Ngày 04/7/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký Quyết định số 313/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân...
Quy chế gồm 03 Chương, 13 Điều, quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Quy chế này được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm:
a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Chánh Văn phòng được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi là Người phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao);
c) Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát ngôn (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
2. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm:
a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
b) Chánh Văn phòng được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi là Người phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao);
c) Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc Viện kiểm sát cấp cao phát ngôn (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao) hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
3. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm:
a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Chánh Văn phòng được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (sau đây gọi là Người phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh);
c) Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phát ngôn (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh) hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thực hiện phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
4. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm:
a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;
b) Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện ủy quyền cho Phó Viện trưởng (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Tổ chức họp báo.
2. Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Trang tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
3. Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên.
4. Gửi Thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
5. Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí ở trung ương, địa phương tổ chức khi có yêu cầu.
6. Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin không chính xác trên báo chí.
Xem toàn văn Quy chế tại đây.
Trường Giang
(Giới thiệu)