CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

02/11/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Chính phủ ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2020.

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục hải quan; vi phạm các quy định của pháp luật về kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; vi phạm các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa (Ảnh: tapchitaichinh.vn)
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hàng hóa (Ảnh: tapchitaichinh.vn)

Xử phạt đối với hành vi trốn thuế theo Nghị định số 128/2020/NĐ-CP

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định này, các hành vi trốn thuế bao gồm:

- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu.

- Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được Bộ Tài chính, cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế theo quy định.

- Vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 9 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm.

- Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất.

- Khai sai so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về lượng, chủng loại, sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất; hàng tái xuất.

- Không kê khai về nguyên liệu, vật tư mua trong nước có thuế xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công xuất khẩu; khai sai phần trị giá nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công làm tăng số tiền thuế được miễn đối với sản phẩm gia công khi nhập khẩu trở lại Việt Nam.

- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan.

- Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa.

- Không ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản thu, chi liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

- Bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng, định lượng, điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.

Người nộp thuế có một trong các hành vi vi phạm nêu trên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng; trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.

Nghiêm cấm hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia của Việt Nam

Căn cứ Điều 16 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP, hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc hàng hóa có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có số lượng từ 100 đơn vị sản phẩm hàng hóa trở lên.

Các mức xử phạt khác có thể từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (tang vật vi phạm có số lượng đến dưới 20 đơn vị sản phẩm hàng hóa); từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (tang vật vi phạm có số lượng từ 20 đến dưới 50 đơn vị sản phẩm hàng hóa); từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (tang vật vi phạm có số lượng từ 50 đến dưới 70 đơn vị sản phẩm hàng hóa); từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (tang vật vi phạm có số lượng từ 70 đến dưới 100 đơn vị sản phẩm hàng hóa).

Ngoài ra, người có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bị buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; người có thẩm quyền của cơ quan Hải quan; Bộ đội Biên phòng; lực lượng Cảnh sát biển (quy định cụ thể tại các điều 28, 29, 30, 31 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP) khi đang thi hành công vụ; hoặc người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, công chức thuộc cơ quan quy định tại các điều 28, 29, 30, 31 của Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.

Đối với những hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực hải quan xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều 28, 29, 30, 31, 32 Nghị định này khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định một số đối tượng được miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính như sau:

- Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn tiền phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

- Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực hải quan được miễn, giảm tiền phạt theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Lưu ý, không miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

NTH
Tìm kiếm