CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nỗ lực kiểm soát giá xăng dầu, tình trạng buôn lậu, hàng giả và ùn tắc hàng hóa

16/03/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáng 16/03, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tập trung vào 03 nội dung: (1) tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; (2) việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; (3) giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan.

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, bao gồm nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đất nước, trong đó có những vấn đề tương đối phức tạp, luôn được cử tri, nhân dân quan tâm.

Nhấn mạnh trong 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành công thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, bối cảnh bên ngoài không thuận lợi, một phần bị gián đoạn chuỗi cung ứng, phần khác vì xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt,…đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn

Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Công thương, dưới sự lãnh đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nỗ lực hết mình, chủ động, sáng tạo, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông ngay cả trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; cung ứng điện và hàng hóa thiết yếu khá đầy đủ, ổn định. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu và đã đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những nỗ lực nêu trên, Bộ trưởng cũng cho biết, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt gần 670 tỷ USD và đưa vào thực thi 3 Hiệp định thương mại tự do với EU, Vương quốc Anh và ERCCP, góp phần cùng cả nước vừa thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch có hiệu quả vừa phục hồi kinh tế - xã hội".

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nêu rõ, còn nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước của Bộ Công thương cần phải tập trung giải quyết. Trước hết là tình hình giá một số nguyên liệu, vật tư chiến lược, nhất là xăng dầu tăng cao; tình trạng buôn lậu, hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng; tình trạng ùn tắc hàng hóa tại biên giới.

Trước thực trạng hiện này, Bộ Công thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề nêu trên để bảo đảm đáp ứng đủ lương thực, đặc biệt là xăng dầu trong nước. Cụ thể, Bộ Công thương đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các đầu mối; kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài cao nhất. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều hành xăng dầu theo đúng quy định của Nhà nước, bám sát diễn biến giá thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng, nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đó, tình hình cung ứng xăng dầu được duy trì ổn định, nguồn cung xăng dầu 3 tháng đầu năm được bảo đảm và có phương án cụ thể, khả thi về nguồn cung đến hết quý II/2022 trong điều kiện năng lực sản xuất dầu trong nước vẫn chưa đạt được như cam kết.

Đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công thương đã ban hành và tham mưu Chính phủ sửa đổi, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hàng trăm đợt kiểm tra, kiểm tra đột xuất với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tấn công triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lớn. Qua đó, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực tại hầu hết các địa bàn nổi cộm, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể so với trước đây.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, Bộ Công thương đã cùng với các bộ, ngành liên quan kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc, trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh làm việc với các đối tác phía bạn thông qua nhiều hình thức trực tuyến và công thư để cùng tìm giải pháp, xử lý kịp thời. Bộ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết ùn tắc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng ban để phối hợp cho các bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mở lại và duy trì thông quan các cửa khẩu,... Nhờ những biện pháp này, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước tháo gỡ, lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán.

Báo cáo tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận, dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành Công thương cần tập trung tháo gỡ, khắc phục để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước./.

Lê Anh - Nghĩa Đức (quochoi.vn)
Tìm kiếm