Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 02/5/2024 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Quảng Ninh tổ chức chung kết cuộc thi thực hành “Báo cáo án bằng sơ đồ” trong lĩnh vực hình sự năm 2024; VKSND tỉnh Tuyên Quang tổ chức cuộc thi về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; VKSND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng nghiệp vụ; VKSND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ năm 2024; VKSND tỉnh Đắk Lắk và VNPT ký kết Thoả thuận hợp tác chuyển đổi số…
VKSND tỉnh Quảng Ninh: Vừa qua, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức chung kết cuộc thi “Báo cáo án bằng sơ đồ” trong lĩnh vực hình sự năm 2024.
Với quan điểm lấy cán bộ, Kiểm sát viên và người lao động làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực để chuyển đổi số, VKSND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc thi nhằm tạo sự bứt phá, tiến tới hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối tượng dự thi là các Kiểm sát viên trung cấp, Phó Trưởng phòng thuộc VKSND tỉnh và Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện. Cuộc thi được chia làm hai vòng với các thể lệ và quy định cụ thể cho từng vòng nhằm đánh giá chính xác trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cũng như khả năng tư duy, xây dựng sơ đồ báo cáo án của các thí sinh.
Phát biểu khai mạc vòng chung kết cuộc thi, đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, thông qua cuộc thi, Lãnh đạo Viện có thể đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng công tác số hoá hồ sơ, lưu trữ hồ sơ điện tử, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.
Kết quả cuộc thi, đồng chí Trần Thị Minh Hảo, Phó Trưởng phòng 7 VKSND tỉnh đạt giải Nhất cuộc thi; đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hạ Long và đồng chí Nguyễn Huy Cường, Phó Viện trưởng VKSND thị xã Quảng Yên đạt giải Nhì; đồng chí Trương Thị Năm, Kiểm sát viên trung cấp Phòng 2 VKSND tỉnh, đồng chí Tô Mạnh Cử, Phó Viện trưởng VKSND huyện Tiên Yên và đồng chí Đinh Xuân Bình, Kiểm sát viên trung cấp Phòng 1 VKSND tỉnh đạt giải Ba.
VKSND tỉnh Tuyên Quang: Vừa qua, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ khai mạc cuộc thi về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp năm 2024 (vòng 2).
Cuộc thi được tổ chức theo 02 vòng: Vòng 1, các nhóm gửi bài thi về Hội đồng thi qua địa chỉ thư điện tử công vụ (bài thi gồm: Nội dung vụ án, vụ việc cụ thể do đơn vị thụ lý, giải quyết và xây dựng Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy). Kết thúc vòng 1, Hội đồng thi đã tổ chức chấm sơ khảo và lựa chọn 07 bài thi của 07 nhóm thi có tổng số điểm cao nhất để tiếp tục tham gia thi vòng 2.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng VKSND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay. Việc tổ chức cuộc thi là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết trong công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ nhằm nâng cao kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp. Đồng chí yêu cầu quá trình tổ chức cuộc thi phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng; thông qua kết quả cuộc thi nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, qua đó nâng cao chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Tuyên Quang.
Kết thúc cuộc thi, Hội đồng thi đã chấm điểm và lựa chọn các nhóm thi có số điểm cao nhất để đề nghị Viện trưởng VKSND tỉnh khen thưởng và tổ chức trao giải. Theo đó, nhóm thi Phòng 9 VKSND tỉnh với bài thi “Báo cáo đề xuất xét xử vụ án Tranh chấp chia di sản thừa kế” đạt giải Nhất; nhóm thi VKSND huyện Lâm Bình với bài thi “Báo cáo đề xuất truy tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” đạt giải Nhì.
VKSND tỉnh Bắc Ninh: Vừa qua, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng phát hiện vi phạm trong hoạt động kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án hình sự và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm án hình sự” bằng hình thức trực tiếp tại VKSND tỉnh và kết nối đến 08 điểm cầu VKSND cấp huyện.
Tại Hội nghị tập huấn, đồng chí Phạm Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao trực tiếp truyền đạt, trao đổi về kỹ năng phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án hình sự, đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự tại VKS hai cấp tỉnh Bắc Ninh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Uyên, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị VKSND hai cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị, quy định, quy chế và hướng dẫn của Ngành, đồng thời tiếp thu những kinh nghiệm mà đồng chí Phạm Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao đã trao đổi tại Hội nghị tập huấn để nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong hoạt động kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án hình sự.
VKSND tỉnh Hậu Giang: Vừa qua, VKSND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng nghiệp vụ về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ năm 2024.
Hội nghị được nghe đồng chí Dương Quốc Thái, Phó Trưởng phòng 1 trình bày Báo cáo chuyên đề “Kỹ năng nghiệp vụ về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ”. Tiếp dó, các đơn vị tiến hành tham luận, tập trung đánh giá về những tồn tại, hạn chế phát sinh qua thực tiễn áp dụng các văn bản pháp luật về công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ tại địa phương trong thời gian qua. Đồng thời phân tích, làm rõ thêm về những nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc, bất cập về công tác nghiệp vụ và đề xuất giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm việc triển khai tổ chức thực hiện được thống nhất, chặt chẽ, đúng pháp luật.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hải, Trưởng phòng 1 đã hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của VKSND cấp huyện trong việc áp dụng các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ của VKSND hai cấp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng VKSND tỉnh chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm VKSND hai cấp cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề ra giải pháp thực hiện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là với Cơ quan điều tra và Tòa án cùng cấp. Từ đó, xử lý kịp thời, chính xác, đúng pháp luật các vụ, việc phát sinh trong quá trình kiểm sát, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc tạm đình chỉ.
VKSND tỉnh Đắk Lắk: Vừa qua, VKSND tỉnh Đắk Lắk và VNPT Đắk Lắk đã ký kết Thoả thuận hợp tác nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh (giai đoạn 2024 - 2027).
Thoả thuận hợp tác đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ chuyên môn của VKSND tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, VNPT Đắk Lắk sẽ phối hợp xây dựng, triển khai chương trình hợp tác chuyển đổi số, hạ tầng số; xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai với lộ trình cụ thể; ưu tiên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng viễn thông - công nghệ với chính sách ưu đãi, phù hợp với quy định; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ chuyên gia về công nghệ thông tin cho VKSND tỉnh Đắk Lắk.
Theo kế hoạch, các bước triển khai sẽ được bắt đầu trong Quý II/2024 với các giai đoạn được lên kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
VKSND tỉnh Bến Tre: Thực hiện hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao về tổ chức hoạt động của các Cụm thi đua, Khối thi đua trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng VKSND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định thành lập Cụm thi đua Viện kiểm sát cấp huyện và Khối thi đua cấp phòng.
Vừa qua, Cụm thi đua cấp huyện do VKSND huyện Giồng Trôm làm Cụm trưởng và Khối thi đua cấp phòng do Phòng 8 làm Khối trưởng đã tổ chức Lễ ký kết Giao ước thi đua năm 2024.
Tại buổi Lễ, các đơn vị đã thông qua Kế hoạch phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024”. Trong đó, xác định công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thi đua, khen thưởng; các đơn vị sẽ tổ chức giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua và phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong Cụm, Khối thi đua.
Sau khi thảo luận, các đơn vị đã tiến hành ký kết Giao ước thi đua năm 2024 với quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đột phá, hoàn thành sớm các chỉ tiêu trong các khâu công tác.
VKSND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam: Vừa qua, Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm đã tổ chức phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ dịp Lễ 30/4.
Tại phiên họp, đại diện VKSND huyện đã phát biểu quan điểm, đánh giá về quy trình, thủ tục lập hồ sơ đề nghị, điều kiện về thời gian và việc thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án. Theo đó, các bị án đều thực hiện nghĩa vụ nộp án phí đầy đủ, tích cực lao động, học tập và chấp hành tốt nghĩa vụ tại địa phương, được Ủy ban nhân dân xã và Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Sau khi thảo luận, Hội đồng đã nhất trí toàn bộ quan điểm của VKS và quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo cho 18 bị án, xét giảm 03 tháng chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ cho 01 bị án.
Việc xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và xét giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không chỉ thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của chính sách pháp luật Việt Nam mà còn tạo động lực, khuyến khích các bị án phấn đấu cải tạo, hòa nhập tốt với cộng đồng để trở thành công dân tốt trong xã hội.