Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 01/4/2021 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Yên Bái quán triệt chuyên đề năm 2021 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị bản án sơ thẩm; VKSND tỉnh Bình Phước tổng kết cuộc thi Xây dựng bản luận tội tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Kiểm sát viên và triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng bản luận tội”…
VKSND tỉnh Yên Bái: Vừa qua, Đảng bộ VKSND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề năm 2021 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động thuộc Đảng bộ.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Xuân Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đã phổ biến nội dung chuyên đề năm 2021 về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp ngay từ đầu năm 2021.
Kết thúc Hội nghị, 100% cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động thuộc Đảng bộ đều viết bài thu hoạch cá nhân.
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng: Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hình sự Nguyễn Thị V phạm các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, do có kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.
Tóm tắt nội dung vụ án: Giữa tháng 10/2017, Nguyễn Thị V thuê một người có tên nickname Zalo là “Lâm Tùng” làm giả 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thị V với giá 25.000.000 đồng. Sau khi có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, V đến nhà chị M đặt vấn đề bán lô đất này với giá 3 tỷ đồng, chị M đồng ý. V đưa cho chị M xem bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả nêu trên, đồng thời V nói với chị M là giấy chứng nhận gốc của lô đất này do bà H (là thím của V) đang giữ, vì V thiếu nợ bà H 600.000.000 đồng. V hẹn chị M đến nhà bà H giao tiền để lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 21/10/2017, V đưa chị M đến nhà bà H. Tại đây, V đưa cho bà H 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà V đã làm giả trước đó và 1 tờ giấy ghi nội dung V mượn của bà H 600.000.000 đồng, nhờ bà H lên giao lại cho chị M và nhận 600.000.000 đồng. Sau khi nhận 2 loại giấy tờ do bà H đưa, chị M đã giao cho bà H số tiền 600.000.000 đồng rồi ra về trước, còn V ở lại lấy tiền từ bà H rồi đi về nhà chị M. Tại đây, V tiếp tục nhận của chị M số tiền 600.000.000 đồng và viết giấy nhận cọc sang nhượng đất với tổng số tiền là 1.250.000.000 đồng (bao gồm cả 50.000.000 đồng mà V mượn của chị M trước đó). Ngày hôm sau, chị M kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện là giả.
Với hành vi như trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 55 Bộ luật Hình sự, xử phạt Nguyễn Thị V 13 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Buộc Nguyễn Thị V chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 16 năm tù.
Thông qua công tác kiểm sát bản án, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm nêu trên, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo thủ tục phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật, vì cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, qua xét hỏi bị cáo và những người liên quan đã xác định, cấp sơ thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị V về các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc không đánh giá chứng cứ của vụ án để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà H với vai trò đồng phạm là bỏ lọt tội phạm, bởi lẽ giữa bà H và Nguyễn Thị V không có việc cầm cố, nợ nhau bất kỳ khoản tiền nào, nhưng bà H đã chủ động giúp sức cho V bằng cách giao giấy nhận nợ có nội dung thể hiện V nợ tiền của mình và đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đứng tên V cho chị M để nhận từ chị M số tiền 600.000.000 đồng.
Từ đó, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề nghị và được Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận toàn bộ kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
VKSND tỉnh Bình Phước:
* Ngày 31/3/2021, VKSND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị tổng kết cuộc thi Xây dựng bản luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và triển khai chuyên đề “Nâng cao chất lượng bản luận tội”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Bắc, Viện trưởng VKSND tỉnh biểu dương các thí sinh đã nhiệt tình hưởng ứng, tham dự cuộc thi. Đồng chí nhấn mạnh, cuộc thi đã phần nào đánh giá được bản lĩnh, khả năng và trình độ của Kiểm sát viên trong VKSND hai cấp, đây là hình thức tự đào tạo có hiệu quả của đơn vị, mục đích giúp lãnh đạo, Kiểm sát viên và công chức luôn học hỏi và trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phục vụ hiệu quả công việc được giao. Đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, các Kiểm sát viên, Chuyên viên và công chức Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục hưởng ứng, tham gia các cuộc thi về chuyên môn, nghiệp vụ do VKSND tỉnh tổ chức; lãnh đạo các đơn vị chú trọng hơn nữa các hình thức tự đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Hân, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đã đánh giá chất lượng, kết quả, đồng thời rút kinh nghiệm về những thiếu sót của cuộc thi. Cuộc thi có sự tham gia của 52 Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp. Cuộc thi được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo đúng quy chế thi, các thí sinh tham dự cuộc thi với tinh thần hăng hái, nhiệt tình. Nhìn chung, bài thi của các thi sinh đều đạt yêu cầu, nhiều thí sinh đạt điểm giỏi và khá nhưng vẫn còn một số bài thi có hạn chế, thiếu sót do chủ quan, nghiên cứu chưa sâu các quy định của pháp luật và quy chế của Ngành, cần rút kinh nghiệm.
Kết quả tổng kết cuộc thi có 4 bài thi đạt điểm cao nhất là 8,5 điểm. Theo đề nghị của Ban tổ chức cuộc thi, Hội đồng thi đua, khen thưởng VKSND tỉnh bình xét, đề nghị và được Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước chấp nhận, quyết định tặng Giấy khen cho các đồng chí nêu trên tại Hội nghị.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Minh, Trưởng phòng 1 đã triển khai nội dung chuyên đề “Nâng cao chất lượng Bản luận tội”. Chuyên đề nhấn mạnh: Hoạt động tranh tụng thể hiện quan điểm truy tố, cũng như những quan điểm xử lý tội phạm của Viện kiểm sát nói riêng và Nhà nước nói chung, đặc biệt kết quả của tranh tụng sẽ là căn cứ mang tính chất quyết định để Tòa án xem xét, ban hành bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xây dựng và trình bày bản luận tội là một trong những hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên. Chuyên đề nêu rõ thực trạng về công tác tranh tụng, việc xây dựng và trình bày bản luận tội của Kiểm sát viên VKSND hai cấp trong thời gian qua, phân tích cụ thể những thiếu sót, yếu kém và đưa ra 3 nhóm giải pháp chính nhằm khắc phục trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh giải pháp đào tạo và tự đào tạo, các Kiểm sát viên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu và vận dụng nghiêm túc các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng và kỹ năng xây dựng, trình bày bản luận tội nói riêng trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự.
* Ngày 26/3/2021, VKSND tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ công bố và trao quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh Văn Phòng VKSND tỉnh.
Tại buổi Lễ, đồng chí Đoàn Hữu Phụng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ công bố quyết định của Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước điều động, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Đức Đương, Kiểm sát viên trung cấp, Phó Viện trưởng VKSND thành phố Đồng Xoài giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng VKSND tỉnh, thời hạn 5 năm kể từ 01/4/2021.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Đoàn Văn Bắc, Viện trưởng VKSND tỉnh chúc mừng đồng chí Nguyễn Đức Đương và đề nghị trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục phát huy năng lực, bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đoàn kết cùng tập thể đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
VKSND huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: Ngày 26/03/2021, VKSND huyện Bắc Hà phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm mở rộng vụ án hình sự sơ thẩm đối với Lê Thị Minh Hà phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Bắc Hà: Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2014 đến tháng 10/2015, lợi dụng nhu cầu xin việc làm, xin đi học của nhiều người trên địa bàn huyện, Lê Thị Minh Hà, sinh năm 1968 đã chủ động đưa ra các thông tin không đúng sự thật về khả năng chạy điểm thi, xin đi học của bản thân để các bị hại tin tưởng đưa tiền cho Hà. Hà đã nhận của nhiều người với tổng số tiền là 445.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền, Hà không thực hiện việc chạy điểm thi, xin đi học như đã hứa hẹn mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên để chi tiêu cá nhân.
Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trên cơ sở đánh giá, phân tích tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Thị Minh Hà 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Kết thúc phiên tòa, đồng chí Phạm Thị Thúy Liên, Viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà đã chủ trì buổi họp rút kinh nghiệm với sự tham gia của các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên trong đơn vị. Các đồng chí tham dự phiên toà đã phát biểu đóng góp ý kiến đối với Kiểm sát viên về những ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử để ngày càng hoàn thiện hơn về kỹ năng nghiệp vụ.
Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời học hỏi, nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
VKSND huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai: Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ, VKSND huyện Đak Pơ nhận thấy: Năm 2019 và 2020, trong tổng số các vụ án dân sự mà Tòa án đã thụ lý, giải quyết có 1 vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, 1 vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm có liên quan đến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đak Pơ quản lý. Để có căn cứ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án nhân dân huyện Đak Pơ đã có công văn gửi các cơ quan chuyên môn này để đề nghị cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, các cơ quan này còn chậm trễ trong việc trả lời dẫn đến vụ án bị kéo dài, có vụ phải tạm đình chỉ giải quyết, gây rất nhiều khó khăn cho công tác giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Để pháp luật được thực thi một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, tránh những sai sót, hạn chế trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của các cơ quan chuyên môn theo yêu cầu của Tòa án và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải quyết các vụ án dân sự đúng với quy định của pháp luật, VKSND huyện Đak Pơ đã ban hành kiến nghị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo và quán triệt các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng quy định theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự, cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định khi Tòa án có yêu cầu.