CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chủ tịch nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền

18/03/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáng 17/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: "Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Chủ tịch nước chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền - Ảnh 1.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội thảo quốc gia về xây dựng Nhà nước pháp quyền

Đây là hội thảo quốc gia lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo, tiếp sau hai hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua.

Dự hội thảo quan trọng này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ "Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam".

Đồng chí Phan Đình Trạc cũng cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được sự tham gia rất tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 40 bài tham luận rất công phu, có chuyên gia, nhà khoa học gửi 2-3 bài. Nội dung các bài tham luận rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá cho Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Trong một ngày hội thảo, các đại biểu đã tham luận, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần thực tiễn và khoa học về các chủ đề liên quan đến những vấn đề cốt lõi, đột phá chiến lược và những vấn đề mới, nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến 2030, định hướng đến 2045. Các đại biểu cũng đánh giá cao quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; đề cao đến tính khả thi trong các ý kiến đề xuất trên cơ sở bám sát đặc trưng cốt lõi của mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Sau một ngày lắng nghe, trao đổi, tiếp thu các tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực của Ban Nội chính Trung ương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các nhà khoa học, chuyên gia làm công tác thực tiễn đã chuẩn bị chu đáo, dành thời gian nghiên cứu, viết bài và bố trí thời gian tham dự hội thảo.

Phải tạo được các đột phá trong 3 khâu

Chủ tịch nước nhận xét, kết quả 3 cuộc hội thảo quốc gia về lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự thành công khi triển khai trên thực tế với một khối lượng thông tin rất lớn, rất có giá trị để chọn lọc, đưa vào nội dung của Đề án và Dự thảo Nghị quyết trình Trung ương.

Khái quát nội dung của cuộc hội thảo lần này, Chủ tịch nước nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh đến mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2045, hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền nhân dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cùng với đó là bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; có bộ máy Nhà nước tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền quản trị quốc gia hiện đại, kiến tạo phát triển; văn hoá pháp luật, ý thức pháp luật của xã hội được nâng cao…

Về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước cho rằng, để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá trong 3 khâu: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức quyền lực Nhà nước và cải cách tư pháp.

baochinhphu.vn
Tìm kiếm