Ngày 15/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 (Chương trình).
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài với Việt Nam. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa,...
Đối tượng của Chương trình gồm:
- Di sản văn hóa thế giới, di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia;
- Di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận; di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc nguy cơ mai một;
- Các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa sáng tạo; đội tuyên truyền lưu động; các đồn Biên phòng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em;
- Đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa;
- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Chương trình đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.
- Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc: Đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới; đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo, nghiên cứu khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa: Tăng cường năng lực cơ sở vật chất, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và các địa phương không tự cân đối được ngân sách. Nghiên cứu phát triển tổ hợp Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn quốc gia; xây dựng Dàn nhạc dân tộc quốc gia Việt Nam. Tăng cường năng lực hoạt động thư viện số. Hoàn chỉnh hệ cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu thư viện Việt Nam, tài nguyên thông tin mở và Trung tâm bảo quản tài nguyên thông tin số quốc gia, có khả năng liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài.
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân: Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực ứng xử của người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số. Xây dựng và hỗ trợ phát triển không gian trải nghiệm sách đa phương tiện hiện đại phục vụ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại thư viện cấp tỉnh, thư viện cộng đồng ở những địa phương chưa có thư viện cấp xã. Xây dựng và triển khai các hoạt động giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên Việt Nam, chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường.
- Phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa: Xây dựng chương trình khoa học nghiên cứu cơ bản về văn hóa, về văn hóa trong xã hội số, văn hóa đặc thù của các dân tộc, nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Nâng cao năng lực, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ quản lý văn hóa tầm chiến lược, hoạch định, tư vấn xây dựng chính sách phát triển ngành. Trọng dụng, tuyển dụng nhà khoa học, văn nghệ sĩ tài năng, nghệ nhân các ngành, nghề truyền thống tham gia công tác đào tạo, giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
- Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.
- Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới: Nâng cao năng lực vận hành, hoạt động của các trung tâm văn hoá Việt Nam tại Lào và Pháp. Tổ chức dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hỗ trợ các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội về hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, sản phẩm văn hóa Việt Nam, tiềm năng và thế mạnh của địa phương tới bạn bè quốc tế.
- Huy động nguồn lực và quản lý thực hiện Chương trình, đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Ưu tiên tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước; có cơ chế huy động các nguồn lực từ xã hội tham gia thực hiện Chương trình, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư cơ sở hạ tầng đối với phát triển văn hóa...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, kết quả và hiệu quả của Chương trình. Hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hiệu quả; sơ kết hằng năm, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp kế hoạch và đề xuất nhu cầu kinh phí sử dụng ngân sách trung ương thực hiện Chương trình hàng năm, theo giai đoạn gửi cơ quan có thẩm quyền; đề xuất dự toán và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trực tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước. Tổng hợp kiến nghị và đề xuất xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý, giám sát, cơ chế huy động và quản lý các nguồn lực xã hội hoá trong quá trình thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, phổ biến thông tin, tuyên truyền dưới các hình thức, sản phẩm phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ quản lý, thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình.
Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm: Chủ động cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, cũng như có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình tại địa phương. Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, xác định cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa; dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình; đối với các khu đô thị mới, ưu tiên bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình...