VKSND cấp cao trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Tòa án nhân dân. Việc sắp xếp, bố trí biên chế, Kiểm sát viên chưa bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay. Quy định về các điều kiện bảo đảm chưa phù hợp với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong bộ máy Nhà nước, chưa tương xứng với yêu cầu về trách nhiệm cũng như hiệu quả công tác mà Đảng và Nhà nước đặt ra đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung trong dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Các ý kiến đều đảm bảo bám sát thực tiễn, khách quan, đánh giá toàn diện các quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào các nội dung về tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật thực tiễn thi hành; nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ nhằm hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tổ chức VKSND năm 2014, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành trong thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao nội dung 02 dự thảo Báo cáo được trình bày tại Hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh, Bộ luật Tố tụng hình sự đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cơ chế hữu hiệu để phát hiện chính xác, xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Để hoàn thiện nội dung các Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát 02 đạo luật, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu đơn vị tham mưu, chủ trì soạn thảo Báo cáo là Vụ 14 VKSND tối cao nghiên cứu đưa vào dự thảo Báo cáo những vấn đề như: Rà soát một số quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có liên quan; vấn đề thẩm quyền giám đốc thẩm; thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện; trách nhiệm của Công an cấp xã; thời điểm phù hợp sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 là 02 đạo luật tiến bộ, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, khẳng định được vai trò tích cực trong công tác phòng chống tội phạm và trong việc xây dựng, cải cách cơ quan tư pháp. Với yêu cầu, định hướng mới trong giai đoạn hiện nay về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm đã đặt ra nhiệm vụ, yêu cầu rà soát đối với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức VKSND và cả những đạo luật tư pháp khác.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh đánh giá cao các ý kiến phát biểu, thảo luận được trình bày tại Hội nghị và nhấn mạnh, về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với nội dung dự thảo Báo cáo, đặc biệt là các đánh giá về ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức VKSND.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Vụ 14 VKSND tối cao tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện báo cáo để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đảm bảo đúng tiến độ.