Ngày 30/5/2024, Ban chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân ban hành văn bản số 2218/VKS-BCĐ138 về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024.
Theo đó, để hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6) với chủ đề “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn không ma tuý”, Lãnh đạo VKSND tối cao yêu cầu Viện kiểm sát quân sự Trung ương, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện cấp cao 1, 2, 3 và VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2024.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm về ma túy
Ban chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân yêu cầu Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định tích cực, chủ động tham gia phối hợp với các đơn vị chuyên trách đấu tranh phòng, chống ma túy khi tổ chức tiến hành mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; khi điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm thuộc địa bàn mình quản lý; lưu ý các địa phương có điểm “nóng” về ma túy, địa phương nằm trên tuyến biên giới giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc, các địa phương có đường tiểu ngạch, sân bay và cảng biển.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm về ma túy; kiểm sát chặt chẽ việc thu thập các tài liệu, chứng cứ được sử dụng làm căn cứ để xem xét việc phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng do Cơ quan điều tra đề nghị; phối hợp với các ngành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về ma túy; thống nhất xác định án trọng điểm về ma túy, kịp thời đưa vụ án ra xét xử. Thông qua các phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung xét hỏi, tranh tụng, luận tội; chú ý đến diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa phương, đánh giá, phân tích tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, nguyên nhân và hậu quả của hành vi phạm tội, đề xuất mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thực hiện, qua đó nâng cao ý nghĩa răn đe phòng ngừa chung.
Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử các vụ án về ma túy, các đơn vị chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, tồn tại, hạn chế và vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung để kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức rút kinh nghiệm, sửa chữa và khắc phục kịp thời, đưa ra biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm về ma túy.
Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể hữu quan tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
Các đơn vị chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể hữu quan tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; các kiến thức phòng, chống ma túy; hậu quả, tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp và ma tuý “núp bóng” các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử...; những phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy thường hay sử dụng nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa của quần chúng Nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tạo điều kiện cho thế hệ trẻ là hạt nhân trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trên nền tảng di động trong các hoạt động tuyên truyền.
Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị sự nghiệp trong Ngành quán triệt tới toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tuyệt đối không tham gia vào việc chứa chấp, sử dụng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất và các hành vi khác có liên quan đến ma túy; đồng thời có trách nhiệm với việc quản lý, giáo dục con, cháu và những người thân trong gia đình tránh xa hiểm họa khôn lường của ma túy. Tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống ma tuý tại địa bàn nơi đơn vị đặt trụ sở và địa bàn nơi công chức, viên chức, người lao động sinh sống.
Bảo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao và các VKSND địa phương cần tăng tần suất thông tin, lượng bài viết, bài nghiên cứu, trao đổi. Đăng tải bài viết, tác phẩm phản ánh về chức năng, nhiệm vụ của Ngành với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
Chú trọng nắm bắt thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin, truyền thông để chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết các vụ án ma túy lớn, phức tạp
Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma tuý (Vụ 4), Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) thuộc VKSND tối cao và các VKSND cấp cao theo chức năng, nhiệm vụ được giao chú trọng nắm bắt thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin, truyền thông để chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết các vụ án ma túy lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều bị can tham gia, bị can là người có quốc tịch nước ngoài do VKS cấp dưới thụ lý giải quyết, bảo đảm việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Kịp thời kiểm tra, hướng dẫn địa phương giải quyết khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tội phạm về ma túy.
Trong công tác kiểm sát việc chấp hành pháp luật tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại cải tạo, cần tăng cường hoạt động kiểm sát định kỳ hoặc đột xuất để nắm tình hình; phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng hoặc mua bán trái phép chất ma túy trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và Trại cải tạo, chủ động ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị để xử lý.
Đồng thời, phối hợp với Toà án nhân dân cùng cấp để tham gia kiểm sát đầy đủ các phiên họp xét Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm đúng đối tượng; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, ban hành kiến nghị đối với các cơ quan chức năng khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.