Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới
Nghị định quy định rõ mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến chính trị. Cụ thể:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho người thuộc một giới tính nhất định khi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
- Xúi giục, lôi kéo người khác chỉ bỏ phiếu cho người thuộc một giới tính nhất định khi thực hiện các thủ tục lấy ý kiến về ứng cử viên để bổ nhiệm vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Xúi giục người khác trì hoãn, không cung cấp hoặc trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các thông tin, tài liệu, mẫu hồ sơ nhằm cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
- Xúi giục người khác trì hoãn hoặc trì hoãn thực hiện các thủ tục nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;
- Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
- Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Dùng vũ lực cản trở người tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới;
- Dùng vũ lực cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;
- Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản hoặc ép buộc người khác tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản nhằm cản trở việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiên giới;
- Không thực hiện việc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.
Trong đó, mức phạt cao nhất là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến y tế bị xử phạt tối đa 7 triệu đồng
Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến y tế được quy định như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới;
- Trì hoãn, không cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định các tài liệu cho người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cản trở hoặc không cho người khác tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới;
- Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần người tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực cản trở người khác tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế vì định kiến giới.
Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính
Nghị định số 125 quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến gia đình như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính;
- Đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Đe dọa dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính;
- Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực nhằm cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.