CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chuyên gia: Mỗi ngày hơn 10 ca Covid-19 tử vong, Hà Nội không được chủ quan

19/02/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng mỗi ngày có đến 10 người tử vong thì thành phố Hà Nội cần kiểm soát, không để số mắc tăng cao nữa.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế việc số ca mắc Covidd-19 tại TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tăng vọt là điều đã được dự báo từ trước. Lý do là mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, biến thể lây lan nhanh, cộng thêm gia tăng đi lại của người dân tại tất cả các địa phương khi chúng ta phục hồi lại các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế…

"Chúng ta phải xác định số mắc thực tế còn cao hơn con số 3.000 - 4.000 ca/ngày. Vì rất nhiều trường hợp không có triệu chứng là nguồn lây âm thầm trong cộng đồng. Ngoài ra, có một bộ phận không nhỏ người dân xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo", TS Phu nói.

Chuyên gia cho rằng rất may là hiện nay TP vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở vẫn làm tốt chức năng của mình. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao, người dân đang có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K, đặc biệt là việc không đeo khẩu trang nơi công cộng. 

Chuyên gia: Mỗi ngày hơn 10 ca Covid-19 tử vong, Hà Nội không được chủ quan - 1
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tuân thủ 5K mọi lúc mọi nơi

Trong khi đó, không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine, số lượng này không lớn nhưng có.

Ngoài ra, khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. Lấy một ví dụ đơn giản để hình dung, nếu như trước khi tiêm vaccine 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỷ lệ tử vong.

"Đồng ý rằng chúng ta thả lỏng nhưng không buông lỏng, phải đặt y tế dự phòng lên hàng đầu, thay vì cấm đoán thì chúng ta tăng cường kiểm soát dự phòng. Nếu cứ thả lỏng, không dự phòng, y tế cơ sở, dự phòng không vào cuộc thì số ca nặng và tử vong sẽ đến mức độ nào?", TS Phu nhấn mạnh. 

Về con số tử vong thời gian qua, ông cho rằng cần phân tích, làm rõ. Những người tử vong do không tiêm là thuộc nhóm chống chỉ định tiêm hay do ý thức của người dân không tiêm. Chúng ta cần rà soát lại tất cả những đối tượng chống chỉ định, trì hoãn tiêm, đối tượng nào có thể tiêm được thì tiêm ngay. Trước đây, có những người già, có bệnh nền không chịu tiêm, bản thân cán bộ y tế cũng ngại nên giờ chúng ta phải kiểm tra lại tất cả những trường hợp chống chỉ định trước đó. 

Chuyên gia: Mỗi ngày hơn 10 ca Covid-19 tử vong, Hà Nội không được chủ quan - 2
Tình hình mắc Covid-19 tại nước ta theo nhóm tuổi, giới

"Già, bệnh nền là yếu tố gia tăng nguy cơ tử vong, nhưng nếu không mắc Covid-19 họ sẽ không tử vong. Khi đã mở cửa chúng ta chấp nhận số mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được. Không có bệnh dịch nào mà mỗi ngày chết hơn chục ca. Vì thế, chúng ta vẫn cần kiểm soát, trường hợp nào cần thiết phải nhập viện điều trị, giảm nguy cơ tử vong", TS Phu nhấn mạnh. 

Ông khuyến cáo người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập... 

Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường do bản chất của virus có đột biến liên tục và đã ghi nhận nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn (4-6 tháng xuất hiện biến thể mới). Bên cạnh đó, biến thể Delta, Omicron với tốc độ lây lan nhanh, rộng trên thế giới. Mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Nghị quyết số 128/NQ-CP các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại. 

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022, nước ta mở cửa chuyến bay thương mại, du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết..., vì thế nguy cơ tiếp tục xâm nhập các ca nhiễm biến thể Omicron. 

Nguồn: dantri.com.vn
Tìm kiếm