Ngày 21/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường truyền thông chính sách.
Chỉ thị nêu rõ, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
+ Thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.
+ Quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
+ Xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
+ Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.
+ Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.
- Văn phòng Chính phủ: Chủ động cung cấp thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí để thực hiện tốt, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện cơ chế, chính sách.
- Bộ Thông tin và Truyền thông:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí, truyền thông, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.
+ Đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số. Sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách.
+ Chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
+ Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí phải là dòng chảy chính.
+ Xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách và kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập các Tổ công tác xử lý sự cố, khủng hoảng truyền thông trong trường hợp cần thiết.
- Bộ Tư pháp:
+ Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện tốt Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có tăng cường truyền thông chính sách.
- Bộ Nội vụ: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông, bảo đảm phù hợp.
- Bộ Ngoại giao: Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai công tác truyền thông chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
- Bộ Tài chính: Bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách của các bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông chính sách; tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để tạo hiệu quả truyền thông chính sách.