Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 29/5/2024 gồm những nội dung sau: VKSND tỉnh Sơn La phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến; VKSND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Quy chế phối hợp; VKSND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam kiến nghị phòng ngừa tội phạm về “tín dụng đen”; Lãnh đạo VKSND thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; VKSND các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình kiểm sát tại UBND xã và Chi cục thi hành án dân sự huyện.
VKSND tỉnh Sơn La: Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, vừa qua, VKSND tỉnh Sơn La phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến đối với vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Phiên tòa được tổ chức tại 2 điểm cầu: Điểm cầu trung tâm đặt tại Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La gồm Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; điểm cầu thành phần đặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La gồm bị cáo và trợ giúp viên pháp lý.
Tại phiên toà, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên đã đưa ra các câu hỏi logic, có tính chất xâu chuỗi, chứng minh hành vi của bị cáo kết hợp với công khai tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra. Bằng lý luận sắc bén, đại diện Viện kiểm sát đã bảo vệ thành công quan điểm truy tố, sau khi xem xét tính chất hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Kiểm sát viên đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo là Tử hình.
Sau phần xét hỏi và tranh tụng, trước những tài liệu, chứng cứ khách quan, thuyết phục được công khai tại phiên tòa, bị cáo Giàng A Sếnh đã thừa nhận hành vi phạm tội. Trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo hình phạt Tử hình.
Sau khi kết thúc phiên tòa, VKSND và Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm, thống nhất đánh giá việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đảm bảo sự tôn nghiêm, hiệu quả, tạo điều kiện cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và tuyên truyền pháp luật, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
VKSND tỉnh Hậu Giang: Ngày 27/5/2024, VKSND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Quy chế phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND tỉnh.
Tại Hội nghị, đồng chí Lương Văn Tiến, Chánh Thanh tra trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Quy chế, trong đó đánh giá thời gian qua, các Phòng nghiệp vụ đã thực hiện Quy chế trên tinh thần chủ động, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ được giao, việc phối hợp được đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả. Trong kỳ, VKSND tỉnh đã tiếp 147 lượt công dân, phân loại, xử lý 494 đơn, giải quyết 16 đơn thuộc thẩm quyền; kiểm sát việc giải quyết 30 đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Việc tiếp công dân, phân loại, xử lý, kiểm sát và giải quyết đơn thuộc thẩm quyền đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân.
Hội nghị đã ghi nhận các ý kiến thảo luận đối với dự thảo báo cáo và đề ra giải pháp để công tác phối hợp giữa các Phòng thuộc VKSND tỉnh ngày càng thực chất, hiệu quả, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khâu công tác này trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng VKSND tỉnh yêu cầu Lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung của Quy chế phối hợp; giao Thanh tra - Khiếu tố chủ động phối hợp với các Phòng nghiệp vụ có liên quan tham mưu Lãnh đạo Viện sửa đổi Quy chế phối hợp đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế tại đơn vị. Đối với công chức, Kiểm sát viên được phân công thực hiện công tác này phải chủ động, nâng cao trách nhiệm, nắm vững quy định pháp luật hiện hành, quy chế nghiệp vụ của Ngành để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
VKSND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam: Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, VKSND huyện Thanh Liêm nhận thấy tình hình tội phạm về “tín dụng đen” xảy ra trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng.
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, hành vi vi phạm, tội phạm liên quan đến cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nói riêng, Viện trưởng VKSND huyện Thanh Liêm đã ban hành văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể thực hiện các nhiệm vụ sau: Tuyên truyền, phổ biến để nhân dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm cho vay lãi nặng; quản lý chặt chẽ các công ty tư vấn tài chính, hiệu cầm đồ, những đối tượng quảng cáo cho vay trên tường bao, cột điện tại khu dân cư hoặc trên mạng xã hội. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, quản lý, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, trong đó có vi phạm, tội phạm cho vay lãi nặng. Chú trọng việc xác định các vụ án về hành vi phạm tội trong lĩnh vực này làm án trọng điểm, đưa ra xét xử tại địa bàn xảy ra tội phạm để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phòng ngừa chung. Tăng cường các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
VKSND thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương: Vừa qua, đồng chí Nguyễn Ngọc Đức, Kiểm sát viên trung cấp, Viện trưởng VKSND thành phố Chí Linh đã trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại 02 phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ đối với các vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm để làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm; tích cực tham gia xét hỏi để làm rõ nội dung vụ án; tập trung phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị mức hình phạt phù hợp.
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo tội danh và hình phạt phù hợp với đề nghị của đại diện VKS, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, có tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn thành phố Chí Linh.
Việc Lãnh đạo Viện trực tiếp tham gia xét xử các vụ án hình sự là một trong những hình thức đào tạo tại chỗ thiết thực để Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong đơn vị học tập, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.
VKSND các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình:
* Thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát năm 2024, vừa qua, VKSND huyện Quảng Trạch đã tiến hành kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại 04 xã trên địa bàn huyện gồm UBND các xã Quảng Thạch, Cảnh Hóa, Phù Hóa và Quảng Châu.
Qua các buổi kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại UBND các xã, Đoàn kiểm sát nhận thấy, các đơn vị đã quản lý tốt các đối tượng theo hồ sơ của Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Quảng Trạch bàn giao. Công an xã tham mưu cho UBND xã thực hiện tốt các biện pháp nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ bị án thực hiện quá trình thi hành án của mình, hồ sơ được lập đúng theo quy trình, thủ tục, riêng biệt cho từng bị án; định kỳ mỗi tháng một lần, các bị án đều có bản tự nhận xét về quá trình chấp hành án đúng theo quy định và đều có nhận xét của người được phân công giám sát, giáo dục; sổ theo dõi ghi chép đầy đủ, đúng theo biểu mẫu quy định. Tuy nhiên, tính đến thời điểm kiểm tra vẫn có 01 trường hợp bị án phạm tội mới trong thời gian chấp hành án tại địa phương.
Sau khi kết thúc kiểm sát, Đoàn đã hướng dẫn các đơn vị UBND và Công an cấp xã theo dõi, giám sát, giáo dục các bị án trên hồ sơ, sổ sách chặt chẽ hơn, nắm vững các quy định của pháp luật nhằm nâng cao công tác quản lý, đồng thời giúp các bị án nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ phải thực hiện, tránh trường hợp bị án tái phạm vi phạm.
* Vừa qua, VKSND huyện Lệ Thủy đã trực tiếp kiểm sát công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng đầu năm 2024 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lệ Thủy.
Tại buổi làm việc, đại diện Chi cục thi hành án dân sự huyện Lệ Thủy đã báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2024, đồng thời nêu ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của đơn vị trong công tác thi hành án dân sự.
Qua kiểm sát trực tiếp, VKSND huyện Lệ Thủy nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Lệ Thủy vẫn còn có một số vi phạm, tồn tại, VKS đã ban hành kết luận và kiến nghị yêu cầu Chi cục thi hành án dân sự huyện sớm khắc phục đối với các vi phạm, tồn tại để thực hiện tốt hơn nữa công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.