Ngày 25/4/2025, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Toạ đàm về quy định của Luật tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và thực tiễn áp dụng hiện nay. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo buổi Toạ đàm. Đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ 13 và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Toạ đàm.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu tại Tọa đàm
Tham dự Toạ đàm có đại diện 15 đơn vị thuộc VKSND, Toà án nhân dân và Công an các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc phát sinh nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hoà Bình; đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao và đại diện một số đơn vị thuộc VKSND tối cao. Toạ đàm có sự tham dự của đại diện VKSND tối cao Trung Quốc theo hình thức trực tuyến.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật tương trợ tư pháp năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn. Luật tương trợ tư pháp năm 2007 hiện hành điều chỉnh cả 04 lĩnh vực là tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, nhưng những lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, có sự khác nhau lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, tính chất và nguyên tắc hợp tác.
Do đó, để đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và chuyển đổi số, cũng như thực tiễn phát triển của hoạt động tương trợ tư pháp, các quy định về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực nói chung và các quy định của Luật tương trợ tư pháp về hình sự cần được hoàn thiện một cách chuyên sâu và toàn diện hơn. Theo đó, VKSND tối cao được giao nhiệm vụ xây dựng Dự án Luật tương trợ tư pháp về hình sự, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10. Vì vậy, Vụ 13 VKSND tối cao phối hợp với cơ quan UNODC tại Việt Nam tổ chức Toạ đàm để các đại biểu đến từ các ngành, đơn vị khác nhau liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự được chia sẻ, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tiễn áp dụng các quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực hình sự; từ đó có thể đưa ra các biện pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Vụ 13 VKSND tối cao tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu và hoàn thiện các quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp về hình sự trong quá trình xây dựng dự án Luật tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, đại diện UNODC tại Việt Nam
phát biểu tại Tọa đàm
Tại bài phát biểu, bà Nguyễn Nguyệt Minh, đại diện UNODC tại Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý về tương trợ tư pháp trong bối cảnh tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng tinh vi và phức tạp. Trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế về hình sự không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu. UNODC đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng dự thảo Luật và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chuyên môn, kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo đạo luật khi ban hành đạt hiệu quả thực tiễn cao nhất.
Tại Toạ đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Vụ 13 VKSND tối cao trình bày tổng quan pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp hình sự và thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay; đại diện VKSND tối cao Trung Quốc giới thiệu Luật tương trợ tư pháp hình sự quốc tế của Trung Quốc bằng hình thức trực tuyến; đại diện Cơ quan UNODC giới thiệu một số nội dung của Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và chia sẻ nội dung Luật tương trợ tư pháp của Hàn Quốc thông qua video clip. Đặc biệt, Toạ đàm đã được nghe đại diện Vụ 13 VKSND tối cao giới thiệu dự thảo Luật tương trợ tư pháp về hình sự đang được trình Quốc hội, cụ thể là những điểm mới của dự thảo so với Luật tương trợ tư pháp hiện hành.
Quá trình tham dự Toạ đàm, các đại biểu có cơ hội thảo luận, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới. Đặc biệt, ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự tại buổi Toạ đàm và ý kiến chia sẻ của đại diện UNODC đối với dự thảo Luật tương trợ tư pháp về hình sự sẽ được VKSND tối cao nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật tương trợ tư pháp về hình sự trình Quốc hội tại kỳ họp tới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự trong thực tiễn.